Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Dự báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong xung đột Nga - Ukraine

  

07:22 04/10/2024

Sau tiền lệ năm 1945 và những lần thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, xác suất xung đột hạt nhân đã giảm nhưng chưa bị triệt tiêu hoàn toàn. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ ấy cần tiếp tục được đánh giá từ mọi góc độ để nhân loại có thể chung tay ngăn ngừa tình huống xấu nhất trong tương lai gần và xa.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân tăng cao trở lại, lên mức kỷ lục

Xung đột Nga - Ukraine cho đến nay dù diễn ra trên quy mô lớn nhưng vẫn là một cuộc xung đột vũ trang quy ước mà trong đó các bên tham chiến vẫn sử dụng các loại vũ khí thông thường. Tuy nhiên, cuộc xung đột này hiện gắn liền với cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa từng thấy.

Tình huống nổ bom hạt nhân ở đô thị. Đồ họa: Wallpaper access.

Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, trong đó có số lượng khổng lồ các vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật. Kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine, điện Kremlin đã sử dụng sự răn đe hạt nhân để ngăn ngừa phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine, và Moscow đã thành công ở mức độ nhất định.

Mới đây, Nga đã có những động thái điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình. Vào ngày 25/9/2024, Tổng thống Nga Putin thông báo mở rộng khung kịch bản để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Giới lãnh đạo Nga có biên độ lớn trong cách giải thích hoàn cảnh triển khai thứ vũ khí đặc biệt này.

Mặc dù các tuyên bố hạt nhân của Nga thường được xem là mang tính chất tâm lý chiến, khả năng họ sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình huống thật là điều khó loại trừ hoàn toàn.

Vào đầu xung đột Nga - Ukraine, khi quân Nga gặp lúng túng nhất định ở khu vực thủ đô Kiev và những nơi khác, giới quan sát quốc tế đã lo ngại Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để xoay chuyển tình thế khó khăn lúc đó đối với họ.

Cộng đồng tình báo Mỹ (tập hợp nhiều cơ quan tình báo của nước này) từng đánh giá khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vào mùa thu năm 2022 lên tới mức 50% - có lẽ là mức cao kỷ lục.

Nhưng đó là tình huống khi Nga gặp khó khăn. Chuyên trang “Bulletin of the Atomic Scientists” (BAS, tạm dịch là “Bản tin của giới khoa học nguyên tử”, chuyên cập nhật thông tin nhằm ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân) đã đánh giá thêm một xu hướng nữa, đó là khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình huống Nga đang thắng thế.

Kịch bản thứ 2 về xung đột hạt nhân và giải pháp đàm phán ngăn chặn

BAS đánh giá hướng này trên cơ sở sự kiện lịch sử của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2, vào tháng 8/1945. Vào thời điểm đó, Mỹ quyết định thả 2 quả bom nguyên tử (tức bom A, phiên bản hạng nhẹ của bom hạt nhân) lên các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản khi nước này đang cận kề nguy cơ bị đánh bại hoàn toàn bằng vũ khí và phương thức quy ước nhưng vẫn nhất quyết không chịu ngừng chiến đấu và chấp nhận các điều kiện của Mỹ về đầu hàng.

Quyết định ném bom A của Mỹ đã bị lịch sử phán xét và gây ra nhiều tranh cãi trên nhiều phương diện cho tới tận ngày nay. Còn tại thời điểm quá khứ, xét về mặt chính trị thực dụng, quyết định này đã khiến Nhật Bản nhanh chóng chấp nhận đầu hàng Mỹ, đồng thời giúp Mỹ tránh được thương vong khi phải tiến hành đổ bộ quân sự lên các hòn đảo của Nhật Bản nhằm đánh bại và giải giáp quân đội nước này.

Hai quả bom đó cũng đã cho phép Mỹ áp đặt các điều kiện chấm dứt chiến tranh và dàn xếp các vấn đề hậu chiến, cụ thể là Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện và Mỹ được phép chiếm đóng Nhật Bản trong một thời gian dài sau đó. Ngoài ra, Mỹ còn có một tính toán chiến lược nữa, đó là gửi thông điệp mạnh mẽ đến Liên Xô - đối thủ hàng đầu của Mỹ sau Thế chiến II. Nghĩa là, hai quả bom A đó đã giúp Mỹ đạt được 3 mục đích cùng một lúc.

Chiến tranh hạt nhân luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn như chính ban lãnh đạo Nga đã khẳng định. Nhưng Tổng thống Nga Putin cũng đã sớm nhắc đến các tiền lệ Hiroshima và Nagasaki trong bài diễn văn của mình vào tháng 9/2022, khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã kéo dài được khoảng 7 tháng. Lời nhắc nhở này mang nhiều ngụ ý.

BAS đánh giá Moscow có thể thu được nhiều lợi ích hơn so với yếu tố bất lợi nếu triển khai vũ khí hạt nhân trong thế thắng, tương tự như các tính toán chiến lược của Washington vào cuối Thế chiến II.

Trong kịch bản do BAS vạch ra, Nga đột phá thành công qua nhiều lớp phòng ngự của Ukraine nhưng bên phía Ukraine vẫn còn những ổ đề kháng mạnh, quyết không hạ vũ khí trước quân Nga. Cục diện này đang sát với thực tế hiện nay. Theo đó, Nga khả năng cao sẽ thắng trong tương lai xa, chứ không phải trong tương lai gần, ngay trong tầm tay. BAS cho rằng trong tình huống đó, Nga có thể triển khai phóng tên lửa hạt nhân (cấp chiến thuật) vào một vùng đất không quan trọng nào đó của Ukraine để tạo sức răn đe rồi yêu cầu Ukraine phải đầu hàng ngay và vô điều kiện. Khi ấy, chiến sự sẽ mau chóng kết thúc vì cuộc chiến của Ukraine bằng vũ khí thông thường sẽ tất yếu đi vào bế tắc. Còn NATO và phương Tây có lẽ sẽ không muốn đẩy xung đột đi quá xa đến mức hủy diệt sự sống toàn cầu trong một cuộc chiến hạt nhân đáp trả qua lại sau đó.

Tất nhiên, khả năng xảy ra kịch bản này là rất nhỏ vì Nga sẽ phải vượt qua sức ép từ khoảng ngưng 8 thập kỷ thế giới không dùng vũ khí hạt nhân kể từ năm 1945, cũng như phải tính đến những hậu quả khó lường một khi những đám mây nấm khổng lồ xuất hiện trở lại trong một cuộc xung đột hiện đại.

Do vậy, một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán vào lúc này là rất khẩn thiết để ngăn chặn từ xa mọi sự tính toán nhầm của tất cả các bên liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-bao-nguy-co-chien-tranh-hat-nhan-trong-xung-dot-nga-ukraine-post1125907.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện