Theo báo cáo tóm tắt chỉ số ICT năm 2019 do Hội Tin học Việt Nam và Bộ TT&TT công bố, tỉnh Hà Tĩnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 9 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2017.
Trong đó, các chỉ số thành phần tăng bậc nhiều nhất so với năm 2017 là: chỉ số về hạ tầng nhân lực của các cơ quan nhà nước xếp thứ 6, tăng 54 bậc; chỉ số về hạ tầng nhân lực xếp thứ 4, tăng 29 bậc; chỉ số về hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước xếp thứ 34, tăng 14 bậc…
Có được kết quả này là nhờ, trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã rất quan tâm tới việc đầu tư hạ tầng, phát triển ứng dụng CNTT và nhân lực, đẩy mạnh xây dựng các cơ chế chính sách để từng bước hoàn thiện chính phủ điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh Bùi Đắc Thế cho biết: Trên cơ sở hạ tầng CNTT hiện có, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng ứng dụng CNTT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sát đúng tình hình như: nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng và nhân lực vận hành, ứng dụng CNTT.
Đến nay, 100% các cơ quan được trang bị máy tính, kết nối internet, tỷ lệ cán bộ cấp tỉnh được trang bị máy tính là 100%, cán bộ cấp huyện 100%, cán bộ cấp xã 93%; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, 221/262 UBND cấp xã có cổng/trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả.
Từ năm 2017, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo những nội dung chính gồm: triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 và một cửa điện tử; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, đào tạo nhận lực và chính sách hỗ trợ đặc thù cho cán bộ chuyên trách CNTT. Việc ứng dụng CNTT được các cấp, ngành tích cực ứng dụng, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và DVCTT mức độ 3, 4 đến tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính; cung cấp 2.012 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó khối sở/ngành cấp tỉnh có trên 760 dịch vụ (chưa tính Cục Thuế, Hải quan) và các huyện, thị, thành phố trên 1.252 dịch vụ.
Các đơn vị, địa phương có số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lớn là: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, TP Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên... Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được thông suốt từ tỉnh đến cấp xã, phường.
Trong công tác ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước đồng thời góp phần cải thiện chỉ số ICT Index cho Hà Tĩnh, đội ngũ nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.
Theo Trưởng phòng CNTT – Sở TT&TT Hà Tĩnh Lê Văn Dũng: "Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT là những người trực tiếp vận hành và phát triển hệ thống tương tác chính quyền điện tử, đồng thời là lực lượng tham mưu, định hướng để góp phần hiện đại hóa nền hành chính đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch. Để có thể duy trì, tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, Hà Tĩnh đã sớm ban hành chính sách ưu đãi hưởng chế độ đặc thù cho cán bộ chuyên trách về CNTT từ cấp tỉnh đến cấp xã”.
Thời gian tới, để nâng cao chỉ số ICT Index, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; triển khai 2 đề án quan trọng là đề án: xây dựng Chính phủ điện tử cấp tỉnh và đề án phát triển công nghiệp CNTT.
Theo Baohatinh.vn
Thêm ý kiến góp ý