Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh từng bước giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội

  

02:33 10/12/2019

Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhân tố quan trọng góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn Hà Tĩnh.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như lao động, việc làm, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, xung đột xã hội… và xây dựng hệ thống an sinh xã hội là một yêu cầu khách quan để phát bền vững của mỗi địa phương. Với Hà Tĩnh, xây dựng NTM là một trong những cách làm hiệu quả để giải quyết vấn đề này.


Xây dựng NTM, người dân Hà Tĩnh đã tạo nên nhiều miền quê đáng sống. Trong ảnh: Xã nông thôn mới Cẩm Sơn - Cẩm Xuyên (ảnh Hương Thành)

Nhận thức sâu sắc xây dựng NTM là chương trình có nội dung toàn diện bao gồm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của tất cả các địa phương và nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện, đến 2019, có 173 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí, 2 huyện (Nghi Xuân và Can Lộc) đạt chuẩn huyện NTM, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Những kết quả đó là nhân tố quan trọng góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn.

Thứ nhất, với việc thực hiện tiêu chí số 12 (lao động có việc làm) và 14.3 (tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo), trình độ lao động nông thôn tăng đáng kể. Năm 2019, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chiếm 65%, tăng 33,7% so với năm 2010(1). Trong đó, số có bằng cấp, chứng chỉ tăng nhanh, năm 2018 chiếm 18%, tăng 9,95% so với năm 2011(2); lao động nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác từ 67,48% (2011) giảm còn 53,83% (2016); lao động công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng từ 27,34% (2011) lên 38,74% (2016). Các địa phương có sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh là Nghi Xuân, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Lộc Hà(3).


Trung tâm văn hóa xã Xuân Trường - Nghi Xuân được xây dựng khang trang. Ảnh P.V

Những kết quả đạt được về đào tạo nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, khôi phục phát triển làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới và các hình thức tổ chức sản xuất đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Bình quân từ 2010 đến 2019, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.

Năm 2019, có 228/229 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, chiếm 99,6% (tăng 83,6% so với năm 2010)(4), theo đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm năm 2018 ở nông thôn chỉ còn 2,28%, giảm 2,36% so với năm 2015(5). Như vậy, xây dựng NTM đã giải quyết có hiệu quả vấn đề lao động, việc làm trong khu vực nông thôn, giảm tốc độ chuyển dịch lao động từ nông thôn đến các đô thị góp phần giảm áp lực đối với các dịch vụ công ở khu vực đô thị.


Hàng chục vườn mẫu, hàng trăm mô hình được xây dựng không chỉ làm đẹp cảnh quan cho các khu dân cư mà còn củng cố tiêu chí thu nhập trong chặng nước rút đạt chuẩn NTM. Ảnh P.V

Thứ hai, với việc thực hiện đồng bộ Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, giảm nghèo, việc làm,giáo dục, y tế, Hà Tĩnh đã từng bước nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn (bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 30,5 triệu đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,44% (năm 2011) xuống còn 4,5 (năm 2019); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 87%; các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và đối tượng chính sách được thực hiện kịp thời(6).Từ 2011-2019 đã xóa 7.831 nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng mới, nâng cấp 30.636 nhà ở đạt chuẩn (trong đó có 10.988 hộ nghèo, 4.457 gia đình có công).

Năm 2019, có 217/229 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, đạt 95% (tăng 81% so với năm 2010). Những kết quả đó đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch về mức sống giữa đô thị và nông thôn, hệ thống an sinh xã hội từng bước được xây dựng ngày càng bền vững, không đơn thuần là giảm nghèo hay cải thiện đời sống nhân dân một cách chung chung.


Xã hội hóa các nguồn lực xây nhà tình nghĩa tạo động lực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh T.N

Thứ ba, công tác vệ sinh môi trường có chuyển biến đáng kể; chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là tại các xã đạt chuẩn NTM.

Với việc thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, đến 2019, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98,3% (tăng 29,4% so năm 2010); 48,7% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn quốc gia (tăng 22,77% so năm 2010); tỉ lệ thu gom, xử lý rác đạt 72%; hệ thống mương thoát nước thải khu dân cư được xây dựng khá đồng bộ, một số địa phương đã xây dựng công trình xử lý trước khi thải ra môi trường; 2019 có 173/229 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm(7).

Hệ thống đê sông, đê biển, hồ đập, nhà tránh lũ được quan tâm xây dựng và tu bổ nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thứ tư, việc thực hiện đồng bộ các tiêu chí NTM nhất là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa, năm 2019, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,4%, tỷ lệ thôn văn hóa đạt 69,67%; các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước được bảo tồn và phát huy, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Thực hiện đồng bộ các tiêu chí NTM, các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước được bảo tồn và phát huy. Ảnh P.V

Thứ năm, với việc thực hiện nội dung tiêu chí số 19, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng NTM” được đẩy mạnh. Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng, các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được phát hiện và xử lý kịp thời; tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước. 100% xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên, góp phần quan trọng tạo môi trường phát triển bền vững.

Nông thôn mới đang hiện hữu, ước mơ của bao lớp người đi trước đang trở thành hiên thực. Những kết quả 10 năm xây dựng NTM ở Hà Tĩnh không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn cho chúng ta bài học sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu, rộng, giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển.

* Tài liệu tham khảo:

(1, 4, 6, 7): Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng NTM - BCĐ xây dựng NTM - đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh

(2, 5): Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2018 - NXB Thống kê

(3) Cục thống kê Hà Tĩnh - Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh Hà Tĩnh - 2016

Theo Baohatinh.vn


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện