Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Trong thời gian qua, trước tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Điểm cầu chủ trì tại Hà Nội
Từ năm 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 1758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hiện, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án phân cấp.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Kỳ Anh
Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương còn chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa phần mềm một cửa điện tử; việc xử lý hồ sơ ở một số cơ quan còn chậm, muộn, thậm chí không phản hồi.
Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo... Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; kỹ năng làm việc trên môi trường số còn nhiều bất cập; cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn phân tán, manh mún, chất lượng dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng CNTT, trang thiết bị còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư kịp thời...
Giai đoạn 2022 - 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng CPĐT, chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC.
Tập trung triển khai có hiệu quả đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm quy chế làm việc mới của Chính phủ.
Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ liên quan đến công tác CCHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, việc phân cấp tốt hơn, giảm trung gian, tiết kiệm thời gian; công tác đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được chú trọng hơn và bước đầu có kết quả tích cực; dịch vụ công trực tuyến ngày càng được triển khai sâu rộng; phương thức chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, Chính phủ trên môi trường điện tử được thực hiện tốt hơn, hiện đại hóa hơn.
Mặc dù vậy, công tác CCHC hiện tại vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số thủ tục rườm rà; việc phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn hạn chế; quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều chi phí không cần thiết.
Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm khắc phục để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị cần đổi mới tư duy mạnh mẽ, thay đổi cách tiếp cận, đặc biệt các cấp trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, tôn trọng thực tiễn khách quan, không cứng nhắc; bám sát khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có điều hành phù hợp, hiệu quả.
Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống trên nguyên tắc cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân tập trung trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; định kỳ đánh giá, công khai chỉ số nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý TTHC trên môi trường trực tuyến. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Theo BBT
Thêm ý kiến góp ý