Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh tháng 02 năm 2018

  

14:26 28/02/2018

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

          1.1. Nông nghiệp   

          Trồng trọt: Sản xuất nông nghiệp trong tháng 02 bên cạnh việc tiếp tục thu hoạch một số cây vụ Đông thì chủ yếu tập trung gieo cấy, chăm sóc cây vụ Xuân 2018.

          + Tình hình thu hoạch vụ Đông 2017-2018: Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 12.917 ha, bằng 117,04%, tăng 1.881 ha so với năm trước.

          Sản xuất các loại cây trồng vụ Đông luôn phải chịu sự tác động bất lợi bởi yếu tố thời tiết mưa rét. Vì vậy, kết quả sản xuất vụ Đông thường thiếu tính ổn định và hiệu quả không cao. Kết quả sản xuất một số loại cây trồng chủ yếu vụ Đông năm 2017-2018 đạt được như sau: Diện tích ngô đạt 3.870 ha, bằng 167,6%, tăng 1.561 ha. Năng suất ngô đạt 27,68 tạ/ha, bằng 98,96%, giảm 0,29 tạ/ha. Sản lượng ngô đạt 10.711 tấn, so với cùng kỳ năm trước bằng 165,86%, tăng 4.253 tấn. Diện tích khoai lang đạt 1.565 ha, bằng 85,73%, giảm 260 ha. Năng suất khoai lang đạt 56,95 tạ/ha, bằng 104,07%, tăng 2,23 tạ/ha. Sản lượng khoai lang đạt 8.910 tấn, bằng 89,22%, giảm 1.077 tấn so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lạc đạt 30 ha, bằng 70,91%, giảm 12,51 ha. Năng suất lạc đạt 16,80 tạ/ha, bằng 98,93%, giảm 0,18 tạ/ha và sản lượng lạc đạt 51 tấn bằng 70,15%, giảm 21,79 tấn so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rau các đạt 4.565 ha, bằng 121,49%, tăng 807 ha. Năng suất rau  đạt 56,52 tạ/ha, bằng 103%, tăng 1,65 tạ/ha. Sản lượng rau đạt 25.810 tấn, bằng 125,17%, tăng 5.190 tấn so với cùng kỳ năm trước.

          + Tình hình sản xuất vụ Xuân 2018: Để thực hiện sản xuất vụ Xuân 2018 đạt kết quả cao, các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai Đề án sản xuất vụ Xuân của tỉnh đến tận các xã, phường, thị trấn và bà con nông dân. Với các giải pháp như: Cung cấp giống và phân bón có chất lượng và giá cả hợp lý; tập trung điều tiết nước đảm bảo phục vụ cày bừa và xuống giống đúng lịch thời vụ; theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời...Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 1/2018 do ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây nên đợt rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất vụ Xuân. Tính đến ngày 12/02/2018, toàn tỉnh đã gieo cấy được 58.006 ha lúa, bằng 99,87% so với cùng kỳ năm trước và đạt 99,11% kế hoạch. Trong đó: Diện tích lúa cấy là 15.077 ha (chiếm 25,99% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 42.929 ha (chiếm 74,01% tổng diện tích gieo cấy); trà lúa Xuân trung là 3.154 ha (chiếm 5,44% tổng diện tích gieo cấy) và trà lúa Xuân muộn là 54.708 ha (chiếm 94,31% tổng diện tích gieo cấy). Cùng với việc gieo cấy lúa thì tiến độ gieo trỉa một số loại cây trồng khác đạt được như sau: Cây ngô ước đạt 1.895 ha, bằng 59,0% kế hoạch; cây khoai lang ước đạt 395 ha, bằng 22,98% kế hoạch; cây lạc ước đạt 2.830 ha, bằng 19,22% kế hoạch và rau các loại ước đạt 1.639 ha, bằng 34,58% kế hoạch.

          + Dự báo tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Để chủ động trong công tác phòng trừ các đối tượng dịch hại trên cây trồng vụ Xuân 2018. Chi cục Trồng trọt vào Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo thời điểm phát sinh gây hại của một số đối tượng dịch hại chủ yếu như sau:

Trên cây lúa: Rệp xanh xuất hiện chủ yếu trên lúa gieo thẳng giai đoạn 2-3 lá, tuy nhiên trên cây lúa rệp xanh là đối tượng thứ yếu chỉ xuất hiện giai đoạn đầu vụ và ít ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa nên đề nghị các địa phương không khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc hóa học để phun phòng trừ rệp. Bọ trĩ, ruồi đục nõn gây hại chủ yếu trên lúa gieo thẳng trà Xuân muộn giai đoạn 2-3 lá đến kết thúc đẻ nhánh. Tuyến trùng rễ gây hại mạnh vào giai đoạn lúa 2-3 lá đến cuối đẻ nhánh, nhất là môi trường ruộng thường xuyên bị khô hạn, đất pha cát hoặc đất nhiễm phèn, giữ nước kém. Rầy nâu - rầy lưng trắng thường tích lũy số lượng từ đầu vụ và hình thành các ổ gây hại từ giữa tháng 3 vào giai đoạn lúa đứng cái. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại chủ yếu trà Xuân muộn trên các giống lúa có bản lá rộng từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, tuy nhiên giai đoạn đẻ nhánh thường có mật độ thấp và ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa...Bên cạnh đó, chuột gây hại quanh năm nhưng hại nặng giai đoạn bắt đầu gieo cấy và giai đoạn lúa làm đòng - chín. Dự báo vụ Xuân 2018 chuột có khả năng gia tăng về số lượng và phát sinh gây hại nặng đặc biệt trên các chân ruộng cao cưỡng, gần gò đồi, ven làng.

 Trên cây lạc: Sâu xanh, sâu khoang là đối tượng sâu đa thực, gây hại nhiều loại cây trồng khác nhau và hại trên cả lá, hoa, quả và thân, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4, trùng vào giai đoạn lạc ra hoa, đâm tia - phát triển quả. Bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng, mốc xám phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm ướt, trên đất có nhiều chất hữu cơ, tàn dư cây và phân bón chưa hoai mục. Bệnh xuất hiện và gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trùng vào giai đoạn lạc 3-4 lá đến phân cành. Nhện đỏ tập trung gây hại giai đoạn phát triển quả đến chín, đặc biệt trên những ruộng lạc khô hạn, bón thừa đạm.

 Trên cây ngô: Sâu xám thường gây hại ở tất cả các vùng trồng ngô vào giai đoạn cây conSâu thường gây hại vào ban đêm, sâu tuổi 1-3 ăn lá ngô non hoặc gặm xung quanh thân ngô. Sâu đục thân, đục bắp có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây ngô, nhưng thường hại nhiều nhất từ khi cây trổ cờ đến hình thành bắp. Rệp cờ tích lũy số lượng từ giai đoạn 7-9 lá, cao điểm gây hại từ giai đoạn trỗ cờ - phun râu trở đi, rệp hút nhựa ở nõn, bẹ lá, bông cờ làm cho cây ngô sinh trưởng, phát triển kém, thân nhỏ, bắp bé.

          Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc trâu, bò toàn tỉnh ước tính hiện có 278.600 con, bằng 90,49% giảm 29.275 con so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Đàn trâu ước tính hiện có 76.260 con, bằng 89,77%, giảm 8.691 con so với cùng kỳ năm trước. Những huyện có số lượng đàn trâu giảm mạnh so với cùng kỳ như: Hương Khê giảm 1.520 con, Hương Sơn giảm 539 con, Nghi Xuân giảm 360 con, huyện Kỳ Anh giảm 2.129 con, Cẩm Xuyên giảm 2.020 con...Đàn bò ước tính hiện có 202.340 con, bằng 90,77%, giảm 20.584 con so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có đàn bò giảm mạnh như: Hương Sơn giảm 1.149 con, Đức Thọ giảm 960 con, Hương Khê giảm 1.478 con, Cẩm Xuyên giảm 3.505 con, Thạch Hà giảm 2.403 con, huyện Kỳ Anh giảm 7.099 con...Nguyên nhân đàn trâu, bò giảm mạnh là do người dân xuất bán nhiều để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất  cũng như do thời tiết rét đậm rét hại, nguồn thức ăn dự trữ khan hiếm, giá cả biến động giảm.

          Tổng đàn lợn ước tính hiện có 430.842 con, bằng 88,92%, giảm 53.660 con so với cùng kỳ năm 2017. Một số địa phương có đàn lợn giảm mạnh như: Hương Sơn giảm 5.645 con, Thạch Hà giảm 9.555 con, Can Lộc giảm 20.100 con, Cẩm Xuyên giảm 19.500 con...Nguyên nhân đàn lợn giảm mạnh là do đợt giảm giá sâu từ những tháng trước, chăn nuôi thua lỗ nhiều nên hộ chăn nuôi không tiếp tục tái đàn. Bên cạnh đó việc xuất bán phục vụ thực phẩm dịp Tết cũng đã làm cho đàn lợn giảm.

          Tổng đàn gia cầm ước tính hiện có 8.081 ngàn con, bằng 104,98%, tăng 383 ngàn con so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Đàn gà hiện có 6213 ngàn con, bằng 102,14%, tăng 130 ngàn con so với cùng kỳ năm trước. Do trong thời gian qua không xẩy ra dịch bệnh nên đàn gia cầm đang phát triển khá.

          + Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Trong tuần dịch lở mồm long móng đã xẩy ra tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà làm cho 23 con lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy. Dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày xẩy ra tại xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn làm cho 37 con (12 trâu, 25 bò) của 25 hộ nuôi ở 5 thôn mắc bệnh.

          1.2. Lâm nghiệp

          - Trồng và chăm sóc nuôi dưỡng: Trong tháng 02 năm 2018, toàn tỉnh ước tính trồng được 207 ha rừng tập trung, bằng 116,88%, tăng 29,9 ha so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018 đã trồng được 576 ha rừng, bằng 100,16%, tăng 0,9 ha so với cùng kỳ năm trước.

          Trồng cây phân tán trong tháng 02 năm 2018 ước đạt 577,8 ngàn cây, bằng 134,87%, tăng 149,4 ngàn cây so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018 đã trồng được 797,8 ngàn cây phân tán, bằng 105,33%, tăng 40,4 ngàn cây so với cùng kỳ năm trước.

          Nguyên nhân trồng rừng và trồng cây phân tán tăng là do thời tiết thuận lợi cho việc trồng cây và sau khi tận thu xong gỗ, củi do bão số 10 gây ra thì người dân lại tiếp tục trồng lại rừng.

          - Khai thác gỗ và lâm sản: Dự ước khai thác đạt 5.287 m3 gỗ, bằng 165,53% m3 so với cùng kỳ năm trước. Khai thác 37.299,5 Ste củi bằng 131,08%, tăng 8.843 Ste so với cùng kỳ năm trước. Huyện Hương Khê khai thác 125 m3 gỗ và 2.600 Ste củi; huyện Hương Sơn khai thác được 300 m3 gỗ và 3.600 Ste củi; huyện Vũ Quang khai thác 1.800 m3 gỗ và 1.000 Ste củi; huyện Cẩm  Xuyên khai thác 1.820 m3 gỗ và 4.200 Ste củi; huyện Kỳ Anh khai thác 200 m3 gỗ và 350 Ste củi, huyện Thạch Hà khai thác 125 m3 gỗ và 2.600 Ste củi...Nguyên nhân khai thác lâm sản trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước là do người dân hiện vẫn đang tận thu sản phẩm thiệt hại sau cơn bão số 10 và nhu cầu sử dụng trong dịp Tết cao.

          - Thiệt hại rừng: Trong tháng không xẩy ra thiệt hại về rừng.

          1.3. Thủy sản

Tổng sản lượng ước đạt 2.599 tấn, bằng 124%, tăng 503 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

- Sản lượng khai thác ước đạt 1.759 tấn, bằng 122,15%, tăng 319 tấn so với cùng kỳ năm trước:

+ Sản lượng khai thác biển ước đạt 1.482 tấn, bằng 123,4%, tăng 281 tấn. Trong đó: Sản lượng khai thác cá ước đạt 638 tấn, tăng 159 tấn; tôm ước đạt 40 tấn, tăng 16 tấn; thủy sản khác ước đạt 804 tấn, tăng 106 tấn.

           + Sản lượng khai thác nội địa ước đạt 277 tấn, bằng 115,90%, tăng 38 tấn. Trong đó: Sản lượng cá tăng 32 tấn; tôm tăng 1 tấn; thủy sản khác tăng 5 tấn.

           - Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 840 tấn, bằng 128,05% tăng 184 tấn so với cùng kỳ năm 2017, trong đó:Sản lượng cá ước đạt 595 tấn, tăng 108 tấn; tôm ước đạt 73 tấn, tăng 29 tấn; thủy sản khác ước đạt 172 tấn, tăng 47 tấn.

          Nguyên nhân sản lượng tháng 02 năm 2018 tăng so với cùng kỳ là do năm tàu thuyền ra khơi đánh bắt để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong dịp tết Nguyên Đán.

          Trong tháng không phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi trồng.

          2. Sản xuất công nghiệp

          Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02/2018 ước tính tăng 200,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,4 lần; sản xuất và phân phối điện tăng 14,16%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,64%. Như vậy, công nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tăng ở công nghiệp chế biến, chế tạo.

        Tính chung 2 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 164,36% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao với mức tăng 264,66%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,23%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 6,58%; riêng ngành khai khoáng giảm 2,47%.

          Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 02 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại (chủ yếu sản xuất thép) tăng 12,24 lần; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 147,39%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tăng 111,6%; khai khoáng quặng kim loại (chủ yếu quặng kim loại không chứa sắt) tăng 290,92%. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành giảm mạnh như: sản xuất trang phục giảm 41,25%; ngành dệt (chủ yếu sản xuất sợi) giảm 33,27%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 31,58%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 30,61%; .

          Trong 02 tháng năm 2018, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 3,74 lần; than cốc tăng 111,63%; thép tăng 12,25 lần; dược phẩm tăng 147,39%. Một số sản phẩm giảm mạnh: Chè (trà) giảm 55,88%; thức ăn cho gia súc giảm 76,67%; sợi giảm 48,86%; bê tông tươi giảm 52%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 30,83%.

          Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2018 tăng 17,45% so với tháng trước và tăng 125,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 71,12 lần; sản xuất than cốc tăng 135,78%; sản xuất bia tăng 31,94%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh: Dệt giảm 71,33%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 63,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 63,57%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 62,29%.

          Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2018 giảm 20,91% so với tháng trước và tăng 7,99 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,32 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: sản xuất kim loại (chủ yếu là thép) tăng 13,74 lần; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 45,74%; sản xuất than cốc tăng 33,53%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 16,92%; sản xuất bia tăng 12,51%.

          Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2018 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,44%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 6,18%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 20,34%. Như vậy, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2018 tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

         3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 02/2018 ước tính đạt 162,78 tỷ đồng, giảm  17,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 105,73 tỷ đồng, chiếm 64,95% tổng vốn và giảm 12,92%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 35,91 tỷ đồng, chiếm 22,06% tổng vốn và tăng 25,49%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 21,14 tỷ đồng, chiếm 12,99% tổng vốn và giảm 55,96%. Do những tháng đầu năm, các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỷ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp cũng như khởi công mới các công trình trong năm 2018, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2018 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng; đồng thời, là tháng trùng vào dịp tết Nguyên đán, thời gian nghỉ lễ dài nên các công trình tạm ngừng thi công, đạt giá trị thấp trong tháng.

          Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 361,32 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 230,39 tỷ đồng, tăng 14,36% và chiếm 63,76% tổng vốn; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 80,8 tỷ đồng, tăng 15,57% và chiếm 22,36% tổng vốn; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 50,13 tỷ đồng, giảm 27,21% và chiếm 13,87% tổng vốn.

          4. Thương mại, dịch vụ và giá cả  

          4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 02/2018 đạt 2.946,37 tỷ đồng, tăng 6,72% so với tháng trước và tăng 18,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 250,93 tỷ đồng, tăng 14,54%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.695,35 tỷ đồng, tăng 19,05% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hoạt động bán lẻ hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là kinh tế tư nhân (tăng 24,71% so với cùng kỳ năm trước).

Tính chung 02 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 5.707,22 tỷ đồng, tăng 11,73% so cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 499,56 tỷ đồng, tăng 5,45%; ngoài Nhà nước ước đạt 5.207,49 tỷ đồng, tăng 12,37% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 0,17 tỷ đồng.

          Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng lương thực, thực phẩm; nhóm hàng hóa đồ dùng dụng cụ gia đình... tăng mạnh. Cùng với việc các chính sách kích cầu, bình ổn giá, Siêu thị Coopmart ngoài thực hiện chương trình bình ổn giá 15 loại mặt hàng thiết yếu khoảng 140 tấn hàng hóa, trị giá 8,5 tỷ đồng, còn thực hiện nhiều chương trình giảm giá ưu đãi khuyến mãi. Bên cạnh đó, là tháng trùng vào ngày lễ vía thần tài (10/01 Âm lịch) mức bán ra vàng dự kiến tăng. Đồng thời, đầu năm 2018 với chính sách giảm thuế xe ô tô vào các nước Asean có hiệu lực đồng thời thời điểm này trùng với dịp lễ tết nên nhu cầu mua sắm phương tiện ô tô trong tháng này tăng hơn. Tất cả điều đó làm cho tổng mức tăng so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 02/2018 ước đạt 367,62 tỷ đồng, tăng 4,06% so với tháng trước và tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ l­ưu trú ước đạt 25,22 tỷ đồng, tăng 0,16%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 341,32 tỷ đồng, tăng 9,75%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1,08 tỷ đồng, tăng  35% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 02/2018 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 720,9 tỷ đồng, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế nhà ước đạt 17,02 tỷ đồng, tăng 109,58%; ngoài Nhà nước ước đạt 697,58 tỷ đồng, tăng 2,02% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 30,63% so với cùng kỳ năm trước.

          - Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 02/2018 ước đạt 129.9 tỷ đồng, tăng 6,84% so với tháng trước và tăng 11,25% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 7,36 tỷ đồng, tăng 37,51%; ngoài nhà nước ước đạt 121,92 tỷ đồng, tăng 10,19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 0,62 tỷ đồng, giảm 19,55% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ khác tháng 02/2018 tăng, do trong tháng trùng Tết Nguyên đán Mậu Tuất nhu cầu đi lễ tham quan vãn cảnh chùa trước trong, sau Tết tăng mạnh làm tác động kinh doanh dịch vụ tăng. Trong các thành phần kinh tế, chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm, do khu vực này chủ yếu kinh doanh dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ cho thuê máy móc, mà các công trình xây dựng dự án trong tháng này giảm mạnh so với năm trước, nên làm cho doanh thu giảm.

Tính chung 2 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 251,47 tỷ đồng, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế nhà ước đạt 14,45 tỷ đồng, tăng 36,91%; ngoài Nhà nước ước đạt 235,82 tỷ đồng, tăng 2,63% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 33,52% so với cùng kỳ năm trước.

          4.2. Hoạt động vận tải

Vận tải hành khách: Số lượng hành khách vận chuyển tháng 02/2018 ước đạt 1,94 triệu lượt hành khách với khối lượng luân chuyển là 344,18 triệu lượt hành khách.km. So với tháng trước tăng 4,61% về lượt hành khách vận chuyển và tăng 4,75% về lượt hành khách.km luân chuyển. Doanh thu vận tải hành khách tháng 02/2018 ước đạt 153,8 tỷ đồng, tăng 8,43% so với tháng trước. Tính chung 02 tháng ước đạt 3,8 triệu lượt hành khách với khối lượng luân chuyển là 672,74 triệu lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,77% về lượt hành khách vận chuyển và tăng 7,85% về lượt hành khách.km luân chuyển; doanh thu vận tải hành khách 02 tháng ước đạt 259,66 tỷ đồng, tăng 13,46% so với tháng trước

          Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 02/2018 ước đạt 2,64 triệu tấn với khối lượng luân chuyển là 71,66 triệu tấn.km hàng hóa. So với tháng trước giảm 6,01% về khối lượng vận chuyển và giảm 5,76% về khối lượng luân chuyển. Doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa tháng 02/2018 ước đạt 224,34 tỷ đồng, giảm 7,05% so với tháng trước. Tính chung 02 tháng ước đạt 5,45 triệu tấn với khối lượng luân chuyển là 147,7 triệu tấn.km hàng hóa, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,86% về khối lượng vận chuyển và tăng 20,86% về khối lượng luân chuyển; doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa 02 tháng ước đạt 465,69 tỷ đồng, tăng 12,55% so với tháng trước

Nhìn chung vận tải hàng hóa trong tháng này giảm với biên độ đáng kể, mặc dầu nhu cầu vận tải thời điểm cận Tết tăng cao nhằm phục vụ vận chuyển, luân chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình; do đặc thù các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng nghỉ Tết sớm, trong khi thời gian nghỉ sau Tết thường kéo dài dẫn đến vận tải hàng hóa giảm. Còn đối với vận tải hành khách, mặc dù là tháng cao điểm về nhu cầu vận tải hành khách trong năm, lượng hành khách vận chuyển thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thường tăng cao nhưng trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng thiếu phương tiện đưa đón người dân đi lại; tuy giá xăng dầu biến động tăng, nhưng hiện tại mới chỉ có các phương tiện vận tải cự ly ngắn và trung bình như taxi, xe bus các tuyến nội tỉnh và tuyến Hà Tĩnh - thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) tăng giá nhẹ; các tuyến vận tải liên tỉnh đường dài như Hà Tĩnh - Hà Nội, Hà Tĩnh - Bắc Ninh, Hà Tĩnh - thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh - Đà Nẵng chỉ được các cơ quan quản lý tăng giá vé một chiều từ các tỉnh về Hà Tĩnh, mức tăng cũng được giới hạn trong một thời gian từ ngày 5/02 đến ngày 03/3/2018 (tức ngày 20/12 ÂL đến ngày 16/01/2018 ÂL); còn giá vé xe bus toàn tuyến Hà Tĩnh - Vinh hiện ở mức 30.000 đồng/HK, tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội ở mức 250.000 đồng/HK; nên làm cho vận tải hành tăng so với tháng trước.

          4.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Thị trường hàng hóa tiêu dùng trong tháng 02/2018 diễn ra sôi động, lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, cao hơn hẳn so những tháng trước đó. Nguyên dân do rơi vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều ở mức cao.

CPI tháng 02 năm 2018, tăng 0,79% so tháng trước, tăng 3,11% so cùng tháng năm trước và tăng 1,40% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị tăng 0,77% và khu vực nông thôn tăng 0,80%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính: 07 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,74% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,60%, tăng 1,87% so với tháng 12 năm trước; Đồ uống và thuốc lá giảm 1,28% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,22%, tăng 1,15% so với tháng 12 năm trước. May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,27% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,31%, tăng 1,15% so với tháng 12 năm trước; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,31%, tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước; Giao thông tăng 1,46% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,62%, tăng 3,16% so với tháng 12 năm trước; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,99%, tăng 0,31% so với tháng 12 năm trước; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,15%, tăng 2,31% so với tháng 12 năm trước.

Nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,26% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,11%, tăng 0,95% so với tháng 12 năm trước.

Các nhóm Thuốc và dịch vụ y tế; Giáo dục; Bưu chính viễn thông ổn định, không có sự tăng giảm so tháng trước.

CPI tháng 02 năm 2018 biến động tăng, giảm so với tháng trước chủ yếu do:

(1) Yếu tố Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu tác động đến giá cả các loại mặt hàng. Trong đó giá lương thực và một số mặt hàng thực phẩm tăng với biên độ lớn. Mặc dù giá rau củ quả các loại tiếp tục giảm nhưng mức giảm này không đủ tác động đến xu hướng tăng giá chung của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, giá bia rượu, thuốc lá các loại cũng tăng giá.

(2) Nhu cầu tiêu dùng tăng lên khiến giá các mặt hàng và dịch vụ may mặc tăng theo.

(3) Giá cước vận tải hành khách được điều chỉnh tăng lên, cả cự ly đường ngắn lẫn đường dài. Mặc dù giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 21/02/2018 giảm, nhưng tính bình quân cả tháng vẫn tăng giá so tháng trước. Giá xăng A95 bình quân trong tháng 20.888 đ/lít, E5 giá 18.955 đ/lít, Dầu diezel giá 16.245 đ/lít. Những yếu tố này khiến chỉ số giá nhóm Giao thông tăng.

(4) Giá gas điều chỉnh giảm mạnh, giảm 35.000 - 40.000 đồng/bình 12kg.

          Dự kiến CPI tháng 03/2018 sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, dịch vụ, phương tiện giao thông đều có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 21/02/2018 giảm, có thể tác động khiến các loại chi phí sản xuất giảm trong thời gian tới.

          Việc quản lý hàng hóa, thị trường tiêu dùng sau Tết. Nhất là các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm. Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chống hiện tượng bán hàng hết hạn sử dụng, hàng tồn kho lâu ngày, thực phẩm hư hỏng.

5. Một số vấn đề xã hội

          5.1. Tình hình đời sống dân cư

  - Tính đến ngày 15/02/2018, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói.  Do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho người dân sản xuất các loại cây trồng Vụ Đông và làm thêm các ngành nghề khác tăng thêm thu nhập. Chăn nuôi tiếp tục ổn định, dịch bệnh được khống chế, sản lượng sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của dân cư trong dịp Tết Nguyên đán, sản lượng thủy sản tăng cao so cùng kỳ năm trước. Mặt khác, theo quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 01/02/2018, tỉnh đã trích 2.762 triệu đồng mua gạo trợ cấp cho các hộ nghèo trong dịp tết Nguyên Đán và thời gian giáp hạt năm 2018 cho các huyện Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên và Thị xã Kỳ Anh. Sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo các cấp cũng đã góp phần tạo sự ổn định cho đời sống nhân dân. Dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói vẫn không xảy ra. 

Các chế độ, chính sách đối người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến ngày 10/02/2018 (tức ngày 25/12 Âm lịch), các đoàn lãnh đạo tỉnh đã hoàn thành việc thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, dâng hương các di tích lịch sử, thăm và tặng quà các đơn vị trong và ngoài tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã đã chi trả trợ cấp tháng 02/2018 cho 45.615 người có công, với kinh phí 70 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thường xuyên cho 69.539đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí 25,5 tỷ đồng.

          - Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có côngđối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chu đáomọi người, mọi nhà đón Tết cổ truyền của dân tộc trong yên bình, vui vẻ, đầm ấm. Đã tổ chức thăm hỏi, tặng 216.731 suất quà, tổng kinh phí 49,3 tỷ đồng, trong đó: Quà cho người có công 96.604 suất, kinh phí 20,1 tỷ đồng (quà trung ương 54.827 suất, kinh phí 11,2 tỷ đồng; quà địa phương 37.407 suất, kinh phí 7,3 tỷ đồng)quà cho đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 33.137 suất, kinh phí 2,7 tỷ đồng; quà cho người nghèo 37.535 suất, kinh phí 13 tỷ đồng; quà cho người cao tuổi 35.851 suất, kinh phí 6,3 tỷ đồng; quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 6.896 suất, kinh phí 1,5 tỷ đồng; quà cho đối tượng khác (bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, gặp rủi ro đột xuất…) 6.710 suất, kinh phí 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí mua 243,57 tấn gạo hỗ trợ 5.740 hộ, 10.672 nhân khẩu; các địa phương cũng đã triển khai hỗ trợ gạo kịp thời, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói trong dịp Tết.

          Lương, thưởng của công nhân, người lao động trong dịp Tết: Tính đến ngày 20/02/2018 các doanh nghiệp trả lương cho người lao động không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng, không có doanh nghiệp nợ lương của người lao động. Kết quả khảo sát tình hình tiền lương, tiền thưởng của người lao động Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 tại 500 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như sau:

          Về tiền lương: Khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, tiền lương cao nhất: 12 triệu đồng/người/tháng tiền lương thấp nhất: 2,58 triệu đồng/người/tháng (bằng mức lương tối thiểu vùng), bình quân 5,52 triệu đồng (năm 2016 là: 4,051 triệuđồng/người/tháng). Khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương cao nhất: 21 triệu đồng đối với lao động người nước ngoài và 12 triệu đồng/người/tháng đối với lao động người Việt Nam, tiền lương thấp nhất: 3,5 triệu đồng/người/tháng; bình quân 7 triệu đồng (năm 2016 là: 5,52 triệu đồng/người/tháng). Khối doanh nghiệp FDI, tiền lương cao nhất 44,1 triệuđồng/người/tháng đối với lao động người nước ngoài và 30,63 triệu đồng/người/tháng đối với lao động người Việt Nam; tiền lương thấp nhất là 3 triệu đồng/người/tháng; bình quân 6,7 triệu đồng/người/tháng.

          + Tiền thưởng Tết Dương lịch cao nhất 3,5 triệu đồng, thấp nhất 300 ngàn đồng; tiền thưởng Tết Âm lịch cao nhất 25,215 triệu đồng, thấp nhất 300 ngàn đồng.

5.2. Hoạt động y tế

          - Tình hình dịch bệnh: Để người dân được vui Tết đón Xuân trong điều kiện đảm bảo sức khỏe. Trung tâm YTDP tỉnh đã có công văn yêu cầu các Trung tâm YTDP huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A(H5N1) và A(H5N6) và các bệnh truyền nhiễm khác để có biện pháp theo dõi và xử lý dịch kịp thời; duy trì các đội cơ động chống dịch khẩn cấp; chuẩn bị đủ vật tư, hoá chất, trang thiết bị và kinh phí để xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra và cử cán bộ trực 24/24h trong các ngày nghỉ tết. Nhờ vậy, trong tháng trên địa bàn Hà Tĩnh không có dịch lớn xảy ra.

          - Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn; đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, giám sát theo dõi, tư vấn xét nghiệm HIV, cũng như tăng cường chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Trong tháng, Hà Tĩnh chỉ có 07 người nhiễm HIV (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017), 06 người chuyển thành AIDS và không có trường hợp nào chết vì AIDS.

  - Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm lại tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tung ra thị trường. Do đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, các cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức tuyên truyền giúp người dân nhận biết được hiện tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩmVì vậy, trong tháng ở Hà Tĩnh chỉ có 102 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 35,03% so với cùng kỳ năm 2017. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.

          - Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, thị xã đều tổ chức thường trực cấp cứu 24/24 giờ; duy trì hoạt động khám, chữa bệnh, cấp cứu bình thường. Tổng số bệnh nhân còn lại đến ngày 20/02/2018 (tức ngày 05 Tết âm lịch) tại bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã và Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh là 1.642 bệnh nhân; tổng số lượt bệnh nhân khám 2.263; thực hiện 176 ca phẫu thuật, 243 ca đẻ và mổ đẻ; tổng số ca tử vong tại các bệnh viện toàn tỉnh là 06 ca. Tổ chức tốt việc động viên, thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trong dịp Tết.  

          5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa: Chào xuân Mậu Tuất, Hà Tĩnh đã triển khai các cụm panô, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Mùa xuân dâng Đảng” biểu diễn tại 13 huyện, thị xã, thành phố, từ ngày 27/01/2018 đến ngày 08/02/2018; Chương trình nghệ thuật “Chào Xuân” biểu diễn vào tối Ngày 30 tháng Chạp tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh. Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Du, Ban Quản lý Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, Ban Quản lý Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đều chuẩn bị tốt các điều kiện cho các đoàn dâng hương vào dịp đầu năm mới. Các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh; phản ánh đầy đủ, toàn diện không khí vui xuân, đón tết của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội báo xuân, triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Khu Tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Lý Tự Trọng thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan.

- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, du lịch trước trong và sau Tết cổ truyền dân tộc, trong đó tập trung kiểm tra chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội ở một số điểm văn hóa tâm linh. Trong tháng đã đình chỉ 12 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 11 triệu đồng.

          - Thể thao quần chúng: Nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng sôi nổi như: Kéo co, bóng chuyền, bóng đá, thi đấu cờ tướng, đua thuyền, như: Hội đua thuyền truyền thống trên sông La lần thứ 18 được tổ chức tại huyện Đức Thọ, với 13 đội thuyền (2 đội thuyền nữ và 11 đội thuyền nam) đến từ 11 xã ven sông La với hơn 200 vận động viên tham gia; giải cờ thẻ mừng xuân Mậu Tuất tại thành phố Hà Tĩnh, thu hút 14 kỳ thủ đến từ các phường, xã trên địa bàn tham gia; giải bóng chuyền nam thanh niên tại huyện Cẩm Xuyên, với sự tham gia của 9 đội bóng. Giải góp phần tạo không khí sôi nổi, động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu năm mới.

 

5.4. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

          - Về an toàn giao thông: Với mục tiêu hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội mở đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh niên, học sinh đi học và làm ăn xa về quê ăn Tết; đặc biệt là việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

          Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng: Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an huyện/thành phố/thị xã, công an xã/phường/thị trấn lập và triển khai kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát việc chấp hành trật tự ATGT trên trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là tăng cường tuần tra lưu động trên các tuyến đường, địa bàn có tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp như QL 1, QL 15, QL 8, đường tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã, các bến đò ngang.

          Tính từ ngày 16/01/2018 đến ngày 20/02/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 18 người, bị thương 05 người (Riêng dịp Tết nguyên đán xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11 ngườivà bị thương 04 người). So với tháng trước tăng 06 vụ, tăng 07 người chết và tăng 02 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 03 vụ, tăng 01 người chết và giảm 02 người bị thường. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường và lạng lách đánh võng.

          Như vậy, tính từ 16/12/2017 đến 20/02/2018, Hà Tĩnh xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 29 người và bị thương 08 người. So cùng kỳ năm 2017 tăng 03 vụ, tăng 06 người chết và tăng 01 người bị thương.

          - Về an ninh, chính trị: Trong dịp Tết Nguyên đán, tính từ 14-20/02/2018 (tức từ ngày 29/01/2017-05/01/2018 âm lịch) xảy ra 12 vụ phạm pháp hình sự (tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm 2017)làm chết 01 người, bị thương 11 người; phát hiện và bắt giữ 02 vụ đánh bạc, 08 đối tượng (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Phát hiện 146 vụ, 151 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, thu giữ 07 kg  pháo các loại, riêng trong đêm giao thừa phát hiện, bắt giữ 135 vụ, 137 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép pháo (tăng 74 vụ so với Tết năm 2017).

          5.5. Môi trường

          - Tình hình cháy nổTrong tháng khu vực dân sự xảy ra 06 vụ cháy, gồm 02 vụ cháy nhà dân, 02 vụ cháy xe, 02 vụ cháy cơ sở kinh doanh, nguyên nhân hầu hết do bất cẩn trong sử dụng lửa. Đồng thời, xảy ra 01 vụ nổ bình gas mini tại trường tiểu học Hộ Độ - huyện Lộc Hà, làm bị thương 05 em học sinh. Tổng thiệt hại ước tính 760 triệu đồng.

  - Về vi phạm môi trường: Với mục tiêu cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường, trong tháng phat hiện 04 vụ vi phạm môi trường về khai thác đất trái phép, xử lý 03 vụ với số tiền 13,5 triệu đồng.


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện