Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động để khai thác nguồn lợi từ biển
Khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, với tổng diện tích vùng biển 18.400 km2, gấp ba lần diện tích đất liền của tỉnh. Biển Hà Tĩnh có tính đa dạng sinh học cao, vùng ven bờ thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản với diện tích trên 20.000 ha; bờ cát dài, thoải, mịn cùng với làn nước trong xanh là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu du lịch biển như Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con. Đặc biệt, Cụm cảng nước sâu như Vũng Áng, Sơn Dương trong tương lai sẽ là cửa ngõ ra biển Đông và Thái Bình Dương của vùng Bắc Trung bộ và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan và Myanma.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển và ven biển, những năm qua, Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động để khai thác nguồn lợi từ biển, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Kinh tế biển Hà Tĩnh được đẩy mạnh phát triển toàn diện trên cả ba lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Về công nghiệp, hiện nay, Khu Kinh tế Vũng Áng đã có trên 220 doanh nghiệp và dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy phép đăng ký kinh doanh với tổng vốn 16,5 tỷ USD và 39.031 tỷ đồng. Hiện nay, số lượng lao động trong Khu kinh tế có trên 14.000 người, trong đó gần 1.100 lao động người nước ngoài của 26 quốc gia trên thế giới. Năm 2012, Khu Kinh tế Vũng Áng đóng góp ngân sách trên 2.000 tỷ đồng.
Nhiều công trình lớn, dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai đúng tiến độ: Cảng thương mại tổng hợp có 2 cầu cảng công suất 1,32 triệu tấn/năm, Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng quy mô 110 nghìn m3 xăng dầu và 1.700 m3 khí hóa lỏng đã đi vào khai thác, sử dụng. Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng công suất 6.300MW đang được triển khai thực hiện, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200MW chuẩn bị phát điện vào cuối năm 2013. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW, vốn đăng ký 2,5 tỷ USD dự kiến khởi công trong năm 2013; nhiều dự án công nghiệp phụ trợ khác đang tích cực triển khai thực hiện. Khu liên hợp luyện cán thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do tập đoàn Formosa đầu tư có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 10 tỷ USD đang triển khai đồng bộ các hạng mục để cuối năm 2014 có sản phẩm thép ra lò. Ngoài ra Tập đoàn Formosa đã được Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 12 tỷ USD.
Với những kết quả đạt được thời gian qua, Khu Kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh đã được Chính phủ chọn là một trong năm khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015.
Về nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 3.780 tàu cá với tổng công suất 80.866CV, tổng sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn trong đó khai thác, đánh bắt hàng năm đạt 25.000 - 30.000 tấn (trữ lượng các loài cá được dự báo khoảng 80.000 - 90.000 tấn, cho phép khai thác, đánh bắt khoảng 40.000 tấn) trị giá khoảng 600 - 750 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp trên tàu và hàng ngàn lao động phụ trợ, nâng cao thu nhập cho ngư dân ven biển.
Về phát triển thương mại, dịch vụ: Hà Tĩnh có các bãi biển như Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con… được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều bãi biển đẹp nhất khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với bờ cát thoải và làn nước trong xanh, sạch, là điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn bởi môi trường trong lành và không gian yên tĩnh. Những năm gần đây, du lịch biển Hà Tĩnh đã thu hút hàng chục nghìn khách du lịch trong và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh.
Phát triển kinh tế biển
Phấn khởi và vui mừng với những kết quả đạt được, tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế biển. Khu Kinh tế Vũng Áng với những siêu dự án được định hướng trở thành trung tâm nhiệt điện, trung tâm công nghiệp nặng, Tổng kho xăng dầu, Nhà máy luyện gang thép Formosa, những cầu cảng cho tàu hàng chục ngàn tấn cập bến… sẽ thải ra hàng ngàn tấn chất thải, khói bụi than xỉ, dầu mỡ mỗi ngày…Việc đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm chậm khả năng tái sinh của biển. Phát triển du lịch dễ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, an ninh trật tự sẽ phức tạp nếu không có quản lý chặt chẽ. Cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tác động đến tất cả các quốc gia, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của sự sống… Những vấn đề nêu trên là nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn, môi trường sống của động vật, thực vật, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường biển.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế biển trong thời gian tới, cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, coi phát triển kinh tế biển là động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển sẽ là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển.
Thứ ba, phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ vùng biển. Khai thác, sử dụng nguồn lợi biển có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, Tăng cường công tác tuyên truyền về chiến lược phát triển kinh tế biển, xây dựng thương hiệu biển đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân vùng ven biển, không ngừng nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.
Với những kết quả đạt được và những định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh, hy vọng trong tương lai không xa, kinh tế biển Hà Tĩnh sẽ là điểm sáng, là mô hình kinh tế biển thành công trên dải bờ biển dài hơn 3.200 km của Tổ quốc.
BBT