Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Đẩy nhanh chuyển đổi số: Cần cách làm số đột phá

  

03:20 07/04/2022

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số, muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đòi hỏi phải có hạ tầng số. Đặc biệt, để chuyển đổi số cần phải có thể chế số và cách làm số đột phá...

Năm 2022 là năm tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Các nhà mạng đứng trước yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu lớn về thông tin dữ liệu, thông tin số, cả về tốc độ và lưu lượng trong bối cảnh nguồn tài nguyên được phân bổ còn rất hạn chế. Muốn vậy, các doanh nghiệp viễn thông phải tối ưu hóa nguồn lực, tài nguyên và thông minh hóa mạng lưới. Đây cũng là con đường mà nhà mạng phải đi để tiến tới phát triển mạng 5G và 6G trong tương lai.

Hạ Tầng Viễn Thông Thành Hạ Tầng Số

Tại hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 về hiện đại hoá hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số, hướng tới thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định: muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì chắc chắn phải có hạ tầng số. Hạ tầng số phải đi trước một bước.

Với sự phát triển, hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình trở thành hạ tầng số. Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông cùng với hạ tầng dữ liệu. Hiện nay Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ hạ tầng băng rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như các công nghệ, nền tảng mang tính chất hạ tầng theo hướng “Make in Vietnam”.

Ông Long cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ lọt top 30 các nước có hạ tầng phát triển vào trước năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn 2030, trong đó có mục tiêu xây dựng hạ tầng số hiện đại đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số để “không bỏ lại ai ở phía sau” trong quá trình chuyển đổi số.

Chia sẻ về định hướng phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số đến năm 2025, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông, cho biết hạ tầng viễn thông sẽ chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định, hạ tầng băng rộng di động và đặc biệt là hạ tầng của các trung tâm dữ liệu.

5G Sẽ Là “Kẻ Thay Đổi Cuộc Chơi”

Tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định đến tận hộ gia đình (FTTH) và mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có đường cáp quang với tốc độ 200 Mbit/s (tốc độ hiện nay là 68 Mbit/s).

Nếu như tháng 4/2021 có 84,7 triệu smartphone băng rộng thì đến tháng 2/2022, con số này đã tăng lên 86,8 triệu. Mục tiêu thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh lượng smartphone và tăng trưởng tiêu dùng dữ liệu trên smartphone. Hiện nay, tốc độ truy nhập Internet di động Việt Nam đo được đang ở mức 39 Mbps, đứng thứ 45/140 quốc gia.

Cũng trong năm 2022, với việc bổ sung băng tần 2,3 GHz cho các nhà mạng trong việc phát triển hạ tầng 4G và cấp phép mạng 5G thì tốc độ di động của Việt Nam sẽ được nâng lên và vùng phủ sóng cũng được cải thiện. Mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và mạng 2G sẽ được dừng cung cấp dịch vụ.

Trong năm 2022, mạng 5G sẽ được bảo đảm chất lượng cung cấp tốc độ trên 100Mbit/s và sẽ phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu trường học, khu nghiên cứu, các tỉnh, thành phố có nhu cầu tốc độ cao. Tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các địa phương lớn và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng di động với công nghệ 5G.

Coi cơ sở hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và sự tăng trưởng của việc sử dụng băng thông rộng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bà Trần Thuý Ngọc, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam phân tích, nếu đầu tư 1 đồng cho công nghệ băng thông rộng thì sẽ tạo ra công ăn việc làm trực tiếp cho ngành đó 1 đồng; đồng thời tác động gián tiếp tạo thêm nhiều việc làm mới khi có những dịch vụ mới dựa trên nền tảng mạng này.

Minh chứng ở một số nước, nếu đầu tư 1% cho thâm nhập băng thông rộng có thể dẫn đến 0,023 % tăng trưởng GDP. Chuyên gia này cũng cho rằng 5G sẽ là “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong chuyển đổi số.

Cần Có Thể Chế Số Và Cách Làm Số Phù Hợp

Thực tế, tất cả các nhà mạng truyền thống hiện nay đang có những bước chuyển mình thành doanh nghiệp công nghệ số, chuyển từ cung cấp dịch vụ kết nối thành các nhà cung cấp số, nền tảng số, nội dung số. Viễn thông và công nghệ thông tin đã dần tiệm cận với nhau đòi hỏi cần phải được đầu tư nâng cấp. Với các nhà mạng, khi đầu tư phát triển 4G, bài toán viễn thông đã chuyển dần sang khái niệm công nghệ thông tin và hỗ trợ cho hạ tầng số.

Nhận định về nền tảng hạ tầng số phục vụ phát triển, các chuyên gia cho rằng về cơ bản, hạ tầng viễn thông hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu kết nối trong đó đã có định hướng phát triển nền tảng mạng 5G và tiến tới 6G. Ông Trần Thành Kiên, Giám đốc Sản phẩm dịch vụ hạ tầng số, Tổng công ty VNPT-VinaPhone, cho rằng với hạ tầng số của ngành viễn thông và tốc độ phát triển của 5G hiện nay và tiến tới 6G có thể giải quyết các bài toán về nhu cầu kết nối tốc độ cao trong chuyển đổi số, triển khai các ứng dụng đòi hỏi yêu cầu truy cập nhanh như IoT…

Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh để chuyển đổi hoạt động trên môi trường số; mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang để kết nối lên môi trường số. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu lọt vào top 30 (hiện đang ở top 70) về hạ tầng số… Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi phải có cách làm đột phá, xuất sắc.

Ông Nguyễn Phú An, Giám đốc Chiến lược và Kế hoạch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, cho biết để phát triển chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, không có cách nào khác là phải đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại.

Còn Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng việc đầu tiên Việt Nam cần làm là phải có thể chế số. Ví dụ trong hạ tầng số có phần dữ liệu số, nhưng làm thế nào để quản lý được dữ liệu số? Dữ liệu là tài nguyên của người Việt, vậy tài nguyên đặt ở đâu và quản lý như thế nào để thúc đẩy thay vì hạn chế sự phát triển? Hiện nay, 80% dữ liệu của người Việt ở nước ngoài. Làm sao để dữ liệu của người Việt sản sinh ra ở Việt Nam, phát triển ở Việt Nam và hướng tới doanh thu từ hạ tầng dữ liệu này biến thành 1% GDP vào năm 2025…?

Cùng với thể chế số, ông Long cũng nhấn mạnh về “cách làm số”, tức là một cách làm khác với những tuần tự trước đây. Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh để chuyển đổi hoạt động trên môi trường số; mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang để kết nối lên môi trường số. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu lọt vào top 30 (hiện đang ở top 70) về hạ tầng số… “Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi phải có cách làm đột phá, xuất sắc”, ông Long nói.

Chia sẻ vấn đề thể chế số, các nhà mạng cũng như chuyên gia trong ngành khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tham gia khá tích cực vào thị trường chuyển đổi số. Điều doanh nghiệp cần là các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp số hơn nữa. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tạo hành lang pháp lý số. Theo các chuyên gia, chuỗi pháp lý phải hình thành đồng bộ với sự phát triển của hệ sinh thái số để các đối tượng tham gia có thể tồn tại, phát triển và liên kết với nhau mới có thể mang đến thành công cho chuyển đổi số.

Ngoài ra, muốn có nền kinh tế số thì phải có xã hội số và công dân số. Nếu công dân chưa sẵn sàng số thì không thể có xã hội số cũng như phát triển kinh tế số. Do đó, cùng với việc đầu tư hạ tầng số, phải nâng cao trình độ số, thúc đẩy tiêu dùng số của xã hội. Đây sẽ là yếu tố rất quan trọng để góp phần xóa bỏ ranh giới viễn thông và công nghệ thông tin.

Về vấn đề dữ liệu, ông An cho rằng, muốn dữ liệu ở Việt Nam, đặt tại Việt Nam cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để có đầu tư một cách hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng đề cập tới việc thúc đẩy ứng dụng phát triển điện toán đám mây- một hạ tầng, dịch vụ mới ở Việt Nam. So với các nhà cung cấp quốc tế, vị thế đám mây trong nước còn rất non trẻ. Thị phần dịch vụ đám mây quốc tế ở Việt Nam hiện đang chiếm hơn 80%. Do đó, nhà cung cấp trong nước cần đẩy mạnh phát triển, xây dựng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dùng. Từ phía Nhà nước cần có chính sách rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng đám mây trong nước, cũng như chính sách bảo mật dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng.

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn tăng tốc, diễn ra trong mọi ngành, lĩnh vực. Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiệm vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trong đó kinh tế số đến năm 2025 chiếm khoảng 20% GDP. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo  VnEconomy

 



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện