Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2023

  

09:17 27/02/2023

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 02 năm 2023 chủ yếu tập trung chăm sóc cây vụ Đông 2022 và gieo trồng các loại cây vụ Xuân năm 2023. Nhìn chung, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, không có rét đậm nên hiện nay các loại cây trồng vụ Xuân 2023 đã sản xuất đang phát triển tốt; Hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định, tổng đàn các loại vật nuôi biến động nhẹ so với cùng kỳ, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt; Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung hưởng ứng tết trồng cây nên lượng cây trồng phân tán tăng so với tháng trước, bên cạnh đó thì công tác trồng rừng và khai thác gỗ có phần hạn chế do sau Tết người dân vẫn đang nghỉ ngơi và du xuân; Sản xuất thủy sản thời tiết thuận lợi nên ngư dân tích cực ra khơi bám biển, đặt biệt mùa này cho thu hoạch các loại cá đù, cá cơm, ruốc biển, tôm, cá bạc má, sò và các loại nhuyễn thể…nên các tàu đánh bắt đều cho thu nhập khá. Đây là những tín hiệu tích cực để khuyến khích ngư dân tăng cường khai thác hải sản trong thời gian tới.

1.1 Sản xuất nông nghiệp

*Trồng trọt


 Mục tiêu sản xuất: Phấn đấu diện tích các cây trồng vụ Xuân 2023 đạt 81.062 ha, cụ thể: Diện tích lúa gieo cấy 59.049 ha, năng suất đạt trên 56,7 tạ/ha với sản lượng đạt trên 33,5 vạn tấn; diện tích ngô 5.381 ha, năng suất đạt trên 50 tạ/ha với sản lượng đạt trên 26,9 nghìn tấn; diện tích khoai lang 1.572 ha, năng suất đạt trên 80 tạ/ha với sản lượng đạt trên 12,6 nghìn tấn; diện tích lạc 8.954 ha, năng suất đạt trên 26,8 tạ/ha với sản lượng đạt trên 24 nghìn tấn; diện tích rau các loại 5.728 ha, năng suất đạt trên 72 tạ/ha với sản lượng đạt trên 41 nghìn tấn; diện tích đậu các loại 378 ha, năng suất đạt 9,9 tạ/ha với sản lượng đạt 374 tấn.

Tiến độ gieo trồng cây vụ Xuân 2023: Tính đến ngày 13/02/2023, toàn tỉnh đã gieo cấy lúa đạt 99,98% kế hoạch, trong đó: Diện tích lúa cấy là 5.388 ha (chiếm 9,1% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 53.650 ha (chiếm 90,9% tổng diện tích gieo cấy). Cơ cấu giống lúa chủ yếu là nhóm giống Nếp, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, HT1, KD18, KDDB, BQ, Hà Phát 3, Bắc Thịnh, VNR20,…chiếm trên 95% tổng diện tích gieo cấy. Một số địa phương có diện tích gieo cấy vượt kế hoạch như: Hương Khê, Đức Thọ.

Cùng với gieo cấy lúa thì trong tháng 02/2023 bà con nông dân cũng đã xuống giống sản xuất các loại cây trồng vụ Xuân. Tuy nhiên, do thời gian qua bà con nông dân đang tập trung gieo cấy lúa và điều kiện thời tiết có mưa, đất ướt nên tiến độ sản xuất các loại cây trồng cạn vụ Xuân tính đến ngày 13/02/2023 vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Tháng 02/2023, sau Tết cùng với việc chăm sóc diện tích cây đã gieo trồng thì bà con nông dân tiếp tục sản xuất gieo trỉa các loại cây trồng cạn vụ Xuân 2023 theo kế hoạch và đảm bảo khung lịch thời vụ.

Thiên tai, dịch bệnh: Trên cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 xuất hiện một số dịch bệnh gây hại như sau: (1) Đối với cây lúa thì ốc bươu vàng gây hại ở vùng sâu trũng, ngập nước, không chủ động nước ở Đức Thọ, Cẩm Xuyên, tỷ lệ 7-10%, diện tích 19 ha và chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở Đức Thọ, Lộc Hà, diện tích 15 ha; (2) Cây ngô, sâu keo mùa thu, sâu cắn lá phát sinh gây hại trên trà ngô 3-7 lá, diện tích nhiễm 7ha; bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ gây hại trên trà ngô sớm, diện tích 35 ha; bệnh khô vằn gây hại trên trà ngô 7-9 lá, diện tích 12 ha; sâu đục thân, đục bắp gây hại trên trà ngô sớm, diện tích 10 ha, tập trung tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên…; (3) Trên cây rau, nhóm sâu ăn lá (sâu xanh bướm trắng, sâu keo) phát sinh gây hại trong vườn hộ, mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, diện tích 30 ha; rệp xanh, rệp đen gây hại trên rau họ hoa thập tự, tỉ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 10-12%, diện tích 15 ha; bệnh sương mai tỷ lệ 7-10, nơi cao 10-15%, diện tích 17 ha; bọ nhảy 32 ha, tập trung ở các địa phương Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh.

*Chăn nuôi

Tháng 02/2023, các dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát nên hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định, tổng đàn các loại vật nuôi biến động nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 01/2023, người chăn nuôi đã cung ứng các sản phẩm chăn nuôi phục vụ dịp Tết. Nhìn chung, lượng cung các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dịp Tết vừa qua tương đối dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết, không xẩy ra hiện tượng khan hàng và tăng giá thực phẩm chăn nuôi. Sau khi tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu dịp Tết thì hiện nay người chăn nuôi tiếp tục tái đàn. Tuy nhiên, do giá thức ăn và các chi phí đang tăng cao là khó khăn và rào cản lớn đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới.


Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 15/02/2023 trên địa bàn xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh có 21 con trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

1.2 Lâm nghiệp


         Trong tháng 02, là dịp Tết trồng cây Xuân Quý Mão nên số lượng cây trồng phân tán tăng hơn so với tháng trước (tăng 111,7%). Tuy nhiên, do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán giảm hơn so với cùng kỳ năm trước (giảm 34,77%). Cùng với trồng cây phân tán thì hoạt động trồng rừng sản xuất vụ Xuân năm 2023 và khai thác gỗ cũng đang được các chủ rừng tích cực triển khai thực hiện. Nhưng do sau Tết người dân vẫn còn nghỉ ngơi, du xuân nên kết quả trồng rừng tập trung giảm 29,76% và sản lượng gỗ khai thác tháng 02/2023 giảm 19,6% so với tháng trước.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Trong tháng 2/2023 đã xẩy ra 4 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 1,04 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/02/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 7 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 3,43 ha.

1.3 Thủy sản


Kết quả sản xuất thủy sản trong tháng 02 cũng như 2 tháng đầu năm 2023 nhìn chung vẫn ổn định. Sản lượng nuôi trồng được thu hoạch để phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán Quý Mão. Những chuyến biển của ngư dân thường bắt đầu từ buổi tối đến rạng sáng ngày hôm sau và chủ yếu đánh bắt vùng lộng gần bờ bằng tàu thuyền cỡ nhỏ nên cũng ít tốn kém chi phí hơn, trong khi những chuyến biển đầu năm đạt khá nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác. Tuy nhiên, do tháng 02 là thời gian sau Tết nhiều ngư dân đang dành thời gian nghỉ ngơi, du xuân chưa ra khơi khai thác hải sản nên sản lượng khai thác có giảm nhẹ so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.

2. Sản xuất công nghiệp (IIP)

Hai tháng đầu năm 2023 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp khó khăn khi một số ngành công nghiệp tiếp tục phải chịu những ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cũng như gặp các sự cố về hỏng hóc, tạm ngừng sửa chữa máy móc thiết bị. Vì vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm ước giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất tháng 02 năm 2023 dự ước tăng 5,59% so với tháng trước và giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 65,64% so với tháng trước và tăng 27,24% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,61% so với tháng trước và giảm 5,47% so với tháng 02/2022; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,71% so với tháng trước và tăng 20,04% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,09% so với tháng trước và giảm 19,51% so với cùng kỳ năm 2022.


Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 6,85%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,7% làm giảm 2,31 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); sản xuất và phân phối điện giảm 1,63%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 20,96%, làm giảm 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành. Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung trong 2 tháng giảm là do: (1) Tại thời điểm cùng kỳ năm trước hoạt động sản xuất thép, phôi thép là rất ổn định và đảm bảo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái nền kinh tế thế giới, mà “hạt nhân” nền kinh tế tỉnh nhà là Formosa từ đầu đến nay vẫn gặp một số khó khăn nên sản xuất cầm chừng, sản lượng phôi thép và thép sản xuất có phần giảm xuống so với cùng kỳ năm 2022. (2) Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như thép, điện sản xuất, sợi tiếp tục xu hướng giảm, là nguyên nhân chính dẫn đến sản xuất công nghiệp 2 tháng giảm, cụ thể như (thép đạt 0,78 triệu tấn, giảm 2%; điện sản xuất đạt 1,27 tỷ kWh, giảm 2,4%; sợi đạt 938 tấn, giảm 11%). (3) Khi sản lượng thép giảm, lượng điện sản xuất giảm thì ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm sẽ giảm theo.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu


Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 7 nhóm sản phẩm có chỉ số tăng so cùng kỳ (chiếm 36,84% trong tổng số sản phẩm) và có 12 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 63,16% trong tổng số sản phẩm). Cụ thể: Nhóm sản phẩm có chỉ số tăng bao gồm: Bia đóng lon tăng 49,09%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 27,12%; điện thương phẩm tăng 16,88%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 11,84%; dịch vụ sản xuất dược phẩm tăng 8,23%; nước uống được tăng 2,12% và mực đông lạnh tăng 0,5%. Ngoài ra một số nhóm sản phẩm có chỉ số giảm bao gồm: Chè (trà) nguyên chất giảm 53,03%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 30,81%; nước không uống được giảm 23,07%; bê tông trộn sẵn giảm 19,2%; ...

Nhìn chung chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính đến cuối tháng 02 năm 2023 ước giảm so với cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao nhưng trong tháng giảm sản lượng do gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng sữa chữa thiết bị, máy móc.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý dự ước tháng 02/2023 mặc dù có cao hơn so với tháng trước (tăng 13%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 12,96%), nhưng vẫn còn khá thấp. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 2 tháng đầu năm 2023 ước giảm 21,16% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 02/2023 ước đạt 301,33 tỷ đồng, tăng 13% so với tháng trước và tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 240,76 tỷ đồng, tăng 15,28% so với tháng trước và tăng 14,32% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 55,47 tỷ đồng, tăng 4,76% so với tháng trước và tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 5,10 tỷ đồng, tăng 4,53% so với tháng trước và tăng 32,66% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý dự ước tháng 02/2023 có cao hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không đạt kỳ vọng đề ra. Nguyên nhân chính là do: (1) Sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán các công trình trở lại thi công hơi chậm. (2) Việc triển khai khởi công các công trình mới vẫn đang gặp nhiều khó khăn do quy trình thủ tục đầu tư cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số công trình lại vướng khâu giải phóng mặt bằng. (3) Các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh có tổng vốn đầu tư lớn chưa khởi công xây dựng. Mặt khác, nguồn vốn ODA chưa giao vốn kế hoạch tới công trình, do đó giá trị thực hiện công trình thuộc nguồn vốn ODA trong quý đầu năm đạt thấp.


Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 568 tỷ đồng, giảm 21,16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do vốn kế hoạch tỉnh Hà Tĩnh được giao năm 2023 giảm 20,12% so với năm trước. Bên cạnh đó, các công trình lớn thuộc nguồn vốn Trung ương và vốn ODA thực hiện chậm do còn vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng cũng như quy trình thủ tục đầu tư, hồ sơ thi công dẫn đến giá trị thực hiện các tháng đầu năm còn đạt thấp, chỉ đạt 9 % kế hoạch năm.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 02, nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vận hành bình thường trở lại sau thời gian nghỉ Tết dài ngày. Khi nhu cầu và giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều giảm mạnh thì nhu cầu tham quan, du lịch, vãn cảnh đầu xuân năm mới Quý Mão 2023 cho du khách và người dân địa phương tăng cao. Là điều kiện để quảng bá hoạt động du lịch tỉnh nhà, nhất là các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch tâm linh, di tích văn hóa lịch sử tăng mạnh như: Chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Phổ Độ, Đền ông Hoàng Mười, Đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, Khu du lịch Đá bạc Eco, Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ…


Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 02/2023 doanh thu bán lẻ ước đạt 4.667,70 tỷ đồng, giảm 11,30% so với tháng trước và tăng 28,96% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm ngành hàng, chỉ có 02 nhóm ngành hàng có doanh thu tăng so với tháng trước là: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,91% do các hoạt động xây dựng đã trở lại thi công sau kỳ nghỉ Tết và nhóm xăng, dầu các loại tăng 1,535 chủ yếu do sự điều chỉnh về giá nguyên nhiên liệu theo giá xăng, dầu thế giới. Còn lại các nhóm hàng khác đều giảm khá sâu so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ thì tổng mức hàng hóa vẫn đảm bảo ở mức tăng khá cao ở các nhóm mặt hàng. Nguyên nhân cơ bản đã tác động đến kết quả kinh doanh bán lẻ hàng hóa trong tháng có thể kể đến là: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tháng sau tết Nguyên đán nên nhu cầu và giá cả nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng giảm mạnh. Thứ hai, so sánh cùng kỳ thì dịch bệnh Covid-19 năm nay được kiểm soát, các giải pháp hạn chế đi lại được bãi bỏ, đời sống kinh tế - xã hội có xu hướng ổn định. Nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định khiến lượng cầu hàng hóa, dịch vụ tăng. Thứ ba, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.

Tính chung, 02 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.930,22 tỷ đồng, tăng 26,92% so với cùng kỳ năm trước. Biến động rõ nét nhất so với cùng kỳ ở các nhóm mặt hàng thiết yếu và chiếm tỷ trọng doanh thu cao như: Lương thực, thực phẩm tăng 28,61%; may mặc tăng 55,44%; đồ dùng, thiết bị gia đình tăng 53,64%; xăng dầu các loại tăng 40,04%;... Chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 8,96%; phương tiện đi lại khác giảm 9,12%, nguyên nhân chủ yếu do đây là các mặt hàng xa xỉ, và dường như đang có dấu hiệu bão hòa thị trường, bên cạnh đó việc lãi suất tín dụng đang ở mức cao cũng ảnh hưởng đến sức mua các mặt hàng này. Nhưng nhìn chung, hoạt động bán lẻ hàng hóa những tháng đầu năm 2023 có những tín hiệu tích cực và đạt được mức tăng khá hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Trong tháng 02/2023 doanh thu ước đạt 547,21 tỷ đồng, tăng 3,79% so với tháng trước, tăng 30,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 19,75 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước, tăng 53,12% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ 106.690 lượt, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 51,14% so với cùng kỳ năm trước. Ngày khách phục vụ 79.135 ngày, tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 24,97% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 525,33 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 28,81% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành ước đạt 2,13 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước.

Trong tháng, các nhóm ngành đều có xu hướng tăng hơn so với tháng trước. Nguyên nhân do nhu cầu của người dân đi tham quan du lịch ngày càng cao. Các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đầu tư cơ sở vật chất tốt để phục vụ khách tham quan. Trong và sau Tết là thời điểm du lịch tâm linh phát triển mạnh, nhu cầu đi lễ, du xuân của người dân tăng. Tháng 02/2023 cũng là tháng khai hội Chùa Hương mở đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc lượng khách ghé dâng hương tri ân cũng tăng so với tháng trước. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão khu du lịch Chùa Hương đón khoảng hơn 14 ngàn lượt khách về lễ hội. Từ đầu năm đến thời điểm hiện tại có khoảng 53 nghìn lượt khách đến Chùa Hương Tích. Ngoài ra, trong tháng thời tiết chuyển dần sang mùa nắng nên các bãi biển cũng bắt đầu thu hút được lượng khách so với tháng trước. Những điều này, phần nào tác động đến doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng tăng. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng ăn uống ngoài gia đình phát triển đã kéo theo sự gia tăng hàng loạt các loại hình ăn uống như quán hàng, quán ăn từ sang trọng đến bình dân nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.074,44 tỷ đồng tăng 39,45% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành l­ưu trú ước đạt 39,31 tỷ đồng, tăng 78,87%; lượt khách phục vụ 212.300 lượt, tăng 63,6%; ngày khách phục vụ 157.790 ngày, tăng 41,53% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 1.030,95 tỷ đồng, tăng 37,74% so với cùng kỳ năm trước; ngành du lịch lữ hành ước đạt 4,18 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 02/2023 ước tính đạt 264,97 tỷ đồng, giảm 6,96% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 70,02% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 549,78 tỷ đồng, tăng 58,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 25,74%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 114,66%; giáo dục đào tạo tăng 56,01%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 28,37%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 3,8 lần; dịch vụ khác tăng 30,41%. Nhìn chung, kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và các dịch vụ khác 2 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải hành khách tháng 2 trở lại vận hành bình thường sau quãng thời gian nghỉ Tết dài ngày. Hoạt động vận tải hành khách đường bộ biến động giảm mạnh so với tháng trước, nguyên nhân chính do giá vé vận chuyển hành khách bằng phương tiện ô tô đường dài được điều chỉnh giảm về mức trước tết Nguyên đán. Trong khi đó, doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa lại tăng do các thành phần và các ngành kinh tế đều có số ngày hoạt động tăng, thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hoá tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất và thi công công trình tăng.


Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 02 năm 2023 ước đạt 460,24 tỷ đồng, tăng 1,75% so tháng trước và tăng 7,59% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách: Doanh thu tháng 2 ước đạt 117,09 tỷ đồng, giảm 5,06% so với tháng trước và tăng 46,55% so với cùng kỳ năm trước. Do tháng trước trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách đi lại trong dịp Tết tăng. Cùng với đó, trong tháng hình thái rét đậm rét hại nên nhu cầu thuê xe đi lại dịp Tết và sử dụng các phương tiện công cộng như taxi, xe buýt ở mức cao. Bước sang tháng 2 nhu cầu đi lại cũng ít hơn, cùng với đó là giá vé xe đã được giảm về giá vé ngày thường nên doanh thu vận tải hành khách trong tháng giảm so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ hoạt động vận tải hành khách vẫn ở mức tăng cao, ghi nhận sự phát triển mạnh trở lại trong loại hình vận tải này, sau 2 năm chịu ảnh hưởng do dịch Covid.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu tháng 2 ước đạt 274,79 tỷ đồng, tăng 5,25% so với tháng trước và tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa vẫn thể hiện sự ổn định và chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu vận tải và tăng trưởng đồng đều qua các tháng. Trong tháng 2 thời tiết tương đối thuận lợi, các hoạt động của các đơn vị xây dựng, công nghiệp chế biến đẩy mạnh sản xuất, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, gỗ.. tăng, số ngày hoạt động cũng nhiều hơn so với tháng trước là nguyên nhân để doanh thu vận tải hàng hóa đạt tăng trưởng tốt.

Dịch vụ hỗ trợ vận tải: Doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 2 ước đạt 68,12 tỷ đồng tăng nhẹ 0,49% so với tháng trước nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng của năm trước khi giảm 14,55% so với cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải dự tính đạt 912,57 tỷ đồng, tăng 10,30% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Vận tải hành khách dự tính đạt 240,42 tỷ đồng, tăng 64,67% với số lượng vận chuyển đạt 3.161 nghìn HK, tăng 88,71% và luân chuyển đạt 573,89 triệu HK.km, tăng 107,95%; vận tải hàng hóa dự tính đạt 535,88 tỷ đồng, tăng 2,98% với khối lượng vận chuyển ước đạt 6.058 nghìn tấn, tăng 3,05% và luân chuyển ước đạt 156,47 triệu tấn.km, tăng 4,36%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 135,90 tỷ đồng, giảm 15,52% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh những tháng đầu năm 2023 khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Năm nay, do không còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 như dịp Tết năm trước nhu cầu đi lại nhiều, người đi làm ăn xa về quê dịp Tết cao nên tình hình kinh doanh vận tải hành khách tăng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu kho bãi hỗ trợ giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Tháng 2 các hoạt động xuất, nhập khẩu đã hoạt động trở lại, tuy nhiên so với tháng trước vẫn có mức giảm đáng kể nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 ước đạt 404,7 triệu USD, giảm 8,40% so với tháng trước tăng 9,35 so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 846,5 triệu USD tăng 15,92% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 02 ước đạt 184,2 triệu USD, giảm 9,34% so với tháng trước nhưng tăng 76,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép đạt 165,5 triệu USD giảm 9,03% so với tháng trước nhưng tăng 81,63% so với cùng kỳ; dệt và hàng may mặc ước đạt 1,0 triệu USD tăng 33,33% so với tháng trước và tăng 28,21% so với cùng kỳ năm trước; dăm gỗ đạt 6,0 triệu USD giảm 13,79% so với tháng trước nhưng tăng 24,22% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 2 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 387,4 triệu USD, tăng 83,53% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, Thép và phôi thép ước đạt 179,31 triệu USD và là mặt hàng có kim ngạch tăng lớn nhất tăng 93,76%, tiếp đến là mặt hàng Dăm gỗ tăng 28,57% còn lại tất cả các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ, trong đó: Xơ, sợi dệt các loại giảm sâu nhất (giảm 86,19%), tiếp đến là dệt và hàng may mặc giảm 30,56%. Chứng tỏ sự khó khăn trong việc xuất khẩu hàng may, sản phẩm vải cũng như các mặt hàng thủy sản...nhưng từ những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu mặt hàng trọng điểm thép đã góp phần giúp cân bằng lại kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và đạt mức tăng cao.


Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 2 ước đạt 220,5 triệu USD, giảm 7,61% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (Nhập khẩu Formosa ước đạt 183,4 triệu USD giảm 14,38% so với tháng trước và giảm 24,21% so với cùng kỳ). Cộng dồn 2 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 459,16 triệu USD, giảm 11,57% so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2023 tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng so với kỳ gốc năm 2019 thì chỉ số giá đang ở mức tăng khá cao 9,06%. Nhất là chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đang ở mức cao nhưng vẫn đang biến động tăng cả so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 02 năm 2023, chỉ số CPI chung 0,57% so với tháng trước và tăng 2,42% so với cùng tháng năm trước. Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm hàng biến động tăng so với tháng trước trong đó tăng mạnh nhất ở 2 nhóm hàng giao thông tăng 1,54% so với tháng trước (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 2,86%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,98% so với tháng trước (so với cùng kỳ tăng 2,13%). Chỉ có 02 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm nhẹ so với tháng trước là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,15%.


Một số yếu tố chính tác động đến giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 02/2023: Thứ nhất, do là tháng sau Tết, nhu cầu tiêu dùng một số nhóm hàng hóa gồm đồ dùng gia đình, đồ uống, thuốc lá, giá cước vận tải hành khách, cây cảnh có xu hướng giảm mạnh so tháng trước. Thứ hai, do ảnh hưởng của thị trường thế giới tác động đến giá nhiên liệu xăng, dầu, khí đốt các loại tăng cao. Thứ ba, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng. Cùng với đó, khối lượng tiêu dùng điện sinh hoạt cũng cao hơn tháng trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 chỉ số giá bình quân tăng 2,86%. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 2,04% và khu vực nông thôn tăng 3,22%. Rõ nét nhất là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 2 tháng đã tăng bình quân 5,77%. Do giá gas nhiên liệu tăng mạnh trở lại do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Giá điện sinh hoạt cũng tăng khá cao do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trang trí nhà ở, thiết bị giải trí trong dịp Tết. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng trong dân cư tăng đầu năm và ảnh hưởng bởi giá thép nguyên liệu tăng khiến giá thép xây dựng cũng tăng theo.

Chỉ số giá vàng tháng 02/2023 tăng 1,88% so với tháng trước, tăng 1,90% so với cùng tháng năm trước; giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.485 nghìn đồng/chỉ 9999. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2 năm 2023 giảm 0,1% so với tháng trước, tăng 0,55% so với cùng tháng năm trước; giá đô la Mỹ bình quân 2.366.933 đồng/100 USD.

Dự báo CPI tháng 3/2023 biến động nhẹ với xu thế giảm. Mặt bằng thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn hạn chế, nhất là những tháng sau Tết. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sẽ không tăng, ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Giáo dục

Học kỳ I năm học 2022-2023 ngành Giáo dục Hà Tĩnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT, ngày 19/8/2022 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023, mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ 1 năm học 2022 - 2023.

Giáo dục mầm non: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030. Trong học kỳ I năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã có 250 buổi tập huấn về công tác đảm bảo an toàn trường học và 176/255 trường có hệ thống camera an ninh. 100% cơ sở GDMN tổ chức học bán trú với 2.926/2.930 nhóm lớp, tỉ lệ 99,9% và 76.772/76.864 trẻ, tỉ lệ 99,9%. 100% cơ sở GDMN đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có trường hợp xẩy ra dịch bệnh, ngộ độc thức ăn tại các nhà trường.

Giáo dục phổ thông: Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 có 1.179 học sinh dự thi, có 867 em đạt giải (tỷ lệ 73,54%), trong đó có 80 giải Nhất, 252 giải Nhì, 297 giải Ba và 238 giải khuyến khích. Học sinh giỏi tính lớp 12 có 913 em dự thi, có 563 em đạt giải (tỷ lệ 61,66%), trong đó có 57 giải Nhất, 159 giải Nhì, 200 giải Ba và 147 giải Khuyến khích. Sở GDĐT tiếp tục đặc cách giải học sinh giỏi tỉnh cho những học sinh có chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế đạt mức B2 hoặc tương đương trở lên. Trong đó có 93 học sinh lớp 12 được đặc cách công nhận HSG tỉnh môn tiếng Anh (có 06 giải Nhất; 38 giải Nhì và 49 giải Ba); 15 học sinh lớp 9 được đặc cách công nhận HSG tỉnh môn tiếng Anh (có 10 giải Nhất; 03 giải Nhì và 02 giải Ba).

Đã tổ chức thành công cuộc thi Cuộc thi Khoa học, Kĩ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022- 2023. Có 97 sản phẩm tham gia, trong đó sản phẩm, lĩnh vực Khoa học Xã hội - Hành vi (40), Vật Lí năng lượng (44), Phần mềm hệ thống (04), Sinh – Hóa (09). Sau vòng sơ khảo, có 73 sản phẩm được chọn vào vòng chung khảo. Kết quả có 67 dự án đạt giải (tỉ lệ 69%), trong đó có: 07 giải nhất: 18 giải Nhì, 26 giải Ba, 16 giải Tư.

2. Hoạt động y tế

Thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả song nhiều loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm mùa...trên địa bàn tỉnh lại diễn biến phức tạp. Ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.


Tình hình dịch bệnh Covid-19: Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, tuy nhiên cần cảnh giác với các yếu tố nguy cơ sau: thời tiết mùa Đông xuân thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh; tình trạng tập trung đông người nhất là tại các lễ hội, các cơ sở tôn giáo đầu xuân Quý Mão năm 2023; một bộ phận người dân, chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phát sinh tình trạng một số ca mắc COVID-19 tự phát hiện, không khai báo nên cơ quan chuyên môn khó quản lý, kiểm soát. Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/02/2023 là 57.248 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 58.207 ca mắc.

Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng, trên địa bàn chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 3 ca sốt xuất huyết, 13 ca mắc bệnh quai bị, 21 ca mắc lỵ trực trùng, 23 ca mắc lỵ a míp, 17 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.139 ca mắc bệnh cúm, 11 ca chân tay miệng, 195 ca tiêu chảy và 8 ca viêm gan vi rút, không có người chết vì do các bệnh trên.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Từ ngày 16/01/2023 đến ngày 15/02/2023 toàn tỉnh có 3 người nhiễm mới HIV, 1 người chuyển thành AIDS và 1 người chết vì AIDS; so với tháng trước số người nhiễm HIV và chuyển thành AIDS không thay đổi, tăng 1 người chết vì AIDS; so với cùng kỳ năm trước tăng 1 người nhiễm HIV; tăng 1 người chết vì AIDS; số người chuyển thành AIDS không đổi. Tính chung hai tháng đầu năm có 6 người nhiễm mới HIV (tăng 3 người so với cùng kỳ năm 2022), 2 người chuyển thành AIDS (không đổi) và có 1 người chết vì AIDS (tăng 1 người).

Công tác an toàn thực phẩm: Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và 13 đoàn cấp huyện, thị, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và tuyên truyền đảm bảo ATVSTP, các đoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe, giữ gìn hình ảnh du lịch Hà Tĩnh an toàn, thân thiện.

Trong tháng, ngày 6/02/2023, xảy ra 1 vụ ngộ độc tập thể làm 7 người bị ngộ độc, so với cùng kỳ năm trước số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi, nhưng tăng 3 người bị ngộ độc (tăng 75%). Ngoài ra, còn có 78 ca bị ngộ độc đơn lẻ (tăng 17 ca, tăng 27,87%), không có người chết vì ngộ độc (không đổi) so với cùng kỳ năm trước. Trong thời điểm Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa: Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 trên các địa bàn huyện, thành phố, thị xã, đảm bảo về nội dung và mỹ quan; Tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa phương là Thành phố Hà Tĩnh và Thị xã Kỳ Anh vào thời khắc giao thừa; Ngày 29/1/2023 (tức ngày 8 tháng Giêng) tổ chức Lễ khai Lễ khai hội chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023; Tối ngày 31/1 (mùng 10 tháng Giêng), Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh) tổ chức lễ khai ấn đầu Xuân Quý Mão 2023; Bên cạnh đó, Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 232 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, ngày 01/02 tại huyện Hương Sơn đã tổ chức lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nhiều hoạt động như cuộc thi gói bánh chưng, thi kéo co, đẩy gậy…; Sáng ngày 5/2, tại đền Đông Hải, ngư dân làng biển Cam Lâm, xã Xuân Liên, Nghi Xuân tổ chức lễ hội cầu ngư, thu hút hàng trăm người tham gia, lễ hội Cầu Ngư là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của ngư dân miền biển, cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi an toàn.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa được Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh kiểm tra theo định kỳ, thường xuyên, tính từ đầu năm đến nay tổ chức 02 cuộc kiểm tra: Trong đó, một cuộc kiểm tra tại 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, lập biên bản kiểm tra 21 cơ sở, yêu cầu ký cam kết khắc phục sửa chữa biển hiệu, biển quảng cáo đối với 15 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 05 trường hợp, chuyển Công an tỉnh xử lý 02 trường hợp. Ngoài ra kiểm tra tại 05 di tích trên địa bàn (Chùa Hương tích, Đền Chợ Củi, Ngã ba Đồng Lộc, Đền Truông Bát, Đền Nguyễn Thị Bích Châu).

Tính từ đầu năm đến hết tháng 2, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã cấp 102 giấy phép, trong đó có 02 giấy phép lĩnh vực du lịch, 02 giấy phép lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, 98 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.

Hoạt động thể thao: Hòa chung trong không khí hân hoan, rộn ràng của những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân sôi nổi, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ như: Từ ngày 23/1 (tức mùng 2 tết), tại huyện Can Lộc nhiều địa phương tổ chức giải bóng đá nam, bóng chuyền nam mừng Đảng, mừng xuân Quý Mão 2023; Sáng 24/1 (tức mùng 3 tết), UBND phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh tổ chức khai mạc lễ hội đua thuyền truyền thống với 3 giải đua: Giải đua thuyền Đoàn thanh niên; giải đua thuyền nữ; giải đua thuyền của các tổ dân phố. Các giải đều có 5 đội đua tham gia, mỗi đội 15 thành viên; Ngày 29/1, huyện Hương Sơn tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố lần thứ 4 năm 2023, tham gia đua tài có 30 đội (23 đội nam và 7 đội nữ), chia làm 15 cặp đấu. Trong đó, có 11 cặp nam, 3 cặp nữ và 1 cặp nam nữ thi đấu theo hình thức tính thời gian.

Trong tháng không diễn ra hoạt động thể thao thành tích cao.

4. Tình hình an toàn giao thông


Tính từ ngày 15/01 - 14/02/2023 xảy ra 7 vụ tai nạn đường bộ, 5 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại 90 triệu đồng, so với tháng trước giảm 01 vụ tai nạn, giảm 2 người chết, giảm 2 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ tai nạn, giảm 2 người chết, giảm 3 người bị thương. Trong đó, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 20/01/2023 (ngày 29 tháng Chạp) đến ngày 26/01/2023 (ngày Mùng 05 Tết) xảy ra 3 vụ, làm chết 3 người, bị thương 01 người (bằng số vụ, bằng số người chết, giảm 02 người bị thương so với dịp Tết Nhâm Dần 2022).

Như vậy, tính từ 15/12/2022 đến 14/02/2023, Hà Tĩnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 12 người và bị thương 4 người. So cùng kỳ năm 2022 giảm 2 vụ, giảm 5 người chết và giảm 6 người bị thương.

5. Môi trường


Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 15/01- 14/02/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy 7 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản 60 triệu đồng, so với tháng trước giảm 1 vụ cháy, nổ; số người chết và bị thương không đổi; so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ cháy, nổ số người chết, bị thương không đổi. Trong đó, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 20/01/2023 (ngày 29 tháng Chạp) đến ngày 26/01/2023 (ngày Mùng 05 Tết) xảy ra 01 vụ, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản không đáng kể (bằng số vụ so với dịp Tết Nhâm Dần 2022).

Tính chung hai tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 15 vụ cháy, nổ không có người chết và bị thương; tổng thiệt hại 150 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước giảm 11 vụ cháy,nổ; số người chết và bị thương không đổi.

Vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/01 - 14/02/2023 đã phát hiện 140 vụ, đã xử lý 105 vụ, tổng số tiền xử phạt 326,2 triệu đồng, giảm 10 vụ đã phát hiện (giảm 6,67%), giảm 6 vụ đã xử lý (giảm 5,41%), giảm 12,5 triệu đồng số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 166 vụ đã phát hiện (giảm 54,25%), giảm 138 vụ đã xử lý (giảm 56,79%), giảm 324,88 triệu đồng số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay (từ 15/12/2022 - 14/02/2023) đã phát hiện 290 vụ, xử lý 216 vụ, tổng số tiền xử phạt 664,9 triệu đồng, giảm 67 vụ đã phát hiện (giảm 18,77%), giảm 47 vụ đã xử lý (giảm 17,87%), số tiền xử phạt giảm 213,18 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

6. Tình hình thiên tai

Trong tháng không xảy ra thiên tai, không thay đổi so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay không xảy ra thiên tai và không thay đổi so cùng kỳ năm trước.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện