VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC VÀ CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC
Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi
đó là sự kết hợp chặt chẽ của sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, là
kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường của toàn Đảng, toàn quân
và dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh là vùng có vị trí
chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, là hậu phương của chiến trường
miền Nam nhưng đồng thời cũng là tiền tuyến trong chiến tranh phá hoại của đế
quốc Mỹ. Trong chiến công chung của dân tộc và quê hương, lực lượng Công an
tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong chiến đấu và phục vụ chiến
đấu, nổi bật là tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Sau Hiệp định Giơnevơ
1954, đất nước bị chia cắt 2 miền: miền Bắc tập trung xây dựng CNXH, miền Nam
tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc
giành nhiều thắng lợi to lớn và phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng lớn
mạnh, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình
Diệm đã phát động “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đàn áp phong trào nổi dậy
của đồng bào, tiêu diệt cơ sở cách mạng, hạn chế sự chi viện người và vũ khí
vào chiến trường miền Nam. Chúng tăng cường chiến tranh tâm lý, tổ chức lực
lượng gián điệp biệt kích tung ra miền Bắc nhằm móc nối, kích động đối tượng
phản động và các phần tử xấu phá hoại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc,
cho máy bay, tàu chiến bắn phá các tuyến đường giao thông, khu vực quân sự, kho
tàng, cản trở sự chi viện người, vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam
gây khó khăn, tổn thất cho ta.
Từ năm 1961, cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền
Sài Gòn ráo riết phát động chiến tranh gián điệp - biệt kích ra miền Bắc. Chúng
lợi dụng đặc điểm địa hình của Hà Tĩnh có đường biên giới và bờ biển kéo dài
nên đã tiến hành tung gián điệp biệt kích xâm nhập nhằm tiến hành các hoạt động
thu thập tình báo và phá hoại. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, lực lượng Công an Hà
Tĩnh đã chủ động nắm âm mưu địch, chuẩn bị địa bàn “đón lõng”, tổ chức vây bắt
các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập; tổ chức “trò chơi nghiệp vụ” điều khiển
trung tâm địch hoạt động theo kế hoạch và ý đồ của ta. Vì vậy, từ năm 1962 đến
năm 1973, Công an Hà Tĩnh đã tổ chức bắt và khống chế 20/23 vụ gián điệp, biệt
kích với hàng chục tên, thu hàng chục tấn hàng hóa, vũ khí và nhiều phương
tiện. Điển hình vào ngày 25/01/1967, phối hợp với dân quân nước bạn Lào, bắt
gọn toán gián điệp biệt kích mang mật danh “Hadley”. Để đấu tranh với địch,
dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh đã lập chuyên án “K50”, dùng kế
“câu nhữ địch”, từ tháng 01/1967 đến cuối tháng 6/1970, kết thúc chuyên án, lực
lượng công an Hà Tĩnh đã tổ chức bắt thành công 7 toán gián điệp biệt kích gồm
56 tên, thu toàn bộ tang vật. Có thể nói, thành tích, chiến công xuất sắc trong
công tác đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp
thời chặn đứng âm mưu và hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn cho
việc vận chuyển người, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam, được lãnh
đạo Bộ đánh giá cao.
Ngoài việc tung gián điệp biệt kích xâm nhập
vào địa bàn Hà Tĩnh để phá hoại, kẻ địch cũng tìm cách hình thành các tổ chức
phản động trong nội địa, âm mưu kích động gây bạo loạn, chống phá việc thực
hiện kế hoạch cải cách và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ,
Công an Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành cuộc vận
động quần chúng “khoanh vùng trấn phản”, phục vụ tốt việc trấn áp lực lượng
phản cách mạng ở 5 địa bàn trọng điểm và 68 địa bàn xã có tình hình phức tạp.
Tiến hành rà soát toàn diện công tác đấu tranh chống phản cách mạng, giữ gìn
trật tự an ninh theo phương châm “giữ bên trong trước, giữ dưới đất trước”.
Từ năm 1964, Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại
miền Bắc, Hà Tĩnh ở vào vị trí xung yếu, nằm trên con đường huyết mạch giao
thông quốc lộ 1A, đặc biệt có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi
Trường Sơn, nên quân đội Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt
đường tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam. Khi địch phát hiện tuyến giao thông
phía Bắc Hà Tĩnh còn đơn tuyến, nhiều nơi hiểm yếu, khó khắc phục nên chúng tập
trung đánh phá các huyện phía Nam nhưng vẫn không ngăn được sự chi viện của
miền Bắc. Vì vậy, chúng chuyển sang đánh phá các huyện phía Bắc với âm mưu đánh
vào giao thông vận tải một cách triệt để và toàn diện, chốt chặn một số trọng điểm,
kết hợp khống chế toàn tuyến nhằm cắt đứt tuyến giao thông vận tải đường bộ,
đường sắt, đường thủy; các hệ thống giao thông, kho tàng, bến bãi đều bị bắn
phá, nhiều cầu cống bị đánh sập, nhiều điểm nút giao thông bị bom đạn đào bới,
làm cho ta không sửa chữa kịp. Đặc biệt, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc
lần 2, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm nhằm hủy diệt sự sống hàng
loạt, dùng bom thủy lôi phong tỏa các cảng Xuân Hải, Cửa Sót, Cửa Nhượng, các
tuyến đường sông: Sông Lam, Sông La, Sông Ngàn Sâu…, các bến phà Linh Cảm, Địa
Lợi, Khe Giao. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an
toàn cho vật tư, hàng hóa trên các tuyến đường hướng ra tiền tuyến, Công an Hà
Tĩnh đã triển khai thực hiện theo phương châm “4 bám”: Bám sát mặt đường; bám
sát cầu phà; bám sát phương tiện, xe thuyền; bám sát kho tàng, bến bãi với tinh
thần “địch phá, ta sửa ta đi” và cao hơn nữa “địch phá ta cứ đi”. Chiến tranh
ngày càng diễn ra ác liệt, công tác bảo đảm giao thông vận tải ngày càng trở
nên khó khăn, phức tạp, nhưng lực lượng Công an Hà Tĩnh quyết tâm khắc phục khó
khăn, không sợ hy sinh gian khổ, ngày đêm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng
bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ trong công
tác thông đường, thông xe, giải tỏa hàng hóa ùn tắc để phục vụ yêu cầu của tiền
tuyến. Phối hợp với lực lượng công binh để rà phá bom trên
các tuyến giao thông đường bộ và phá bom thủy lôi trên các cửa biển, luồng
lạch, sông ngòi; đồng thời phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ
quốc gắn với nhiệm vụ chính trị. Do đó, mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng giao
thông vận tải vẫn thông suốt, chi viện kịp thời cho các chiến trường. Cùng với
việc bảo đảm giao thông thông suốt, lực lượng Công an còn làm tốt công tác bảo
vệ trật tự trị an, vận động và tổ chức nhân dân sơ tán, chiến đấu đánh trả máy
bay địch; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân;
phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ các tuyến giao thông huyết mạch, tài sản, hàng
hoá, vũ khí trong các kho tàng, bến bãi, các phương tiện giao thông vận tải bảo
đảm yêu cầu chi viện người, vũ khí, lương thực cho tiền tuyến.
Ngã ba Đồng Lộc nằm
trên đường Trường Sơn, với diện tích khoảng 50 ha nằm gọn trong một thung lũng
hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống
như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lăn xuống đường làm
cản trở giao thông. Sau khi quốc lộ 1A bị đánh phá, tất cả mọi con đường từ Bắc
vào Nam đều phải vượt qua Ngã ba Đồng Lộc và nơi đây được coi như yết hầu, vượt
qua được sẽ phân tán, tỏa ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Vì vậy,
trong một thời gian ngắn, địch đã dội xuống đây 2 vạn quả bom, trung bình 20
phút một trận bom làm đảo lộn cả địa hình, địa vật. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm
từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây gần 50.000 quả
bom các loại. Một phái đoàn của Pháp sau khi tham quan đã ví “Ngã ba Đồng Lộc
như một cung trăng, hố bom chằng chịt như miệng núi lửa”. Tại ngã ba Đồng Lộc,
quân dân Hà Tĩnh anh dũng chiến đấu với bom đạn của kẻ thù và đã xuất hiện
nhiều tấm gương cá nhân, tập thể dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo.
Tiêu biểu như: Anh hùng La Thị Tám - đếm từng loạt bom rơi, anh Vương Đình Nhỏ -
dũng sỹ phá bom nổ chậm, anh Uông Xuân Lý - lái máy xúc lấp hố bom; Trung đoàn
pháo cao xạ 210 thuộc sư đoàn 367 quân chủng phòng không không quân đã liên tục
chiến đấu với 1.075 trận lớn nhỏ, bắn rơi 14 máy bay địch. Đặc biệt là 10 cô
gái Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”…
Tại
chiến trường Đồng Lộc, Ty Công an Hà Tĩnh đã bố trí 01 Tiểu đội Cảnh sát giao
thông gồm 11 đồng chí do đồng chí Thượng sỹ Nguyễn Tiến Tuẩn làm Tiểu đội
trưởng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc.
Với địa bàn dài 15 km, từ cống số 19 đến Khe Út, địa hình nhiều đồi núi trọc,
cầu cống và truông lầy không thuận tiện cho việc ẩn nấp, điều kiện sinh hoạt vô
cùng khó khăn, thiếu thốn. Tại đây, địch đánh phá ác liệt, là chiến trường nóng
bỏng, là nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch trên mặt trận
bảo vệ giao thông vận tải. Để khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ trên
một địa bàn bị địch đánh phá ác liệt, cán bộ chiến sỹ Công an đã phải làm việc
liên tục cả ngày và đêm, không sợ hy sinh gian khổ, ngày đêm bám đường, bảo đảm
thông xe, thông tuyến, hướng dẫn cho hàng ngàn chuyến xe vượt qua trọng điểm an
toàn, nhanh chóng vận chuyển hàng hóa chi viện cho các chiến trường.
Trong
những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn Mỹ ở Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện
nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh. Tiêu
biểu là Tiểu đội trưởng Nguyễn Tiến Tuẩn, đồng chí là một chỉ huy dũng cảm,
quyết đoán, sáng tạo. Phải xử lý một tình huống rất ngặt nghèo: Đoàn xe 80
chiếc bị kẹt lại ở đoạn ngầm vừa cua vừa dốc, đường độc đạo xe đi đầu bị rơi
xuống hố bom, những xe sau không thể nào vượt lên được, số lượng mỗi lúc một
tăng dần, phương tiện thông tin liên lạc không có, chạy bộ theo đường ô tô mất
nhiều thời gian, chỉ còn cách duy nhất là chạy tắt qua cánh đồng hoang đầy bom
bi, bom từ trường, bom nổ chậm. Giữa đêm tối, đồng chí đã tháo súng, tháo thắt
lưng, bỏ hết những thứ kim loại trên người để tránh bom từ trường và dặn đồng
đội: “Tôi chạy theo đường tắt, nếu có tiếng bom nổ thì coi như tôi xong rồi,
đồng chí tiểu đội phó thay tôi. Bằng bất cứ giá nào cũng bảo đảm thông đường
cho xe qua”. Một quyết định thật dứt khoát, đồng chí đã vượt qua được bãi bom,
điều một chiếc xe Zin từ đầu đường bên kia sang kéo được chiếc xe bị mắc lên.
Rồi cũng chính đồng chí đã tổ chức phối hợp cùng các lực lượng đổ đá lấp hố
bom, giải phóng đường. Khi đoàn xe vừa vượt khỏi ngầm chừng mười phút thì 4 máy
bay địch đến dội bom.
Với
những chiến công xuất sắc tại chiến trường Đồng Lộc, Tiểu đội Cảnh sát giao
thông Ngã ba Đồng Lộc đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tuyên
dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn
được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ, chiến sỹ
được tặng thưởng các Huân, Huy chương cao quý khác.
Ngoài
ra, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm bảo đảm cho sự chi viện về sức
người và sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, được sự chỉ đạo của Bộ Công an,
Công an Hà Tĩnh đã điều động hàng trăm cán bộ có kinh nghiệm công tác, có tinh
thần cách mạng không sợ hy sinh gian khổ để chi viện cho an ninh các tỉnh phía
Nam. Giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1973, Công an Hà Tĩnh đã tăng cường 123 đồng
chí vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong đó, có 121 cán bộ chiến sỹ
tình nguyện vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam và ở lại bổ
sung lực lượng cho Công an các tỉnh sau ngày đất nước thống nhất. Quá trình
chiến đấu trên các mặt trận, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, có 52 đồng
chí đã anh dũng hy sinh, trong đó có nhiều đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được
hài cốt.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy cam go, quyết liệt, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã luôn sát cánh, hiệp đồng chiến đấu cùng với lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, du kích, cán bộ, nhân dân địa phương, nêu cao tinh thần chiến đấu, không sợ gian khổ, hy sinh để đánh địch, bảo vệ tài sản, phục vụ hoạt động chi viện chiến trường miền Nam. Cán bộ chiến sỹ Công an Hà Tĩnh luôn thể hiện bản lĩnh trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những thành tích, chiến công đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tô thắm thêm truyền thống, khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Đại tá Lê Văn Sao*
* Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh
Thêm ý kiến góp ý