Một góc thị trấn phố núi Tây Sơn. Ảnh Minh Lý
Thị trấn Tây Sơn nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, được thành lập năm 1997 trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của lâm trường Hương Sơn, xã Sơn Tây và xã Sơn Kim với tổng diện tích 463 ha.
Là đô thị trung tâm của KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nên hoạt động buôn bán, thương mại, phát triển đô thị của Tây Sơn có những thời điểm hết sức sôi động, đặc biệt là những năm đầu thành lập. Tuy nhiên, sự sôi động đó kéo dài không được bao lâu.
Hơn 10 năm qua, khi các chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai... bị cắt giảm và hết hiệu lực, hoạt động buôn bán, TMDV của người dân thị trấn Tây Sơn cũng gần như bị “đóng băng”.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đi qua địa bàn thị trấn Tây Sơn (dài hơn 3km) đang được khẩn trương hoàn thành, góp phần nâng cấp đô thị Tây Sơn.
Ông Phạm Hoài An – Bí thư Đảng uỷ thị trấn Tây Sơn cho biết, thị trấn Tây Sơn có hơn 80% người dân hoạt động buôn bán, dịch vụ. Vì vậy, khi các chính sách ưu đãi trong KKT hết hiệu lực, việc thu hút đầu tư, buôn bán qua cửa khẩu không còn sôi động đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập, việc làm của người dân thị trấn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do hoạt động buôn bán không thuận lợi, thu nhập của người dân bị giảm sút nhưng những năm qua, thị trấn Tây Sơn vẫn nỗ lực thực hiện các tiêu chí văn minh đô thị. Đến nay, thị trấn đã huy động xã hội hoá hơn 6,5 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang cảnh quan môi trường.
Nhà văn hoá tổ dân phố 2, thị trấn Tây Sơn diệNhà văn hoá tổ dân phố 2, thị trấn Tây Sơn diện tích chưa đầy 100m2, không đảm bảo cho sinh hoạt cộng đồng nhưng hiện chưa có quỹ đất bố trí để xây dựng mới
“Khó khăn nhất hiện nay là diện tích, quỹ đất thị trấn quá nhỏ hẹp không đủ tiêu chí xây dựng đô thị loại V. Hiện tại, 4/6 nhà văn hoá tổ dân phố không đủ diện tích, không có quỹ đất để di dời, xây dựng mới. Mong muốn của địa phương là được quy hoạch, mở rộng địa giới hành chính thị trấn để đảm bảo cho phát triển về lâu dài, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV” – ông An cho hay.
Được biết, một trong những khó khăn trong xây dựng đô thị văn minh đối với thị trấn Tây Sơn là hiện nay, quy hoạch chung KKT Cầu Treo đang thực hiện điều chỉnh, trong khi đó, thị trấn Tây Sơn do nằm trong KKT Cầu Treo nên cũng chưa lập được quy hoạch. Vì vậy, thị trấn Tây Sơn cũng chưa có cơ sở để xây dựng chương trình phát triển đô thị. Đây cũng là khó khăn của địa phương trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng.
Thị trấn Phố Châu - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Hương Sơn. Ảnh Minh Lý
Thị trấn Phố Châu là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Hương Sơn, được thành lập năm 1989. Từ một thị trấn nhỏ bé ngày đầu thành lập, hạ tầng giao thông chủ yếu đường đất, đến nay, 100% tuyến đường chính và các tổ dân phố được thảm nhựa bê tông với hệ thống mương thoát nước, chiếu sáng đầy đủ. Các tuyến đường trục chính được đặt tên đường và 95% nhà dân được đánh số. Tại một số ngã tư, đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Mặc dù hạ tầng đã được đầu tư khá đồng bộ, tuy nhiên theo ông Trần Xuân Thành – Phó Chủ tich UBND thị trấn Phố Châu: Vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với thị trấn là vấn đề xử lý nước thải, thoát lũ, chống ngập úng ở một số vùng. Đô thị phát triển nhanh chóng khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải đô thị ngày càng nan giải. Việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải đô thị cần có nguồn lực lớn.
“Thời gian qua, song song với xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh, thị trấn Phố Châu cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương, thoát thải. Tuy nhiên, đang chỉ làm cục bộ trên cơ sở hệ thống kênh mương cũ từ lâu đời, chưa có một quy hoạch đầu tư mang tình tổng thể, kết nối hoàn chỉnh. Vì vậy, mùa mưa lũ vẫn đang còn nhiều vùng trên địa bàn bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh” – ông Thành cho hay.
Do hệ thống thoát nước đô thị Phố Châu chưa được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ nên dẫn đến ngập lụt cục bộ tại nhiều điểm trong khu vực thị trấn (ảnh tư liệu).
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Trần Bình Thân cho biết: Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng đô thị văn minh, diện mạo 2 thị trấn trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có những chuyển biến về hạ tầng, cảnh quan đô thị và đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chức năng cùng với 2 thị trấn xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh theo Quyết định số: 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh”.
“Trong xây dựng đô thị văn minh đang có những khó khăn nhất định, đó là nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý nước thải, chống ngập úng. Đặc biệt, đối với thị trấn Tây Sơn quy mô diện tích còn nhỏ hẹp, không đủ bố trí xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hoá. Vì vậy, huyện cũng đang có văn bản kiến nghị đề xuất cấp trên cho phép quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thị trấn Tây Sơn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Trần Bình Thân chia sẻ.
Thêm ý kiến góp ý