Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Cần sớm hoàn thiện Quy hoạch không gian Biển Quốc gia

  

07:37 27/12/2021

Sáng 10-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã nghe Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo về Quy hoạch không gian Biển Quốc gia. Dự cuộc họp có các Thứ trưởng: Trần Quý Kiên, Lê Minh Ngân; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học về biển và hải đảo.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai lập Quy hoạch không gian Biển Quốc gia (Quy hoạch), bước đầu đã xây dựng được dự thảo lần 1 Báo cáo thuyết minh Quy hoạch không gian Biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nội dung gồm 5 phần.

Cụ thể, 5 phần gồm: Các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian biển của các hoạt động; Dự kiến xu thế biến động của tài nguyên và môi trường, các tác động của biến đổi khí hậu; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; Dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng không gian biển; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045; Tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch.

Đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Phong, đại diện Liên danh Viện Chiến lược phát triển, Viện Công nghệ môi trường, Viện Cơ học - đơn vị thực hiện Quy hoạch, đã trình bày cụ thể về mục tiêu, quan điểm và định hướng bố trí sử dụng không gian biển cho các hoạt động.

Theo đó, về quan điểm xây dựng, Quy hoạch bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng không gian biển, đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Sử dụng không gian biển phải bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu của các hệ sinh thái môi trường; bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa các phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh, cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực biển.

Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, nhất là ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu của cách mạng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá cho phát triển các ngành, lĩnh vực biển và sử dụng bền vững không gian biển. Bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại do thảm họa; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các bên liên quan trong sử dụng không gian biển; nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và tuân thủ các Điều ước, Công ước, Hiệp ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tạo ra nhiều sinh kế cho người dân gắn với phát triển bền vững

Theo ông Hoàng Ngọc Phong, về mục tiêu tổng quát, Quy hoạch thực hiện quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển hướng tới mục tiêu quốc gia mạnh về biển, giàu về biển trong khu vực và trên thế giới, trong đó, các ngành kinh tế biển có sức cạnh tranh cao, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân gắn với phát triển bền vững về xã hội, ứng phó hiệu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh vững chắc cho Việt Nam, dựa trên bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên và các giá trị văn hóa ven biển, biển, đảo.


Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Mục tiêu cụ thể, Quy hoạch kế thừa cách phân chia mục tiêu cụ thể thành các nhóm theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Các mục tiêu về kinh tế biển; Các mục tiêu về xã hội; Các mục tiêu về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Các mục tiêu về hội nhập quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ông Hoàng Ngọc Phong cho biết, định hướng bố trí sử dụng không gian, đối với các vùng, kế thừa cách thức phân vùng ven biển và ven biển của Nghị quyết 36-NQ/TW, theo đó, bao gồm 4 vùng biển: Vùng biển và ven biển Phía Bắc (từ Móng Cái - Ninh Bình); Vùng biển và ven biển Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung Bộ (từ Thanh Hóa - Bình Thuận); Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh); Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Hà Tiên). Việc phân vùng này nhằm bảo đảm tính thống nhất trong công tác quy hoạch vùng, giữa đất liền và vùng biển.

Trong từng Vùng, sẽ phân vùng sử dụng vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam (theo Điều 21, Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019).

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng Quy hoạch có những khó khăn nhất định. Đây lần đầu tiên chúng ta làm một Quy hoạch có tính tổng hợp, tổng thể… trong quá trình xây dựng Quy hoạch, đơn vị thực hiện cần chú trọng đến cơ sở dữ liệu; làm rõ hơn, định vị, đưa ra được tiêu chí rõ ràng hơn so với các nội dung đã có trong Chiến lược kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Quy hoạch, như mới đây, Trung Quốc đã đưa ra Chiến lược về văn minh sinh thái biển, hay Úc cũng có các Chiến lược và Quy hoạch liên quan. Mặt khác, Quy hoạch này cần nói rõ hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, với các hiện tượng như nước biển dâng, xói lở bờ sông, bờ biển… Đơn vị thực hiện Quy hoạch cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch theo đúng tiến độ.

Theo baotainguyenvamoitruong.vn

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện