Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT

  

07:24 08/04/2022

Sáng ngày 6/4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 dành cho lãnh đạo đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

Tham dự có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT và hơn 800 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ đến từ các đơn vị chuyên trách CNTT Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương; các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 96 điểm cầu.
Đây là hoạt động đầu tiên khởi động cho Chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trong năm 2022, giúp đem lại những thông tin hữu ích và những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như trong hành động của Lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT.
6 định hướng, 22 nhiệm vụ cụ thể
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, “ngày hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên chính thức triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một việc làm chưa có tiền lệ. Gần như ngay lập tức sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản là văn bản đi vào thực tiễn cuộc sống thay vì chờ đăng ký kế hoạch và thường là khởi động triển khai sau một năm như trước đây”.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị
Năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để thúc đẩy, hỗ trợ và hướng dẫn các Bộ, Ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có những bước đột phá trong năm 2022, ngày 06/3/2022, Bộ TT&TT đã có Văn bản số 797/BTTTT-THH hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của 800 đại biểu
Theo đó, các đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ, Ngành, địa phương cần chú trọng triển khai chuyển đổi số dựa trên 6 định hướng và 22 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022.
Sáu định hướng gồm: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm; Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng; Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các cán bộ Bộ Giao thông Vận tải tham gia Chương trình bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số
12 nội dung tập huấn
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã giới thiệu cụ thể 12 nội dung tập huấn liên quan đến chuyển đổi số, gồm: Xây dựng nghị quyết chuyển đổi số của cấp ủy; Xây dựng kế hoạch hành động của cấp chính quyền; Quản lý hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; Hướng dẫn bảo đảm ATTT mạng. Hướng dẫn triển khai tổ công nghệ số cộng đồng; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhân lực; Thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia; Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; Kết nối, chia sẻ dữ liệu; Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Hướng dẫn tham gia kênh truyền thông cộng đồng.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng Nghị quyết của cấp uỷ về chuyển đổi số. Về vấn đề này, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 16-CV/BCSĐ nhằm tạo ra sự thay đổi, chấp nhận cái mới, tạo cho cái mới một không gian phát triển. Đồng thời, Bộ cũng đã có Văn bản số 2390/BTTTT-THHH hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động của các cấp chính quyền về chuyên đổi số, trong đó có kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn, từng năm. Kế hoạch chuyển đổi số tập trung vào các nội dung chính: Nhận thức đóng vai trò quyết định; Lấy người dân làm trọng tâm; Thể chế và công nghệ là động lực; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; Bảo đảm an toàn an ninh mạng; Sự vào cuộc quyết tâm của các cấp, các ngành và toàn dân.
Về ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT) 2.0, Thứ trưởng đề nghị mỗi Bộ, Ngành, địa phương cần sớm xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử 2.0; tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về quản lý, duy trì, cập nhật và tuân thủ kiến trúc chính phủ điện tử; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục các trường hợp không tuân thủ.
ATTT mạng phải song hành, xuyên suốt, phải là “tấm khiên” trong tiến trình chuyển đổi số
Nhấn mạnh an toàn thông tin mạng là tấm khiên bảo vệ vững chắc cho tiến trình chuyên đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo cần thực hiện 2 nguyên tắc, 4 giải pháp nhằm bảo đảm an toàn an ninh mạng. Hai nguyên tắc gồm: Hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; Hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.
Về tổ công nghệ số cộng đồng, đây đươc coi là cánh tay nối dài của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số. Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 hướng dẫn, điều phối chung, trong đó nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên. Thứ trưởng đánh giá cao mô hình triển khai thành công của Lạng Sơn khi đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, 200/200 xã với hơn 1.700 tổ, hơn 6.000 thành viên tham gia.
Về hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhân lực chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách; Huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho mạng lưới công nghệ số cộng đồng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT trong năm 2022 là bồi dưỡng, tập huấn 10 nghìn cán bộ chuyển đổi số cấp xã để làm hạt nhân triển khai chuyển đổi số tới tận cấp xã. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ phù hợp, phối hợp với Bộ TT&TT triển khai chương trình đào tạo tới 10 nghìn cán bộ.
Về nền tảng số quốc gia, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/2/2022 về Chương trình thúc đẩy sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số với nguyên tắc “rõ người, rõ việc”. Thứ trưởng đề nghị các Sở TT&TT tham mưu UBND đề xuất đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số quốc gia; Xây dựng, phê duyệt kế hoạch để triển khai cụ thể; Tích cực phối hợp với DN nòng cốt, Bộ TT&TT và các Cơ quan chủ quản thúc đẩy phát triển, đưa các nền tảng số quốc gia vào sử dụng; Tham mưu UBND ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên thúc đẩy sử dụng phát triển nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sử dụng các nền tảng số quốc gia tại địa phương; Căn cứ nhu cầu chuyển đổi số của địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất đặt hàng và bổ sung danh sách các nền tảng số quốc gia.
Đối với hướng dẫn đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT năm 2021 ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hai doanh nghiệp nòng cốt đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Postmart) và Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Vỏ Sò).
Các hộ SXNN sẽ được đào tạo kỹ năng số, các kỹ năng TMĐT như: Đăng ký tài khoản; Tạo gian hàng, chụp ảnh, livestream; marketing số; thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong toàn bộ quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.
100 ý kiến phản hồi từ các đại biểu tham dự Hội nghị
Kết thúc phần tập huấn, bồi dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, đã nhận được hơn 100 ý kiến phản hồi từ các đại biểu tham dự Hội nghị liên quan đến 8 nhóm vấn đề xoay quanh việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trong những lần tiếp theo. Thứ trưởng cho biết, tham dự Hội nghị hôm nay không chỉ có đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, tỉnh mà còn có sự tham gia của rất nhiều cán bộ làm việc tại các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ tỉnh, cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Trong các chương trình tập huấn tiếp theo, sẽ mở rộng đối tượng đến các cán bộ quy hoạch là lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ khai trương Nền tảng học trực tuyến đại trà mở (MOOC), sẽ đưa video clip nội dung các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng lên nền tảng này. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy trình đăng ký, quy chế sử dụng và sẽ sớm thông báo về việc kích hoạt tài khoản đến các cơ quan, đơn vị liên quan, Thứ trưởng nhận định. 
 Theo mic.gov.vn

Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện