Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin & Truyền thông) cho biết: “Một trong những kết quả nổi bật trong thời gian qua là việc phát huy tối đa hiệu quả hệ thống giao dịch một cửa và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% cơ quan kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã; 98% văn bản của các cơ quan chuyên môn được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử.
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã có 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 1 và 2; cung cấp trên 1.925 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, biểu mẫu cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch”.
Hà Tĩnh cũng chính thức triển khai thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là nội dung góp phần giúp người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính có thể thực hiện ngay tại bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn.
Cùng với việc vận hành tốt hệ thống dịch vụ công, UBND tỉnh còn triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đây là giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình người dân và tổ chức giao dịch với cơ quan công quyền, đồng thời, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hoàng Tùng Phong, thay vì chỉ đánh giá ở 2 cấp độ hài lòng và không hài lòng như trước đây, nay hệ thống đo lường cho phép người dân, tổ chức khi đến giao dịch có thể đánh giá chất lượng phục vụ với 5 cấp độ: Rất kém, kém, trung bình, tốt, rất tốt.
Các nội dung mà người dân, tổ chức đánh giá không chỉ mỗi việc cán bộ, công chức đã phục vụ mình như thế nào mà còn tiếp nhận những đánh giá về cơ sở vật chất tại trung tâm, công tác vệ sinh, đón tiếp…
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ mỗi cán bộ của các sở, ngành đến trung tâm thực hiện nhiệm vụ phải không ngừng hoàn thiện mình mà ngay cả trung tâm cũng phải nỗ lực hết mình để phục vụ tốt hơn cho người dân và tổ chức.
Với các giải pháp quyết liệt nên đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công luôn đạt trên 99%, trong đó, nhiều ngành, địa phương có tỷ lệ cao như: Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở KH&CN; các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh… Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tăng nhanh. Nếu như đầu năm 2019 chỉ khoảng 5% thì đến cuối năm đã đạt gần 20%. Đây là con số khá ấn tượng.
Những kết quả đạt được là tiền đề để năm 2020 các cấp, ngành ở Hà Tĩnh tiếp tục có bước đi sáng tạo trong cải cách hành chính, tạo đột phá cho phát triển KT-XH.
Theo Baohatinh.vn
Thêm ý kiến góp ý