Thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần được triển khai tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đặc biệt cần gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài, có đức.
Không thể chậm trễ hơn được nữa, đã đến lúc cần khẩn trương chuyển đổi, xây dựng nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả, phù hợp với xu hướng quản trị mới, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, chúng ta cần khẩn trương bãi bỏ những quy định không còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung để tạo dựng nền thể chế bao trùm, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, sự tham gia rộng rãi của người dân và các thực thể vào hoạt động của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong dài hạn.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đổi mới, xây dựng nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả có thể theo các tiêu chuẩn sau:
Một là, có hệ thống thể chế công bằng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thích ứng kịp thời với những thay đổi của môi trường quản trị trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; tạo nền tảng đảm bảo hoạt động quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao.
Hệ thống thể chế phải đảm bảo quyền sở hữu; khả năng thực thi; trách nhiệm giải trình; tạo dựng bộ máy hành chính có chất lượng, khu vực công hoạt động hiệu quả; tạo dựng nền tảng để hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia số phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hai là, Chính phủ với vai trò vận hành hệ thống quản trị quốc gia có năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa trong thiết lập, thực thi, vận hành môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, cạnh tranh, với chi phí thấp nhất; với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; với chất lượng dịch vụ công tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ba là, duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển đầy đủ các loại thị trường với quy mô lớn, cạnh tranh cao. Cùng với đó, vị thế, thương hiệu quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, củng cố, nâng cao quyền lực mềm quốc gia.
Thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ấm ho hạnh phúc hơn với thời điểm kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu đặt ra không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.
Trong đó, đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi tiên phong. Kinh nghiệm và bài học thành công của các nước cho thấy, một đất nước có trở nên hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Mọi đổi mới, cải cách phải bắt đầu từ người lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển, xóa bỏ tư tưởng giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong cả tư duy và hành động.
Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã giúp thế giới rút ra được nhiều bài học vô giá, đó là bài học về nhân tố con người, về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Chính con người là nhân tố quan trọng để có thể vượt lên tất cả, mà hạt nhân là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Thực tế cho thấy, đất nước được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy xuyên suốt từ chủ trương, đường lối cho đến lãnh đạo, quản lý, điều hành với chiến lược đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của thời đại, mà các quốc gia này đã tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng ta đang thực hiện nhiều đổi mới mang tính cách mạng trên cơ sở kế thừa những nền tảng sẵn có, học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận có chọn lọc thành tựu từ các quốc gia đi trước, dám chấp nhận loại bỏ những thứ không còn phù hợp. Với sự chia sẻ, đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng tới thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước./.
BBT
Thêm ý kiến góp ý