I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 01/2023, hoạt động trồng trọt chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông 2022 và gieo trồng cây vụ Xuân 2023; Hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định và tiếp tục có bước phát triển; Sản xuất lâm nghiệp giảm do tập trung sản xuất vụ Xuân năm 2023 và chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán; Hoạt động thủy sản không có nhiều biến động so với cùng kỳ..
1.1 Sản xuất nông nghiệp
*Trồng trọt
Kết quả sản xuất vụ Đông 2022: Diện tích ngô ước tính đạt 4.722 ha, đạt 101,05% kế hoạch, bằng 99,92% (giảm 4 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang ước tính đạt 1.405 ha, đạt 93,5% kế hoạch, bằng 92,5% (giảm 114 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích rau các loại ước tính đạt 4.560 ha, đạt 100,9% kế hoạch, bằng 92,61% (giảm 364 ha) so với cùng kỳ năm trước. Do năm nay lượng mưa nhiều nên việc gieo trỉa các loại cây vụ Đông gặp khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, diện tích ngô và rau các loại vẫn đạt và vượt kế hoạch.
Sản xuất vụ Xuân 2023: Mục tiêu sản xuất vụ Xuân năm nay là phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 81.062 ha, cụ thể: Diện tích lúa gieo cấy ước đạt 59.049 ha, năng suất đạt trên 56,7 tạ/ha với sản lượng đạt trên 33,5 vạn tấn; diện tích ngô 5.381 ha, năng suất đạt trên 50 tạ/ha với sản lượng đạt trên 26,9 nghìn tấn; diện tích khoai lang 1.572 ha, năng suất đạt trên 80 tạ/ha với sản lượng đạt trên 12,6 nghìn tấn; diện tích lạc 8.954 ha, năng suất đạt trên 26,8 tạ/ha với sản lượng đạt trên 24 nghìn tấn; diện tích rau các loại 5.728 ha, năng suất đạt trên 72 tạ/ha với sản lượng đạt trên 41 nghìn tấn; diện tích đậu các loại 378 ha, năng suất đạt 9,9 tạ/ha với sản lượng đạt 374 tấn.
Tiến độ gieo cấy tính đến ngày 16/01/2023, tổng diện tích mạ toàn tỉnh là 169,49 ha, tương ứng với 1.665 ha diện tích lúa cấy, chủ yếu là trà Xuân trung và Xuân muộn. Tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành gieo cấy lúa vụ Xuân 2023, với diện tích ước đạt 15.659 ha, bằng 26,5% kế hoạch, trong đó diện tích lúa gieo thẳng là 14.904 ha (chiếm 95,2% và diện tích lúa cấy là 755 ha (chiếm 4,8%). Các địa phương có diện tích gieo cấy lúa đạt cao là Can Lộc 6.373 ha, Đức Thọ 2.500 ha, Thị xã Hồng Lĩnh 1.250 ha, Hương Khê 1.002 ha, Cẩm Xuyên 1.000 ha…Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tục tập trung gieo cấy lúa,còn các loại hoa màu vụ Xuân 2023 chưa tiến hành gieo trồng.
Thiên tai, dịch bệnh: Trong tháng 01/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh tuy có mưa rét nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng vụ Đông 2022. Sâu bệnh chỉ xuất hiện một số sâu cuốn lá, rệp...không gây hại đối với các loại cây trồng.
*Chăn nuôi
Tháng 01/2023, các dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát nên hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Tổng đàn trâu, bò tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, do năm nay giá bán thịt trâu, bò hơi thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân không đẩy mạnh việc tái đàn. Đối với chăn nuôi lợn giá bán tăng không đáng kể trong khi chi phí thức ăn tăng cao nên đàn lợn chủ yếu phát triển ở các trang trại, gia trại, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu là bỏ chuồng vì vậy số đầu con giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đàn gia cầm vẫn phát triển khá, nhất là đàn gà. Hiện nay, người chăn nuôi đang tích cực chăm sóc các sản phẩm chăn nuôi để cung ứng phục vụ dịp Tết sắp tới. Trên địa bàn tỉnh giá các sản phẩm chăn nuôi nhìn chung ổn định và nguồn cung tương đối dồi dào để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp tết Quý Mão.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến ngày 16/01/2023 trên địa bàn Hà Tĩnh không có dịch bệnh xẩy ra với đàn vật nuôi, các loại dịch bệnh đã qua 21 ngày.
1.2 Lâm nghiệp
Trồng rừng: Do trong tháng 01/2023, người dân đang tập trung sản xuất lúa vụ Xuân 2023 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp nhìn chung không có nhiều biến động. Diện tích trồng rừng tập trung tháng 01/2023 ước tính giảm, trong đó chủ yếu là giảm diện tích rừng sản xuất trồng mới. Sản lượng gỗ khai thác tháng 01/2023 ước tăng 2.819 m3 so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, huyện Kỳ Anh...Hiện nay, người dân đang tập trung ươm, chăm sóc cây giống để trồng vụ Xuân năm 2023.
Thiệt hại rừng: Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/01/2023, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 3 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 2,392 ha (giảm 2 vụ nhưng tăng 0,492 ha) so với cùng kỳ năm 2022.
1.3 Thủy sản
Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2023 nhìn chung ổn định không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước giảm 59 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy hải sản khai thác ước tính giảm 68 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 76,7% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01/2023; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính tăng 9 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 23,3% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01 năm 2023. Các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đang chuẩn bị xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Dịch bệnh: Trong tháng không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2023 vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp tục phải chịu ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cũng như gặp các sự cố về hỏng hóc, tạm ngừng sửa chữa thiết bị. Song cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi có các dự án lớn đầu tư vào địa bàn. Hà Tĩnh đang kỳ vọng những dự án mới dự kiến hoạt động vào cuối quý I/2023 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà trong thời gian sắp tới.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2023 dự ước tăng 3,17% so với tháng trước và giảm 1,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 34,93% so với tháng trước và giảm 12,39% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,38% so với tháng trước và tăng 4,74% so với tháng 01/2022; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 21,58% so với tháng trước và giảm 27,81% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,77% so với tháng trước và giảm 26,23% so với cùng kỳ năm 2022.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 9 nhóm sản phẩm trong tháng 01 năm 2023 tăng so cùng kỳ (chiếm 47,37% trong tổng số sản phẩm), có 10 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 52,63% trong tổng số sản phẩm). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Bia đóng lon tăng 42,45%; điện thương phẩm tăng 37,68%; mực đông lạnh tăng 27,12%; nước uống được tăng 17,54%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 12,88%; ...Ngoài ra ,một số sản phẩm giảm: Gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 65,58%; nước không uống được giảm 30,14%; điện sản xuất giảm 29,95%; chè (trà) nguyên chất giảm 16,67%; than cốc giảm 16,24%; đá xây dựng khác giảm 16,1%; ...
2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2023 tăng 1,28% so với tháng trước và giảm 3,99% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2023 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do giảm số lượng lao động của ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 14,39% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm giảm 4,95% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do khó khăn trong sản xuất nên một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ thu hẹp sản xuất, giảm lao động. Cùng với đó, việc đưa các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng đã tiết giảm được nguồn nhân lực. Chỉ số sử dụng lao động tháng 01 năm 2023 đối với ngành ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,23%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 6,99% so với cùng kỳ năm 2022.
3. Vốn đầu tư
Tháng 01 năm 2023 là thời điểm nằm trong dịp tết nguyên đán, thời gian nghỉ kéo dài; bên cạnh đó, đây cũng là tháng đầu năm các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỹ thuật để triển khai thực hiện các công trình mới và các công trình chuyển tiếp trong năm 2022, nên giá trị vốn ngân sách do địa phương quản lý dự tính thực hiện đạt thấp hơn so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2023 ước đạt 265,82 tỷ đồng, bằng 26,58% so với tháng trước và bằng 58,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 198,47 tỷ đồng, bằng 22,94% so với tháng trước và bằng 53,85% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 62,25 tỷ đồng, bằng 52,88% so với tháng trước và bằng 83,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 5,10 tỷ đồng, bằng 29,32% so với tháng trước và bằng 49,21% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước tháng 01/2023 giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do đây là tháng đầu năm, nguồn vốn chưa được giao theo các công trình cụ thể, các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỷ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp trong năm 2022, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2023 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng nên giá trị vốn đầu tư dự tính thực hiện đạt thấp hơn so với tháng trước (giảm 73,42%). Bên cạnh đó đây cũng là tháng trùng với tết Nguyên đán, thời gian nghỉ lễ kéo dài, do đó giá trị thực hiện thuộc nguôn vốn ngân sách do địa phương quản lý giảm mạnh so với tháng trước (giảm 73,42%) cũng như cùng kỳ năm trước (giảm 41,41%).
4. Thương mại, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 01, là tháng trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và giá cả các nhóm hàng hóa đều có xu hướng tăng dần, nhất là về thời điểm giữa và cuối tháng. Cùng với đó, sự điều chỉnh về chính sách thuế VAT tăng từ mức 8% lên 10% từ thời điểm đầu tháng, giá nhiên liệu là những yếu tố chính tác động đến cung cầu hàng hóa tiêu dùng trong tháng. Nhìn chung thị trường tiêu dùng hàng hoá trong tháng diễn ra khá sôi động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 01/2023 ước đạt 5.277,07 tỷ đồng, tăng 3,57% so với tháng trước và tăng 25,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 31,17 tỷ đồng, tăng 95,85% so với tháng trước và tăng 14,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong tất cả các nhóm hàng hóa chỉ có nhóm hàng ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) có doanh thu giảm so với tháng trước (giảm 13,48%) và cùng kỳ (giảm 7,09%) do đây là mặt hàng xa xỉ, người dân chủ yếu mua sắm trước dịp Tết, cộng với việc vay vốn tín dụng gặp khó khăn lãi suất vay cũng đang ở mức khá cao. Còn lại tất cả các các nhóm hàng đểu có doanh thu tăng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,02% so với tháng trước, tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu các loại lương thực, thực phẩm từ gạo, các loại thịt, rau củ, bánh kẹo, đồ uống... mua sắm phục vụ tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán. Cùng với đó, sự điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng trở lại 10% từ mức 8% cũng khiến giá cả tăng lên.
Nhìn chung, các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tết Nguyên đán rơi vào thời điểm cuối tháng, nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa tăng; Thứ hai, so sánh cùng kỳ thì dịch bệnh Covid-19 năm nay được kiểm soát, các giải pháp hạn chế đi lại được bãi bỏ, đời sống kinh tế - xã hội có xu hướng ổn định. Nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định khiến lượng cầu hàng hóa, dịch vụ tăng; Thứ ba, do thói quen mua sắm của người dân thay đổi trong dịp cuối năm. Cùng với ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về thuế, giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2023 ước đạt 548,23 tỷ đồng, tăng 0,71% so với tháng trước, tăng 56,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động lưu trú ước đạt 20,55 tỷ đồng, tăng 1,49% so với tháng trước, tăng 126,5% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách phục vụ 107.820 lượt khách, tăng 1,19% so với tháng trước, tăng 82,21% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ 82.330 ngày, tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 70,92% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 525,63 tỷ đồng, tăng 0,63% so với tháng trước, tăng 54,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng này trùng vào mùa cưới hỏi, cùng với đó nhiều ngày lễ, tết Dương lịch, tổng kết cuối năm nên nhu cầu ăn uống, đặt tiệc vẫn được duy trì ổn định, các nhà hàng, khách sạn số lượt khách đặt ăn uống tăng. Tuy nhiên, lại trùng thời điểm tết Âm lịch nên số ngày hoạt động ít hơn nên doanh thu chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 2,05 tỷ đồng, tăng 15,82% so với tháng trước, thời điểm này cùng kỳ dịch vụ du lịch đang tạm ngừng hoạt động. Lượt khách du lịch theo tour 550 lượt, tăng 19,57% so với tháng trước; ngày khách du lịch theo tour 1.550 ngày, tăng 20,16% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng là ngay từ những tháng cuối năm 2022, nhiều công ty du lịch đã triển khai các chương trình tour du lịch trong và ngoài nước đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, xu hướng đi du lịch trong dịp Tết của người dân ngày càng tăng, do đó lượng khách đăng ký các tour du lịch tăng hơn so với tháng trước.
Dịch vụ khác: Doanh thu tháng 01/2023 ước tính đạt 285,06 tỷ đồng, tăng 4,22% so với tháng trước và tăng 49,96% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng có những thay đổi tùy theo từng nhóm ngành hàng do tính chất thời vụ dịp tết Nguyên đán, ngành dịch vụ hành chính hỗ trợ, giáo dục, đào tạo giảm trong khi tăng mạnh ở nhóm ngành dịch vụ khác như vui chơi giải trí, dịch vụ cho thuê đồ dùng cá nhân, các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp.... Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết và giá cả thị trường cũng tác động nhiều đến các loại hình kinh doanh dịch vụ.
4.2. Hoạt động vận tải
Tình hình hoạt động kinh doanh vận tải với vị trí địa lý thuận lợi cùng với sự hồi phục khả quan của nền kinh tế sau dịch đã góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh với hệ thống cảng biển nước sâu cũng như có cửa khẩu giao thương với thị trường Lào, Thái Lan là những động lực thuận lợi cho dịch vụ kho bãi trên địa bàn. Trong tháng là thời cao điểm về nhu cầu vận tải hành khách trong năm, lượng hành khách vận chuyển thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán thường tăng cao nhưng trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng thiếu phương tiện đưa đón người dân đi lại.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01/2023 ước đạt ước đạt 446,16 tỷ đồng, giảm 3,34% so tháng trước và tăng 11,65% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 122,65 tỷ đồng, tăng 11,24% so với tháng trước và tăng 85,52% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng vận chuyển hành khách ước đạt 1.672,63 nghìn HK, tăng 11,83% so với tháng trước và tăng 120,42% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 289,54 triệu HK.km, tăng 11,01% so với tháng trước và tăng 133,79% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm đầu tháng trùng với dịp nghỉ lễ Tết dương lịch 3 - 4 ngày nên lượng người đi lại về quê thăm thân, vui chơi tăng hơn tháng trước. Trong tháng, hình thái thời tiết rét đậm rét hại tiếp tục diễn ra nên nhu cầu sử dụng các loại phương tiện công cộng như taxi, xe buýt tăng, cùng với đó là tháng trùng dịp tết Nguyên đán, thời điểm trước, trong và sau Tết lượng khách đi lại luôn ở mức cao, tình trạng cháy vé các tuyến xe đường dài xảy ra, cùng với việc tăng giá để bù chiều chạy rỗng.
Vận tải hàng hóa ước đạt 259,05 tỷ đồng, giảm 8,82% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển dự tính đạt 2.909,26 nghìn tấn, giảm 9,45% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 74,61 triệu tấn.km, giảm 9,64% so với tháng trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa trong tháng này giảm với biên độ đáng kể. Đối với vận tải đường bộ, mặc dù nhu cầu vận tải thời điểm cận Tết tăng cao nhằm phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình. Tuy nhiên, do đặc thù các phương tiện vận tải hàng vật liệu xây dựng nghỉ Tết sớm, trong khi thời gian nghỉ sau Tết thường kéo dài dẫn đến doanh thu chung cả tháng dự kiến giảm mạnh.
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 64,36 tỷ đồng, giảm 4,14% so với tháng trước và giảm 20,69% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian hoạt động giảm do rơi vào dịp nghỉ Tết cũng là nguyên nhân chính khiến các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi giảm doanh thu so tháng trước.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Cán cân xuất nhập khẩu tỉnh nhà đã chuyển dịch theo hướng tích cực, mặc dù vẫn nhập siêu 37,3 triệu USD nhưng đã giảm rất nhiều so với tháng 01/2022 với mức nhập siêu 129 USD. Mặc dù, tháng 01/2023 hoạt động xuất khẩu không đạt mức như kỳ vọng tháng trước nhưng vẫn tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2023 ước đạt 163,20 triệu USD, giảm 21,15% so với tháng trước nhưng tăng 31,52% so với cùng cùng kỳ. Trong đó: Mặt hàng thép, phôi thép ước đạt 149,08 triệu USD giảm 22,54% so với tháng trước nhưng tăng 69,04% so với cùng kỳ; Thủy sản tăng 42,86% so với tháng trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ; Chè tăng mạnh so với tháng trước (tăng 194,12%) nhưng không đạt mức so với cùng kỳ (giảm 19,35%). Còn lại các mặt hàng chủ lực khác của tỉnh đều giảm cả so với tháng trước và cả so với cùng kỳ, do tháng này các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nghỉ 2 dịp Tết khá dài ngày.
Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 01/2023 ước đạt 200,50 triệu USD, giảm mạnh cả so với tháng trước (giảm 27,74%) và so với cùng kỳ (giảm 20,82%). Nguyên nhân chủ yếu do công ty Formosa cắt giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (ước đạt 165,50 triệu USD, giảm 13,70% so với tháng trước và giảm 30,05% so với cùng kỳ) do giảm sản lượng sản xuất khi ngày nghỉ trong tháng khá nhiều.
Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu với chính sách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngoài thép trong bối cảnh tình hình thế giới còn khá nhiều biến động.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Đây là tháng trùng với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhất là các nhóm lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình. Thị trường hàng hoá đa dạng, nhiều mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, không xảy ra hiện tượng khan hiếm. Nhiều chương trình khuyến mãi cũng liên tục được các nhà sản xuất, điểm kinh doanh đưa ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Các doanh nghiệp đã chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa, không để xẩy ra tình trạng thiếu, khan hiếm hàng hóa trên thị trường Hà Tĩnh.
Chỉ số CPI chung tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có:
Có 09 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 5,66%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,83% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,47%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,47% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 5,44%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,52%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,39%; giao thông tăng 1,3% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,24%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13% so tháng trước, tăng 3,81% so cùng tháng năm trước; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,49% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,95%.
Có 01 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Bưu chính viễn thông giảm 0,01% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,74%. Và có 01 nhóm ổn định về chỉ số so với tháng trước là: Giáo dục.
Nguyên nhân chủ yếu của sự biến động giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 01/2023 do yếu tố mùa vụ là nguyên nhân chính, cụ thể do dịp Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01 năm 2023, nhu cầu tiêu dùng và giá cả đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng, nhất là về cuối tháng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về thuế, giá nhiên liệu xăng, dầu các loại
Thị trường giá vàng và ngoại tệ trong tháng bình quân tăng giảm theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.384 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.369.379 đồng/100 USD.
Dự kiến CPI tháng 02/2023 giảm hơn so với tháng 01 do thời điểm sau tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Mỗi dịp xuân về, các cấp, ngành, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp ở Hà Tĩnh cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất, mang niềm vui, sự sẻ chia ấm áp cho người lao động qua chương trình “Tết sum vầy”. Đến nay, 22 công đoàn ngành và cấp trên trực tiếp cơ sở trên toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” 2023 đảm bảo ý nghĩa, thiết thực. Hơn 12.000 suất quà trị giá gần 6 tỷ đồng đã được trao cho đoàn viên, người lao động, trong đó, 40 đoàn viên được hỗ trợ làm nhà mái ấm với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra Trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Tĩnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố chung tay ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo”. Đến nay, Ủy ban MTTQ TP Hà Tĩnh đã vận động được 2.909 suất quà với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng.
2. Giáo dục
Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 ở Hà Tĩnh diễn ra vào ngày 10/01/2023 với tổng số 1.179 thí sinh dự thi ở 8 bộ môn. Kết quả, toàn tỉnh có 867 thí sinh đạt giải, trong đó có 80 giải nhất, 252 giải nhì, 297 giải ba và 238 giải khuyến khích.
Ngoài ra, Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh vừa xuất sắc giành giải á quân 2 cuộc thi hùng biện tiếng Anh Speak to Lead dành cho học sinh THPT chuyên toàn quốc mùa 3. Cuộc thi hùng biện tiếng Anh Speak-to-Lead được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020 do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hà Nội và Công ty cổ phần Galaxy Education tổ chức với mục đích kỷ niệm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam.
3. Hoạt động y tế
Tình hình dịch bệnh Covid-19: Hiện nay người dân về quê ăn Tết với số lượng lớn, tình trạng tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội, các cơ sở tôn giáo đầu xuân Quý Mão năm 2023; một bộ phận người dân, chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phát sinh tình trạng một số ca mắc COVID-19 tự phát hiện, không khai báo nên cơ quan chuyên môn khó quản lý, kiểm soát; vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh.
Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/01/2023 là 57.239 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 58.198 ca mắc. Tình hình điều trị các ca bệnh: Chuyển các Bệnh viện tuyến trên 128 BN; điều trị khỏi 57.908 BN, trong đó có 124 BN tuyến trên, 57.784 BN tại Hà Tĩnh; 54 BN tử vong.
Tình hình dịch bệnh khác:
Trong tháng, không có bệnh nào tạo thành dịch, trên địa bàn chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 5 ca sốt xuất huyết (so với cùng kỳ tăng 5 ca), 11 ca mắc bệnh quai bị (tăng 10 ca), 17 ca mắc lỵ trực trùng (tăng 12 ca); 23 ca mắc lỵ a míp (tăng 10 ca); 19 ca mắc bệnh thủy đậu (không đổi), 1.227 ca mắc bệnh cúm (tăng 208 ca), 4 ca bệnh adeno (cùng kỳ năm trước không có), 8 ca chân tay miệng (cùng kỳ năm trước không có), tiêu chảy 143 ca (giảm 17 ca), 7 ca viêm gan vi rút khác (tăng 3 ca), tất cả các ca bệnh trên không tạo thành dịch, chỉ là các ca bệnh đơn lẻ và không có người chết do các bệnh trên trên.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông và dự phòng chống lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là đối tượng thanh niên.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 3 người nhiễm mới HIV, 1 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS; so với tháng trước: số người nhiễm HIV và người chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS không đổi, so với cùng kỳ năm trước: tăng 2 người nhiễm mới HIV (tăng 200%), số người chuyển thành AIDS và người chết vì AIDS không thay đổi.
- Công tác an toàn thực phẩm: Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ ngộ độc do mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xảy ra, Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023 nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.
Trong tháng, không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, chỉ có 53 ca ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc. So với tháng trước giảm 20 ca (giảm 27,40%), số ca tử vong không đổi; so với cùng kỳ năm trước số vụ ngộ độc tập thể không đổi, số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 6 ca (giảm 8,16%), số ca tử vong không thay đổi.
4. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra khá sôi nổi. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tại một số địa phương đã diễn ra chương trình văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi như tối ngày 31/12/2022, tại Công viên Lý Tự Trọng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật “ Chào mừng năm mới 2023” với các tiết mục ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước và sự phát triện của thành phố vừa bước qua tuổi 15. Bên cạnh đó, tập trung vào tuyên truyền mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão 2023 và tháng lễ hội với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và linh hoạt như: làm mới và treo pa nô, băng rôn, ma két, lắp mới hệ thống đèn led trang trí tại khu vực công viên và các trục đường chính.
- Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Trong tháng, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra văn hóa trên địa bàn, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí karaoke, dịch vụ kinh doanh văn hóa tranh ảnh, băng đĩa nhạc,… nhằm đảm bảo việc tiếp cận các giá trị văn hóa của người dân nhất là trong dịp tết được tốt hơn, loại trừ các văn hóa phẩm đi lệch với các thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước
- Hoạt động thể thao:
Thể thao thành tích cao: Trong tháng, Đoàn thể thao Hà Tĩnh tham gia 3 giải đấu, đạt 9 huy chương các loại (2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 2 huy chương đồng), trong đó: Giải vô địch Rowing máy tại TPHCM từ 18-29/12 giành được 3 huy chương các loại gồm 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc; Giải việt dã chào năm mới BTV – Number One giành 4 huy chương các loại gồm 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng…
Thể thao quần chúng: Tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào tập luyện thể dục thể thao gắn với cuộc vận động “ Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.
5. Tình hình an toàn giao thông
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Công điện số 12/CĐ – UBND ngày 27/12/2022 về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023.
Tính từ ngày 15/12/2022-14/01/2023 xảy ra 8 vụ tai nạn đường bộ, làm 7 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại 100 triệu đồng. So với tháng trước giảm 8 vụ tai nạn (giảm 50%), giảm 5 người chết (giảm 41,67%), giảm 6 người bị thương (giảm 85,71%); so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ ( giảm 11,11%), giảm 3 người chết (giảm 30,0%), giảm 3 người bị thương (giảm 75,0%).
6. Môi trường
Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy,nổ không có thiệt hại về người, tổng thiệt hại ước tính là 90 triệu đồng; so với tháng trước giảm 9 vụ, thiệt hại về người không thay đổi; so với cùng kỳ năm trước tăng 7 vụ, thiệt hại về người không thay đổi.
Vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 150 vụ, đã xử lý 111 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 338,7 triệu đồng; so với tháng trước: tăng 53 vụ đã phát hiện (tăng 54,64 %), tăng 52 vụ đã xử lý (tăng 88,14 %), số tiền nộp phạt tăng 128,0 triệu đồng (tăng 60,75%); so với cùng kỳ năm 2022 tăng 99 vụ đã phát hiện (tăng 194,12%), tăng 91 vụ đã xử lý (tăng 455,0 %), số tiền xử phạt tăng 111,7 triệu đồng (tăng 49,21%). Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển, khai thác cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép... gồm 138 vụ (chiếm 92,00%); Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 7 vụ (chiếm 4,67%); Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường 3 vụ (2,0%); thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 2 vụ (chiếm 1,33%); Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí 1 vụ ( chiếm 0,11%).
7. Tình hình thiên tai
Trong tháng, không xảy ra thiên tai. So với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước không thay đổi.
BBT
Thêm ý kiến góp ý