Theo Báo cáo Xu hướng tuyển dụng 2024-2025 từ TopCV, khảo sát trên 3.000 doanh nghiệp và phân tích 300.000 tin tuyển dụng, Kinh doanh/Bán hàng vẫn là nhóm ngành khát nhân lực, đứng đầu năm thứ ba liên tiếp.
Nhiều doanh nghiệp coi việc đẩy mạnh kinh doanh và tăng trưởng thị trường là ưu tiên hàng đầu, nên đặc biệt tìm kiếm nhân viên có kinh nghiệm 2-3 năm. Nhu cầu tuyển dụng trong ngành này cao nhất vào tháng 3-4 và 7-8, phù hợp với chu kỳ kinh doanh.
Mặc dù nhu cầu lớn, Kinh doanh/Bán hàng cũng là nhóm dễ bị tối ưu hóa khi cần, với 22% doanh nghiệp cho biết đây là bộ phận đầu tiên bị cắt giảm do điều chỉnh ít ảnh hưởng đến cấu trúc nhân sự chung.
Trong lĩnh vực bất động sản, tuyển dụng diễn ra quanh năm do chu kỳ bán hàng dài và tính cạnh tranh cao. Đối với bán lẻ và hàng tiêu dùng, cao điểm tuyển dụng là từ tháng 3-5 sau Tết Âm lịch do nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích thích tiêu dùng.
Kỹ sư lập trình tại Việt Nam. Ảnh: Funix
Dù nhu cầu giảm nhẹ từ 5,2% xuống 4,9% tính đến cuối tháng 10/2024, ngành IT-Phần mềm vẫn nằm trong nhóm khát nhân lực, nhất là các ứng viên có kinh nghiệm 2-3 năm. Tuy nhiên, nguồn cung ứng viên chất lượng là thách thức lớn nhất trong thị trường tuyển dụng nhóm này.
55% đại diện doanh nghiệp cho rằng nguồn cung không hạn chế nhưng thiếu hụt nhân lực kỹ năng cao; gần 50% cho biết có sự cạnh tranh gay gắt từ các ông lớn công nghệ hoặc startups nhờ chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn; 37% lo ngại khó giữ chân nhân tài do họ có nhiều cơ hội việc làm.
Doanh nghiệp nhiều khi bỏ lỡ ứng viên tốt do quy trình tuyển dụng kéo dài, bởi IT thường phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn lẫn kiểm tra chuyên môn như thử thách thuật toán, kiểm tra mã nguồn. Công ty công nghệ chú trọng đánh giá năng lực kỹ thuật thực sự thông qua những bài test thực hành và phỏng vấn chuyên sâu dẫn đến chậm phản hồi.
Từ góc độ người lao động, ngoại ngữ và mức độ cạnh tranh cao giữa các ứng viên là hai rào cản chính trong hành trình tìm việc của IT trong năm qua. Đầu tư FDI cũng như trong nước tăng cao, nhu cầu tuyển dụng lao động bắt buộc thạo ngoại ngữ có xu hướng tăng khoảng 35% so với cùng kỳ, theo thống kê tháng 1-10/2024.
Sinh viên thu thập thông tin cơ hội việc làm từ các công ty. Ảnh: Dương Tâm
Tổng đãi ngộ là yếu tố thu hút hàng đầu với người lao động, chiếm 68% sự quan tâm, trong khi chỉ 22% doanh nghiệp đánh giá cao yếu tố này. Sự chênh lệch này cho thấy doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến kỳ vọng thực tế của người lao động về chế độ đãi ngộ, đào tạo, và lộ trình thăng tiến.
Trong bối cảnh kinh tế biến động, người lao động vẫn ưu tiên ứng tuyển vào các công ty lớn, uy tín. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chương trình đào tạo và phát triển nội bộ để thúc đẩy năng lực nhân sự.
Al ngày càng len sâu vào công việc khi gần 34% doanh nghiệp kỳ vọng 31-50% nhân viên có khả năng ứng dụng Al trong công việc; 24% doanh nghiệp muốn tỷ lệ 51-70% trên tổng số lao động; 7% mong muốn trên 70% và gần 3% tham vọng toàn bộ lao động biết dùng AI.
Trong bối cảnh trên, 63% lao động được khảo sát khẳng định nên chủ động phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và chiến lược - những kỹ năng mềm mà AI khó thay thế; 53% cho rằng nên tận dụng AI nhiều hơn trong công việc để tối ưu hiệu suất. Người lao động sẵn sàng tham gia các khóa học về ứng dụng AI, nhất là vị trí quản lý như trưởng nhóm, trưởng phòng, giám đốc bộ phận.
Theo VNE
Link: https://vnexpress.net/nhung-nhom-nganh-khat-nhan-luc-nam-2025-4837455.html
Thêm ý kiến góp ý