Các cán bộ, công chức luôn đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.
Với mục tiêu cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp nên ngoài tập trung nâng cao cải cách thể chế, bộ máy, tài chính công, cắt giảm thủ tục hành chính Hà Tĩnh đã đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử gắn với chuyển đổi số.
Việc tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến là một trong những giải pháp trọng tâm được các ngành, địa phương triển khai quyết liệt.
Tại huyện Cẩm Xuyên, theo tổng hợp từ Trung tâm Hành chính công huyện, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 88,79%, đặc biệt, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt 100%.
Ông Nguyễn Nam Phong - Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và trực tuyến toàn trình thì việc đầu tiên là đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
Tiếp đó, UBND huyện cũng đã bố trí nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu khi thực hiện tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ của người dân, doanh nghiệp gửi đến. Thành lập bộ phận hướng dẫn, giúp đỡ người dân thao tác để thực hiện nộp thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến toàn trình...”.
Được biết, để tạo điều kiện, tránh rườm ra cho người dân khi nộp hồ sơ trực tuyến, huyện Cẩm Xuyên cũng đã tổ chức rà soát lại để xác định những thủ tục nào thuộc dịch vụ công trực tuyến và thủ tục nào thuộc dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm phân luồng hồ sơ trong quá trình tiếp nhận. Đối với hồ sơ trực tuyến toàn trình thì cán bộ sẽ hướng dẫn cho người dân thực hiện, tránh trường hợp nộp hồ sơ sang dịch vụ công trực tuyến một phần.
Tình thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong hỗ trợ, hướng dẫn người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, ngày được nâng cao.
Cùng với Cẩm Xuyên, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt mức cao như: Đức Thọ có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 99%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt 100%; Hương Khê tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 97%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt trên 99%; Thạch Hà tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt trên 97%...
Đối với khối sở, ngành cấp tỉnh, các đơn vị như: Sở GD&ĐT, Sở Giao thông vận tải, Sở TT&TT đều có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 100% và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt 100%.
Hình thành các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo số liệu từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã có sự tiến triển đáng kể về các chỉ tiêu và nhiệm vụ liên quan đến dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh đạt 64,18%, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ của toàn tỉnh đạt trên 69%.
Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và trực tuyến toàn trình tăng cao do sau quá trình triển khai tuyên truyền, hướng dẫn về tiện ích của nộp hồ sơ trực tuyến đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hình thành được thói quen của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, công chức đã nâng cao được tinh thần, trách nhiệm, tích cực đồng hành, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, những kết quả rõ nét từ thực hiện Đề án 06 đã tác động tích cực và tạo thuận lợi cho người dân trong nộp hồ sơ trực tuyến trên công dịch vụ công”.
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Văn bản số 3370/UBND-HCC ngày 30/6/2023, yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa; bố trí đủ trang thiết bị phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp, thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng yếu thế nhằm thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
Các đơn vị, địa phương rà soát, lựa chọn một số TTHC để triển khai thí điểm thực hiện “một số TTHC, một số ngày không nộp hồ sơ bằng bản giấy” nhằm khuyến khích 100% người dân, tổ chức lựa chọn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Trước mắt, các đơn vị, địa phương lựa chọn một số TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ thực hiện trong một số ngày, mạnh dạn đột phá, thay đổi tư duy như cách làm của một số địa phương, tiến tới thực hiện đối với toàn bộ các TTHC đủ điều kiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và các ngày trong tuần.
Đối với đối tượng thực hiện TTHC là các cơ quan hành chính nhà nước, khi nộp hồ sơ TTHC, yêu cầu thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (trừ các trường hợp phải có hồ sơ giấy theo quy định của pháp luật).
Theo BHT
Thêm nhận xét mới