Điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai năm 2024), trong đó, Điều 190 quy định hoạt động lấn biển có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024 và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Để quy định hoạt động lấn biển có hiệu lực thi hành theo đúng quy định, Bộ TN&MT đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển. Ngày 19/3/2024, Bộ TN&MT đã có Tờ trình số 25/TTr-BTNMT gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ, Bộ TN&MT đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển.
Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển phục vụ mục đích phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; không điều chỉnh hoạt động lấn biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.
Các nội dung quan trọng của nghị định là: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư; giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển được xác định để lấn biển; nghiệm thu hoàn thành lấn biển; xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất lấn biển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lấn biển...
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, các bộ, ngành liên quan và một số địa phương đã tập trung cho ý kiến về một số quy định, tập trung vào phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; yêu cầu đối với hoạt động lấn biển; quy định xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp đã thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển trước ngày nghị định này có hiệu lực; xây dựng sơ đồ quy trình thực hiện các dự án lấn biển...
Các đại biểu cũng cho rằng, để hoạt động lấn biển có hiệu quả, nghị định cần sớm được ban hành và đảm bảo hài hoà quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, phù hợp với quy định của các luật khác có liên quan và hài hòa quy hoạch tổng thể.
Sau khi các các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia phát biểu góp ý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hàđánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đại biểu và làm rõ thêm một số nội dung, nhất là những vấn đề còn nhiều tranh luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN.
Cụ thể như: quy định chủ đầu tư chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với phần đất được hình thành từ hoạt động lấn biển; dự toán chi phí lấn biển; thời hạn thông báo rộng rãi thông tin về dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục dự án ấn biển của dự án đầu tư...
Phó Thủ tướng yêu cầu các nội dung dự thảo nghị định phải chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Trong sáng mai (4/4), các đại biểu bộ, ngành tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo, kịp thời ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển.
BBT