Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022

  

14:36 29/11/2022

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu trồng và chăm sóc cây vụ Đông 2022. Theo kế hoạch đặt ra Hà Tĩnh sẽ gieo trồng 11.524 ha rau màu với các loại cây trồng chủ lực như: ngô, rau các loại, khoai lang. Trong đầu vụ sản xuất, từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng khiến một số diện tích ở các địa phương phải gieo trồng lại, tiến độ bị ảnh hưởng lớn, hiện nay thời tiết khá thuận lợi nên bà con nông dân các địa phương đã tập trung ra đồng làm đất, gieo trỉa hạt giống, trồng các loại rau màu…Trong tháng bà con nông dân cũng tập trung trồng các loại cây ăn quả và thu hoạch chính vụ các loại cây ăn quả chủ lực của địa phương như cam, chanh. Hoạt động chăn nuôi vẫn đang cầm chừng vì giá cả thất thường trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hoạt động trồng rừng và khai thác giảm hơn so với cùng kỳ do chu kỳ khai thác. Hoạt động thủy sản trong tháng giảm hơn so với cùng kỳ do hoạt động kém hiệu quả nên tần suất đi biển giảm.

1.1 Sản xuất nông nghiệp

*Trồng trọt

- Cây hàng năm


+ Sơ bộ vụ Mùa 2022: Sản xuất vụ Mùa 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên một số diện tích đất không chủ động được nước tưới ảnh hưởng đến việc gieo cấy. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng hàng năm vụ Mùa 2022 sơ bộ giảm 76 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sản xuất vụ Đông 2022: Hiện nay, khung lịch thời vụ gieo trỉa các loại cây trồng hàng năm vụ Đông năm 2022 cơ bản đã kết thúc. Tuy nhiên, do cùng thời điểm phải xuống giống gieo trỉa nhiều loại cây trồng nên một số loại cây chưa đạt kế hoạch đặt ra. Nay tranh thủ thời tiết nắng ráo bà con nông dân vẫn đang tiếp tục gieo trồng cây vụ Đông mà chủ yếu là các loại rau ngắn ngày. Ước tính đến ngày 15/11/2022, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông 2022 là 11.031 ha/11.524 ha, đạt 95,7% kế hoạch, cụ thể: Diện tích ngô lấy hạt 4.722 ha/4.473 ha, đạt 105,6% kế hoạch; diện tích ngô sinh khối 635 ha/1.030 ha, đạt 61,7% kế hoạch; diện tích khoai lang 1.291 ha/1.502 ha, đạt 86% kế hoạch và diện tích rau các loại 4.383 ha/4.519 ha, đạt 97% kế hoạch.

- Cây lâu năm

Trong tháng 11/2022, người dân đang tiến hành trồng các loại cây ăn quả. Thời điểm này cũng đang là chính vụ thu hoạch các loại cây ăn quả chủ lực của địa phương như cam, chanh…Năm nay, thời điểm cây cam ra hoa, đậu quả gặp phải điều kiện thời tiết mưa lạnh thất thường nên tỷ lệ đậu quả đạt thấp làm cho năng suất cam giảm so với năm trước. Tổng sản lượng cây ăn quả năm 2022 ước tính đạt 164.352 tấn, bằng 101,08% (tăng 1.753 tấn) so với năm 2021, trong đó: Sản lượng bưởi ước đạt 35.107 tấn, tăng 2.451 tấn; sản lượng cam ước đạt 65.257 tấn, tăng 1.436 tấn...năm nay chất lượng cam, bưởi đều tăng, giá bán có phần tăng hơn năm trước nên người dân đều phấn khởi. Cùng với cây ăn quả thì các loại cây công nghiệp như chè, cao su cũng được chăm sóc và thu hoạch thường xuyên, tạo thu nhập cho người dân.

- Tình hình sâu bệnh và thiệt hại

Mặc dù hiện nay sâu bệnh có xuất hiện gây hại trên diện tích một số loại cây trồng nhưng với mức độ ảnh hưởng còn nhẹ. Tuy nhiên, để chủ động phòng trừ sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đưa ra khuyến cáo về một số loại sâu bệnh gây hại đối với cây ngô như: Sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen Phương Nam...Đối với cây rau là các loại sâu bệnh như: Sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, rệp muội, bệnh lở cổ rễ (thối gốc), bệnh sương mai…Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ các loại sâu bệnh trên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với các loại cây trồng.

            *Chăn nuôi


Hoạt động chăn nuôi những tháng đầu quý IV năm 2022 vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nhìn chung, tổng đàn vật nuôi cơ bản ổn định so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn đại gia súc trâu, bò và đàn gia cầm có tăng nhẹ, còn đàn lợn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua, giá thịt trâu, bò hơi không ở mức cao nhưng tương đối ổn định; giá thịt lợn hơi trên địa bàn Hà Tĩnh bình quân quý II/2022 đạt 52,2 ngàn đồng/kg nhưng sang quý III/2022 đã tăng lên 59,6 ngàn đồng/kg (tăng 14,18%) so với quý trước. Mặc dù giá có tăng lên nhưng thiếu ổn định, trong khi giá thức ăn và các chi phí khác vẫn đang ở mức cao, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất hạn chế nên việc phát triển hoạt động chăn nuôi lợn trong thời gian qua cũng như giai đoạn ngắn hạn sắp tới vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới thì các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ổn định tổng đàn vật nuôi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để không ảnh hưởng làm sụt giảm tổng đàn trong thời gian tới.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 9/11/2022 trên địa bàn tỉnh vẫn còn có dịch lỡ mồm long móng chưa qua 21 ngày ở 32 hộ nuôi, thuộc 8 thôn của 4 xã, thị trấn (xã Kỳ Văn, xã Kỳ Tây của huyện Kỳ Anh và thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Duệ của huyện Cẩm Xuyên), đang có 12 con trâu, 44 con bò và 1 con lợn mắc bệnh chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch này cơ bản đã được khống chế nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao nên người chăn nuôi phải luôn chủ động, tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi và có phương án chủ động đối phó khi dịch bệnh xẩy ra để hạn chế thiệt hại.

1.2 Lâm nghiệp

Trong tháng 11/2022, hoạt động trồng rừng và khai thác lâm sản trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn được thực hiện nhưng với kết quả giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021 thì diện tích rừng trồng tập trung tháng 11/2022 giảm 192 ha và sản lượng gỗ khai thác giảm 1.549 m3; so với tháng trước thì diện tích rừng trồng tập trung giảm 97 ha và sản lượng gỗ khai thác tăng 3.503 m3. Nguyên nhân do trong tháng người dân ở các địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh tập trung sản xuất các loại cây trồng vụ Đông và thu hoạch các sản phẩm cây lâu năm chính vụ (cam, chanh...) nên nguồn nhân lực phục vụ sản xuất lâm nghiệp giảm. Tính chung 11 tháng năm 2022, kết quả sản xuất lâm nghiệp vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích rừng trồng tập trung tăng 170 ha và sản lượng gỗ khai thác tăng 27.091 m3. Riêng số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán ngày càng có xu hướng giảm do quỹ đất sử dụng cho mục đích trồng cây xanh khu vực công cộng giảm.


Trong tháng không xẩy ra cháy rừng mà chỉ xẩy ra 3 vụ phá rừng, với diện tích diện tích rừng bị phá 4,09 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 1 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha (giảm 0,83 ha) và 67 vụ phá rừng (tăng 23 vụ), với diện tích rừng bị phá là 37,083 ha (tăng 23,229 ha) so với cùng kỳ năm 2021.

1.3 Thủy sản


Kết quả sản xuất thủy sản tháng 11/2022 giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy hải sản ước tính tháng 11/2022 giảm 62 tấn, trong đó sản lượng khai thác giảm 105 tấn và sản lượng nuôi trồng tăng 43 tấn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các chuyến biển của ngư dân khai thác ở vùng lộng khá thuận lợi. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu xăng, dầu và các chi phí khai thác hải sản vẫn đang ở mức cao nên các tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, có một số tàu tần suất ra khơi giảm nên đã làm cho sản lượng khai thác giảm hơn so với cùng kỳ. Năng lực sản xuất thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua không có nhiều sự thay đổi tích cực, cùng với giá nhiên liệu và các chi phí khác tăng cao nên nên kết quả hoạt động sản xuất thủy sản 11 tháng năm 2022 cũng chỉ giữ được mức tăng nhẹ. Những tháng tới, khi điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt có thể xẩy ra bất thường nên kết quả hoạt động sản xuất thủy sản sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là đối với hoạt động khai thác biển.

- Dịch bệnh trên tôm nuôi: Tính từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra các loại dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản.

2. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 11 tiếp tục gặp khó khăn, các sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp như điện sản xuất, thép giảm đã “kéo” giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh xuống còn 16,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang kỳ vọng sự tăng trưởng từ những dự án mới như: Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh vừa đi vào vận hành; Nhà máy sản xuất Pin VinES dự kiến hoạt động vào cuối quý IV/2022.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)


Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chính thức tháng 10 năm 2022 giảm 18,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,85%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 20,77%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 24,18% so với cùng kỳ.

Ước tháng 11/2022 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 10/2022 tăng 0,79% và giảm 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 18,74% so với tháng trước và giảm 3,08% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,56% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất của ngành này giảm 24,73%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 27,38% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 12,38%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 2,66% so với tháng 10/2022 và giảm 25,44% so với tháng 11/2021.

Tính chung 11 tháng năm 2022, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng ước giảm 16,88% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,01% làm giảm 0,09 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,09% làm giảm 11,35 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 31,75% làm giảm 5,05 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 16,64% làm giảm 0,39 điểm % vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu

Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 10 nhóm sản phẩm cộng dồn 11 tháng tăng so cùng kỳ năm 2021 bao gồm: Bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 158,81%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 37,25%; chè (trà) nguyên chất tăng 26,89%; dịch vụ sản xuất dược tăng 20,12%; bia đóng lon tăng 19,22%; điện thương phẩm tăng 18,35%..vv. Ngoài ra có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Điện sản xuất giảm 32,71%; mực đông lạnh giảm 29,5%; nước không uống được giảm 18,58%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 17,26%; quặng inemit và tinh quặng inemit giảm 13,12%;…

2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2022 tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 7,94% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 11/2022 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân giảm là do giảm số lượng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ số sử dụng lao động của ngành này giảm 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do khó khăn trong sản xuất nên một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ thu hẹp sản xuất, giảm lao động. Cùng với đó, việc đưa các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng đã tiết giảm được nguồn nhân lực.

Chỉ số sử dụng lao động tính đến tháng 11/2022 đối với ngành khai khoáng tăng 1,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2021.

3. Vốn đầu tư

Những tháng cuối năm 2022 được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương thường xuyên tập trung theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện, giải ngân dự án đầu tư công. Nguồn vốn bảo đảm, thời tiết thuận lợi, nguồn lực lao động dồi dào, các chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ được đẩy nhanh tiến độ thi công trong các tháng cuối năm đảm bảo kế hoạch đề ra. Do đó, công tác thực hiện công trình cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 77,9% kế hoạch năm, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.


Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 11/2022 đạt 886,03 tỷ đồng, tăng 24,28% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 749,25 tỷ đồng, tăng 26,42% so với tháng trước, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 114,45 tỷ đồng, tăng 10,84% so với tháng trước và tăng 16,28% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 22,33 tỷ đồng, tăng 31,35% so với tháng trước và giảm 59,85% so với tháng 11/2021. Vốn ngân sách nhà nước tháng 11/2022 tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do tháng 11 thời tiết tương đối thuận lợi, nhiều công trình dự án tiếp tục được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngày 04/11/2022 UBND tỉnh đã ban hành công văn số 6290/UBND-TH về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường quyết toán dự án đầu tư trên địa bàn. Do đó, các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tháo gỡ nút thắt quan trọng trong triển khai dự án, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án trên địa bàn. Đồng thời khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình, dự án khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự ước 11 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 5.835,10 tỷ đồng, đạt 77,9% kế hoạch năm, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 4.591,51 tỷ đồng, chiếm 78,69% tổng vốn, tăng 4,51% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 1.013,07 tỷ đồng, chiếm 17,36% tổng vốn, tăng 26,18% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 230,52 tỷ đồng, chiếm 3,95% tổng vốn, giảm 55,27% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Những tháng cuối năm, nhìn chung thị trường hàng hóa cũng như các hoạt động thương mại dịch vụ xu hướng tăng hơn so với các tháng trước. Hoạt động bán lẻ chủ yếu là tích trữ hàng hóa phục vụ cho dịp Tết; Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ổn định, trong đó dịch vụ ăn uống có tăng nhẹ do trong tháng có nhiều ngày lễ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cuối năm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đồng thời, đây cũng là tháng trùng với mùa cưới hỏi nên các dịch vụ hiếu hỷ, dịch vụ cho thuê đồ dùng cá nhân, dịch vụ cho thuê đồ dùng gia đình, làm đẹp và các dịch vụ khác tăng cao.


- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 11/2022 ước đạt 4.926,78 tỷ đồng, tăng 1,83% so với tháng trước và tăng 37,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 17,66 tỷ đồng, tăng 10,38% so với tháng trước và tăng 39,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong tất cả các nhóm hàng hóa chỉ có nhóm hàng may mặc có doanh thu giảm so với tháng trước (giảm 3,47%) do mặc dù đã bước sang tháng 11, tuy nhiên hình thái thời tiết trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là nắng ấm, nền nhiệt trung bình cao hơn mọi năm khiến nhu cầu mua sắm trang phục chống lạnh không đáng kể, tuy nhiên so với cùng kỳ doanh thu vẫn tăng 100,85%. Còn lại tất cả các các nhóm hàng đểu có doanh thu tăng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng có tỷ trọng doanh thu lớn là lương thực, thực phẩm tăng 2,41% so với tháng trước, tăng 30,03% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu lương thực phục vụ chăn nuôi tăng trong bối cảnh các hộ dân cư tăng đàn đón đầu nhằm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, còn giá cả nhóm mặt hàng này vẫn cơ bản ổn định, không có nhiều yếu tố mang tính chất đột biến. Giá xăng, dầu và giá gas thế giới bình quân trong tháng tăng so tháng trước, tác động đến doanh thu bán lẻ nhóm hàng xăng, dầu tăng 44,09%, nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.790,51 tỷ đồng, tăng 25,43% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng đều có doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm hàng có doanh thu cao và tăng mạnh cụ thể như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 20.763,49 tỷ đồng, tăng 24,03%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 4.896,50 tỷ đồng, tăng 26,21%; xăng, dầu các loại ước đạt 5.216,40 tỷ đồng, tăng 48,24% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tình hình hoạt động thương mại của tỉnh nhà vẫn chịu ảnh hưởng chung từ tác động tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Những lo ngại về lạm phát, suy giảm kinh tế tác động đến cung cầu, giá cả nhiều nhóm hàng hóa trong nước. Đặc biệt là nhóm nhiên liệu xăng, dầu tăng giá mạnh đã tác động xấu đến mặt bằng giá cả chung và thu nhập của người tiêu dùng. Tuy vậy, môi trường kinh doanh và sản xuất lưu thông hàng hóa trong tỉnh vẫn đảm bảo ổn định khiến hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng mạnh.

- Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 11/2022 ước đạt 541,84 tỷ đồng, tăng 1,17% so với tháng trước, tăng 155,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động l­ưu trú ước đạt 18,49 tỷ đồng, tăng 15,20% so với tháng trước, tăng 3,47 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ ước đạt 98.434 lượt, tăng 15,35% so với tháng trước và tăng 247,48% so với cùng kỳ năm trước. Ngày khách phục vụ ước đạt 71.812 ngày, tăng 13,31% so với tháng trước, tăng 281,98% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 522,47 tỷ đồng, tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 151,55% so với cùng kỳ năm trước. Do trong tháng, trùng với ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trùng với mùa cưới hỏi nên các dịch vụ du lịch, lưu trú ăn uống ngoài gia đình tăng lên.

Tính chung 11 tháng năm 2022 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 5.530,91 tỷ đồng, tăng 71,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 225,38 tỷ đồng, tăng 114,60%; lượt khách phục vụ ước đạt 1.246.646 lượt, tăng 90,52% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 998.295 ngày, tăng 70,01% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 5.290,90 tỷ đồng, tăng 69,85% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 14,63 tỷ đồng, tăng 98,92% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành tháng cơ bản vẫn giữ được sự ổn định và có tăng trưởng cao, dự ước cả năm hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng 73,99% so với cùng kỳ năm trước. Phục hồi và tăng trưởng so với thời điểm trước dịch (cụ thể tăng 11,54% so với năm 2019).

- Dịch vụ khác: Doanh thu tháng 11 ước tính đạt 258,34 tỷ đồng, tăng 7,58% so với tháng trước và tăng 194,61% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ khác trong tháng tăng so với tháng trước, do các nhu cầu dịch vụ giáo dục, dịch vụ làm đẹp, cắt tóc gội đầu, uốn sấy..., đều tăng. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng, san lấp mặt bằng tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công ,các dự án đầu tư lớn như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy sản xuất Cell pines,... đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nên nhu cầu sử dụng máy móc tăng lên.

Tính chung 11 tháng năm 2022, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 2.299,66 tỷ đồng, tăng 70,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 82,46%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt tăng 56,19%; giáo dục đào tạo tăng 150,34%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 3,03%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 42,8%; dịch vụ khác tăng 105,8%. Dự ước cả năm 2022 doanh thu ước đạt 2.524,41 tỷ đồng, tăng 70,17% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Hoạt động vận tải:

Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi của tỉnh trong tháng doanh thu giảm nhẹ so với tháng trước. Chủ yếu giảm ở vận tải hàng hóa do các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng doanh thu lớn là vận tải phục vụ hoạt động xây dựng đẩy nhanh thi công trong tháng 10, tháng 11 dự ước sẽ ổn định lại và không đạt mức cao như tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vận tải hàng hóa vẫn tăng khá cao.


Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 11/2022 ước đạt 471,34 tỷ đồng, giảm 1,3% so tháng trước và tăng 42,29% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 108,35 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 153,39% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 287,07 tỷ đồng, giảm 2,66% so với tháng trước và tăng 33,89% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 75,83 tỷ đồng, tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh vận tải tháng 11/2022 ước tính giảm nhẹ ảnh hưởng bởi nguyên nhân chủ yếu docác doanh nghiệp vận tải hàng hóa chiếm tỷ trọng doanh thu lớn đã tạm hết hợp đồng, ví dụ Công ty TNHH vận tải và kinh doanh vật liệu xây dựng Minh Quế bán 3 xe với tổng trọng tải 33 tấn do nhu cầu vận chuyển giảm. Vận tải hành khách do thời tiết thuận lợi và trùng với các dịp lễ, cưới hỏi nên nhu cầu đi lại nội cũng như ngoại tỉnh gia tăng. Doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng từ doanh thu bốc xếp hàng hóa qua cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Lào - Việt.

Tính chung, kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi 11 tháng năm 2022, ước tính đạt 5.005,54 tỷ đồng, tăng 25,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 1.085,36 tỷ đồng, tăng 36,93%; số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 13.928,31 nghìn HK, tăng 32,28% và luân chuyển đạt 2.384,06 triệu HK.km, tăng 34,73%; vận tải hàng hóa ước đạt 3.130,30 tỷ đồng, tăng 30,39%; khối lượng vận chuyển ước đạt 35.070,04 nghìn tấn, tăng 31,0% và luân chuyển ước đạt 891,37 triệu tấn.km, tăng 28,41%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 789,05 tỷ đồng, giảm 0,89% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi 11 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ do năm 2021 bị ảnh hưởng hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19. Dự ước cả năm doanh thu vận tải tăng 25,72% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2022 đã có những tín hiệu khả quan hơn so với những tháng trước, tuy nhiên vẫn chưa đặt kỳ vọng so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 11 ước đạt 296,35 triệu USD tăng 3,49% so với tháng trước nhưng giảm 36,71% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2022 kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 4.727,45 triệu USD giảm 5,35% so với cùng kỳ.


- Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 130,85 triệu USD, tăng 3,82% so với tháng trước nhưng giảm 26,34% so với cùng cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực có dấu hiệu tăng khả quan so với tháng trước cụ thể: Mặt hàng thép, phôi thép ước đạt 103,91 triệu USD tăng 1,52% so với tháng trước nhưng giảm 36,64% so với cùng kỳ; Dệt và may mặc ước đạt 2,5 triệu USD tăng 19,62% so với tháng trước và tăng 25,0% so với cùng kỳ; Xơ, sợi dệt các loại ước đạt 1,0 triệu USD, tăng 7,53% so với tháng trước nhưng giảm 49,24%. Chỉ có 2 nhóm hàng xuất khẩu giảm so với tháng trước, trong đó đáng chú ý là mặt hàng dăm gỗ ước đạt 9,0 triệu USD giảm 5,47% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng 196,05%, mặt hàng thủy sản ước giảm 1,05% so với tháng trước và giảm 25,0% so với cùng kỳ do yếu tố mùa vụ của hải sản. Nhìn chung, những tháng cuối năm ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là nhòm hàng chủ lực thép và phôi thép sau thời gian dài ứ đọng hàng.

Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.554,58 triệu USD, giảm 17,42% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thì các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ bao gồm: Mặt hàng thép, phôi thép giảm 22,70%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 17,64%; Thủy sản giảm 15,49%. Còn lại các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Chè tăng 7,47%; dăm gỗ tăng 63,32%; dệt và may mặc tăng 122,33%. Với sự nỗ lực trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, tuy nhiên, nhìn chung kim ngạch sẽ khó đạt mức như năm trước, đặc biệt là ngành công nghiệp thép, do những khó khăn và bất ổn chung của thị trường thế giới.

- Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 11/2022 ước đạt 165,50 triệu USD, tăng 3,23% so với tháng trước và giảm nhẹ 0,48% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do Formosa cắt giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (ước đạt 130,25 triệu USD tăng 1,47% so với tháng trước nhưng giảm 55,18% so với cùng kỳ) để tập trung sản xuất cho những đơn hàng cuối năm. Cộng dồn 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.172,87 triệu USD, tăng 77,42% so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước, chủ yếu do biến động giá mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu và khí đốt sau 2 phiên điều chỉnh tăng trong tháng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng thị trường vàng, tỷ giá ngoại tệ đồng đô la mỹ biến động tăng do yếu tố tình hình chính trị thế giới, qua đó ảnh hưởng đến giá cả các nhóm mặt hàng nhập khẩu.

Tháng 11 chỉ số CPI chung tăng 0,18% so với tháng trước, nhưng so cùng kỳ tăng 3,0%. Trong đó: Khu vực thành thị giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước.


Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 08 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước cụ thể như: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,01%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,62%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; giao thông tăng 1,92%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%. 02 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Một số yếu tố chính tác động đến sự biến động của chỉ số giá tháng 11 năm 2022: (i) Giá nhiên liệu xăng, dầu bình quân cũng như một số mặt hàng nhập khẩu khác như khí đốt, hàng may mặc, ô tô trong tháng tăng do việc đồng Đô la Mỹ tăng giá mạnh trong thời gian qua; (ii) Yếu tố mùa vụ khi thời tiết dần chuyển lạnh và về những tháng cuối năm đã tác động đến các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình và hàng may mặc; (iii) Nền kinh tế khó khăn trên phạm vi toàn cầu, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng đã dẫn tới hoạt động sản xuất trong nước gặp bất lợi. Thu nhập của người lao động nhìn chung bị ảnh hưởng khiến xu hướng thắt chặt chi tiêu tăng lên trong xã hội.

Chỉ số giá vàng tăng 1,34% so với tháng trước, giảm 0,62% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,83% so với tháng trước, tăng 7,07% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.340 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.506.533 đồng/100 USD

Tính chung CPI bình quân 11 tháng năm 2022, chỉ số chung tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 1,94%; nông thôn tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt. Mức tăng tập trung ở các tháng đầu năm, chịu ảnh hưởng bởi nhóm nhiên liệu xăng, dầu các loại tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do những bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới đã tác động đến thị trường tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Dự kiến CPI tháng 12/2022 dự kiến tăng, khi những mặt hàng thiết yếu có thể tăng giá theo sự tăng giá của giá nguyên, nhiên liệu trong tháng. Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao khiến giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng. Giá gạo cũng tăng giá khi nguồn dự trữ lúa sản xuất từ hai vụ trong năm đạt thấp. Cùng với đó, nhu cầu đồ dùng gia đình, hàng may mặc, điện máy, phương tiện giao thông vào những tháng cuối năm thường ở mức cao, tác động đến thị trường giá các mặt hàng hóa tiêu dùng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2022), từ đầu tháng 11/2022 đến nay, các cấp hội chữ thập đỏ ở Hà Tĩnh đã vận động, kêu gọi xã hội hóa và phối hợp với các đơn vị, cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm trao tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế và người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và dịch COVID-19 trên địa bàn. Sau gần 1 tháng kêu gọi, các cấp hội đã trao tặng 1.600 suất quà, trao tặng 190 mô hình sinh kế (hỗ trợ nuôi bò sinh sản), hỗ trợ nguồn lực xây dựng 20 nhà nhân ái. Tổng giá trị các phần hỗ trợ trị giá gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), nhiều đơn vị công đoàn cấp huyện, thị ở Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, trao quà cho những đoàn viên công tác trong ngành giáo dục có hoàn cảnh khó khăn.

2. Giáo dục

Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 8/11/2022 “về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, đại học” theo đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu toàn ngành Giáo dục; các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2022-2023.

3. Hoạt động y tế

- Tình hình dịch bệnh Covid-19: Ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID người từ 12 tuổi trở lên và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn phối hợp với lực lượng công an địa phương cập nhật, “làm sạch” dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 21/11/2022 là 57.072 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 58.031 ca mắc. Tình hình điều trị các ca bệnh: Chuyển các Bệnh viện tuyến trên 128 BN; điều trị khỏi 57.695 BN, trong đó có 124 BN tuyến trên, 57.571 BN tại Hà Tĩnh; 54 BN tử vong.

Mặc dù tình hình dịch bệnh hiện nay đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với các yếu tố nguy cơ như sau: một bộ phận người dân chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh; Phát sinh tình trạng một số ca F0 tại một số địa phương tự phát hiện, không khai báo nên cơ quan chuyên môn khó quản lý, kiểm soát.


- Tình hình dịch bệnh khác:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) vừa tổ chức tập huấn sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét và hướng dẫn sử dụng phần mềm báo cáo bệnh sốt rét ECDS cho cán bộ chuyên trách phòng chống sốt rét tuyến huyện, xã/phường/thị trấn. Tính từ đầu năm đến nay (ngày 16/11/2022) trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 801 ca sốt xuất huyết (trong đó có 206 ca vãng lai) với 21 ổ dịch được phát hiện. Hiện nay còn 3 ổ dịch đang hoạt động.

Ngoài ra, trong tháng trên địa bàn Hà Tĩnh còn một số ca bệnh đơn lẻ như: 191 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca mắc sốt rét, 19 ca mắc bệnh quai bị, 31 ca mắc lỵ trực trùng, 27 ca mắc lỵ a míp, 16 ca mắc bệnh thủy đậu, 2 ca bệnh do adeno, 1.683 ca mắc bệnh cúm, 2 ca chân tay miệng, 163 ca tiêu chảy, 5 ca viêm gan vi rút khác, tất cả các ca bệnh trên đều không tạo thành dịch và không có ca bệnh nào bị tử vong vì các bệnh nói trên.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phát triển toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã ban hành Kế hoạch số 3760/BCĐ- KH ngày 10/11/2022 về Triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10/11/2022 đến ngày 10/12/2022) với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”.

Trong tháng, có 6 người nhiễm mới HIV, 2 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS; so với cùng kỳ năm trước: giảm 2 người nhiễm mới HIV, giảm 4 người chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS không đổi. Tính chung 11 tháng năm 2022 có 25 người nhiễm mới HIV, 12 người chuyển thành AIDS và 3 người chết vì AIDS, so với cùng kỳ năm trước giảm 26 người (giảm 50,98%) nhiễm mới HIV, giảm 35 người (giảm 74,47%) chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS tăng 1 người (tăng 50%).

- Công tác an toàn thực phẩm: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, chỉ có 55 ca ngộ độc đơn lẻ. So với cùng kỳ năm trước số vụ ngộ độc tập thể không đổi, số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 11 ca (giảm 16,67%), số ca tử vong không thay đổi.

Tính chung 11 tháng năm 2022 có 01 vụ ngộ độc tập thể làm 4 người bị ngộ độc; ngoài ra có 814 ca bị ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc; so với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ ngộ độc tập thể (giảm 66,67%), giảm 49 ca ngộ độc tập thể (giảm 92,45%), số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 258 ca (giảm 24,08 %), số ca tử vong không đổi.

4. Hoạt động văn hoá, thể thao

- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/2022) với nhiều tiết mục như: nhảy dân vũ thể thao, hát ví dặm, hát dân ca hay tổ chức giao lưu ẩm thực, đây là dịp người dân thắt chặt tình làng nghĩa xóm, làm khăng khít hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay góp sức vào quá trình phát triển kinh tế - xã của tỉnh.

- Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Được Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh kiểm tra theo định kỳ, thường xuyên. Trong tháng, thành lập đoàn Thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý tài chính, quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở gồm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh.

- Hoạt động thể thao:

Thể thao thành tích cao: Trong tháng, Đoàn thể thao Hà Tĩnh không tham gia giải đấu thể thao thành tích, chủ yếu tập trung luyện tập để tham gia các giải chuẩn bị thi đấu. Tính chung 11 tháng năm 2022, Đoàn thể thao Hà Tĩnh tham gia 32 giải đấu, đạt 215 huy chương các loại (84 huy chương vàng, 61 huy chương bạc, 70 huy chương đồng), trong đó 04 giải quốc tế đạt 19 huy chương (8HCV-7HCB-4HCĐ), SEA Games 31 đạt 16 huy chương (6 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 3 huy chương đồng).

Thể thao quần chúng: Trong tháng, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức như: chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), đã diễn ra các giải bóng chuyền hơi ngành Giáo dục và Đào tạo, các giải đấu cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT huyện có dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động thể dục thể thao, đồng thời cũng đẩy mạnh hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong các trường học trên địa bàn; Ngày 5/11, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Hà Tĩnh tổ chức giải bóng chuyền hơi nam nữ tranh cúp Đại đoàn kết lần thứ I để chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022), ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022.

5. Tình hình an toàn giao thông

Tai nạn đường bộ: Tính từ ngày 15/10-14/11/2022 xảy ra 12 vụ tai nạn đường bộ, 10 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại 200 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ tai nạn, tăng 3 người chết, giảm 2 người bị thương, thiệt hại tăng 150 triệu.

Tính chung 11 tháng năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021-14/11/2022) đã xẩy ra 92 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 78 người chết, 39 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 1.520 triệu đồng, so với cùng năm 2021 số vụ tai nạn đường bộ giảm 6 vụ (giảm 6,12%), giảm 5 người chết (giảm 6,02%) và giảm 4 người bị thương (giảm 9,30%), số tiền nộp phạt tăng 872 triệu đồng.


Tai nạn đường sắt: Trong tháng cũng đã xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt làm chết 1 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ tai nạn, tăng 1 người chết. Tính chung 11 tháng năm 2022 xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 1 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết.

6. Môi trường

- Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 15/10/2022 đến ngày 14/11/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, tổng thiệt hại ước tính là 30 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ cháy, số người chết và bị thương không đổi.

Tính chung 11 tháng năm 2022 (từ ngày 15/12/2021-14/10/2022) đã xảy ra 54 vụ cháy, nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 4.923 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 8 vụ (giảm 12,9 %), giảm 2 người chết (giảm 66,67%), giảm 1 người bị thương (giảm 50%), thiệt hại ước tính tăng 2.182 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chủ yếu là do chập điện và sơ suất khi sử dụng lửa.

- Vi phạm môi trường:

Tính từ ngày 15/10 đến ngày 14/11/2022 đã phát hiện 89 vụ, đã xử lý 55 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 177,8 triệu đồng; so với tháng trước giảm 5 vụ đã phát hiện (giảm 5,32%), giảm 9 vụ đã xử lý (giảm 14,06%), số tiền nộp phạt giảm 550,9 triệu đồng (giảm 75,60%); so với cùng kỳ năm 2021 tăng 75 vụ đã phát hiện (tăng 535,71%), tăng 49 vụ đã xử lý (tăng 816,67 %), số tiền xử phạt tăng 80,3 triệu đồng (tăng 82,36%). Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển, khai thác cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép... gồm 86 vụ (chiếm 96,63%); xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường 2 vụ (2,25%), thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 1 vụ (chiếm 1,12%).

Tính chung 11 tháng năm 2022 (ngày 15/12/2021 - 14/11/2022) đã phát hiện 876 vụ, đã xử lý 583 vụ, với tổng số tiền xử phạt 2.698,42 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước số vụ phát hiện tăng 733 vụ (tăng 512,59%), tăng 481 vụ đã xử lý (tăng 471,57%), tăng số tiền nộp phạt 1.301,07 triệu đồng (tăng 93,11%).

7. Tình hình thiên tai

Trong tháng, không xảy ra thiên tai. So với tháng trước giảm 1 vụ, giảm 2 người bị thương, thiệt hại giảm 34.529 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước: giảm 1 vụ thiên tai, số người bị thương và bị chết không đổi, giảm thiệt hại 92 triệu đồng.

Tính chung từ đầu năm đến nay, ở Hà Tĩnh đã xảy ra 7 vụ thiên tai, cụ thể là 01 vụ sóng to, gió lớn (ngày 3/4); 2 vụ mưa lớn (ngày 30/4-1/5, ngày 27/9-2/10); 3 vụ sét đánh (ngày 26/5, ngày 14/6 và 21/7 ); 01 vụ lốc xoáy (ngày 14/6) làm chết 4 người, 2 người bị thương, làm hư hỏng 1 chiếc tàu, 582 nhà hư hỏng, thiệt hại 522 ha diện tích lúa, 421 ha diện tích hoa màu, 2.000 con gia cầm bị chết. Ước tính tổng thiệt hại là 42.497 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 5 vụ thiên tai, tăng 1 người chết, giảm 2 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản giảm 144.783 triệu đồng.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện