"Giao xe phân khối lớn cho học sinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng"
Một số phụ huynh còn quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm
Tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh hiện nay vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, cướp đi mạng sống của gần 500 người và làm bị thương gần 900 người. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông ở nhóm tuổi này đã tăng tới gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội - cả trước mắt và lâu dài.
Việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, đặc biệt là học sinh chưa đủ tuổi, là vấn đề hết sức nghiêm trọng và cần được xử lý một cách quyết liệt. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không chỉ đối với người điều khiển mà còn ảnh hưởng đến an toàn của những người tham gia giao thông khác.
Học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thường mắc phải những lỗi như: Chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, làn đường không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn hoặc đi xe dàn hàng ngang, đùa nghịch chạy quá tốc độ. Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp lạng lách, đánh võng hoặc tham gia đua xe trái phép. Hiện nay, việc xử lý học sinh và cả phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho các em khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông đã được quy định rất cụ thể.
Theo đó, với lứa tuổi 14 đến dưới 16 tuổi sẽ bị phạt cảnh cáo; đối với các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tùy từng hành vi để bị xử lý theo quy định. Ví dụ hành vi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh 50 cm3 trở lên sẽ bị phạt 400.000 đến 600.000 đồng. Ngoài ra, người giao xe cũng bị phạt từ 800.000 đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1,6.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, phần lớn các em học sinh còn thiếu kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông và cũng không có kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn cũng như xử lý tình huống kịp thời. Ở lứa tuổi này các em lại thường có những hành vi thích thể hiện, bốc đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của một số phụ huynh khi tự giao những phương tiện cho con em.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, cần có nhiều biện pháp kết hợp thì mới có thể giải quyết được bài toán vi phạm trật tự về an toàn giao thông cho học sinh: “Công tác tuyên truyền phải đa dạng các hình thức, tuyên truyền cá biệt cho phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn. Ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn và kỹ năng khi đi trên các phương tiện. Từng gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển hoặc chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, lực lượng chức năng và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm túc các chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh lưu ý: “Yếu tố gia đình là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định trong việc quản lý và giáo dục con em mình. Tất nhiên là mỗi gia đình sẽ có cách giáo dục, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Nhưng tựu chung lại là gia đình nào cũng muốn con em mình ngoan ngoãn, trưởng thành và an toàn. Vậy thì gia đình cũng phải quản lý để biết con đi đâu, làm gì. Người lớn trong gia đình thì cũng phải gương mẫu để các con nhìn vào để noi gương, tạo điều kiện tốt nhất để cho con được học, được đào tạo các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tất cả những điều đó sẽ hình thành môi trường tham gia giao thông an toàn trong tương lai”.
Giao xe phân khối lớn cho học sinh hết sức nghiêm trọng và cần được xử lý quyết liệt
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông khẳng định, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người giao xe có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông.
"Việc giao xe cho người thân, bạn bè chưa đủ tuổi cũng bị coi là vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông và đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Cha mẹ, người giám hộ cần giáo dục con em về luật giao thông và những nguy hiểm khi tham gia giao thông. Việc chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân", TS. Nguyễn Hữu Đức lưu ý.
TS. Nguyễn Hữu Đức
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, đặc biệt là học sinh chưa đủ tuổi, là vấn đề hết sức nghiêm trọng và cần được xử lý một cách quyết liệt. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không chỉ đối với người điều khiển mà còn ảnh hưởng đến an toàn của những người tham gia giao thông khác: "Người chưa đủ tuổi thường thiếu kinh nghiệm lái xe, khả năng phán đoán tình huống hạn chế, dễ mất kiểm soát phương tiện, dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Việc người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện thường đi kèm với các hành vi vi phạm luật giao thông khác như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm,... làm ảnh hưởng đến trật tự chung. Việc dành quá nhiều thời gian cho việc lái xe có thể làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Việc được phép điều khiển phương tiện từ sớm có thể khiến học sinh hình thành những thói quen xấu khi tham gia giao thông"
Đánh giá về các biện pháp xử lý hiện hành, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các quy định về độ tuổi được phép điều khiển phương tiện đã được ban hành và ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động tuyên truyền về luật giao thông và ý thức tham gia giao thông đã được triển khai nhưng chưa đủ sâu rộng. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở.
"Cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền rộng rãi đến các bậc phụ huynh, học sinh về những nguy hiểm khi giao xe cho người chưa đủ tuổi. Tạo điều kiện cho người dân được học lái xe một cách bài bản và có giấy phép lái xe hợp pháp. Giúp trẻ em hình thành ý thức chấp hành luật giao thông từ sớm".
Cảnh sát nên làm gì đối với những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện?
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là một vấn đề nhức nhối và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông. Vì vậy lực lượng cảnh sát cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm: "Các khu vực gần trường học, khu vui chơi giải trí, các tuyến đường thường xảy ra các vụ việc tương tự. Đối với người điều khiển phương tiện, cảnh sát cần kiểm tra kỹ lưỡng giấy tờ tùy thân và giấy phép lái xe để xác minh độ tuổi và quyền điều khiển phương tiện. Sử dụng camera giám sát, thiết bị đo tốc độ, máy tính bảng để ghi nhận và xử lý vi phạm. Phạt tiền, tước giấy phép lái xe đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện. Đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, gây thương tích, tử vong, cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Để tạo tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật".
Việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là một vấn đề nhức nhối và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông.
Ngoài ra cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Cùng nhau xây dựng các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này. Tăng cường tuyên truyền về những hiểm họa khi giao xe cho người không đủ điều kiện, đồng thời đưa tin về các vụ việc vi phạm để tạo sự cảnh giác trong cộng đồng.
Về giải pháp lâu dài, cần bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Xây dựng các tuyến đường an toàn, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đảm bảo người học được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để điều khiển phương tiện an toàn.
Theo VOV
Link: https://vov.vn/xa-hoi/giao-xe-phan-khoi-lon-cho-hoc-sinh-la-van-de-het-suc-nghiem-trong-post1127393.vov
Thêm ý kiến góp ý