Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Bất cập trong nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy

  

14:33 22/11/2024

Nguồn nước chữa cháy quyết định sự thành bại trong quá trình chiến đấu với “giặc lửa”. Tuy vậy, trên thực tế ở Hà Tĩnh, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy vẫn còn bất cập.

Cán bộ Đội CC&CNCH khu vực Hồng Lĩnh tiếp nhận và ghi hồ sơ vụ cháy.

Từ đầu năm đến nay, địa bàn TX Hồng Lĩnh xảy ra 5 vụ cháy nhà dân và cháy các thiết bị trên cột điện, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 300 triệu đồng.

Theo thống kê của Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CC&CNCH) khu vực Hồng Lĩnh, toàn địa bàn có tất cả 23 trụ chữa cháy (6 trụ nổi, 17 trụ chìm) và 9 hồ, bể nước chữa cháy. Tuy vậy, chỉ có 3 trụ nước được đánh giá tốt, 8 trụ đang sử dụng được, 8 trụ đã hỏng do sửa đường, 3 hồ nước chưa có bến nước...

Hiện trạng cho thấy, hạ tầng phục vụ công tác CC&CNCH nói chung và nguồn nước phục vụ chữa cháy nói riêng tại đây vẫn còn nhiều bất cập như: chưa có bến, bãi, điểm lấy nước cho xe chữa cháy tiếp cận; nhiều trụ chữa cháy không đảm bảo yêu cầu...

Trụ chữa cháy (trụ chìm) tại đường 3/2, trước Trạm Y tế phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) đã bị vùi lấp do nâng cấp đường.

Trung tá Trần viết Hoà - Đội trưởng Đội CC&CNCH khu vực Hồng Lĩnh trao đổi: "Thời gian qua, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn luôn được cấp uỷ, chính quyền hết sức quan tâm, các chỉ tiêu đều hoàn thành, hoàn thành vượt mức về cả số lượng và cả thời gian; nhất là chỉ tiêu về trang bị mỗi gia đình 1 bình chữa cháy, đạt 100% các hộ dân trên địa bàn...".

Tuy nhiên, hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhiều bất cập. Các trụ nước chữa cháy đa số được lắp đặt đã lâu, là trụ chìm nên sau khi nâng cấp, sửa chữa đường, một số trụ đã bị vùi lấp và không lấy được nước; các bến, bãi và hố thu nước chữa cháy chưa được đầu tư xây dựng. Do đó, khi có cháy, nổ xảy ra việc tiếp nước cho xe chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Đội trưởng Đội CC&CNCH khu vực Hồng Lĩnh mong muốn, các cấp, ngành liên quan và địa phương quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống hạ tầng PCCC&CNCH đảm bảo yêu cầu đặt ra; tiếp tục sửa chữa, lắp đặt trụ chữa cháy; xây dựng bến nước để xe chữa cháy có thể tiếp cận...

Ngoài phương tiện, thiết bị chữa cháy, việc đảm bảo nguồn nước là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống "giặc lửa".

Nhớ lại 1 vụ chữa cháy tại thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn), Trung tá Nguyễn Anh Đức - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Hương Sơn) cho hay, mặc dù thời điểm xảy ra cháy có mưa lớn nhưng cửa hàng chứa vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh. Sau khi cơ bản khống chế được đám cháy, để ngăn ngọn lửa bùng phát trở lại, xe chữa cháy đã phải di chuyển tới chợ Phố Châu để tiếp nước. Sau 2 giờ đồng hồ, quá trình chữa cháy mới kết thúc.

Mặc dù đám cháy được dập tắt nhưng vụ cháy này vẫn khiến lực lượng chức năng hết sức trăn trở. Bởi lẽ, thời gian chờ đợi lâu trong quá trình tiếp nước, đám cháy dễ bùng phát trở lại và nếu không được xử lý kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường.

Hiện trường vụ hoả hoạn tại cửa hàng xe máy cũ Giáp Sen, tại TDP 6, thị trấn Phố Châu vào năm 2022.

Theo Trung tá Đức, nguồn nước chữa cháy tại địa bàn Hương Sơn chủ yếu được lấy từ các ao hồ, bến bãi. Để đảm bảo hiệu quả quá trình cứu chữa trong trường hợp có cháy xảy ra, Công an huyện khắc phục bằng việc liên hệ với nhà máy nước để yêu cầu tăng lưu lượng, áp lực nước trên đường ống.

"Với đặc thù địa hình đồi núi và để phục vụ tốt hơn trong công tác PCCC&CNCH, cần xây dựng trụ chữa cháy cho từng khu vực để đảm bảo tính chủ động" - Trung tá Đức đề xuất.

Hà Tĩnh tổ chức thành công thực tập phương án chữa cháy quy mô cấp tỉnh năm 2024 vào sáng 18/9 tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Không riêng TX Hồng Lĩnh và huyện Hương Sơn, đây cũng là tình trạng chung của các địa phương còn lại. Việc thiếu nước, thiếu trụ nước chữa cháy gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp bởi đám cháy sẽ phát triển nhanh gây cháy lớn cháy lan sang khu vực lân cận, thiếu nước làm thời gian chữa cháy kéo dài dẫn đến hiệu quả chữa cháy không cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ cháy lan, cháy lớn xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: "Phòng đã đề xuất Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 31/5/2024 về thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp, UBND các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách để triển khai thực hiện; phối hợp với Sở KH&ĐT, Công an tỉnh và đơn vị có liên quan bố trí địa điểm đất xây dựng các công trình hạ tầng PCCC tại khu vực trung tâm, các cụm công nghiệp, địa bàn trọng điểm nguy hiểm cháy, nổ; bảo đảm thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc; lập quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn đảm bảo yêu cầu...".

Theo BHT

Link: https://baohatinh.vn/bat-cap-trong-nguon-nuoc-phuc-vu-cong-tac-chua-chay-post276843.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện