Giăng cọc chiếm lòng sông Rác khai thác hàu gây cản trở thuyền bè đánh bắt thủy sản
Khu vực sông Rác đoạn qua thôn Trung Thịnh, Trung Tiến hơn 3 năm nay bị người dân chôn trụ bê tông, cọc tre để khai thác hàu.
Mưu sinh giữa lòng sông Rác
Có mặt tại khu vực sông Rác đoạn qua các thôn Trung Tiến, Trung Thịnh (xã Cẩm Trung) và thôn 5, 6 (xã Cẩm Lĩnh), chúng tôi chứng kiến, trên chiều dài khoảng 1km, hàng nghìn trụ bê tông được chôn sâu giữa lòng sông, đang lấn dần luồng lạch giao thông đường thủy.
Hàng nghìn trụ bê tông, cọc tre được chôn trên lòng sông với chiều dài khoảng 1km.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra hơn 3 năm nay nhưng không được chính quyền địa phương xử lý nghiêm, gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thủy sản và việc di chuyển của thuyền bè, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Quang Lĩnh (thôn Trung Tiến) cho biết: “Các trụ bê tông, cắm cọc tre giữa lòng sông khiến các thuyền bè không thể đánh bắt tôm, cá ở khu vực này. Trước đây, có khoảng 20 thuyền bè thường xuyên đánh bắt ở đây, nhưng từ khi bị một số hộ giăng cọc tre, khu vực này gần như không có tàu thuyền chạy qua".
Lúc thủy triều xuống, các trụ bê tông, cọc tre lộ rõ trên mắt nước.
Lòng sông bị chiếm khiến cuộc sống của nhiều hộ dân ven sông gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bắc (thôn Trung Tiến) ngậm ngùi: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu mưu sinh bằng nghề chài lưới, nhưng mấy năm nay, do lòng sông bị chiếm nên phải chuyển sang làm nghề thợ xây.
Theo một số người dân, làng chài ven sông trước đây có khoảng 40 hộ làm nghề đục hàu, nhưng hiện chỉ còn khoảng hơn 10 hộ vì phần lớn diện tích mặt nước bị giăng cọc để dụ hàu khiến các bãi hàu đang ngày càng bị thu hẹp.
Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Trung Thịnh) cho biết các cọc tre, bê tông “giăng” để dụ hàu khiến cuộc sống người dân ven sông khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Trung Thịnh) cho biết, nhận thấy hàu thường bám trên các khối đá ven sông nên nhiều người đã tự đổ trụ bê tông chôn giữa sông để dụ hàu bám vào.Thấy hiệu quả kinh tế cao nên các hộ khác cũng đem cọc ra khu vực lòng sông để chôn khoanh vùng, lâu dần chiếm luôn cả lòng sông.
“Không ít tàu thuyền đã bị gãy chân vịt, thậm chí bị thủng đáy thuyền do va đập mạnh vào các trụ bê tông. Tàu thuyền đánh bắt tôm, cá quanh khu vực này đều gặp khó vì trụ bê tông, cọc tre cứ dựng đứng như “ma trận”. Sản lượng đánh bắt các loại hải sản vì thế cũng giảm mạnh", bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, trước đây, mỗi ngày, bà thu về được gần 300 nghìn đồng từ công việc đục hàu, còn bây giờ ngày nhiều thì được 120 nghìn đồng, ít thì được 60 nghìn đồng.
Nhiều tàu thuyền bị gãy chân vịt khi va chạm vào các trụ bê tông.
Chính quyền địa phương chưa mạnh tay xử lý
Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh thực trạng này và yêu cầu chính quyền xã có biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ dứt điểm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa mạnh tay khi chỉ nhắc nhở mà không buộc tháo dỡ số cọc đóng giữa lòng sông.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Trung Nguyễn Văn Tiến thừa nhận tình trạng này đã tồn tại 3 năm nay, địa phương cũng đã nhắc nhở, nghiêm cấm các hộ dân không chôn cọc tre, trụ bê tông giữa sông. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm, tranh thủ ban đêm, hoặc ngày nghỉ để tiến hành đóng cọc nuôi thêm.
"Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo cán bộ tài nguyên môi trường giám sát chặt, không để người dân mở rộng thêm diện tích nuôi, sau đó tiến đến tháo dỡ. Nếu hộ dân nào không hợp tác sẽ áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động đánh bắt của bà con tại khu vực sông Rác được thuận lợi.
Địa phương cũng sẽ phối hợp với xã Cẩm Lĩnh mời các hộ có hành vi chôn cọc giữa lòng sông lên trụ sở để làm việc và và sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết không để xẩy ra tình trạng trên tái diễn”, ông Tiến nhấn mạnh.
Điều 8 Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì hành vi tự phát giăng cọc tre và trụ bê tông giữa lòng sông trên đây của người dân có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, tùy trường hợp có thể lên tới 10.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.
Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ, di dời phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.
Trong trường hợp với những hành vi vi phạm trên đây gây hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường thủy theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này lên tới 15 năm tù giam".
Theo BHT
Thêm nhận xét mới