Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Phát triển Đô thị Hà Tĩnh định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050

  

15:36 06/01/2023

Từ thực trạng…

Theo báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh), quá trình đô thị hóa của Hà Tĩnh vẫn còn rất chậm. Tỷ lệ dân số ở thành thị có tăng, nhưng vẫn còn khá thấp, từ khoảng 15,59% năm 2011 lên 28% năm 2020 (trung bình tăng 1,3%/năm). Tỷ lệ dân số thành thị của tỉnh hiện nay còn rất thấp, thấp hơn tỷ lệ dân số thành thị của cả nước (38%). Một bộ phận khá đông dân đô thị của tỉnh vẫn còn sống bằng nghề nông và xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ của tỉnh còn khá khiêm tốn.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho đô thị thời gian đã được quan tâm đầu tư, nhìn chung bộ mặt các đô thị đã có chuyển biến rõ rệt, thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Kỳ Anh đạt đô thị loại III, thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại IV và các đô thị còn lại đạt đô thị loại V… Tốc độ xây dựng tại các đô thị chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nhà ở, dịch vụ thương mại tư nhân, lan tỏa dần từ khu vực trung tâm dọc theo các trục giao thông vượt ra ngoài ranh giới đô thị; cơ sở dịch vụ hạ tầng xã hội chưa có điều kiện xây dựng đầy đủ ở các đô thị nhỏ, đô thị miền núi. Vì vậy tình trạng đô thị phát triển theo chiều rộng bám dọc trục đường giao thông, dẫn đến tình trạng đầu tư hạ tầng dàn trải, thiếu tập trung.

Thu hút đầu tư dự án phát triển đô thị, thương mại tại các đô thị trung tâm của Tỉnh chưa nhiều, chưa được các nhà đầu tư quan tâm; chỉ số ít dự án có tác động, tạo nên diện mạo đô thị cho Hà Tĩnh như Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom Hà Tĩnh, Trung tâm siêu thị, khách sạn BMC, tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót, Khách sạn Eagle Hà Tĩnh… Còn các dự án, các khu đô thị, thương mại, du lịch khác chỉ đang ở bước nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch....

… đến định hướng phát triển

Thực tế ở các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đô thị hóa. Không có quốc gia nào trong thời đại công nghiệp lại có thể duy trì phát triển kinh tế mà không đi kèm với đô thị hóa nhanh.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu, gắn liền với phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của bất kỳ địa phương nào, và tỉnh Hà Tĩnh cũng không đứng ngoài quy luật phát triển này.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 đã thể hiện rõ định hướng, mục tiêu của phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp, đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh.

Về định hướng, đô thị Hà Tĩnh sẽ phát triển trên nền tảng Ba trung tâm đô thị:

(1) Vùng đô thị trung tâm tỉnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Hà Tĩnh xung quanh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Đây là địa bàn trung tâm, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm thương mại - du lịch, trung tâm khoa học - đào tạo, hành chính của tỉnh.


Thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân Vùng đô thị trung tâm tỉnh

(2) Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh (hiện là đô thị loại IV và đang tiến tới đô thị loại III) gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Không gian phát triển Trung tâm đô thị theo hướng bờ Nam sông Lam, cùng với các thị trấn vệ tinh để kết nối với thành phố Vinh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nhẹ và du lịch phía Bắc của tỉnh.


Thị xã Hồng Lĩnh phát triển từng ngày - Ảnh Cổng thông tin điện tử Thị xã Hồng Lĩnh

(3) Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh (hiện là đô thị loại III) gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nặng, chế biến chế tạo, dịch vụ logistics và tiềm năng phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Phấn đấu đến cuối năm 2025, thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố - đô thị loại II. Về lâu dài, thị xã Kỳ Anh sẽ kết nối với với huyện Kỳ Anh với chức năng vùng đệm cho thị xã Kỳ Anh và có thể mở rộng không gian phát triển khi phát triển đô thị lên loại II trong tương lai.


Thị xã Kỳ Anh – Hạt nhân của Trung tâm đô thị phía Nam Hà Tĩnh

Về mục tiêu, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, toàn tỉnh có 02 đô thị loại II (thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh), 02 đô thị loại III (thị xã Hồng Lĩnh và thị trấn Đức Thọ), 11 đô thị loại IV và 09 đô thị loại V; 100% các đô thị có quy hoạch chung; 100% các đô thị loại IV trở lên có quy hoạch phân khu và tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết của các đô thị đạt 50%.

 Về không gian phát triển hệ thống đô thị Hà Tĩnh

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định phát triển hệ thống đô thị của tỉnh thành 03 chuỗi gắn với 03 trung tâm đô thị động lực, trên cơ sở phát huy lợi thế giao thông của các tuyến quốc lộ qua địa bàn, gồm:

(1) Chuỗi đô thị dọc theo QL.1 và Quốc lộ ven biển


Đây là chuỗi đô thị chính của Hà Tĩnh, được phát triển nhằm tận dụng lợi thế giao thông của QL.1, Quốc lộ ven biển, đồng thời gắn kết với hệ thống giao thông mới là đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trục 1 gồm 02 tuyến đô thị là: tuyến đô thị dọc theo QL.1 và tuyến đô thị dọc theo QL ven biển.

Chuỗi đô thị dọc theo QL.1 và Quốc lộ ven biển và mối liên kết giữa các đô thị (Ảnh Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh)

(2) Chuỗi đô thị dọc theo QL.8


Chuỗi đô thị dọc theo QL.8 (Ảnh Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh)

Chuối đô thị dọc theo QL.8 hình thành, phát triển các đô thị động lực bao gồm: Nước Sốt, Tây Sơn, Phố Châu, Nầm, Đức Thọ, Lạc Thiện, Tam Đồng, Hồng Lĩnh, Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân.

Trục đô thị này lấy thị xã Hồng Lĩnh là đô thị hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận, sau năm 2030 trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh. Thị xã Hồng Lĩnh sẽ phát triển thành đô thị loại III, thị trấn Tiên Điền, Xuân An và Nghi Xuân sẽ phát triển là đô thị loại IV.

(3) Chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh

Chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh phát triển các đô thị động lực dọc theo đường Hồ Chí Minh: Phố Châu, Vũ Quang, Phúc Đồng, Hương Khê, Hương Trà, La Khê, Tây Sơn.


Chuỗi đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh (Ảnh Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh)

Giải pháp đầu tư, phát triển đô thị

Như phân tích ở trên, phát triển đô thị là xu thế tất yếu của phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Để phát triển đô thị Hà Tĩnh theo định hướng, mục tiêu như nêu trên, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra các giải pháp:

- Tuyên truyền rộng rãi quy hoạch, định hướng phát triển của các khu đô thị động lực để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hà Tĩnh và khu đô thị phía Bắc, bao gồm thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền và Xuân An huyện Nghi Xuân; điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng… Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc các khu đô thị động lực.

- Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng và các khu chức năng để phát triển các khu đô thị động lực, trong đó có các trục giao thông kết nối từ các khu đô thị động lực ra các vùng phụ cận, các công trình cấp nước, xử lý nước thải và chất thải tập trung, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các khu đô thị.

- Tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động làm cơ sở, nền tảng động lực cho việc thu hút các dự án đầu tư khác phát triển.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và đô thị đặc biệt là KCN phía Tây TP. Hà Tĩnh, KCN Bắc Thạch Hà, KCN Bắc Hồng Lĩnh, KCN Gia Lách, Khu đô thị Hàm Nghi, Khu đô thị du lịch Xuân Giang 2 huyện Nghi Xuân, Khu đô thị du lịch sinh thái Thiên Cầm - Cẩm Xuyên, Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City, Trung tâm logistics Vũng Áng, Sơn Dương, Đức Thọ, Trung tâm hội chợ triển lãm ở thành phố Hà Tĩnh…

- Hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư tạo ra chuỗi giá trị mềm, như dịch vụ quản lý đô thị chuyên nghiệp, hệ thống an ninh, áp dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ. Huy động nguồn lực từ ngân sách và thu hút đầu tư doanh nghiệp trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh, đô thị xanh với ưu tiên là TP. Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế, chất lượng hoạt động của mạng lưới, dịch vụ khám chữa bệnh; xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo; các công trình văn hóa.

- Nâng cao năng lực quản lý trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển các khu đô thị động lực theo quy hoạch. Khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị để tạo nguồn vốn đầu tư. Hạn chế quá trình phát triển đô thị không bền vững theo kiểu nhà dân phát triển dọc theo các trục đường giao thông gây lãng phí quỹ đất đô thị, tạo ra kinh tế vỉa hè gắn liền với phương tiện giao thông cá nhân…

 Theo ĐTXT 

Link gốc: http://xuctiendautu.hatinh.gov.vn/hatinh/cms-investment/cms/articles/phat-trien-do-thi-ha-tinh-dinh-huong-den-nam-2030-tam-nhin-2050--1672878759576.html