Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Đồng minh của Ukraine âu lo trước ngày ông Trump trở lại

  

09:05 25/11/2024

Không chắc chắn và lo âu là cảm giác chung của nhiều nước châu Âu ủng hộ Kiev, khi họ không biết ông Trump sẽ xử lý xung đột Nga - Ukraine thế nào.

Hơn 1.000 ngày sau khi xung đột Ukraine bùng phát, những dấu hiệu về các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine dường như đã xuất hiện. Động thái đơn phương của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/11 khi điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin đã chấm dứt gần hai năm các lãnh đạo NATO tìm cách cô lập Nga, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến sự ở Ukraine "phải dừng lại".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng hành động của Thủ tướng Đức đã "mở hộp Pandora", chiếc hộp kỳ bí chứa bất hạnh, thiên tai, chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp. "Cuộc gọi đó cực kỳ quan trọng với Tổng thống Putin khi nó làm suy yếu thế cô lập của ông ấy", Tổng thống Zelensky nói.

Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở Washington ngày 13/11. Ảnh: Reuters

Vài giờ sau, lãnh đạo Ukraine dường như thừa nhận động lực hướng tới đàm phán, nói rằng khi ông Trump lên nắm quyền, "xung đột sẽ kết thúc sớm hơn", vì đây là lời hứa mà Tổng thống đắc cử Mỹ đã đưa ra với cử tri.

Thủ tướng Scholz cho biết sau cuộc gọi với Tổng thống Putin, ông nhận thấy lập trường cứng rắn của lãnh đạo Nga về vấn đề Ukraine không thay đổi, song thêm rằng điều quan trọng là châu Âu phải giao tiếp với Moskva, vì ông Trump có thể sắp làm điều tương tự.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, cuộc gọi vẫn là yếu tố gây sốc đối với một liên minh phương Tây đang hỗn loạn và ngày càng lo âu về kết quả của cuộc xung đột sau bầu cử tổng thống Mỹ. Một quan chức phương Tây cho biết lãnh đạo các nước châu Âu đang "nín thở" chờ đợi những động thái ông Trump sẽ ban bố với Ukraine sau lễ nhậm chức.

"Việc Thủ tướng Đức nói chuyện với Tổng thống Putin sẽ tạo ra những tác động tồi tệ tới các đồng minh của Ukraine", quan chức này nói. "Việc trao cho ông Putin động lực tích cực đó sẽ khiến Pháp và những nước khác khó chịu".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng về việc cần tiếp tục duy trì sự ủng hộ với Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk viết trên mạng xã hội X rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine gần đây cho thấy "không ai có thể ngăn cản Tổng thống Putin bằng các cuộc điện đàm... Ngoại giao qua điện thoại không thể thay thế sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine".

"Những tuần tiếp theo sẽ mang tính quyết định, không chỉ đối với cuộc xung đột, mà còn đối với tương lai chúng ta", ông cảnh báo.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga có lẽ cũng phản ánh phần nào cảm giác ngày càng lo âu bên trong các đồng minh của Kiev về cuộc xung đột, giới quan sát đánh giá.

Một nhà ngoại giao am hiểu NATO đã mô tả về cảm giác không chắc chắn trong liên minh trước lập trường của ông Trump đối với chiến sự Ukraine, thêm rằng vài tháng tới sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng trên chiến trường.

Cảm giác không chắc chắn này cũng được một quan chức tình báo cấp cao Ukraine nhắc lại khi ông nói với CNN rằng "rất nguy hiểm nếu đưa ra dự đoán vào lúc này. Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất".

Tổng thống Volodymyr Zelensky kiểm tra việc xây dựng các công sự tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng Volyn, tây bắc Ukraine, hôm 30/7. Ảnh: AFP

Hầu hết các nhà phân tích đều suy đoán bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ liên quan đến việc đóng băng hiện trạng tiền tuyến, với việc Moskva và Kiev đưa ra hoặc nhận được các đảm bảo an ninh nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát trở lại.

Nga hiện vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến nhỏ nhưng vững chắc ở chiến trường miền đông Ukraine và sẽ kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine nếu hai bên đồng ý đóng băng xung đột theo hiện trạng.

Nhưng điều khiến châu Âu bất an là nguy cơ xung đột không chỉ dừng lại ở Ukraine. Nhiều quan chức phương Tây đã cảnh báo rằng Nga có thể tạm dừng chiến sự ở Ukraine để theo đuổi các mục tiêu quân sự mới chống lại ảnh hưởng của NATO tại sườn đông châu Âu.

"Các cuộc thảo luận về tương lai của Ukraine đã tăng tốc đáng kể từ khi ông Trump đắc cử, trong đó trọng tâm là đảm bảo an ninh cho Kiev", một quan chức quốc phòng Pháp nói.

"Nga sẽ đồng ý nhượng bộ những gì?", ông đặt vấn đề. "Họ có giữ lại tất cả các khu vực đã kiểm soát không? Và nếu chúng ta đóng băng hiện trạng, liệu xung đột có thực sự kết thúc không? Liệu có thể thiết lập lại hòa bình không?".

Chính quyền Biden và châu Âu những tuần qua đã tăng cường các cam kết hỗ trợ cho Ukraine, nhằm cho thấy động lực ủng hộ Kiev sẽ được đảm bảo trong nhiều tháng tới.

Một quan chức phương Tây khác cho biết thỏa thuận gần đây của G7 về việc cho Ukraine vay 50 tỷ USD, dựa trên lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga, "có nghĩa rằng Ukraine cơ bản sẽ an toàn về mặt tài chính trong suốt năm 2025".

Kế hoạch hòa bình của ông Trump hiện chưa rõ ràng vì Tổng thống đắc cử vẫn chưa xây dựng chiến lược hay quyết định về nhân sự chịu trách nhiệm cho vấn đề Ukraine. Ông nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt giao tranh trong 24 giờ, nhưng không nêu rõ sẽ đạt được điều đó như thế nào.

Cố vấn an ninh quốc gia tương lai của ông, Mike Waltz, hầu như không nói gì về chính sách kể từ khi được đề cử, nhưng đã viết ba ngày trước cuộc bầu cử ngày 5/11 trên tờ Economist rằng "'chiến đấu cho đến khi nào cần thiết' trong một cuộc chiến tiêu hao chống lại một thế lực lớn hơn là công thức chỉ dẫn đến thất bại".

Các đồng minh hiện phải chật vật để đọc những tín hiệu hạn chế từ Nhà Trắng sắp tới.

"Chúng tôi tin vào lời Trump rằng ông ấy sẽ tiến tới một giải pháp đàm phán", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, nhưng thêm rằng nhóm của Tổng thống đắc cử vẫn cảnh giác khi thảo luận về chính sách, lắng nghe song ít tiết lộ và "không nói 'đây là kế hoạch'".

Những người ủng hộ Trump trong khi đó bác bỏ ý tưởng rằng ông sẽ tìm kiếm hòa bình cho Ukraine bằng mọi giá.

Kurt Volker, phái viên Mỹ về Ukraine từ năm 2017 đến 2019, cho hay động thái mở đầu của Tổng thống đắc cử phải là "thể hiện sức mạnh" để Tổng thống Putin nhận ra rằng không đáng để tiếp tục chiến đấu.

"Sau đó, bạn có thể tìm ra nhiều điều từ đây. Ông Trump đã tuyên bố không ít lần về 'hòa bình thông qua sức mạnh'", Volker nói.

Theo ông, chính quyền Trump tương lai sẽ cấp các khoản vay thay vì viện trợ vô điều kiện cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay sau cuộc họp báo chung ở Berlin hồi tháng 5/2023. Ảnh: AFP

"Tôi không tin ông ấy sẽ cắt toàn bộ viện trợ, mà sẽ chuyển thành kiểu cho vay - cho thuê", Volker nói, nhắc tới một chương trình thời Thế chiến II, trong đó Mỹ cho phe Đồng minh thuê trang thiết bị, khí tài. Ông cho biết thêm rằng phương án này sẽ thu hút được ủng hộ rộng rãi từ đảng Cộng hòa.

"Người nộp thuế không phải tốn kém gì. 'Hãy vay bao nhiêu tiền tùy thích, xây dựng quân đội, trở nên mạnh mẽ, nhưng bạn phải chấm dứt xung đột'", Volker nhấn mạnh.

Theo Volker, ông cảm thấy Tổng thống đắc cử sẽ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch rút quân "thảm họa" của Mỹ tại Afghanistan dưới thời Tổng thống Biden.

"Ông Trump muốn đích thân đưa lính Mỹ rút khỏi Afghanistan, nhưng ông ấy chưa bao giờ thực hiện điều đó vì ông ấy luôn được bảo rằng đây là điều sẽ xảy ra", Volker giải thích. "Ông ấy sẽ không muốn có thảm họa như vậy trong nhiệm kỳ của mình. Ông ấy sẽ cố gắng tìm cách chấm dứt xung đột và Ukraine vẫn tồn tại".

Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ giải thích thái độ thân thiện gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử đối với lãnh đạo Điện Kremlin xuất phát từ việc ông không muốn "làm mất uy tín của đối thủ hoặc những người mà ông phải ký kết thỏa thuận".

"Ông ấy sẽ đưa ra những quyết định chính sách cứng rắn, hoặc cho phép người khác làm điều đó", nhưng vẫn muốn "có một mối quan hệ", người này nói thêm.

Theo VNE

Link: https://vnexpress.net/dong-minh-cua-ukraine-au-lo-truoc-ngay-ong-trump-tro-lai-4818062.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện