Chuyển đổi số giúp ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Chỉ cần 1 cú click chuột trên hệ thống, các văn bản chỉ đạo, các thủ tục hành chính liên quan của ngành GD&ĐT đã nhanh chóng đến với các đơn vị trực thuộc. Theo đó, việc triển khai các nhiệm vụ được thực hiện kịp thời, chỉ số hài lòng đối với chất lượng dịch vụ giáo dục ngày càng được cải thiện.
Việc xây dựng nền hành chính hiện đại gắn với chuyển đổi số đã tạo bước đột phá trong cải cách hành chính của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh.
Thầy Cao Ngọc Châu - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: “Hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại gắn với chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 một cách thực chất và hiệu quả, thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là việc tăng cường truyền thông về CCHC; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, rà soát văn bản của các cơ quan Nhà nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là công tác chuyển đổi số gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. CCHC cũng đã trở thành một trong những tiêu chí thi đua, đánh giá xếp loại cuối năm của từng cá nhân, đơn vị”.
Từ sự chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của mỗi cá nhân, mỗi phòng ban về CCHC, tinh thần trách nhiệm, chất lượng tham mưu cho lãnh đạo ngành trong việc thực thi nhiệm vụ ngày càng được cải thiện. Theo thống kê của Văn phòng Sở GD&ĐT, từ đầu năm đến nay, các phòng chuyên môn của sở đã ban hành hơn 2.000 văn bản. Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, hầu hết các văn bản ban hành đều đạt yêu cầu đề ra.
Các thủ tục hành chính của Sở GD&ĐT cũng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành.
Mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại gắn với chuyển đổi số còn được sở GD&ĐT thực hiện qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là từ năm học 2020-2021 đến nay. Trên cơ sở đó, ngành đã phối hợp với các nhà mạng xây dựng cơ sở dữ liệu lên hệ thống giám sát và điều hành thông minh của tỉnh (IOC); phối hợp với Trung tâm Công báo - Tin học UBND tỉnh cấp chứng thư số cá nhân cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đến nay, 100% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước với các cơ sở giáo dục đều được thực hiện dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). Các thủ tục hành chính của Sở GD&ĐT cũng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành tại mục: Hatinh.edu.vn. Cổng thông tin điện tử này cũng đã tạo link với phần mềm dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giao dịch.
Mô hình 1 cửa ở các trường học đã tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên, phụ huynh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (Ảnh chụp tại phòng giao dịch 1 cửa Trường THPT Cẩm Bình).
“Việc công khai các thủ tục hành chính cũng như cập nhật kế hoạch thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của ngành đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch; góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực của người tham mưu văn bản và khả năng kiểm soát văn bản của lãnh đạo đơn vị. Ngoài ra, thực hiện theo hệ thống hồ sơ công việc sẽ giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian trình ký văn bản…”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà chia sẻ.
Cùng với “cuộc cách mạng” về chuyển đổi số, giải pháp nâng cao chỉ số CCHC trong ngành GD&ĐT còn được thực hiện qua việc chỉ đạo các đơn vị xây dựng mô hình hành chính 1 cửa. Qua quá trình vận hành cho thấy, mô hình này đáp ứng yêu cầu đổi mới, đồng thời tiết kiệm thời gian cho cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Mô hình 1 cửa ở các trường học cũng giúp tinh giản được đội ngũ hành chính, tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách.
Cô Hoàng Thị Thúy Hằng - tổ phó tổ Văn phòng Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ: “Trước đây, bộ phận hành chính ở trường có 4 phòng chức năng với 7 cán bộ, nhân viên. Do hoạt động độc lập nên quy trình giải quyết các thủ tục hành chính còn nhiều bất cập. Đặc biệt, khi một nhân viên vắng mặt thì quy trình vận hành trong công tác này hầu như bị đình trệ. Thế nhưng, từ khi vận hành mô hình 1 cửa, quy trình xử lý các thủ tục nhanh gọn, không bị gián đoạn khi có người vắng mặt. Theo đó, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ cán bộ, học sinh phụ huynh và người dân được giải quyết thuận lợi, nhanh gọn. Dù khối lượng đầu việc tăng nhưng chúng tôi đã tinh giảm được 3 nhân viên hành chính, tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách”.
Với việc thực hiện các giải pháp hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại gắn với chuyển đổi số, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục. Đến nay, kết quả chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh xếp thứ 11 sở ngành (tăng 5 bậc so với năm 2020). Và qua kết quả khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) của tỉnh năm 2020-2021, Sở GD&ĐT xếp thứ 3 trong tổng số 28 sở ban ngành.
Theo BHT
Linkgốc: https://baohatinh.vn/giao-duc/chuyen-doi-so-giup-nganh-gd-amp-dt-ha-tinh-nang-cao-chi-so-cai-cach-hanh-chinh/236534.htm
Thêm ý kiến góp ý