Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Hà Tĩnh xử phạt hành chính 1.278 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

  

07:08 14/12/2018

Vận động cơ sở kinh doanh, người dân nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường thanh – kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm… là các giải pháp mà ngành chức năng Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Ngày 26/9/2018, qua kiểm tra, ngành chức năng Hà Tĩnh phát hiện cửa hàng tạp hóa của bà Võ Thị Huệ tại khối 3, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) chứa 1.548 gói bánh, kẹo quá hạn sử dụng. Đoàn lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm có giá trị trên 29 triệu đồng.

Ngày 4/10/2018, Đội Quản lý thị trường số 2 (TX. Hồng Lĩnh) chuyển giao hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền để Chi cục Quản lý thị trường (nay là Cục Quản lý thị trường) tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với ông Trần Văn Dũng (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông Dũng phạm lỗi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt hành chính 90 triệu đồng và tịch thu 402 chai rượu ngoại có giá trị 298,2 triệu đồng.

Đó là 2 trong nhiều vụ điển hình về vi phạm an toàn thực phẩm mà cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý thời gian qua.


Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý số lượng lớn rượu ngoại không có hóa đơn chứng từ, tem rượu nhập khẩu.

Theo đó, từ đầu năm lại nay, các ngành đã thanh - kiểm tra 12.422 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1.278 cơ sở. Số tiền phạt trên 1,96 tỷ đồng và tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm có giá trị hơn 500 triệu đồng.


Cục QLTT Hà Tĩnh tiêu hủy 17.280 quả trứng gà không rõ nguồn gốc xuất xứ

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở không bảo đảm quy định pháp luật; thiếu các thủ tục hành chính như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, là lỗi vi phạm trong công bố tiêu chuẩn sản phẩm, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bị biến chất...

Nhiều giải pháp xây dựng thị trường thực phẩm lành mạnh

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Tính đến cuối tháng 10/2018, Hà Tĩnh có 17.595 cơ sở/hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngành y tế phối hợp các sở, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm."


Đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra nguyên liệu làm bánh tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hà Tĩnh

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về những sự vụ mất an toàn thực phẩm.


Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng thị trường thực phẩm lành mạnh

Ngoài ra, thực hiện ký cam kết với các doanh nghiệp đầu mối, đại lý không tiếp nhận và phân phối ra thị trường các loại hàng giả, kém chất lượng nhằm ngăn chặn hàng hóa vi phạm ngay từ khâu phân phối. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm cũng ký cam kết không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng.


Hà Tĩnh chú trọng triển khai các mô hình, đề án nhằm thực hiện công tác an toàn thực phẩm bền vững như mô hình sản xuất rau sạch...

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình, đề án nhằm thực hiện công tác an toàn thực phẩm bền vững như: Mô hình sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản an toàn, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, mô hình bếp ăn tập thể trường học bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động giám sát ô nhiễm thực phẩm bằng phương pháp kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại...

Theo Baohatinh.vn

Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện