Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Thực hiện nhiệm vụ “kép” nơi đảo xa

  

06:59 28/12/2021

Đã đến với nhiều đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Cà Mau, nhưng ra với Đồn Biên phòng Hòn Chuối, chúng tôi mới thấm thía cảm giác thế nào là sóng gió biển khơi. Từ cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời ra tới đảo chỉ khoảng 17 hải lý, nhưng vào ngày biển động, sóng gió cấp 5, cấp 6, con tàu cứ lắc lư, chao đảo, có lúc sóng cuộn lên bạc trắng, phủ kín cả con tàu…


Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đo thân nhiệt, kiểm tra y tế cho cư dân trên đảo. Ảnh: Lê Khoa

Ra khỏi cửa biển, anh Võ Văn Phong, thuyền trưởng tàu BT 98539 TS nhắc đi nhắc lại: “Nhà báo cứ ngồi yên trong ca bin gần chỗ tôi lái tàu, anh em thuyền viên trên tàu thì quen rồi, nên di chuyển đi lại được, còn nhà báo không quen sóng gió rất nguy hiểm”. Anh Phong năm nay 48 tuổi, nhưng thâm niên đi biển đã gần 30 năm, vì vậy, các vùng biển Tây Nam anh rất tường tận và biết “tính nết” từng mùa gió, con sóng, để khéo léo điều khiển con tàu di chuyển an toàn nhất.

Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng Cà Mau và một số bà con ở đảo nhiệt tình đón chúng tôi khi tàu vừa cập bến. Thiếu tá Kết cho biết, mặc dù xa đất liền, nhưng trong suốt 2 năm qua, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo, vừa tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Trên đảo hiện có 68 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu.

Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên đảo như Hải đăng, Ra đa, các đơn vị trong bờ để nắm chắc tình hình trên biển; tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra quanh khu vực đảo để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản, đồng thời, nhắc nhở ngư dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, cam kết tuyệt đối không được chở người hoặc tiếp tay chở người xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến thời điểm hiện tại, bà con trên đảo và các lao động trên biển khi vào đảo đều chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Mỗi khi vào bờ hoặc quay ra đảo, tất cả cư dân đều được quân y đơn vị hướng dẫn khai báo y tế đúng quy định, những ai có lịch trình di chuyển nhiều trong đất liền sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, chấp hành quy định 5K.

Theo tổ công tác do Thiếu tá Trương Văn Kết chỉ huy, chúng tôi gặp gỡ một số chủ bè nuôi cá bớp quanh đảo. Ông Hồng Nhật Trường, là cư dân sinh sống trên đảo gần 20 năm và hiện tại ông Trường đang nuôi cá bớp lồng bè. Ông cho biết: “Mấy năm gần đây, các mạng điện thoại, sóng truyền hình đã phủ tốt nên cư dân thường xuyên cập nhật kịp thời các thông tin về tình hình trong nước, quốc tế, khoa học kỹ thuật... đặc biệt là thông tin về dịch bệnh Covid-19.

Nhờ đó, ý thức của bà con trên đảo được nâng lên rõ rệt, nếu ai phát hiện có tàu đánh cá từ tỉnh khác vào neo đậu là điện thoại thông báo ngay cho đồn Biên phòng để anh em xử lí. Không chỉ công tác phòng, chống dịch mà tất cả tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên đảo, công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, bà con đều tin tưởng, trông cậy vào cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo”.


Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối tuần tra quanh khu vực đảo. Ảnh: Lê Khoa

Cũng theo Thiếu tá Trương Văn Kết, từ tháng 2-2020 đến nay, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã triển khai thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra quanh khu vực đảo và tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức phòng, chống dịch, phát hiện, tố giác các hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào đảo, vào đất liền... Cùng với công tác phòng chống dịch, cư dân trên đảo cũng được đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Do đảo nhỏ, nên mỗi năm, cư dân phải di chuyển nhà từ 2 - 3 lần, mỗi lần di chuyển, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều giúp dân làm lại nhà; mỗi khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, đơn vị lại giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời bè cá vào các vị trí ít sóng, gió và di chuyển người già, phụ nữ, trẻ em lên đơn vị tránh trú.

Quanh năm sóng gió, đời sống phụ thuộc vào con nước, vào những chuyến ra vào của tàu đánh cá, theo hướng gió chướng, gió nồm, nên mỗi hộ ở đảo Hòn Chuối có tới 2 nhà. Từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau ở bên ghềnh Nam, từ tháng 5 đến tháng 10 chuyển nhà sang ghềnh Bắc. Gọi là nhà, nhưng đa phần đều được dựng tạm bằng gỗ và tôn, nắng gió góc nào cũng lọt. Khó khăn là vậy, nhưng người dân ở Hòn Chuối ai cũng xởi lởi, vui vẻ. Phụ nữ cũng chăm chút làm đẹp, đàn ông lúc cao hứng sẵn sàng cất lên những câu vọng cổ thiết tha, ngọt ngào...

Có thể thấy rằng, dù nơi đảo xa, hay trong đất liền thì tất cả cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đều ít kể về gian khó, bởi theo họ, xa nhà và thường trực ở biên giới là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ đội Biên phòng. Dù không nói ra, nhưng tôi biết, tất cả anh em đóng ở các tổ, chốt đều vì nhiệm vụ, nén lại tình riêng, gác lại bao dự định dành cho gia đình, vợ con thân yêu ở quê nhà. Chúng tôi luôn chúc cho những người lính và cư dân nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc sẽ luôn “chân cứng, đá mềm”, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ biên giới, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

 Theo bienphong.com.vn

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện

EMC Đã kết nối EMC