Tuy nhiên, thị phần vận tải hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài chiếm lĩnh. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu vận tải biển quốc tế của chúng ta lại đang ở thế yếu trên thị trường, thị phần vận tải hàng hóa ngày càng giảm: năm 2015 đảm nhận 11%, năm 2018 giảm xuống 7% và đến nay chỉ còn 6%.
Đáng lo ngại là phần lớn tàu vận tải biển quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dẫn đến số tàu biển của ta bị lưu giữ ở cảng biển nước ngoài còn cao. Cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời, thiếu tàu container, tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế... Thế nên, đội tàu vận tải biển Việt Nam chủ yếu chạy tuyến ngắn như: Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Á.
Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 đạt gần 700 triệu tấn. Ảnh minh họa
Quy mô đội tàu trong nước ngày càng giảm sút khi xu hướng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tàu mang quốc tịch nước ngoài đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu 150 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài, chiếm 14% về số lượng và 25% trọng tải đội tàu quốc gia.
Lý giải về xu hướng này, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ đủ năng lực tài chính mua tàu có trọng tải lớn đã trên 15 tuổi, do đó, không đủ điều kiện đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam. Nếu đăng ký tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài, doanh nghiệp vừa tránh được một khoản thuế, phí rất lớn khi làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế đăng ký trước bạ...); vừa thuận tiện cho việc vận tải tuyến quốc tế cũng như cho thuê tàu định hạn, không phải đưa tàu về Việt Nam để thực hiện việc đăng ký.
Hệ lụy này dẫn đến thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của đội tàu thuộc sở hữu quốc gia giảm sâu. Nhà nước cũng không thu được một khoản thuế, phí nào khi tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài.
Rõ ràng, việc xây dựng, phát triển đội tàu biển quốc gia đủ sức cạnh tranh thị trường quốc tế là yêu cầu bức thiết đang được đặt ra. Nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới, giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển tăng đột biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, khó có thể phát triển được đội tàu container tuyến xa, nếu Nhà nước không có các chính sách nới điều kiện vay vốn, ưu đãi thuế. Bộ luật Hàng hải 2015 quy định ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định các mức ưu đãi.
Kinh nghiệm từ Philippines cho thấy, chính phủ nước này thông qua đạo luật hàng hải cho vay lãi suất thấp hoặc Chính phủ bảo đảm vay vốn, tài trợ tài chính để doanh nghiệp mua tàu. Nhờ vậy, tỷ lệ vận chuyển hàng hóa quốc gia bằng tàu mang cờ Philippines đã tăng từ 7,8% lên 15% trong vòng 6 năm. Đối với Malaysia, các doanh nghiệp khi mua tàu sẽ được nhà nước giảm thuế lợi tức và miễn 50% doanh thu chịu thuế.
Do vậy, để phát triển đội tàu biển, Chính phủ cần ban hành chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu đối với chủ tàu Việt Nam thay thế tàu cũ hiện có bằng tàu biển mới dưới 15 tuổi hoặc có trọng tải lớn hơn, đồng thời giảm 50% phí trọng tải trong thời gian 5 năm khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500TEU trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có sản lượng container xuất, nhập khẩu hằng tháng từ 500TEU trở lên...
Theo bienphong.com.vn