Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh tháng 8 và 8 tháng năm 2023
I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1.Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
1.1 Sản xuất nông nghiệp
Tháng 8 năm 2023, bà con nông dân tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ Hè Thu. Hiện nay toàn tỉnh đã có gần 30.000 ha lúa trổ bông chiếm hơn 65% tổng diện tích gieo cấy. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của lúa hè thu. Tuy nhiên, một số loại sâu bệnh chủ yếu gây hại vào cuối vụ cũng đã xuất hiện trên nhiều chân ruộng như sâu cuốn lá, khô vằn, rầy nâu...vì vậy bà con nông dân phải thường xuyên thăm đồng kiểm tra để có biện pháp xử lý khi dịch bệnh xẩy ra. Hoạt động chăn nuôi trong tháng duy trì ở mức ổn định và có bước phát triển ở đàn lợn và gia cầm nhưng bên cạnh đó đàn trâu, bò lại có xu hướng giảm do giá trâu, bò hơi giảm mạnh trong khi giá bò giống mua vào cao cộng với chi phí thức ăn chăn nuôi và vật tư tăng cao nên chăn nuôi kém hiệu quả.
* Trồng trọt
Kết quả sản xuất vụ Hè Thu năm 2023: Kết quả gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu 2023 toàn tỉnh ước tính đạt 58.528 ha, bằng 99,74% (giảm 153 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước tính đạt 234.131 tấn, so với thực hiện cùng kỳ năm trước bằng 100,34% (tăng 804 tấn). Kết quả sản xuất vụ Hè Thu đối với một số cây trồng chủ lực như sau:
Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh ước tính đạt 44.568 ha, bằng 100,09% (tăng 42 ha) so với cùng kỳ năm trước, một số huyện có diện tích do nhà nước thu hồi đường cao tốc Bắc Nam đi qua. Năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2023 ước tính đạt 50,28 tạ/ha, bằng 99,92% (giảm 0,04 tạ/ha). Sản lượng lúa ước tính đạt 224.093 tấn, bằng 100,01% (tăng 31 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Với quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu năm 2023 là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc linh hoạt trong tổ chức chỉ đạo, né tránh thiên tai, phấn đấu sản xuất vụ Hè Thu an toàn, hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023. Hiện đang trong giai đoạn trổ bông, là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ. Vì vậy phải tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện sâu bệnh để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên diện rộng.
Cây ngô: Diện tích ngô Hè Thu ước tính đạt 2.439 ha, bằng 108,95% (tăng 200 ha) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích tăng như: Hương Khê tăng 129 ha; Hương Sơn tăng 51 ha; Đức Thọ tăng 64 ha;... Nguyên nhân diện tích ngô tăng do năm nay thức ăn chăn nuôi tăng người dân trồng ngô với mục đích lấy sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Năng suất ngô vụ Hè Thu năm nay ước tính đạt 41,16 tạ/ha, bằng 99,44% (giảm 0,23 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ngô ước tính đạt 10.038 tấn, bằng 108,34% (tăng 773 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Cây khoai lang: Diện tích ước tính đạt 572 ha, bằng 96,09% (giảm 23 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất khoai lang ước tính đạt 60,66 tạ/ha, bằng 101,34% (tăng 0,8 tạ/ha), với sản lượng ước tính đạt 3.469 tấn, bằng 97,38% (giảm 93 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Cây sắn: Diện tích ước tính đạt 2.526 ha, bằng 96,21% (giảm 100 ha) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích giảm như: Hương Sơn giảm 49 ha, Đức Thọ giảm 24 ha, Can Lộc giảm 33 ha…Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây khác. Năng suất ước tính đạt 155,18 tạ/ha, bằng 101,79% (tăng 2,73 tạ/ha), với sản lượng ước tính đạt 39.196 tấn, bằng 97,93% (giảm 823 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước tính tăng tuy nhiên diện tích giảm nên sản lượng ước tính giảm.
Rau các loại: Diện tích ước tính đạt 2.954 ha, bằng 103,07% (tăng 88 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau ước tính đạt 74,15 tạ/ha, bằng 100,23% (tăng 0,17 tạ/ha), với sản lượng rau ước tính đạt 21.902 tấn, bằng 103,30% (tăng 701 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Đậu các loại: Diện tích đậu các loại ước tính đạt 2.112 ha, bằng 80,13% (giảm 524 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo trồng giảm do đầu vụ thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc gieo trỉa. Ngoài ra có một số diện tích chuyển đổi từ gieo trồng cây đậu sang gieo trồng cây vừng; rau lấy lá khác. Năng suất đậu các loại ước tính đạt 10,09 tạ/ha, bằng 94,7% (giảm 0,57 tạ/ha), với sản lượng đậu các loại đạt 2.131 tấn, bằng 75,88% (giảm 677 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Do cả diện tích và năng suất đều giảm nên sản lượng đậu các loại giảm.
Sản xuất vụ Mùa 2023, diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa 2023 ước đạt 282 ha, bằng 68,13% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh hiện còn có huyện Nghi Xuân và huyện Lộc Hà đang triển khai gieo cấy lúa vụ Mùa trên những chân rộng pha cát. Sản xuất lúa vụ Mùa thường gặp khó khăn về thời tiết, đầu vụ thường xẩy ra khô hạn và cuối vụ lại thường gặp mưa bão lớn. Do hiệu quả sản xuất vụ Mùa thấp nên không được xác định là vụ sản xuất chính của địa phương cho nên xu thế sản xuất lúa vụ Mùa đang ngày càng giảm.
Cây lâu năm: Hiện nay, bên cạnh các loại cây ăn quả như mít, ổi, nhãn, chanh…đang thu hoạch chính vụ thì cây bưởi là một loại cây ăn quả chủ lực của địa phương đang chuẩn bị bước vào thu hoạch chính vụ. Năm nay, tuy điều kiện thời tiết diễn biến bất thường nhưng không có rét đậm, rét hại nên cây ăn quả vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng cây ăn quả ước tính đạt khá nhưng giá bán nhìn chung vẫn thấp, chưa có nhiều biến động. Cùng với việc chăm sóc và thu hoạch các loại cây ăn quả thì các loại cây công nghiệp như chè, cao su cũng được quan tâm chăm sóc và thu hoạch thường xuyên, tạo thu nhập cho người dân để ổn định cuộc sống
Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Trên cây lúa, hiện nay Sâu cuốn lá nhỏ mật độ trưởng thành 5-7con/m2, nơi cao 10-15%, diện tích 88ha, sâu chủ yếu tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4 tập trung chủ yếu ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ,...; Chuột phát sinh gây hại hầu hết các địa phương trong tỉnh tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích 200ha. Bệnh khô vằn tập trung gây hại trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm, tỉ lệ 5-7%, nơi cao 15-20%, cục bộ 30-40%, diện tích 1.950ha, trong đó 20ha nhiễm nặng, phân bố hầu hết các địa phương; Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện ở một số địa phương (Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) cục bộ dạng ổ 700-1000 con/m2 (xã Tân Dân huyện Đức Thọ), diện tích 1ha, rầy chủ yếu tuổi 3, tuổi 4; Hiện tượng thiếu dinh dưỡng, chăm sóc kém trên một số giống chất lượng, thâm canh cao ở Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, diện tích 350ha.
Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá diện tích nhiễm 14ha, bệnh đốm lá lớn, bệnh khô vằn 25ha, sâu đục thân, đục bắp 15ha. Cây ăn quả có múi: Sâu đục thân, đục cành 15ha; nhện nhỏ 60ha, ruồi đục quả 55ha, bệnh nứt thân xì mủ 10ha, bệnh vàng lá thối rễ 1ha phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…các đối tượng như rệp muội, bọ xít, gây hại rải rác trên những vườn hộ lâu năm.
Trước tình hình diễn biến của sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng trừ sâu, bệnh đạt hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất vụ Hè Thu và cây ăn quả.
* Chăn nuôi
Chăn nuôi tháng 8 năm 2023 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng đàn ổn định ở đàn lợn và đàn gia cầm. Tuy nhiên, việc giá trâu, bò xuống thấp kéo dài đã khiến nông dân gặp không ít khó khăn cộng với giá trâu, bò giống mua vào cao và chi phí thức ăn, vật tư tăng cao nên phải giảm đàn vật nuôi.
Kết quả chăn nuôi, đàn lợn hiện có 395.100 con, bằng 103,94%; đàn gia cầm ước đạt 9.910 nghìn con, bằng 102,75%; đàn trâu ước đạt 67.300 con, bằng 98,73%; đàn bò ước đạt 167.720 con, bằng 99,94% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, việc tái đàn trong chăn nuôi lợn và gia cầm từ đầu năm khá tích cực và cần duy trì vì đây là nguồn thịt chính đảm bảo ổn định thị trường. Cùng với đó, trong chăn nuôi trâu, bò để giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản xuất trong giai đoạn khó khăn này, người chăn nuôi cần tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, bà con cần tính toán, cân đối đàn nuôi phù hợp để duy trì hoạt động chăn nuôi.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra Dịch tả lợn Châu Phi tại 7 hộ, 5 thôn thuộc 2 xã Cẩm Thạch và Cẩm Dương của huyện Cẩm Xuyên làm cho 44 con lợn, ốm, chết, buộc phải tiêu hủy (trọng lượng 2.774 kg). Tiêm phòng đợt 2 năm 2023, theo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện từ ngày 01/9/2023.
1.2 Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 8/2023 nhìn chung ổn định, hoạt động trồng rừng vẫn được triển khai, nhờ điều kiện thời tiết trong tháng có mưa nên kết quả trồng rừng tập trung tăng hơn cả so với tháng trước và cùng kỳ. Đến tháng 8 trong năm đã xảy ra nhiều hơn các vụ cháy và phá rừng so với năm trước, vì vậy nâng cao ý thức toàn dân luôn là mục tiêu lâu dài trong phát triển lâm nghiệp.
Kết quả trồng rừng tập trung tháng 8 ước đạt 392 ha, tăng hơn nhiều so với tháng trước (tăng 116,57% tương ứng tăng 211 ha), so với cùng kỳ tăng 4,81% tương ứng tăng 18ha. Sản lượng gỗ khai thác tháng 8/2023 ước tính đạt 34.980 m3 tăng khá so với tháng trước (tăng 10,80% tương ứng tăng 3.410 m3) cũng như so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,71% tương ứng tăng 1.890 m3). Hoạt động trồng rừng mùa nắng nóng phụ thuộc vào các đợt mưa, còn khai thác gỗ chủ yếu từ rừng trồng nên phụ thuộc vào chu kỳ khai thác của rừng trồng. Vì vậy, kết quả sản xuất lâm nghiệp giữa các tháng và các năm thường có sự chênh lệch khá lớn.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tuy nhiên do ý thức của người dân trong việc khai thác và làm sạch đất chuẩn bị trồng cây mới còn nhiều bất cẩn, mặc dù trong tháng không xảy ra cháy rừng nhưng có đến 12 vụ phá rừng, ước tính diện tích rừng bị phá là 3,56 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 6 vụ cháy rừng (tăng 5 vụ so với cùng kỳ), với diện tích rừng bị cháy là 4,88 ha (tăng 4,48 ha) và 76 vụ phá rừng (tăng 14 vụ), với diện tích rừng bị phá là 29,48 ha (tăng 2,8 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang là mùa nắng nóng, tháng cao điểm cuối nên cần hết sức cẩn trọng, tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.
1.3 Thủy sản
Tháng 8 nằm trong mùa phát triển sinh sôi nhiều loại thủy hải sản, cũng là mùa thủy sản ngon trong năm nên mỗi chuyến ra khơi người dân đánh bắt được nhiều thủy hải sản có giá trị, cộng với đó là nhu cầu tiêu dùng mùa du lịch tăng cao, giá cả tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Các hộ nuôi trồng thu hoạch sản phẩm vụ tôm Xuân Hè nên làm cho sản lượng nuôi trồng tăng.
Sản lượng thủy sản tháng 8 đạt khá tăng 1.257 tấn so với tháng trước và tăng 218 tấn so với cùng kỳ năm trước (chiếm 16,33% tổng sản lượng khai thác từ đầu năm) tính chung 8 tháng năm 2023 sản lượng thủy sản ước đạt 38.410 tấn, tăng 3,99% so với cùng kỳ. Ngoài sản lượng khai thác hải sản mấy năm nay đảm bảo sự tăng trưởng ổn định do người dân tích cực ra khơi bám biển, thì tháng 8/2023 ghi nhận vụ nuôi trồng Hè Thu đạt thắng lợi, sản lượng nuôi trồng ước đạt 2.471 tấn, chiếm 24,3% tổng sản lượng nuôi trồng 8 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết thuận lợi, dịch bệnh ít xuất hiện và được kiểm soát tốt nên một số vùng người dân đầu tư mới các mô hình nuôi tôm chất lượng cao như nuôi tôm trong bể xi măng có mái che với công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh tuyệt đối nên sản lượng ban đầu cho thu hoạch khá cao, mỗi ha cho thu hoạch từ 25-30 tấn tôm. Nuôi tôm vẫn đang là hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh, hiện nay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn để “tiếp sức” cho lĩnh vực này tiếp tục có những bước tăng trưởng đáng kể.
Về tình hình dịch bệnh trên thủy sản, trong tháng 8 năm 2023 phát sinh 0,26 ha tôm bị bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, đến nay chưa qua 15 ngày. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8/2023 trên toàn tỉnh, bệnh đốm trắng xảy ra với diện tích 34,49 ha) tại 09 xã thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã (Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh); Bệnh Vi bào tử trùng (EHP) xảy ra với diện tích 4,73 ha thuộc 06 xã của 03 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà; Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra với diện tích 3,6 ha tại 03 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tháng 8/2023 có nhiều khởi sắc, ngành sản xuất điện đón nhận sự trở lại của tổ máy số I sau gần 2 năm tạm ngừng do sự cố; ngành sản xuất thép có tốc độ tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, bên cạnh đó ngành khai khoáng tiếp tục tăng công suất khai thác nhằm cung cấp vật liệu thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tính chung 8 tháng năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,37% so cùng kỳ năm trước. Với những yếu tố thuận lợi nói trên sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Tĩnh trong những tháng còn lại năm 2023.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Tháng 8/2023 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng trước tăng 6,6% và tăng 49,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,09% so với tháng trước và tăng 24,54% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,07% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 52,57%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,58% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 42,12%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 17,17% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,93%, làm tăng 0,03 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,35% làm tăng 2,79 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,25%, làm tăng 1,63 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,97%, làm giảm 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.
Trong 18 nhóm ngành công nghiệp cấp 2, có 06 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: khai khoáng khác tăng 10,08%, sản xuất đồ uống tăng 1,09%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 2,95%, sản xuất kim loại tăng 5,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,84%, sản xuất và phân phối điện tăng 12,25%.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 9 nhóm sản phẩm cộng dồn 8 tháng tăng so cùng kỳ năm trước: mực đông lạnh tăng 12,02%, chè (trà) nguyên chất tăng 10,5%, vỏ bào, dăm gỗ tăng 10,25%, thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 6,25%, điện sản xuất tăng 12,25%, điện thương phẩm tăng 15,17%…
Bên cạnh đó, có 10 nhóm sản phẩm cộng dồn 8 tháng giảm so cùng kỳ năm trước: quặng inemit và tinh quặng inemit giảm 59,36%; quặng zicon và tinh quặng zicon giảm 49,83%, thức ăn gia súc giảm 17,36%, than cốc giảm 6,85%, gạch xây dựng giảm 46,83%, bê tông trộn sẵn giảm 3,82%...
2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2023 tăng 0,22% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước giảm 7,23%. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 8/2023 giảm 7,67% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 8 tháng năm 2023 giảm so ở tất cả các ngành. Cụ thể chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 17,42%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,77%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,13%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,11% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, khi nhu cầu tiêu cùng chưa phục hồi, số lượng các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh kéo theo đó sản xuất trong nước giảm nên các doanh nghiệp đã phải giảm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, việc đưa các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng đã tiết giảm được nguồn nhân lực.
3. Vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023, tăng 12,72% so với tháng trước, trong đó nguồn vốn tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Mặc dù nguồn vốn thực hiện trong tháng cao hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên tính chung 8 tháng năm 2023 con số này chưa đạt được như kỳ vọng. Để giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch; đặc biệt là việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023 ước đạt 595,41 tỷ đồng, tăng 12,72% so với tháng trước, giảm 4,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 438,77 tỷ đồng, tăng 12,68% so với tháng trước và giảm 6,79% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 99,29 tỷ đồng, tăng 7,55% so với tháng trước và giảm 19,03% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 57,35 tỷ đồng, tăng 23,26% so với tháng trước và tăng 77,93% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho các công trình dự án trọng điểm tiếp tục được gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trước khi bước vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, một số công trình được khởi công mới góp phần làm tăng kết quả thực hiện vốn đầu tư trong tháng.
Ngày 11/8/2023, UBND tỉnh đã ra quyết định số 1916/QĐ-UBND về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và năm 2023. Theo đó kế hoạch vốn được giao bổ sung cả năm 6.196,09 tỷ đồng (tăng 1.120,89 tỷ đồng so với đầu năm). Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt 3.177,20 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,28% kế hoạch năm. Tính từ đầu năm cho đến nay một số công trình thi công với tiến độ lớn như: Đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đoạn tránh Thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (ước đạt 101 tỷ đồng); đường từ Quốc Lộ 12C đi khu liên hợp Gang thép Fomosa tỉnh Hà Tĩnh (ước đạt 227 tỷ đồng); đường vành đai phía nam Khu kinh tế Vũng Áng (ước đạt 91 tỷ đồng); hạ tầng trung tâm khu du lịch biển Kỳ Ninh (ước đạt 53 tỷ đồng) …
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình thương mại dịch vụ tháng 8 và 8 tháng năm 2023 tăng trưởng khá ổn định. Sự suy giảm chung của nền kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến thu nhập và cung cầu người dân. Biến động của giá cả nhiều nhóm hàng hóa đặc biệt nhóm giá nguyên, nhiên liệu như điện và xăng tăng cũng gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa. Tuy vậy, môi trường kinh doanh ổn định và các chính sách kích cầu, phát triển kinh tế khiến hoạt động thương mại dịch vụ vẫn cơ bản ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 8/2023 doanh thu ước đạt 5.073,54 tỷ đồng, tăng 2,50% so với tháng trước và tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị đạt gần 30,75 tỷ đồng, giảm 9,17% so với tháng trước nhưng vẫn ở mức tăng 69,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong các nhóm hàng hóa đều có mức tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ có nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục và ô tô con có doanh thu giảm so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu do: Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ khi việc bắt đầu năm học mới tác động đến các hoạt động bán lẻ hàng may mặc và văn phòng phẩm tăng trong 2 tháng gần đây, mặt bằng giá sách giáo khoa cũng có sự thay đổi khi xuất hiện nhiều loại bộ sách giáo khoa khác nhau. Thứ hai, xu thế hoạt động xây dựng tăng khi thời tiết thuận lợi, giá vật liệu giảm khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh. Thứ ba, sự điều chỉnh tăng giá xăng, dầu các kỳ gần đây khiến giá xăng đang ở mức 24.610 đồng tác động trực tiếp đến doanh thu nhóm hàng này và gián tiếp đến chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác. Thứ tư, yếu tố tâm lý người dân truyền thống ít mua sắm tài sản giá trị trong tháng 7 âm lịch, do đó, nhu cầu mua sắm đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại, nhất là các đồ dùng đắt tiền giảm mạnh.
Tính chung 8 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 38.490,97 tỷ đồng, tăng 15,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm khá sâu so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô con dưới 9 chỗ ngồi giảm 25,32%; phương tiện đi lại giảm 39,06%, nhưng vì các nhóm hàng doanh thu bán lẻ không cao, nên không ảnh hưởng quá lớn tới mức tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa mà chủ yếu phục thuộc vào các nhóm hàng thiết yếu tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao như: Lương thực, thực phẩm đạt 17.591,46 tỷ đồng, tăng 22,21%; xăng dầu các loại đạt 4.796,10 tỷ đồng, tăng 33,20%; đồ dùng, thiết bị gia đình ước đạt 4.168,29 tỷ đồng, tăng 24,26%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 2.265,28 tỷ đồng, tăng 36,29%;....
Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh 8 tháng năm 2023 chịu nhiều tác động bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Những lo ngại về lạm phát và tình hình suy giảm kinh tế tác động đến cung cầu, giá cả nhiều nhóm hàng hóa trong nước. Việc giá điện tăng cũng gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa. Tuy vậy, môi trường kinh doanh ổn định và các chính sách kích cầu, phát triển kinh tế khiến hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng mạnh. Mặc dù vậy, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi giá bán thấp và tiền gửi từ người thân làm ăn xa khó khăn.
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 8/2023 doanh thu ước đạt 710,26 tỷ đồng, tăng 1,30% so với tháng trước, tăng 39,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 35,84 tỷ đồng, giảm 15,45% so với tháng trước nhưng tăng 40,85% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ 192.765 lượt, giảm 5,21% so với tháng trước và tăng 26,14% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ 155.370 ngày, giảm 4,7% so với tháng trước, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 670,71 tỷ đồng, tăng 2,70% so với tháng trước và tăng 38,73% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 3,72 tỷ đồng, giảm 34,60% so với tháng trước tăng 313,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ăn uống, lưu trú và du lịch tháng 8 do trùng với tháng 7 âm lịch, theo quan niệm tâm linh nên người dân e ngại đi du lịch trong tháng, doanh thu giảm mạnh so với tháng trước. Bên cạnh đó, sang tháng 8 sau thời gian nghỉ hè, các trường học, học sinh sinh viên cũng đã bắt đầu đi học trở lại nên lượng khách đến tham quan nghỉ mát du lịch trong tháng giảm. Để cạnh tranh, thu hút khách hàng thì hiện nay các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tại các bãi biển giá các phòng cũng đã bắt đầu giảm hơn so với các tháng trước. Những điều này đã tác động đến doanh thu hoạt động lưu trú trong tháng giảm.
Tính chung 8 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 4.949,23 tỷ đồng tăng 26,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành lưu trú ước đạt 216,57 tỷ đồng, tăng 28,82%; lượt khách phục vụ 1.242.002 lượt, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ 1.018.761 ngày, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm trước; ăn uống ước đạt 4.699,58 tỷ đồng, tăng 25,93% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 33,07 tỷ đồng, tăng 172,73% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 10.192 lượt tăng 133,65% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 28.374 ngày tăng 156,73% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành sau khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ trong mùa du lịch biển cao điểm nhất từ cuối tháng 4 đến tháng 7 thì sang tháng 8 và dự báo những tháng cuối năm do ảnh hưởng thời tiết cũng như tính chất thời vụ du lịch, lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng sẽ bắt đầu giảm mạnh. Vì vậy, mặc dù trong tháng 8 hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống lữ hành vẫn diễn ra khá nhưng so với các tháng trước lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn giảm đáng kể. Đây cũng là những khó khăn cần tìm ra hướng phát triển du lịch mới, đáp ứng nhu cầu người dân cùng với sự đảm bảo phát triển cũng như khai thác nguồn tài nguyên du lịch đa dạng của tỉnh nhà.
Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 8/2023 ước tính đạt 339,34 tỷ đồng, giảm 0,99% so với tháng trước và giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước, trong các nhóm ngành dịch vụ khác trong tháng 8 thì nhóm ngành y tế, giáo dục, văn hóa…tăng so với tháng trước do yếu tố mùa vụ bước váo năm học mới cũng như dịch vụ tâm linh theo quan niệm người dân nên các nhóm ngành trên có tăng nhưng tác động ngược lại các nhóm ngành khác như công trình khởi công mới ít nên nhu cầu sử dụng máy móc san lấp mặt bằng giảm, nhu cầu sử dụng các dịch vụ cưới hỏi, hiếu hỷ, thuê xe, dịch vụ thuê đồ dùng cá nhân và gia đình cũng giảm do trùng tháng 7 âm lịch nên các hoạt động cưới hỏi, vui chơi giải trí giảm.
Tính chung 8 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.809,52 tỷ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản ước tăng 10,23%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 29,55%; giáo dục đào tạo tăng 6,8%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 3,02%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 94,67%; dịch vụ khác tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các ngành dịch vụ. Mặc dù vẫn còn những khó khắn khi thị trường bất động sản còn trầm lắm, lãi suất tín dụng đang ở mức cao và tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn cũng có những động thái thích nghi, điều chỉnh, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.
4.2. Hoạt động vận tải
Kết quả hoạt động vận tải trong tháng cơ bản ổn định và tăng nhẹ so vơi tháng trước, các phương tiện vận tải được chú trọng việc đầu tư chất lượng, hạ tầng đường bộ được nâng cấp mở rộng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Tuy vậy, những khó khăn của nền kinh tế, giá xăng, dầu tiếp tục tăng trở lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải trong thời gian qua. Dịch vụ bốc xếp hàng hóa thông qua cảng trong tháng giảm so với những tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi lượng hàng hóa thông qua cảng giảm.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8 năm 2023 ước đạt 636,62 tỷ đồng, tăng 1,41% so tháng trước và tăng 27,90% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 99,39 tỷ đồng, tăng 6,57% so với tháng trước và tăng 39,91% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.081 nghìn HK, tăng 1,18% so với tháng trước và tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 207,35 triệu HK.km, tăng 1,64% so với tháng trước, tăng 21,10% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt ước đạt 407.89 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 21,29% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 4.465,1 nghìn tấn, tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 22,93% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 138,67 triệu tấn.km, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 16,98% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải doanh thu ước đạt 113,16 tỷ đồng, giảm 2,11% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh vận tải tháng 8/2023 tăng so với tháng trước, chủ yếu do những nguyên nhân sau: Thứ nhất, trong tháng trùng lễ Rằm tháng 7 âm lịch nên nhu cầu đi lại, cũng như vận chuyển hàng hóa tăng so với tháng trước. Là thời điểm nhập học của Tân sinh viên, nhu cầu đi lại nhiều. Điều kiện thời tiết nắng nóng là lý do người dân chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng để đi lại, đó là những yếu tố góp phần làm cho hoạt động vận tải hành khách tăng hơn so với tháng trước; Thứ hai, các dự án công trình xây dựng trên địa bàn đang chú trọng đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng cũng tăng và một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng, thời tiết nắng hạn kéo dài trong thời gian qua khiến mực nước các con sông, hồ đập giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường thủy nội địa; Thứ ba, doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tiếp tục giảm so với tháng trước, lý do giảm chủ yếu ở ngành đường biển, lượng hàng hóa thông qua Cảng Sơn Dương và cảng Vũng Áng.
Tính chung 8 tháng năm 2023, hoạt động vận tải dự tính đạt 4.654,82 tỷ đồng, tăng 15,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 682,78 tỷ đồng, tăng 39,71%; số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 8.252,77 nghìn HK, tăng 38,14% và luân chuyển đạt 1.574,97 triệu HK.km, tăng 52,24% so với cũng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 3.014,42 tỷ đồng, tăng 13,23%; khối lượng vận chuyển ước đạt 33.151,51 nghìn tấn, tăng 15,15% và luân chuyển ước đạt 1.021,31 triệu tấn.km, tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 831,44 tỷ đồng, giảm 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình kinh doanh vận tải, kho bãi 8 tháng năm 2023 hoạt động ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, các phương tiện vận tải được chú trọng đầu tư chất lượng xe và bảo đảm chứa đựng hàng hóa. Hạ tầng đường bộ được đầu tư nâng cấp mở rộng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động, xuất, nhập khẩu tháng 8 năm 2023 chuyển dịch theo hướng tích cực khi kim ngạch nhập khẩu giảm dần và kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với tháng trước và đạt ở mức cao so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 533,9 triệu USD giảm 27,7 triệu USD so với tháng trước nhưng tăng 108,4 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 4.337,9 triệu USD tăng 12,32% so với cùng kỳ tương ứng tăng 475,9 triệu USD, nhập siêu ở mức 537,1 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 8/2023 ước đạt 235,4 triệu USD, tăng 3,81% so với tháng trước và tăng đến 138,40% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng xuất khẩu tư Formosa trong tháng ước đạt 223,5 triệu USD (chiếm 94,94% kim ngạch xuất khẩu) tăng 1,05% so với tháng trước và tăng đến 188,28% so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu trong tháng, thể hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.900,44 triệu USD, tăng 63,08% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là sản phẩm thép và phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đạt mức tăng cao trong 8 tháng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.810,3 triệu USD. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành thép và phôi thép chung toàn tỉnh 8 tháng tăng 73,06% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như chè tăng 14,34%, hàng dệt và may mặc tăng 13,99%. Bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng tích cực thì vẫn có những nhóm hàng xuất khẩu đang hết sức khó khăn. Trong đó, 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm khá sâu trong 8 tháng năm 2023 là xơ, sợi dệt (giảm 23,24%); thủy sản (giảm 8,61%); dăm gỗ (giảm 6,05%). Nguyên nhân do nhu cầu từ thị trường đối tác giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu xơ, sợi dệt đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ năm 2022 tới nay. Riêng với ngành thủy sản, không chỉ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu khắt khe hơn, đơn hàng giảm mà còn chịu ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu tăng giá và tiêu thụ trong nước chủ yếu. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tập trung hơn nữa vào việc nắm bắt tình hình thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi và tìm những hướng đi mới phù hợp.
Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 8 ước đạt 298,5 triệu USD, giảm 10,87% so với tháng trước tương ứng giảm gần 36,4 triệu USD và so với cùng kỳ giảm 8,65% (giảm gần 28,3 triệu USD). Cho thấy việc giảm kim ngạch nhập khẩu ở các loại hàng hóa, khi thị trường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhất là nhập khẩu các loại hàng xa xỉ như ô tô các loại khi nhu cầu tiêu dùng trong năm giảm mạnh, tính bấp bênh trong giá các loại nhiên liệu xăng, dầu cũng khiến các nhà đầu tư hạn chế nhập khẩu mặt hàng này. Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa vẫn tăng nhẹ so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ thì lượng nhập khẩu nguyên liệu ở mức rất thấp (khoảng 60%). Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.437,51 triệu USD, giảm 9,61% so với cùng kỳ năm trước. Với những dự báo trong Hội thảo trực tuyến dự báo nhu cầu thép ASEAN 2023 do Ủy ban Kinh tế và Thống kê SEAISI tổ chức vào ngày 24/8 hi vọng sẽ tìm ra các giải pháp và hướng đi mới, phù hợp cho xuất khẩu thép của tỉnh nhà.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2023 biến động tăng cả so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, mức tăng của chỉ số giá chủ yếu do biến động giá tăng mạnh ở các nhóm hàng giao thông và lương thực. Mặt bằng giá thị trường đang ở mức khá cao, so với kỳ gốc 2019 đã tăng ở mức 9,73%. Bình quân 8 tháng 2023 chỉ số giá vẫn ở mức kiểm soát được khi tăng 1,63% so với cùng kỳ.
Tháng 8 năm 2023, chỉ số CPI chung tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm hàng biến động tăng so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất ở nhóm hàng giao thông (tăng 3,12%) do giá nhiên liệu xăng, dầu qua các kỳ điều chỉnh tăng cao trong tháng dẫn tới giá bình quân tăng mạnh so với tháng trước, hiện nay giá xăng E95 đang ở mức 24.610 đồng/lít, tuy chưa ở mức đỉnh giá nhưng đây cũng là mức giá nhiên liệu khá cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí trung gian của các loại hàng hóa khác, bên cạnh đó, giá cước vận tải đường sắt và đường hàng không tăng giá mạn; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dù chỉ tăng 0,92% so với với tháng trước nhưng tính riêng nhóm lương thực đã tăng đến 2,77% nguyên nhân do một số loại lương thực chưa vào vụ thu hoạch, và tăng trong dịp lễ Vu lan và chuẩn bị Rằm tháng 7. Còn lại có 5 nhóm hàng tăng không đáng kể so với tháng trước, một số mặt hàng sách giáo khoa, hàng dệt may, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu phục vụ năm học mới.
Bên cạnh các nhóm hàng tăng, trong tháng có 3 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,05% so tháng trước nhưng so cùng tháng năm trước tăng 3,68%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17% so tháng trước và so cùng tháng năm trước giảm 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,31% so tháng trước nhưng vẫn tăng 5,25% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân do tiết trời đã bớt oi bức nên lượng điện, nước tiêu thụ giảm xuống đáng kể, bên cạnh đó trong tháng trùng với tháng 7 âm lịch với quan niệm hạn chế máu sắm và đi lại của người dân vì vậy các hoạt động văn, hóa, giải trí du lịch, mua sắm giảm. Nhóm hàng bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định và không biến động.
Tính chung 8 tháng năm 2023 chỉ số giá bình quân tăng 1,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 1,50%; nông thôn tăng 1,69%. Tăng rõ nét nhất là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 4,56%) do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trong thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tháng 8 tăng trở lại dù mức tăng không cao và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn do các yếu tố chi phí vận chuyển và khai thác cát sỏi tác động đến giá thành sản xuất và bán lẻ, mức tiêu thụ điện, nước trong tháng có giảm hơn so tháng trước nhưng tính chung 8 tháng vẫn ở mức cao. Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,56% do nguồn cung lương thực trên thị trường thế giới gián đoạn đã ảnh hưởng đến nhu cầu và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, qua đó tác động đến giá gạo trong nước tăng, các loại thịt chủ yếu như lợn và gà cũng ở mức cao do chi phí chăn nuôi cao, bên cạnh đó thời tiết thất thường đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của các loại rau, củ quả mùa vụ, nguồn rau củ nhập khẩu Trung Quốc cũng gặp khó khăn do tình hình thiên tai vì vậy giá rau củ tăng mạnh. Chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ là nhóm giao thông (giảm 3,64%) còn nhóm bưu chính chuyển phát giảm nhẹ 0,60% nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu nhiện liệu đang ở mức khá cáo nhưng so với cùng kỳ đã hạ nhiệt hơn.
Thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023 diễn ra khá sôi động, lượng hàng hoá phong phú, đa dạng, chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tháng 8 trùng với dịp lễ Vu lan và Rằm tháng 7 nên nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh dẫn tới giá cả thực phẩm tươi sống gà thịt, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm vịt, ngan tăng. Mặc dù tính chung chỉ số giá vẫn được kiểm soát nhưng đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 1,98% so với tháng trước, tăng 5,95% so với cùng tháng năm trước, giá vàng bình quân trong tháng đang ở mức 5.660 nghìn đồng/chỉ 9999. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,72% so với tháng trước nhưng đã giảm 1,06% so với cùng tháng năm trước, giá đô la Mỹ bình quân ở mức 2.377.491 đồng/100 USD.
Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ dự kiến trong tháng 9/2023 giá các loại lương thực thực, thực phẩm, đồ uống dự kiến tăng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 khá dài ngày. Bên cạnh đó, giá các loại gạo nếp, đậu hạt các loại tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhân bánh phục vụ Tết Trung thu. Nhu cầu tiêu thụ đồ dùng gia đình những tháng cuối năm xu hướng tăng và hàng may mặc, văn phòng phẩm, sách vở tăng mạnh là tháng bước vào năm học mới 2022-2023.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI.
1. Giáo dục
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Tĩnh có 16.748 thí sinh tham gia, trong đó: THPT có 13.693 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 3.055 thí sinh. Năm nay, điểm tốt nghiệp của thí sinh tiếp tục được tính theo tỷ lệ 70/30 (70% điểm thi tốt nghiệp và 30% điểm học bạ). Theo đó, năm nay, số thí sinh được công nhận tốt nghiệp là 16.717/16.748 em, đạt tỷ lệ 99,81%. Cụ thể: số thí sinh THPT được công nhận tốt nghiệp là 13.684/13.693 em, đạt tỷ lệ 99,93%; số thí sinh giáo dục thường xuyên được công nhận tốt nghiệp là 3.033/3.055 em, đạt tỷ lệ 99,28%.
Với điểm trung bình 9 môn tốt nghiệp là 6,798 điểm, Hà Tĩnh trở thành tỉnh nằm trong tốp 10 các tỉnh thành có điểm trung bình cao trong cả nước. Ngoài ra, theo số liệu tra cứu, Hà Tĩnh có 403 bài thi đạt điểm 10, tăng 218 điểm 10 so với năm 2022 và 9.470 bài thi đạt điểm 9 trở lên, tăng 1.568 bài thi, đây là kết quả đáng tự hào, ghi dấu những nỗ lực vượt bậc của giáo viên, học sinh Hà Tĩnh.
2. Hoạt động y tế
Tình hình dịch bệnh Covid-19: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19; ngành cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, chỉ đạo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án đáp ứng khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Tổng số ca mắc từ ngày 04/6/2021 đến nay là 59.795 ca mắc. Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay là 58.836 ca mắc.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế nhiễm HIV/AIDS, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.
Trong tháng, có 02 người nhiễm mới HIV, 02 người chuyển thành AIDS và 01 người chết vì AIDS; tăng 01 người chuyển thành AIDS, còn số người nhiễm HIV mới, số người chết vì AIDS không thay đổi so với tháng trước và tăng 01 người nhiễm HIV, 02 người chyển thành AIDS, 01 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, có 36 người nhiễm mới HIV, 28 người chuyển thành AIDS và 05 người chết vì AIDS; tăng 23 người nhiễm HIV, 22 người chuyển thành AIDS và 03 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.
Công tác an toàn thực phẩm: Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, sự phối hợp liên ngành đã được tăng cường và có hiệu quả; các văn bản chỉ đạo điều hành phải được ban hành kịp thời, sát thực tế; các hoạt động cần được triển khai đồng bộ. Đồng thời, Công tác kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phải được triển khai đồng bộ và quyết liệt; công tác giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Trong tháng, không có vụ ngộ độc tập thể nào xảy ra, chỉ có 87 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; giảm 27 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 23,68%) so với tháng trước và giảm 12 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 12,12%) so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, có 01 vụ ngộ độc tập thể (làm 07 người bị ngộ độc), 641 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi (nhưng tăng 03 người bị ngộ độc), tăng 61 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 10,52%) và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng, trên địa bàn chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 14 ca sốt xuất huyết, 02 ca mắc bệnh quai bị, 03 ca mắc lỵ trực trùng, 06 ca mắc lỵ a míp, 15 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.183 ca mắc bệnh cúm, 04 ca mắc tay chân miệng, 176 ca tiêu chảy, 04 ca viêm gan vi rút khác và không có người chết do các bệnh trên.
Tính chung 8 tháng năm 2023, trên địa bàn cũng chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, không tạo thành dịch, cụ thể: 45 ca sốt xuất huyết (tăng 25 ca so với cùng kỳ năm trước), 04 ca sốt rét (tăng 03 ca), 02 ca viêm não vi rút (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 104 ca mắc bệnh quai bị (tăng 23 ca), 172 ca mắc lỵ trực trùng (tăng 21 ca), 170 ca mắc lỵ a míp (giảm 35 ca), 179 ca mắc bệnh thủy đậu (tăng 49 ca), 9.705 ca mắc bệnh cúm (giảm 273 ca), 09 ca mắc bệnh do adeno (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 128 ca chân tay miệng (cùng kỳ năm trước có 114 ca), 1.718 ca tiêu chảy (giảm 212 ca), 58 ca viêm gan vi rút khác (tăng 12 ca) và không có người chết do các bệnh trên.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Hoạt động văn hóa: Nhân Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc; tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và kỷ niệm 55 năm Chiến tích làng K130 (13/8/1968 - 13/8/2023), Hà Tĩnh đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm” diễn ra tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh). Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, “Thênh thang đường mới” và đã để lại trong lòng khán giả nhiều xúc cảm, ấn tượng sâu sắc; đây cũng là dịp góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
Tham gia Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 với chủ đề "Ví, giặm - Tinh hoa tỏa sáng” do tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT&DL và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức diễn ra tại TP Vinh. Đoàn nghệ thuật quần chúng Hà Tĩnh giành 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc cho các tiết mục và 01 huy chương bạc toàn đoàn.
Công tác quản lý nhà nước: Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Đã tổ chức 01 cuộc thanh, kiểm tra tại 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao. Qua kiểm tra, đoàn đã đình chỉ hoạt động đối với 03 cở sở bơi, lặn, 05 cơ sở kinh doanh Billiards & Snooker.
Hoạt động thể thao:
Thể thao thành tích cao: Trong tháng, đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia 04 giải, giành 30 huy chương các loại (gồm: 13 HCV, 08 HCB, 09 HCĐ). Cụ thể: tại giải vô địch điền kinh trẻ quốc gia năm 2023 ở Đà Nẵng, giành được 07 huy chương (gồm 02 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ); giải vô địch điền kinh quốc gia các nội dung tiếp sức năm 2023 tại Đà Nẵng, giành được 04 huy chương (gồm 01 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ); giải Nghĩa Dũng karatedo quốc tế lần thức IV năm 2023 tại thành phố Huế, giành được 13 huy chương (gồm 06 HCV, 03 HCB, 04 HCĐ); giải đua thuyền rowing, canoeing trẻ quốc gia năm 2023 tại Hà Nội, giành được 06 huy chương (gồm 04 HCV, 02 HCB).
Thể thao quần chúng: Bên cạnh hoạt động thể thao thành tích cao, ở Hà Tĩnh hoạt động thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ và diễn ra sôi nổi như: Hội thao cụm các công ty điện lực phía Nam diễn ra tại Hà Tĩnh; Giải Bóng chuyền nam Công an Hà Tĩnh năm 2023; Giải Bóng đá nam thị xã Kỳ Anh năm 2023; Giải bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ Khối Kinh tế - Kỹ thuật Hà Tĩnh năm 2023.
4. Tình hình an toàn giao thông
Tính từ ngày 15/7-14/8/2023 xảy ra 32 vụ tai nạn đường bộ, làm 17 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại 290 triệu đồng; tăng 12 vụ, giảm 01 người chết, tăng 18 người bị thương so với tháng trước và tăng 23 vụ, 11 người chết, 17 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính từ ngày 15/12/2022-14/8/2023 đã xảy ra 139 vụ tai nạn đường bộ, làm 103 người chết, 62 người bị thương, thiệt hại 1.750 triệu đồng; tăng 77 vụ, 51 người chết, 34 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.
Trong tháng, tai nạn đường sắt, đường thủy không xảy ra và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
5. Môi trường
Tình hình cháy, nổ:
Tình hình cháy: từ ngày 15/7-14/8/2023 đã xảy 15 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 1.257 triệu đồng; tăng 11 vụ cháy so với tháng trước và tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tính từ 15/12/2022-14/8/2023 xảy ra 59 vụ, không làm thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 1.737 triệu đồng; tăng 25 vụ, giảm 01 người chết, giảm 01 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Vụ nổ: Từ ngày 15/7-14/8/2023 xảy ra 01 vụ nổ vào ngày 01/08/2023 tại thôn 3, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê làm 01 người bị thương, nguyên nhân đang được điều tra. Tính chung 8 tháng từ ngày 15/12/2022-14/8/2023 xảy ra 01 vụ nổ và tăng 01 vụ, tăng 01 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Vi phạm môi trường:
Tính từ ngày 15/7-14/8/2023 phát hiện 25 vụ và đã xử lý 14 vụ, với tổng số tiền xử phạt 14,4 triệu đồng; tăng 7 vụ đã phát hiện, giảm 1 vụ đã xử lý, giảm 136,84 triệu đồng số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 41 vụ đã phát hiện, 30 vụ đã xử lý, 67,08 triệu đồng số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước. Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép.
Tính chung 8 tháng năm 2023 (từ 15/12/2022-14/8/2023) đã phát hiện 461 vụ, xử lý 368 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.375,35 triệu đồng; giảm 147 vụ đã phát hiện (giảm 24,18%), giảm 52 vụ đã xử lý (giảm 12,38%), số tiền xử phạt giảm 181,64 triệu đồng (giảm 11,67%) so với cùng kỳ năm trước.
6. Tình hình thiên tai
Trong tháng (tính từ 19/7-18/8/2023) không xảy ra vụ thiên tai nào, không thay đổi so với tháng trước và giảm 01 vụ, 01 người chết so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, xảy ra 01 vụ thiên tai, làm 1 người chết; giảm 05 vụ, giảm 03 người chết, giảm 512 ha lúa, 153 ha hoa màu bị thiệt hại, giảm 17 ngôi nhà bị hư hỏng, giá trị thiệt giảm 7.968 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Số liệu kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023
BBT
Thêm ý kiến góp ý