Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2022

  

02:58 03/03/2022

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 02 NĂM 2022

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông , lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời thiết tương đối thuận lợi nên diện tích lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương cơ bản tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống nên lúa sinh trưởng đồng đều, đảm bảo thời vụ sinh trưởng; hầu như không xảy ra hiện tượng lúa bị chết do rét đậm, rét hại một số ngày qua. Hiện nay người dân đang tổ chức ra quân giặm tỉa, phòng trừ một số loại sâu bệnh và chuẩn bị bón thúc đẻ nhánh; Hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định và từng bước phát triển trong việc tái đàn ở đàn lợn, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; Trồng rừng và khai thác gỗ tăng nhẹ, cây trồng phân tán đạt khá so với tháng trước do thực hiện Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần; Sản xuất thủy sản được duy trì và có mức tăng nhẹ.

1. Sản xuất nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

Trong tháng 02, sản xuất trồng trọt chủ yếu tập trung gieo trồng các loại cây vụ Xuân năm 2022. Tính đến ngày 14/02/2022, tiến độ gieo trồng cây vụ Xuân 2022 đạt được như sau:

Toàn tỉnh đã gieo cấy lúa vụ Xuân đạt 99,8% kế hoạch, trong đó: Diện tích lúa cấy là 7.897 ha (chiếm 13,3% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 51.565 ha (chiếm 86,7% tổng diện tích gieo cấy). Cơ cấu giống lúa chủ yếu là nhóm giống P6, Nếp, HT1, Bắc Thịnh, ADI168, KDĐB, KD18, LP5,.vv. chiếm trên 95% tổng diện tích gieo cấy. Một số địa phương đã có diện tích gieo cấy vượt kế hoạch như: Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh.

Cùng với gieo trồng lúa thì trong tháng 02/2022 bà con nông dân cũng đã xuống giống sản xuất các loại cây trồng vụ Xuân. Tuy nhiên, do thời gian qua bà con nông dân đang tập trung gieo cấy lúa và điều kiện thời tiết mưa rét nên tiến độ sản xuất các loại cây trồng cạn vụ Xuân tính đến ngày 14/02/2022 vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Tháng 02/2022, trùng vào dịp tết Nguyên đán nên sau Tết cùng với việc chăm sóc diện tích cây đã gieo trồng thì bà con nông dân tiếp tục sản xuất gieo trỉa các loại cây trồng cạn vụ Xuân 2022 theo kế hoạch và đảm bảo khung lịch thời vụ. Nhìn chung, tuy điều kiện thời tiết có rét đậm nhưng hiện nay các loại cây trồng vụ Xuân 2022 đã sản xuất đang phát triển tốt.

- Thiên tai, dịch bệnh: Trong tháng 02/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh tuy có mưa rét nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng vụ Xuân 2022. Sâu bệnh chỉ xuất hiện một số sâu cuốn lá, rệp...không gây hại đối với các loại cây trồng.

1.2. Chăn nuôi

Tháng 02/2022, các dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát nên hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện, tổng đàn các loại vật nuôi đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng với mức tăng nhẹ. Đầu tháng 02/2022, người chăn nuôi đã cung ứng các sản phẩm chăn nuôi phục vụ dịp Tết. Nhìn chung, lượng cung các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dịp Tết vừa qua tương đối dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết, không xẩy ra hiện tượng khan hàng và tăng giá thực phẩm chăn nuôi. Sau khi tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu dịp Tết thì hiện nay người chăn nuôi tiếp tục tái đàn. Tuy nhiên, do giá thức ăn và các chi phí đang tăng cao là khó khăn và rào cản lớn đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 16/02/2022 trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn có 5 xã trên địa bàn 4 huyện (Vũ Quang 2 xã, Thạch Hà 1 xã, Cẩm Xuyên 1 xã và huyện Kỳ Anh 1 xã) đang có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày và hiện đang còn có 7 hộ ở 6 thôn đang có dịch. Tổng số lợn bị ốm chết, buộc tiêu hủy ở các địa bàn chưa qua 21 ngày là 35 con với trọng lượng 2.600 kg.

  2. Lâm nghiệp

Trong tháng 02 trùng vào dịp Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần nên số lượng cây trồng phân tán tăng hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Cùng với trồng cây phân tán thì hoạt động trồng rừng sản xuất vụ Xuân năm 2022 và khai thác gỗ cũng đang được các chủ rừng tích cực triển khai thực hiện và có kết quả tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/02/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 6 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 2,42 ha.

3. Thủy sản

Kết quả sản xuất thủy sản trong tháng 02 cũng như 2 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì ổn định và có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do thu hoạch sản lượng nuôi trồng phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần. Mặt khác, từ tháng 12 năm trước kéo dài đến tháng 3 năm sau là mùa cá trích, ruốc…xuất hiện nhiều nhất. Những chuyến biển của ngư dân thường bắt đầu từ buổi tối đến rạng sáng ngày hôm sau và chủ yếu đánh bắt vùng lộng gần bờ bằng tàu thuyền cỡ nhỏ nên cũng ít tốn kém chi phí hơn, trong khi những chuyến biển đầu năm đạt khá nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác. Thời gian tới, khi giá nhiên liệu tăng cao sẽ là khó khăn rất lớn đối với hoạt động khai thác hải sản.

- Dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.

2. Sản xuất công nghiệp (IIP)

Tháng 2 năm 2022 là thời điểm nằm trong dịp tết nguyên đán, thời gian nghỉ kéo dài; bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh sau đợt nghỉ Tết đã tác động xấu đến sản xuất ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất tháng 02 năm 2022 dự ước giảm 4,81% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2022 giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,47%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 15,16%; sản xuất và phân phối điện giảm 31,38%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 5,1%. Chỉ số sản xuất tháng 01 giảm là do trùng vào dịp lễ Nguyên Đán các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ít ngày hơn, bên cạnh đó nhu cầu một số mặt hàng giảm làm cho sản lượng khai thác giảm xuống.

Chỉ số sản xuất tháng 02 năm 2022 dự ước tăng 9,02% so với tháng trước và giảm 4,81% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân giảm so với tháng trước là do tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn ngừng hoạt động do sự cố hệ thống dầu bôi trơn tuabin máy phát không làm việc vì mất nguồn điện chính và dự phòng sản lượng điện sản xuất giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. trong đó, ngành sản xuất phân phối điện khí đốt có mức giảm sâu (giảm 34,18%). Nguyên nhân do giá thép đang có xu hướng giảm, đặc biệt giá nguyên liệu, nhân công tăng cao nên Công ty Formosa giảm sản lượng sản xuất so cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022 trong 18 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có 12 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 51,18%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 20,59%; ngành sản xuất đồ uống tăng 16,18%; ngành khai khoáng khác tăng 14,86%... Bên cạnh đó có 6 nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành như: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 34,18%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 28,1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 14,89%....

Nhìn chung chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính đến cuối tháng 02 năm 2022 ước giảm so với cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao nhưng trong tháng giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng sữa chữa thiết bị, máy móc.

Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 3/2022: Sản xuất công nghiệp có sự ổn định trở lại do các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất.

3. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 02/2022 đạt 293.813 triệu đồng, bằng 64,77% so với tháng trước, bằng 116,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 230.541 triệu đồng, giảm 37,45% (giảm 138.027 triệu đồng) so với tháng trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 59.134 triệu đồng, giảm 20,86% (giảm 15.591 triệu đồng) so với tháng trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 4.138 triệu đồng, giảm 60,06% (giảm 6.222 triệu đồng) so với tháng trước. Tháng 2/2022 trùng dịp tết Nguyên đán, thời gian nghỉ lễ kéo dài, các công trình xây dựng tạm thời ngừng thi công. Dự án khởi công mới, dự án chuyển tiếp chờ giao vốn năm 2022 đang hoàn thiện hồ sơ đáp ứng để tiếp tục thi công, các dự án công trình mới chưa triển khai thực hiện. Do đó tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 02/2022 giảm mạnh so với tháng trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt 747.466 triệu đồng, tăng 17,54% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tổng vốn đầu tư thực hiện 2 tháng đầu năm 2022 vẫn đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chủ yếu nguồn vốn cấp tỉnh tăng 37,24% và cấp huyện tăng 13,42%, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 82,18% so với năm 2021 do năm nay kế hoạch vốn cấp xã giao giảm 57,05% so với năm 2021.

Dự báo tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 3/2022 sẽ tăng trưởng ổn định.

4. Thương mại, dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 02 năm 2022 trùng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần thời gian thực sự bắt đầu kinh doanh của đa số cơ sở là sau thời điểm rằm tháng giêng. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh sau đợt nghỉ Tết đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội. Tính chung ngành thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 2 năm 2022 giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Nhìn chung, hoạt động bán lẻ hàng hóa những tháng đầu năm 2022 có mức tăng khá hơn so với dịp cuối năm 2021. Tuy nhiên, chưa đạt mức so cùng kỳ năm 2021. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 hứa hẹn là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa bán ra tốt hơn.

Tháng 2/2022 doanh thu bán lẻ ước đạt 3.719,57 tỷ đồng, giảm 11,53% so với tháng trước và giảm 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm ngành hàng, một số nhóm ngành hàng có doanh thu giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: Hàng lương thực, thực phẩm 12,94% so với tháng trước, giảm 12,88% so với cùng kỳ; hàng may mặc giảm 7,71% so với tháng trước, giảm 24,75% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ gia đình giảm 7,16% so với tháng trước, giảm 27,11% so với cùng kỳ. Do nhu cầu và giá các loại hàng hóa này sau Tết đều giảm mạnh, nhất là hàng may mặc với việc đồng loạt giảm giá các loại quần áo mùa đông cho đợ chuyển mùa

Các nhóm hàng tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu ở các nhóm: Xăng, dầu các loại giảm 3,8% so với tháng trước, tăng 28,21% so với cùng kỳ; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 1,99% so với tháng trước, tăng 43,67% so với cùng kỳ; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 11,82% so với tháng trước, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Do giá xăng dầu, khí đốt hóa lỏng và vật liệu xây dựng các loại đang ở mức cao lại tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh, dẫn đến dù sức mua giảm so với tháng trước nhưng doanh thu ở các mặt hàng này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, 02 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.923,99 tỷ đồng, giảm 4,38% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù là tháng 2 tháng Tết, tuy nhiên do sự sụt giảm doanh thu trong tháng 2 khiến doanh thu 2 tháng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Biến động rõ nét nhất so với cùng kỳ ở các nhóm mặt hàng: xăng dầu các loại tăng 30,67%; nhiên liệu khác tăng 35,23%; gỗ và vật liệu xây dựng các loại tăng 12,26%; nhóm hàng may mặc giảm 31,95% và nhóm đồ dùng thiết bị gia đình giảm 27,42%. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời gian nghỉ Tết kéo dài khiến số ngày sản xuất kinh doanh trong tháng giảm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tháng giá xăng dầu, gas nhiên liệu được điều chỉnh tăng tác động đến trực tiếp đến doanh thu nhóm hàng này và chi phí sản xuất, trung gian các nhóm hàng hóa khác.

 - Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: Nhìn chung, hoạt động dịch vụ ăn uống và du lịch lữ hành trong tháng 02/2022 gặp rất nhiều khó khăn. Du lịch lữ hành vẫn đang tạm ngừng chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân là do thời tiết đang trong mùa mưa rét, cùng với là thời gian sau khi đón Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống còn thấp. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện hầu hết tại các địa phương đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của người dân, do đó các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

Doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống tháng 02/2022 ước đạt 220,81 tỷ đồng, giảm 14,86% so với tháng trước, giảm 47,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 6,71 tỷ đồng, giảm 22,66% so với tháng trước, giảm 57,84% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 214,10 tỷ đồng, giảm 14,59% so với tháng trước, giảm 47,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do trong tháng là dịp Tết âm lịch, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm.

 Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 480,14 tỷ đồng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 44,74%). Trong đó, ngành l­ưu trú ước đạt 15,38 tỷ đồng, giảm 52,12% và dịch vụ ăn uống ước đạt 464,76 tỷ đồng, giảm 44,45% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 02/2022 ước tính đạt 151,23 tỷ đồng, giảm 20,02% so với tháng trước và giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do hoạt động xây dựng tạm nghỉ Tết nên dịch vụ thuê máy móc thiết bị hỗ trợ hoạt động xây dựng giảm. Nhu cầu thuê ốt kinh doanh, giáo dục, dịch vụ cưới hỏi, hiếu hỷ, thuê xe, dịch vụ thuê và sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình, nhu cầu chăm sóc, làm đẹp sau Tết giảm mạnh. Chỉ có dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng nhẹ phục vụ khám chữa bệnh, xét nghiệm covid do dịch bùng phát mạnh tại địa phương.

  Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 340,31 tỷ đồng, tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản đạt tăng 60,33%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 21,72%; giáo dục đào tạo giảm 5,8%; các hoạt động hỗ trợ y tế trong đợt dịch và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 2,77%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 84,06%; sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 34,31%; dịch vụ khác tăng 5,15%.

 Nhìn chung, trước tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và yếu tố thời vụ sau dịp Tết, kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và các dịch vụ khác sẽ chưa có gì khởi sắc và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, doanh thu đang có xu thế sụt giảm

4.2. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 2 tháng đầu năm hoạt động trở lại sau những tháng tạm ngừng từ thời điểm giữa năm 2021 tuy nhiên mức hoạt động không đạt như kỳ vọng. Doanh thu vận tải tháng 2 và 2 tháng đầu năm giảm cả so với tháng trước và so với cùng kỳ.

  Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 02 năm 2022 ước đạt ước đạt 327,40 tỷ đồng, giảm 8,7% so tháng trước và giảm 29,03% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hành khách: Doanh thu tháng 2 ước đạt 54,23 tỷ đồng, tăng 10,43% so với tháng trước và giảm 64,26% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng vận chuyển hành khách ước đạt 632,29 nghìn HK, tăng 13,75% so với tháng trước và giảm 69,47% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 104,74 triệu HK.km tăng 11,49% so với tháng trước, giảm 70,18% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách trong tháng tăng do rơi vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán, lượng khách di chuyển tham dự cưới hỏi và đi lại dịp nghỉ Tết, cùng với trạng thái thời tiết rét đậm và mưa nên nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng như taxi, xe buýt tăng so với tháng trước. Sau nghỉ Tết sau thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch, sinh viên các trường đại học đã quay trở lại trường, nhu cầu đi lại bằng các tuyến xe liên tỉnh tăng hơn nhưng nhìn chung vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa: Doanh thu tháng 2 ước đạt 205,57 tỷ đồng, giảm 13,73% so với tháng trước và giảm 16,77% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa vận tải dự tính đạt 2.448,16 nghìn tấn, giảm 10,42% so với tháng trước và giảm 9,05% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 62,02 triệu tấn.km, giảm 12,59% so với tháng trước và giảm 6,54% so với cùng kỳ. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở vận tải bắt đầu trở lại hoạt động sau ngày 15/02.

- Dịch vụ hỗ trợ vận tải: Trong tháng đơn vị kinh doanh nghỉ Tết thời gian dài, hàng hóa thông qua Cảng Vũng Áng và Sơn Dương giảm, doanh thu ước đạt 67,54 tỷ đồng, giảm 5,08% và tăng 7,84% so với cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải dự tính đạt 686,0 tỷ đồng, giảm 27,98% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 103,34 tỷ đồng, giảm 65,10% với số lượng vận chuyển đạt 1.188,13 nghìn HK, giảm 70,57% và luân chuyển đạt 198,69 triệu HK.km, giảm 71,19%; vận tải hàng hóa ước đạt 443,84 tỷ đồng, giảm 12,82% với khối lượng vận chuyển ước đạt 5.181,18 nghìn tấn, giảm 8,53% và luân chuyển ước đạt 132,97 triệu tấn.km, giảm 6,20%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 138,69 tỷ đồng, giảm 5,87% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước đang diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Cộng với tháng 2 trùng dịp nghỉ Tết nên kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh cả so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 02 ước đạt 112 triệu USD, giảm 9,74% so với tháng trước và giảm 13,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép đạt 75 triệu USD giảm 14,96% so với tháng trước và giảm 35,67% so với cùng kỳ; sợi, dệt và hàng may mặc đạt 1,2 triệu USD giảm 21,05% so với tháng trước và tăng 287,10% so với cùng kỳ năm trước; dăm gỗ đạt 4,5 triệu USD giảm 14,29% so với tháng trước.

Cộng dồn 2 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 236,09 triệu USD, giảm 3,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu từ Formosa chiếm tỷ trọng cao (chiếm 74,90%) trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, xuất khẩu thép, phôi thép là mặt hàng chủ lực của toàn tỉnh ước đạt 163,19 triệu USD và là mặt hàng duy nhất có kim ngạch giảm 25,01% còn lại tất cả các mặt hàng khác đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Thủy sản tăng 45,90%; chè tăng 135,90%; dăm gỗ tăng 52,82%; hàng dệt, may mặc tăng 128,33% và sợi, dệt và hàng may mặc tăng 209,09% so với cùng kỳ.

- Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 2 ước đạt 205,5 triệu USD, giảm 18,85% so với tháng trước và tăng 8,67% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa. Cộng dồn 2 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 458,73 triệu USD, tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2022 tăng nhẹ so với tháng trước, tăng chủ yếu ở nhóm giao thông. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên nhiên liệu các loại tăng mạnh theo tình hình chung của thị trường thế giới, ảnh hưởng đến chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác, tác động vào giá tiêu dùng bình quân chung toàn tỉnh.

Tháng 02 năm 2022, chỉ số CPI chung tăng 1,44% so với tháng trước, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 1,38% so với tháng trước và tăng 1,24% so với cùng kỳ; khu vực nông thôn tăng 1,47% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 2 cơ bản ổn định so với tháng trước, chỉ có 2 nhóm hàng biến động tăng so với tháng trước và so cùng kỳ là nhóm giao thông tăng 2,99% so với tháng trước và tăng 11,42% so với cùng kỳ, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 5,33% so với cùng kỳ. Dẫn đến chỉ số giá bình quân 2 nhóm này cũng tăng ở mức cao so với cùng kỳ (nhóm giao thông tăng 11,41%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,14%), kéo theo chỉ số giá bình quân 2 tháng tăng 1,0% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do việc tăng mạnh của các loại nguyên liệu khí hóa lỏng, xăng dầu các loại cộng với tháng 2 trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán khối lượng tiêu thụ điện, gas, nước sinh hoạt tiêu thụ đều tăng. Bên cạnh đó, thời tiết rét đậm kéo dài khiến nhu cầu sử dụng thiết bị giữ ấm cao

Chỉ số giá vàng tháng 02/2021 tăng 1,72% so với tháng trước và giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường giá vàng 9999 trong tháng tăng so tháng trước, đặc biệt tăng mạnh vào ngày thần tài 10/01 âm lịch vừa qua. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.382 nghìn đồng/chỉ 9999,

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2 năm 2022 tăng 0,08% so với tháng trước, giảm 0,40% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la mỹ bình quân 2.353.993 đồng/100 USD.

Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ tháng 3/2022 sẽ giảm hơn so tháng 02/2022 do nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm giao thông và vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi giá dầu thế giới vẫn đang ở mức cao và việc thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng lượng điện sinh hoạt tăng mạnh

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Sau dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng cao bên cạnh đó thời tiết chuyển rét đậm đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, khai thác của người dân. Trước tình hình đó Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các giải pháp, giám sát chặt chẽ công tác phòng dịch tại địa bàn, tăng cường việc xét nghiệm sàng lọc, đồng thời tiến hành từng bước thu hẹp phạm vi phong tỏa nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh trên đàn gia súc. Nhìn chung tình hình đời sống dân cư ổn định. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu đói.

 2. Giáo dục

Học kỳ 1 năm học 2021-2022 ngành Giáo dục Hà Tĩnh triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Kết quả cụ thể như sau:

Giáo dục mầm non: Hà Tĩnh đã thực hiện kịp thời chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) sau sửa đổi bổ sung, chỉ đạo phát triển chương trình GDMN theo quan điểm “giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm” phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có những điều chỉnh phù hợp tùy vào tình hình thực tế của địa phương.

Giáo dục tiểu học: chất lượng đại trà của học sinh tiểu học môn Toán: tỷ lệ học sinh “Hoàn thành tốt” là 48,93%, tỷ lệ học sinh “Hoàn thành” là 48,81 % và “Chưa hoàn thành” là 2,26%; môn Tiếng Việt: tỷ lệ học sinh “Hoàn thành tốt” là 50,28 %, tỷ lệ học sinh “Hoàn thành” là 47,33% và “Chưa hoàn thành” là 2,39%.

Trung học cơ sở: có 10.416 em xếp học lực giỏi (chiếm 13,31%); 31.532 em xếp loại khá (chiếm 40,29%); 32.256 em xếp học lực trung bình (chiếm 41,22%), và 4.058 em xếp loại yếu, kém (chiếm 5,18%).

Trung học phổ thông: Có 8.835 em xếp học lực giỏi (chiếm 20,9%); 22.596 em xếp loại khá (chiểm 53,46%); 10.590 em xếp học lực trung bình (chiếm 25,05%), và 247 em xếp loại yếu, kém (chiếm 0,59%).

3. Hoạt động y tế

Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công văn số 272/UBND-VX1 ngày 16/01/2022 về việc giảm số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà để phòng chống dịch COVID-19, theo đó từ ngày 20/01/2022 cho đến khi có văn bản chỉ đạo tiếp theo, các hoạt động tập trung trong nhà không quá 50 người tham gia và Công văn số 274/UBND-VX ngày 17/01/2022 về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

- Tình hình dịch bệnh Covid: Tổng số ca mắc từ ngày 1/01/2022 đến ngày 21/02/2022 là 8.976 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 10.590 ca mắc. Cộng dồn tổng F1 đã truy vết (từ 4/6 đến nay) 40.397 ca số đã hoàn thành cách ly 23.485 ca, số còn cách ly 16.912 ca. Toàn tỉnh đã có 13/13 địa phương thực hiện việc cách ly, điều trị các ca bệnh tại nhà với 7.848 ca, trong đó đã có 5.114 ca khỏi bệnh. Tình hình điều trị các ca bệnh hiện nay còn 299 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế và 2.734 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại nhà. Đánh giá tình hình dịch Hà Tĩnh, đang ở nguy cơ dịch cấp độ 2 - nguy cơ trung bình. Toàn tỉnh hiện có 16 xã, phường, thị trấn cấp độ 4; 41 xã, phường, thị trấn cấp độ 3.

- Tình hình dịch bệnh khác: Tính từ ngày 16/1/2022 đến ngày 15/02/2022, trên địa bàn có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 1 ca sốt xuất huyết, 7 ca mắc bệnh quai bị, 17 ca mắc lỵ trực trùng; 25 ca mắc lỵ a míp; 12 ca mắc bệnh thủy đậu, 796 ca mắc bệnh cúm, 101 ca tiêu chảyvà không có người chết vì do các bệnh trên.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống và điều trị cho người nhiễm HIV⁄AIDS Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng lây truyền HIV cho người bệnh; tư vấn xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ; thực hiện có hiệu quả dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; duy trì hiệu quả 3 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Từ ngày 16/1/2022 đến ngày 15/2/2022 toàn tỉnh có 2 người nhiễm mới HIV,1 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS; so với cùng kỳ năm trước: số người nhiễm mới HIV giảm 8 ca (giảm 80,0%), số người chuyển thành AIDS giảm 5 ca (giảm 83,30%), số người chết vì AIDS không đổi. Tính chung hai tháng đầu năm có 3 người nhiễm mới HIV (tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2021), 2 người chuyển thành AIDS (tăng 1 người) và không có người chết vì AIDS.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 1 vụ ngộ độc tập thể làm 4 ca bị ngộ độc chưa xác định được nguyên nhân; ngoài ra còn có 61 ca bị ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước, tăng 1 vụ ngộ độc tập thể, tăng 4 ca ngộ độc tập thể, số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 49 ca (giảm 44,50%), số ca tử vong không đổi. Trong thời điểm Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

4. Hoạt động văn hoá, thể thao

- Hoạt động văn hóa: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa theo tinh thần Chỉ thị 35/CT-TTG ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các di tích, danh thắng, bảo tàng, thư viện, được mở cửa đón khách nhưng phải tuyệt đối đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch được quy định, hướng dẫn tại Văn bản số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã cấp17 giấy phép, trong đó có 01 giấy phép thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, 15 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, 01 giấy phép thuộc lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Tổ chức kiểm tra 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, lập biên bản kiểm tra 20 cơ sở, yêu cầu ký cam kết khắc phục sửa chữa biển hiệu, biển quảng cáo đối với 10 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 01 trường hợp với số tiền 5 triệu đồng.

- Hoạt động thể thao: Trong tháng diễn ra giải Việt dã Đại hội thể dục thể thao lần thứ IX và ngày chạy Olympic do huyện Kỳ Anh tổ chức. Đây là hoạt động thi đấu thể thao và phát động ngày chạy Olympic đầu tiên của tỉnh góp phần động viên nhân dân tích cực rèn luyện thể dục thể thao để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong tháng không diễn ra hoạt động thể thao thành tích cao.

5. Tình hình an toàn giao thông

Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-BATGT ngày 11/02/2022 về kiểm tra, đôn đốc tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2022 trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 06/KH-BATGT ngày 12/01/2022 về triển khai công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông năm 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch covid-19" với tinh thần "Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Tính từ ngày 15/01 - 14/02/2022 xảy ra 8 vụ tai nạn đường bộ, 7 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại 70 triệu đồng; riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (từ ngày 29/01 đến ngày 06/02/2022) xảy ra 5 vụ, làm chết 3 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn không đổi, giảm 1 người chết (giảm 12,50%), tăng 5 người bị thương . Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.

 Như vậy, tính từ 15/12/2021 đến 14/02/2022, Hà Tĩnh xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 17 người và bị thương 10 người. So cùng kỳ năm 2021 tăng 3 vụ, tăng 5 người chết và tăng 5 người bị thương.

6. Môi trường

- Tình hình cháy nổ: Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy 3 vụ cháy, nổ với tổng thiệt hại tài sản 200 triệu đồng, tất cả các vụ cháy đều không có thiệt hại về người; nguyên nhân các vụ cháy là do chập điện. So với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ cháy, nổ; giảm 1 người chết; giảm 1 người bị thương.

 Tính chung hai tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 7 vụ cháy, nổ không có người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước số vụ không đổi; giảm 2 người chết; giảm 1 người bị thương.

- Về vi phạm môi trường: Từ ngày 15/01 - 14/02/2022 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 306 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 243 vụ, tổng số tiền xử phạt 651,08 triệu đồng; so với tháng trước tăng 255 vụ vi phạm (tăng 5 lần), tăng 223 vụ đã xử lý (tăng 11,15 lần), tăng số tiền xử phạt 424,08 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước số vụ đã phát hiện tăng 296 vụ (tăng 29,60 lần), số vụ đã phát hiện tăng 236 vụ (tăng 33,71 lần), số tiền xử phạt tăng 633,13 triệu đồng. Vi phạm môi trường trong tháng chủ yếu là vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép... gồm 298 vụ (chiếm 97,39%); vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 6 vụ (chiếm 1,96%); Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường 2 vụ (0,65%).

Tính chung từ 15/12/2021 - 14/02/2022 đã phát hiện 357 vụ, xử lý 263 vụ, tổng số tiền xử phạt 878,08 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ đã phát hiện tăng 333 vụ (tăng 13,88 lần), số vụ đã xử lý tăng 254 vụ (tăng 28,22 lần), số tiền xử phạt tăng 765,13 triệu đồng.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

BBT


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện