Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh
CHỈ THỊ CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH UỶ
Về việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính
Trong những năm qua, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Từng bước nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT. Triển khai ứng dụng đồng bộ và kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản, điều hành của Thành phố với Trục liên thông văn bản của tỉnh; thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử và chữ ký số để số hóa các dữ liệu. Ứng dụng hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến gắn với xây dựng Trung tâm hành chính công thành phố, Bộ phận một cửa điện tử các phường, xã, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng Cổng thông tin điện tử của thành phố và trang thông tin điện tử các phường, xã. Triển khai hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự…
Tuy vậy, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh của Thành phố còn những hạn chế, khó khăn như: Hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, nhiều thiết bị, hệ thống CNTT đầu tư xây dựng, trang sắm từ lâu, cấu hình thấp, xuống cấp; nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin còn ở mức cao; tỷ lệ số hóa dữ liệu chưa cao, cơ sở dữ liệu dùng chung còn hạn chế; một số phần mềm dùng chung chưa hoàn thiện. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến qua dịch vụ công mức độ 3, 4 thấp. Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, công nghệ số còn khó khăn; trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Để thực hiện tốt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030; Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị Quyết 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 29/10/2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh, gắn với công tác cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố lãnh đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh gắn với tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.
2. Ủy ban nhân dân thành phố:
- Chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, tỉnh và thành phố, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số gắn với công tác cải cách hành chính. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số trở thành một nội dung quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
- Ban hành các chương trình hành động, kế hoạch về công tác cải cách hành chính; chương trình, kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và hằng năm; trong đó, trọng tâm là xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh; xây dựng một số cơ quan, đơn vị thông minh (bệnh viện thông minh, trường học thông minh...).
- Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, phường, xã khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định các hệ thống thông tin dùng chung của Thành phố đã và đang được triển khai: Hệ thống Hồ sơ công việc, Ý kiến chỉ đạo điều hành; gửi nhận văn bản điện tử, chữ ký số; Đăng nhập một lần; Cổng/Trang thông tin điện tử; Cổng Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; các phần mền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Hệ thống cầu truyền hình trực tuyến; Phòng họp không giấy tờ...
- Triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống truyền thanh, truyền hình ứng dụng công nghệ số… phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.
- Xây dựng, vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh - IOC của thành phố; từng bước triển khai hiệu quả các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, hướng tới mục tiêu xây dựng “thành phố thông minh”, gắn phát triển các dịch vụ đô thị thông minh với việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng về 3 xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, phường, xã thuộc thành phố; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT của thành phố, phường, xã.
- Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
- Lựa chọn, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành và tích hợp, kết nối tạo thành nền tảng CSDL dùng chung của Thành phố; đồng thời kết nối dữ liệu của các cấp, các ngành vào CSDL dùng chung của Thành phố.
- Tham mưu ban hành các cơ chế khuyến kích các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng viễn thông; khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số vào các lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động giao dịch, thương mại điện tử, từng bước hình thành nền kinh tế số, hướng tới xã hội số.
3. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng công tác truyền thông, thông tin kịp thời, sâu rộng về các chủ trương, quy định về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của Trung ương, tỉnh và thành phố, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thực hiện các thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường khai thác các ứng dụng, phần mềm, tiện ích CNTT, công nghệ số do chính quyền, doanh nghiệp cung cấp để hình thành kỹ năng, thói quen ứng dụng CNTT, công nghệ số, từng bước xây dựng “công dân điện tử”. Tăng cường giám sát việc thực hiện cải cách hành chính của chính quyền các cấp.
5. Đảng ủy, chi ủy cơ sở:
- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc , có hiệu quả Chỉ thị này. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại các phường, xã; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, tạo lập dữ liệu, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp chất lượng, dung lượng đường truyền, hạ tầng cơ sở ứng dụng CNTT; đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Chỉ đạo đổi mới phương thức làm việc, phục vụ của cơ quan, đơn vị. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.
Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu; tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện Chỉ thị.
6. Đoàn công tác Ban Thường vụ chỉ đạo phường, xã bám sát cơ sở, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền phường, xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; phân công các thành viên thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện.
7. Văn phòng Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả thực hiện Chỉ thị. Chỉ thị này được quán triệt đến chi bộ và phổ biến rộng rãi trong nhân dân./.
Theo BBT
Thêm ý kiến góp ý