Ngã ba Đồng Lộc nằm
trên con đường huyết mạch Bắc - Nam, là giao
điểm của quốc lộ 15A (chạy song song với quốc lộ 1A) và tỉnh lộ 2, thuộc địa phận xã
Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, 50 năm trước, vào thời gian Mỹ “ném
bom hạn chế” miền Bắc (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), đã diễn ra cuộc đọ sức
quyết liệt giữa một bên là đế quốc Mỹ với nỗ lực cao nhất ném bom đánh phá các
tuyến đường trọng điểm nhằm cắt đứt “mạch máu” giao thông Bắc - Nam, chặn đứng
sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, với một bên là
quân và dân trên địa bàn với tinh thần quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, nỗ
lực đánh phá của địch. Trong cuộc đọ sức lịch sử ấy, quân dân Ngã ba Đồng Lộc
đã chiến đấu dũng cảm, lao động quên mình;nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung
phong đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Đồng Lộc thân yêu. Tiêu biểu cho sự hy sinh
cao đẹp đó là 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đội 55, Đại đội
552) đã dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp mở đường, vận chuyển hàng hóa
ủng hộ tiền tuyến miền Nam. Chí khí kiên cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm,
sự hy sinh anh dũng, những đóng góp của các lực lượng quân và dân trên địa bàn
Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong, đã viết lên bài
ca chiến thắng, có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ đối với cuộc kháng chiến thời
điểm đó mà còn đối với cả hôm nay.
1. Chiến thắng Đồng Lộc góp phần làm thất bại
âm mưu cắt đứt con đường vận chuyển Bắc – Nam, ngăn chặn sự chi viện của hậu
phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam của đế quốc Mỹ
Trước thất
bại liên tiếp trên chiến trường hai miền Nam, Bắc, hòng cứu vãn tình thế, ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố ngừng ném bom ở phía
Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tuy nhiên, trên thực tế, từ sau khi tuyên bố ngừng ném bom ở phía Bắc, Mỹ dồn
toàn bộ hỏa lực vào vùng đất nhỏ
hẹp miền Trung, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20[1],
tập trung đánh phá các tuyến đường trọng điểm hòng “bóp nghẹt” các “điểm cuống
họng”, cắt đường, săn xe tải, nhằm chặn đứng sự chi viện của hậu phương miền
Bắc cho chiến trường miền Nam. Ngã ba
Đồng Lộc là một trong những “điểm cuống họng” trên con đường huyết mạch Bắc - Nam, trở thành một trong những trọng điểm đánh
phá ác liệt nhất của địch.
Với quyết tâm biến ngã
ba Đồng Lộc thành "điểm chết", bãi hoang, trong thời gian “ném bom hạn
chế”, Mỹ tăng cường tới mức tối đa dội bom hủy diệt địa bàn. Trong thời gian
này, địch đã “tăng số lần
ném bom lên 2,6 lần, mật độ bom tăng lên 20 lần"[2]
so với thời gian trước tháng 3/1968. Chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 4 đến
tháng 10/1968), Mỹ đã tiến hành hơn 2 vạn lần ném bom đánh phá địa bàn Hà Tĩnh,
bằng 71% tổng số lần đánh phá tỉnh cả thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ nhất
(1965-1968)[3];
trong đó, 1.863 lần ném bom xuống Ngã ba Đồng Lộc (bằng tổng số lần Mỹ ném bom
vào toàn tỉnh năm 1965) với gần 50.000 quả bom các loại (gấp 2 lần số lượng bom
Mỹ ném vào toàn tỉnh năm 1965). Bình quân mỗi tháng địch đánh phá 28 ngày, ngày
đánh phá nhiều nhất 103 lần, thả trên 800 quả bom[4].Với
cường độ đánh phá đó của đế quốc Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ
chết” trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam.
Nhận rõ âm
mưu, thủ đoạn thâm độc của địch và vị trí quan trọng của địa bàn, quán triệt
chủ trương, đường lối lãnh đạo kháng chiến của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà
Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương, huy động mọi lực
lượng dồn sức cho Đồng Lộc để tiêu diệt máy bay địch, rà phá bom, mìn, giải tỏa
điểm chốt, mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngày
14/5/1968, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Nghị quyết xác định đảm bảo giao thông
vận tải tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm số 1 của toàn Đảng bộ; xác định quyết
tâm chiến đấu đánh thắng mọi thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ, giữ vững mạch
máu giao thông trong mọi tình huống.
Để thực hiện
quyết tâm đó, Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường cán bộ cho Ban bảo đảm giao thông vận
tải các cấp; củng cố, tăng cường cán bộ cho phòng giao thông vận tải các huyện;
huy động tới mức cao nhất lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng vận tải,
dân quân, tự vệ và nhân dân các địa phương sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến
đấu, làm đường, san lấp hố bom….; chỉ đạo các tỉnh đội, huyện đội mở các lớp
hướng dẫn dân quân, tự vệ rà phá bom, mìn, thủy lôi.
Cùng với việc
xác định nhiệm vụ, quyết tâm, huy động lực lượng, tập huấn nghiệp vụ; Tỉnh ủy
chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; động viên cán bộ, đảng
viên và quân dân trên địa bàn giữ vững chí khí chiến đấu, quyết tâm đập tan mọi
âm mưu, thủ đoạn của Mỹ.
Để trực tiếp
chỉ đạo công tác giao thông trên địa bàn, Ban Chỉ huy giải tỏa giao thông tỉnh Hà
Tĩnh được thành lập, đồng chí Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính
tỉnh phụ trách. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom, bộ phận ứng
cứu đường, mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao
thông tại Ngã ba Đồng Lộc được thành lập.
Dưới sự lãnh
đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bảo đảm giao thông tỉnh và các
cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng quân dân trên địa bàn Ngã ba Đồng
Lộc đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên tuyến kiên cường bám trụ, chiến
đấu dũng cảm chống máy bay địch. Trong 7 tháng địch “ném bom hạn chế”, quân,
dân Ngã ba Đồng Lộc đã bắn rơi 19 máy bay Mỹ, phá 1.780 quả bom nổ chậm, huy
động được trên 970.000 ngày công san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, làm đường
tránh, đường mới; đào đắp trên 95.000 m3 đất đá, vận chuyển 45 m3 gỗ, cung cấp
trên 22.000 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy[5];
hoàn thành nhiều đường vòng, đường tránh như: Đường tránh từ Truông Kén đến Bói
Dịa dài 4 km; đường 70A, 70B dài hơn 20 km...
Nhờ làm được
nhiều đường tránh, đường vòng, san lấp hố bom, mở đường kịp thời, hàng hóa vận
chuyển vào Nam theo đường 15A, qua Ngã ba Đồng Lộc được lưu thông. Nhờ đó, năm
1968, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển vào miền Nam theo đường bộ, qua địa
bàn Hà Tĩnh đạt trên 122.500 tấn, xấp xỉ tổng khối lượng vận chuyển trong 2 năm
1965, 1966[6].
Riêng trong tháng 10/1968, toàn tỉnh đã vận chuyển được trên 76 nghìn tấn hàng
hóa vào Nam, bằng 70% khối lượng hàng qua khu vực trọng điểm. Mặt trận giao
thông vận tải Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh nói chung và Ngã ba Đồng Lộc nói
riêng luôn đảm bảo thông tuyến.
Với những
thành tích đạt được trong chiến đấu, trên mặt trận giao thông vận tải, quân dân
Ngã ba Đồng Lộc đã góp phần cùng quân dân cả nước và trong tỉnh đập tan âm mưu
biến Đồng Lộc thành “điểm chết”, cắt đứt mạch máu giao thông Bắc – Nam, chặn
đứng sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam của đế quốc
Mỹ.
2.
Chiến thắng Đồng Lộc - một điển hình của cuộc chiến tranh nhân dân, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt
Nam, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay noi theo
Nói đến cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước là nói đến cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại dưới sự lãnh đạo
của Đảng. Chiến tranh nhân dân không chỉ phản ánh đường lối, phương châm, nghệ
thuật lãnh đạo chiến tranh của Đảng mà nó còn là biểu hiện cao đẹp của truyền
thống yêu nước, đoàn kết; khát vọng độc lập, tự do; ý chí quyết tâm chiến đấu
chống xâm lược, giành độc lậpcủa toàn dân tộc.
Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng tuyệt
vời của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước. Ở đó, khắc họa lên hình ảnh một thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lý
tưởng, có trách nhiệm, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường vì sự nghiệp giải phóng
dân tộc; một hậu phương miền Bắc hừng hực khí thế, sẵn sàng hy sinh, dồn sức
chi viện cho miền Nam ruột thịt; một Hà Tĩnh kiên cường cùng quân dân cả nước chiến
đấu chống lại một tên đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Đặc biệt, những
đóng góp, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc là biểu
tượng cao đẹp cho người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng.
Trong cuộc chiến đấu sống
mái với quân thù ở Ngã ba Đồng Lộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn, hàng
nghìn bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng khác cùng các tầng lớp
nhân dân trong tỉnh, quân dân các xã thuộc huyện Can Lộc đã xung phong ra trận
địa, bám đường, bám vị trí, đoàn kết, chiến đấu ngoan cường, lao động quên mình
để chống lại mọi âm mưu, hành động phá hoại của đế quốc Mỹ[7].
Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các lực lượng quân dân trên địa
bàn đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn trả máy bay địch, san lấp hố bom, bốc dỡ
hàng hóa, bắc cầu, làm ngầm, mở rộng đường, làm đường vòng, đường tránh để đảm
bảo vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Trong nhân dân, phát động
phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc”;
thanh niên xung phong lăn xả với các phong trào “Địch đánh, ta sửa ta đi”, “ Địch đánh ta cứ đi”… Trong nỗ lực
chung của các lực lượng, phải kể đến sự đóng góp to lớn của nhân dân, lực lượng
dân quân du kích, thanh niên xung phong xã Đồng Lộc và các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc,
Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc…(huyện Can Lộc). Hàng vạn người
đã được được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, làm đường,
tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình
đã nhường nhà, vườn tược để làm kho, mở đường tránh, đường xế, làm nơi cứu
thương; không ít gia đình xung phong dỡ nhà, đưa ván ra lát đường, chống lầy
cho xe qua…
Bằng ý chí,
lòng dũng cảm và sự thông minh,mưu trí, quân dân Ngã ba Đồng Lộc đã bắn rơi
nhiều máy bay địch, phá hủy hàng nghìn quả bom, đóng góp hàng nghìn ngày công,
làm thêm nhiều km đường mới để thông tuyến.Trong chiến đấu, lao động, xuất hiện
tấm gương tập thể, cá nhân chiến sĩmưu trí, sáng tạo, dũng cảm lập công xuất
sắc được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như: Tiểu
đội 4 Đại đội 552 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng; đội
trưởng đội phá bom Vương Đình Nhỏ có nhiều sáng kiến phá bom từ trường, đã cùng
đồng đội phá 500 quả bom TN; Uông Xuân Lý nhiều lần dùng lưới gạt máy ủi đẩy
bom nổ chậm ra xa đường, giúp cho hàng trăm xe lăn bánh; La Thị Tám, chiến sĩ
cắm tiêu bom nổ chậm; Nguyễn Tiến Tuẫn, Tiểu đội trưởng cảnh sát giao thông, Võ
Trí Ân, Đại đội trưởng thanh niên xung phong; tập thể cán bộ, chiến sĩ Trung
đoàn pháo cao xạ 210 thuộc Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không- Không quân đã
chiến đấuliên tục trên 1.000 trận, bắn rơi 14 máy bay Mỹ[8]
trong thời gian Mỹ “ném bom hạn chế”.
Viết lên
trang sử hào hùng Ngã ba Đồng Lộc, 465 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng quân dân
trên địa bàn đã hy sinh quả cảm vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước. Riêng lực lượng Trung đoàn pháo cao xạ 210 có 122 cán bộ,
chiến sĩ hy sinh, 259 chiến sĩ bị thương[9].
Tinh thần
chiến đấu, những đóng góp và sự hy sinh của các lực lượng quân dân trên chiến
trường Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Việt Nam. Đó là hiện thân của lòng yêu nước, lý tưởng sống, tinh thần chiến đấu
dũng cảm; khát vọng, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân và thanh
niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Tiêu biểu cho tinh thần bất diệt ấy là
lòng quả cảm, nhân sinh quan, thế giới quan, sự hy sinh cao đẹp của 10 nữ thanh
niên Tiểu đội 4 thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng.
Các chị đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp kháng chiến trên quê hương.
Tên tuổi, những cống hiến, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh của “10 bông hoa
Đồng Lộc” mãi mãi là bản anh hùng ca trong lòng dân tộc Việt Nam.
Lịch sử đã lùi xa,
song, lý tưởng sống, tinh thần trách nhiệm, những đóng góp, sự hy sinh của các
lực lượng quân dân, nhất là lực lượng thanh niên xung phong trên chiến trường
Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành tấm gương sángcho các thế hệ thanh niên Việt Nam học
tập. Được sống trong điều kiện đất nước hòa bình, thế hệ trẻ Việt Nam cần khắc
sâu những cống hiến, sự hy sinh của cha anh trong các cuộc kháng chiến; lấy đó
làm động lực phấn đấu để trở thành người công dân có ích, góp sức vào công cuộc
xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Với đế quốc Mỹ và nhân
dân thế giới, chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc như một thông điệp khẳng định rằng,
cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược là chính
nghĩa; nhân dân Việt Nam, thanh niên Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng xả
thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên quyết chiến đấu chống lại kẻ thù xâm
phạm nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam có sức mạnh vô song, hoàn toàn có thể đánh bại
bất cứ một đế quốc xâm lược nào dù hùng mạnh đến đâu.
Không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ kháng chiến, ngày nay, chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc còn như một thông điệp gửi tới bạn bè thế giới rằng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng là giá trị cốt lõi, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam tiếp tục được phát huy dưới nhiều hình thức nhằm đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà*
TS Nguyễn Thị Xuân**
* Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
** Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1]Địa
bàn Khu IV. Mỹ gọi địa bàn Khu IV là “vùng cán xoong” của Việt Nam vì rất hẹp,
có nhiều “điểm tắc lý tưởng”.
[2] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh: Hà Tĩnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), xuất bản 12-1994, tr.92.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 2, 1954-1975,
Nxb CTQG, H, 1997, tr.164.
[4] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh: Hà Tĩnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), xuất bản 12-1994, tr.96.
[5] Đặng Thị Yến: Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2015,
tr.35, 36.
[6]Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 7/2007, tr.28.
[7] Tham gia bảo vệ Đồng Lộc có các lực
lượng: Pháo cao xạ,tên lửa, công binh, thông tin liên lạc của bộ đội Trường Sơn
và Quân khu IV; bưu điện, giao thông vận tải, cảnh sát giao thông, công an,
thanh niên xung phong của tỉnh và quân dân huyện Can Lộc, trong đó có xã Đồng
Lộc. Năm 1968, lực lượng thường trực chiến đấu bảo vệ Đồng Lộc có trên 3.000
người, trong đó, thanh niên xung phong trên 1.200 người…, Xem Đặng Thị Yến: Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb.
Quân đội nhân dân, H, 2015, tr.32, 33
[8]Đặng Thị Yến: Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2015,
tr.34, 35.
[9] Đặng Thị Yến: Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2015,
tr.34, 35
Thêm ý kiến góp ý