Hệ thống ngôi nhà trí tuệ - tủ sách nhân ái Việt Nam trao biểu trưng tặng 500 đầu sách và 1 máy chiếu cho Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ tại tổ dân phố 3, thị trấn Phố Châu. Ảnh tư liệu
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tổng nguồn lực huy động để thực hiện 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” khoảng 10 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hoá trên 60%.
Đa số các nhà văn hóa nơi được lựa chọn thí điểm ra mắt mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đều đã được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất tại các nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ đều có thư viện sách, máy tính, máy chiếu kết nối Internet.
Tại các “Ngôi nhà trí tuệ” trong toàn tỉnh đã thành lập hơn 120 câu lạc bộ, đa dạng về loại hình theo nhu cầu, sở thích, độ tuổi và giới tính trong các tầng lớp Nhân dân. Về cơ bản, các địa phương vừa tăng cường củng cố, nâng cấp, phát triển các loại hình sinh hoạt VHVN-TDTT sẵn có, đồng thời chú trọng việc hình thành mới các câu lạc bộ như: đọc sách, tiếng Anh, kỹ năng sống,...
Đại biểu tham quan mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Hương Thọ, xã Đức Hương (Vũ Quang). Ảnh tư liệu
Sự đa dạng, phong phú về loại hình hoạt động của các CLB đã góp phần xây dựng, củng cố và phát triển mới phong trào VHVN-TDTT, tạo nên những nét đặc sắc riêng.
Được biết, năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh đăng ký triển khai 43 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, trong đó, 10 mô hình tại nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ; 15 mô hình do địa phương đăng kí xây mới và 18 mô hình do cấp huyện chủ trì xây mới.
“Ngôi nhà trí tuệ” là mô hình được tích hợp bên trong nhà văn hóa cộng đồng, trên cơ sở phát huy công năng hiện có của nhà văn hóa và bổ sung một số thiết chế khác. “Ngôi nhà trí tuệ” đã trở thành không gian phục vụ cho các hoạt động đa dạng của người dân, góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương.
Thêm ý kiến góp ý