1. Tăng trưởng kinh tế
1.1. Quy mô và tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP)
- Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành: Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 37.358 tỷ đồng, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, sau 5 năm thì quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng thêm 38,58% so với năm 2015 (tương đương 10.401 tỷ đồng).
Cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2020: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,08%; khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 33,59% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,27%. Cơ cấu kinh tế nhìn chung ổn định và không có sự dịch chuyển nhiều giữa các khu vực so với cùng kỳ năm 2019
- Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá so sánh 2010: GRDP 6 tháng đầu năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 22.182 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp nhất kể từ sau sự cố môi trường biển năm 2016.
Trong mức biến động chung thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính tăng 1,5% so với cùng kỳ, đóng góp 0,2 điểm phần trăm (nông nghiệp tăng 0,8% so với cùng kỳ, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; lâm nghiệp tăng 2,7% so với cùng kỳ, đóng góp 0,02 điểm phần trăm và thủy sản tăng 7,2% so với cùng kỳ, đóng góp 0,1 điểm phần trăm);
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ, đóng góp 1,1 điểm phần trăm (công nghiệp tăng 2% so với cùng kỳ, đóng góp 0,7 điểm phần trăm và xây dựng tăng 4,9% so với cùng kỳ, đóng góp 0,4 điểm phần trăm);
Khu vực thương mại, dịch vụ ước giảm 3,6% so với cùng kỳ, đóng góp -1,2 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 0,3% so với cùng kỳ, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Như vậy, nguyên nhân chính làm cho GRDP 6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu là do ngành công nghiệp tăng thấp và khu vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh.
1.2. Đánh giá đối với một số ngành, lĩnh vực tác động đến tăng trưởng kinh tế
- Đối với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng không cao. Khu vực này tăng 1,5% và đóng góp 0,2 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.
Trong đó hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực này nhưng mức tăng không cao, chưa có sự đột phá để tạo sự tác động tích cực vào tăng trưởng khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp chỉ tăng 0,8%, làm tăng 0,1 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung GRDP. Nguyên nhân chính làm cho kết quả sản xuất nông nghiệp chưa có sự biến động lớn đó là: đối với hoạt động trồng trọt vụ Đông Xuân do cả diện tích và năng suất lúa đều giảm nên đã làm cho sản lượng lúa sơ bộ giảm 1.046 tấn. Cùng với cây lúa, năng suất các loại cây trồng khác như khoai lang, lạc, rau cũng giảm so với cùng kỳ mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do yếu tố thời tiết. Cùng với đó, hoạt động chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến các hộ chăn nuôi nhỏ, lẽ gần như bỏ chuồng.
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp cũng đạt mức tăng không cao, 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2,7%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Tăng so với cùng kỳ do một số diện tích rừng sản xuất đến kỳ thu hoạch nên sản lượng lâm sản khai thác tăng nhẹ.
Đối với hoạt động sản xuất thủy sản thì 6 tháng đầu năm 2020 vẫn duy trì được mức tăng khá, tăng 7,2% và đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Mặc dù duy trì được mức tăng khá nhưng ngành thủy sản chiếm tỷ trọng chưa lớn nên đóng góp không nhiều vào tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như tăng trưởng chung.
- Khu vực công nghiệp và xây dựng trong những năm qua luôn có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn nên chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.
Đối với ngành công nghiệp, 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung, đây là mức tăng thấp nhất của ngành công nghiệp trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp lớn nhưng phải giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng bảo dưỡng thiết bị. 6 tháng đầu năm 2020, trong mức đóng góp chung 0,7 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp thì: ngành khai khoáng đóng góp -0,04 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp -1,91 điểm phần trăm (là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu toàn ngành công nghiệp); sản xuất và phân phối điện đóng góp 2,57 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Trong những năm qua cũng như hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp ở Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ công ty Formosa (chủ yếu là sản phẩm thép, điện). Có thể nhận thấy rằng, kết quả sản xuất của Công ty Formosa chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như toàn ngành công nghiệp. Những tháng đầu năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Công ty Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao. Cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa máy móc dây chuyền cán nóng 20 ngày trong tháng 1 và 10 ngày trong tháng 2. 6 tháng đầu năm 2020, dự ước sản lượng phôi thép đạt 2,67 triệu tấn (giảm 12,7%) và sản lượng thép là 1,96 triệu tấn (giảm 18,3%) so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với sự sụt giảm của Công ty Fomosa thì các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác cũng đều sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh sự sụt giảm của ngành công nghiệp thì kết quả hoạt động của ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2020 có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Như vậy, mặc dù kết quả sản xuất ngành xây dựng có tăng nhưng tác động không nhiều đến tăng trưởng chung.
- Đối với khu vực thương mại và dịch vụ nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của các ngành thương mại và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 dự ước giảm 3,6% so với cùng kỳ, đóng góp -1,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Chỉ thị 100 về cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nên phải thực hiện giản cách xã hội, sản xuất kinh doanh đình trệ; thực hiện đóng cửa, tạm ngừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tập trung đông người, hoạt động du lịch...nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ.
- Thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm được tính trực tiếp vào GRDP mà 6 tháng đầu năm 2020 thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ nên chỉ làm tăng 0,03 điểm phần trăm trong tổng mức tăng chung. Nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng như thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất, kinh doanh trong nước và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước sau khi tính khấu trừ chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Tóm lại, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Hà Tĩnh ước tính chỉ đạt 0,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trước những khó khăn từ tình hình dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết...thì để giữ được ổn định nền kinh tế trên địa bàn cũng đã là một sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp Nhân dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay ảnh hưởng của Công ty Fomosa vào tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh vẫn đang là rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần phải quan tâm phát triển các ngành và lĩnh vực sản xuất khác. Quy mô GRDP của Hà Tĩnh không lớn nên với bất kỳ tác động của một yếu tố nào cũng có thể làm thay đổi nhiều đến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP. Với kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, việc thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt ra từ 10,5% - 11% là rất khó khăn và khó khả thi khi 6 tháng cuối năm thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.
2. Tài chính, ngân hàng
- Thu - chi ngân sách Nhà nước: Kết quả thu ngân sách Nhà nước quý I năm 2020 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn bị đình trệ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã ảnh đến nguồn thu ngân sách. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước tính đến ngày 15/6/2020 bằng 56,85% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù thu ngân sách gặp khó khăn nhưng việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Tổng chi NSNN trên địa bàn ước tính đến ngày 15/6/2020 bằng 107,52% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển chiếm 43,2% tổng chi, tăng 7,8% so với cùng kỳ; chi thường xuyên chiếm 56,7% tổng chi, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
- Hoạt động ngân hàng: Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc và chỉ đạo thực hiện kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách mới của Nhà nước và của Ngành đến các tổ chức tín dụng tại địa bàn nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Đặc biệt, đã tập trung quán triệt, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời ứng phó và khắc phục khó khăn liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Kết quả 6 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng so với đầu năm, đáp ứng nhu cầu vốn có hiệu quả cho nền kinh tế. Một số ngân hàng trên địa bàn đã triển khai các chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng, khuyến mãi đầu xuân hấp dẫn đã thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Lãi suất huy động phổ biển ở mức 0,2-0,8% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,25-4,75%/năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 4,75-7%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên là từ 6,6-7,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên từ 5-6%/năm. Lãi suất cho vay thông thường từ 5-9% đối với khoản vay ngắn hạn, từ 9-11%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Hoạt động mua bán, kinh doanh ngoại tệ và vàng trên địa bàn diễn ra bình thường, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỷ giá. Các dịch vụ ngân quỹ tiếp tục thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn trong giao dịch.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Theo rà soát, đánh giá, ổng dư nợ 11.028 tỷ đồng, chiếm 20,11% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là đồng dư nợ được giảm lãi vay là 34 t đồng với số tiền lãi đã được giảm là triệu đồnghạ lãi suất dư nợ hiện hữu đối với 4.853 khách hàng, dư nợ 9.048 tỷ đồng, với mức lãi được giảm từ 0,05%/năm - 3,2%/năm). Các TCTD đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 03/6/2020 đối với 5.766 khách hàng là 8.680 tỷ đồng (Lãi suất cho vay mới thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 0,05%/năm - 3,3%/năm).
Bên cạnh kết quả đạt được thì việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn. Tính đến 31/5/2020, các Ngân hàng đã cho vay đối với 11 chủ tàu với doanh số cho vay đạt 162,62 tỷ đồng; dư nợ 149,4 tỷ đồng. Nợ xấu 115,02 tỷ đồng, chiếm 77% tổng dư nợ, trong đó có 9/11 chủ tàu phát sinh nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) Chưa có các giải pháp thực sự có hiệu quả để giúp các TCTD xử lý nợ xấu của các tàu cá; (ii) Chưa có quy định về chuyển đổi nghề đối với một số chủ tàu có nguyện vọng; (iii) Một số chủ tàu không thiện chí trả nợ, khai báo doanh thu không thành thật, cố tình chây ì.
3. Giá cả, lạm phát
CPI tháng 6 năm 2020 tăng 0,85% so với tháng trước, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực thành thị tăng 0,75% và khu vực nông thôn tăng 0,92% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm có chỉ số giá tăng và 3 nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục và nhóm bưu chính viễn thông. Yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử điện lạnh, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, đồ uống, điện và nước sinh hoạt; (3) Giá thịt lợn hơi tăng mạnh ở thời điểm đầu và giữa tháng, tác động kéo theo các mặt hàng thịt lợn và chế biến từ thịt lợn tăng; (4) Các bất ổn chính trị trên thế giới và sự suy giảm về kinh tế khiến giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng cao.
CPI 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực thành thị tăng 4,72% và khu vực nông thôn tăng 3,93%. Phân theo nhóm ngành hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với mức tăng 8,95% (trong đó thực phẩm tăng 11,94%); đồ uống và thuốc lá tăng 3%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,69%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,71; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,81%; giao thông giảm 9,06%; bưu chính viễn thông giảm 1,48%; giáo dục tăng 0,59%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,43 so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì chỉ số giá bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng ở mức cao nhất (Chỉ số giá bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 tăng 2,56%; năm 2017 tăng 4,05%; năm 2018 tăng 3,63%, năm 2019 tăng 1,41%). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, cùng với việc điều chỉnh các chính sách về giá đối với một số mặt hàng nên đã tác động đến chỉ số giá chung.
Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 7/2020 dự kiến tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 6. Giá xăng dầu có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tình hình nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử điện, nước sinh hoạt, đồ uống, rau củ quả, hàng điện lạnh tiếp tục cao trong thời gian tới. Hoạt động ăn uống ngoài gia đình và các dịch vụ liên quan đến hoạt động lưu trú, lữ hành có thể tăng khi nhu cầu du lịch của người dân tăng lên trong dịp hè.
4. Đầu tư và xây dựng
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện giai đoạn 2015-2020 liên tục giảm mạnh qua các năm. Sở dĩ vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm mạnh là do những năm qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư, nhưng nay nguồn vốn khu vực này giảm mạnh. Kết quả thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội ước tính 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 và do một số nhóm nguyên nhân như sau: (i) các dự án đầu tư công có tổng vốn kế hoạch lớn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; vốn NSTW bổ sung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến tháng 6/2020 mới được giao vốn; việc thay đổi về cơ chế trong quản lý, vận hành các dự án cấp nước sinh hoạt và VSNT thuộc CTMQTG xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện ở cấp cơ sở; (ii) ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên huy động vốn đầu tư từ tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn; (iii) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp do các tháng đầu năm Công ty Formosa chủ yếu tập trung vào công tác bảo trì, bảo dưỡng, chưa triển khai các hoạt động đầu tư mới.
Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 giảm 6,4% nhưng tăng trưởng GRDP của ngành xây dựng vẫn tăng 4,9%. Nguyên nhân do tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ (6 tháng năm 2019 chiếm 88% và 6 tháng năm 2020 chiếm 91,7%) và trong vốn đầu tư xây dựng cơ bản thì vốn xây lắp tăng 7,1% trong khi vốn thiết bị giảm 48,6%. Vì vậy kết quả hoạt động xây dựng vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng các cấp được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án cầu Thọ Tường bắc qua sông La; dự án cầu Cửa Hội nối thị xã Cửa Lò với Nghi Xuân; nâng cấp, sữa chữa kênh chính Linh Cảm trong hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; chỉnh trang đô thị thành phố Hà Tĩnh; đường giao thông nối Chợ Cồn - Liên Giang; cải tạo, sữa chữa đường Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...
Để phát triển kinh tế, Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 2274-CV/TU ngày 01/6/2020, trong đó tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục đầu tư, tránh máy móc, cầu toàn, trì trệ, đùn đẩy; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương; tổ chức khởi công, triển khai ngay các dự án lớn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện để tạo quỹ đất, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án; rà soát, thu hồi vốn đối với các dự án đầu tư công giải ngân không đạt yêu cầu, bố trí cho dự án khác.
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
5.1. Tình hình đăng ký kinh doanh
tháng đầu năm 2020 ịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động SXKD của hầu hết các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát tại thời điểm tháng 4/2020 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, có tới 93,5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất với 94,2%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 92,3% và 91,3%. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý II/2020 bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt từ 01/4 đến 22/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự sụt giảm mạnh. Trong quý, số doanh nghiệp thành lập mới là 164 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 989 tỷ đồng, giảm 20,1% về số doanh nghiệp và giảm 79,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý là 962 người, giảm 58,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 339 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Giai đoạn 2015-2020 thì đây là năm đầu tiên 6 tháng đầu năm có số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2020 là 2.517 tỷ đồng, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Có 214 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 180 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2019.
Trước những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 2009/UBND-KT1 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung như: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động và đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông. Đây sẽ là những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanhvà bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.
5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, qua tổng hợp kết quả điều tra các doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh về xu hướng sản xuất kinh doanh, biến động về số lượng đơn đặt hàng, về tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD thì tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020 có chiều hướng tích cực và khả quan hơn so với những tháng đầu năm, cụ thể:
Về tổng quan tình hình SXKD của doanh nghiệp có tới 84,4% doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước (trong đó chỉ có 64,4% khẳng định SXKD tốt lên và 20% khẳng định giữ ổn định) và chỉ có 15,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước. Các ngành có 100% doanh nghiệp dự báo SXKD quý III tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2020 gồm: sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị.
Dự báo xu hướng quý III/2020 so với quý trước có tới 60% doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; có 24,4% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới giữ nguyên và có 15,6% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm đi (ngành có tỷ lệ lớn doanh nghiệp giảm đơn đặt hàng mới là sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu và sản xuất kim loại,...); 37,8% doanh nghiệp nhận định có khối lượng thành phẩm tồn kho giảm và 42,2% doanh nghiệp có khối lượng nguyên vật liệu tồn kho giảm; có 86,7% doanh nghiệp có chi phí sản xuất trên một sản phẩm và 95,6% doanh nghiệp có giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm giữ nguyên so với tháng trước. Điều này thể hiện chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán thành phẩm của các doanh nghiệp trong thời gian tới tương đối ổn định.
Dự báo về biến động lao động quý III/2020 so với quý trước, có 88,9% doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động giữ ổn định, có 8,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng lao động và chỉ có 2,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm lao động. Như vậy, sau dịch bệnh Covid-19 quy mô lao động của các doanh nghiệp đã trở lại ổn định.
Về sử dụng công suất máy móc, thiết bị: bình quân quý II/2020 các doanh nghiệp sử dụng 73,1% công suất của MMTB (tăng 9,7% so quý trước), trong đó có 24,4% doanh nghiệp sử dụng 90-100% công suất; 44,4% doanh nghiệp sử dụng từ 70% đến dưới 90% công suất; 20% doanh nghiệp sử dụng từ 50% đến dưới 70% công suất và 11,2% doanh nghiệp sử dụng dưới 50% công suất thiết kế. Qua đó có thể thấy tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sử dụng tối đa công suất máy móc thiết bị đang tăng hơn so với quý trước. Những ngành có hệ số sử dụng công suất MMTB bình quân cao như: sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị 100%; sản xuất giấy và sản phầm từ giấy 97%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic và dệt là 95%,...
Trong 13 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì có 5 yếu tố quan trọng được các doanh nghiệp đánh giá nhiều nhất là “nhu cầu thị trường trong nước thấp”, “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”, “khó khăn về tài chính”, “thiếu nguyên, nhiên vật liệu”, “thiết bị công nghệ lạc hậu”, cụ thể: có 71,1% doanh nghiệp khẳng định yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp”; 68,9% doanh nghiệp khẳng định “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”; 40% doanh nghiệp cho rằng vấn đề “khó khăn về tài chính”; 35,6% doanh nghiệp khẳng định “thiếu nguyên, nhiên vật liệu” và 31,1% doanh nghiệp cho rằng “thiết bị công nghệ lạc hậu” là các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển SXKD của doanh nghiệp.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Sản xuất nông nghiệp
- Trồng trọt: diện tích gieo trỉa các loại cây trồng chủ lực vụ Đông Xuân năm nay như lúa, ngô, lạc, khoai lang đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có diện tích rau tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu do một số địa phương có quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất làm đường cao tốc, đường vượt lũ nên thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2019-2020 ước giảm 1.622 ha, trong đó: Diện tích gieo cấy lúa giảm 133 ha; diện tích ngô giảm 516 ha; diện tích khoai lang giảm 328 ha; diện tích lạc giảm 1.082 ha và diện tích rau các loại tăng 363 ha. Tổng diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 68.039 ha, bằng 99,06% (giảm 649 ha) so với cùng kỳ.
Năng suất lúa vụ Xuân sơ bộ giảm 0,05 tạ/ha và sản lượng lúa giảm 1.046 tấn so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có năng suất lúa sơ bộ giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thị xã Kỳ Anh giảm 3,94 tạ/ha; huyện Cẩm Xuyên giảm 3,06 tạ/ha; huyện Thạch Hà giảm 1,69 tạ/ha; huyện Kỳ Anh giảm 1,33 tạ/ha;…Bên cạnh đó, một số huyện vẫn có năng suất lúa tăng như: huyện Can Lộc tăng 3,77 tạ/ha; thị xã Hồng Lĩnh tăng 3,16 tạ/ha; thành phố Hà Tĩnh tăng 6,92 tạ/ha…Do cả diện tích và năng suất đều giảm nên đã làm cho sản lượng lúa sơ bộ giảm. Diện tích gieo trồng lúa giảm 133 ha đã làm cho sản lượng lúa giảm 742 tấn và do sâu bệnh và thời tiết bất lợi làm cho năng suất lúa ước tính giảm 0,05 tạ/ha đã làm cho sản lượng lúa giảm 304 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Sơ bộ năng suất và sản lượng các loại cây trồng khác so với cùng kỳ năm 2019 cụ thể như sau: Năng suất ngô đạt 47,6 tạ/ha, bằng 112,15% (tăng 5,15 tạ/ha), với sản lượng ngô tăng 2.300 tấn. Năng suất khoai lang đạt 72,93 tạ/ha, bằng 101,56% (tăng 1,12 tạ/ha), với sản lượng khoai lang giảm 2.027 tấn). Năng suất lạc đạt 24,8 tạ/ha, bằng 94,66% (giảm 1,4 tạ/ha), với sản lượng lạc giảm 4.336 tấn. Năng suất rau các loại đạt 64,71 tạ/ha, bằng 100,64% (tăng 0,41 tạ/ha), với sản lượng rau các loại tăng 2.764 tấn). Như vậy, kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đối với các loại cây trổng khác nhìn chung thiếu ổn định.
Sản xuất vụ Hè Thu 2020: ngày 23/4/2020, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án sản xuất vụ Hè Thu 2020 đến tận các địa phương. UBND tỉnh ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 13/5/2020 về việc đẩy nhanh thu hoạch lúa vụ Xuân 2020 và triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2020; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 27/5/2020 về việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Hè Thu 2020; Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 08/6/2020 về việc tăng cường công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2020.
Tiến độ sản xuất vụ Hè Thu 2020: tính đến ngày 16/6/2020, ước tính diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh 44.428 ha, đạt 99,8% kế hoạch (diện tích lúa gieo thẳng 42.903 ha và diện tích lúa cấy là 1.525 ha); diện tích ngô 1.618 ha, đạt 81,2% kế hoạch; diện tích đậu các loại 2.493 ha, đạt 51,2% kế hoạch; diện tích rau các loại 1.252 ha, đạt 48,7% kế hoạch; diện tích vừng 213 ha, đạt 52,6% kế hoạch; diện tích lạc 85 ha, đạt 15,6% kế hoạch; diện tích khoai lang 46 ha, đạt 6,7% kế hoạch. Các loại cây trồng cạn vụ Hè Thu 2020 đang tiếp tục được gieo trỉa.
Cùng với kết quả sản xuất cây hàng năm thì kết quả sản xuất cây lâu năm tiếp tục có bước phát triển. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 30.763 ha, bằng 103,6% (tăng 1.058 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó diện tích cây ăn quả là 18.477 ha, bằng 110,2% (tăng 1.707 ha) so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 60% tổng diện tích cây lâu năm hiện có. Các loại cây ăn quả có múi thuộc họ cam, quýt ước đạt 12.428 ha, bằng 114,7% (tăng 1.596 ha) và chiếm 67,3% tổng diện tích cây ăn quả. Sản lượng cây ăn quả ước đạt 34.241 tấn, bằng 105,7% (tăng 1.860 tấn) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó sản lượng các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt ước đạt 13.859 tấn, bằng 108,7% (tăng 1.112 tấn). Những năm qua, các địa phương đã phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả nên đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung mang tính sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, các ngành chức năng đã quan tâm hỗ trợ cho người dân về giống và kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Tình hình sâu bệnh: Trên lúa Hè Thu ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những diện tích trũng, ngập nước, mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, diện tích nhiễm 99 ha, nhiễm nặng 1 ha ở thành phố Hà Tĩnh; bọ trĩ gây hại trên chân ruộng khô hạn ở các huyện Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh với tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích nhiễm 17 ha; sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên trà lúa đang đẻ nhánh, mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 3-4 con/m2, sâu chủ yếu tuổi 4, 5; rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ trung bình 30-50 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, chủ yếu ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ,…Đối với cây ngô thì bệnh khô vằn, đốm lá gây hại với tỷ lệ 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích nhiễm là 12 ha ở huyện Đức Thọ, Hương Sơn. Bệnh khảm lá đối với cây sắn với tỷ lệ trung bình 10-15%, nơi cao 30-50%, diện tích bị bệnh 205 ha, trong đó 20 ha nhiễm nặng tập trung ở huyện Kỳ Anh. Trên cây ăn quả có múi ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang thì nhện đỏ gây hại với tỷ lệ trung bình 1-2%, nơi cao 3-5%, diện tích nhiễm bệnh 5,5 ha; rệp muội gây hại với tỷ lệ trung bình 1-3%, nơi cao 10-20%, diện tích 30 ha; bệnh vàng lá thối rễ phát sinh gây hại trên diện tích 1,5 ha. Trong giai đoạn các loại cây trồng bước vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển thì các ngành chuyên môn cùng bà con nông dân cần phải đề cao công tác phòng, chống các loại dịch bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
- Chăn nuôi: Với kết quả như phản ánh ở trên cho thấy sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Dịch tả lợn châu Phi đã có tác động rất lớn đến tổng đàn lợn của Hà Tĩnh. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại phải chịu thiệt hại nặng nề như thời gian qua. Đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, có đến hàng nghìn gia đình bị dịch “xóa” chuồng và dừng nuôi vô thời hạn. So với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại lớn đã có những dấu hiệu tốt hơn. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, bắt buộc giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái để đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Dù việc tái đàn vẫn cần phải căn ke, cẩn trọng nhưng sản xuất được phục hồi đó là điều tất yếu. Tín hiệu tích cực đối với hoạt động chăn nuôi trong thời gian qua đó là các hộ chăn nuôi đã đưa giống bò Belgan Blue Breed hay còn gọi là bò "3B" có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt chuyên dụng, cơ bắp phát triển siêu trội hơn so với bò thường khoảng 40% vào nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Phát triển chăn nuôi bò "3B" nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi là hướng đi thích hợp khi mà chăn nuôi lợn thiếu sự ổn định do dịch bệnh và giá cả. Cùng với sự duy trì phát triển ổn định của đàn gia cầm, những hướng đi mới trong chăn nuôi bò và việc phục hồi dần đàn lợn là cơ sở tạo bước phát triển đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: 6 tháng đầu năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi đã làm cho 92 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy, với trọng lượng trên 5,7 tấn. Dịch bệnh xẩy ra tại 24 hộ nuôi, ở 12 xã thuộc 6 huyện: xã Cẩm Dương, Cẩm Thịnh, Yên Hòa, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên); xã Tùng Ảnh, Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ); xã Phú Phong (huyện Hương Khê); Kỳ Phương (Thị xã Kỳ Anh); Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh) và Thạch Bình (Thành phố Hà Tĩnh).
Đến nay, chỉ còn xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) đang còn có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày. Dịch lở mồm long móng cũng đã xẩy ra trên đàn gia súc tại 6 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã (Can Lộc, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh), làm cho 65 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 3 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Tính đến thời điểm nay thì trên địa bàn tỉnh dịch lở mồm long móng đã qua 21 ngày. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác không xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Từ 23/3/2020 đến 28/5/2020, có 11 con trâu, bò trên địa bàn xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ) chết đột tử, chưa rõ nguyên nhân.
Kết quả tiêm phòng đợt I năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm đạt được như sau: tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 128.062 con, đạt 80% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 123.302 con, đạt 78% kế hoạch; dịch tả lợn 167.854 con, đạt 84% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 167.598 con, đạt 83,3% kế hoạch; tiêm phòng dịch cúm gia cầm 1.103.821 con, đạt 38% kế hoạch và tiêm phòng cho chó đạt 107.438 con, đạt 68,2% kế hoạch.
6.2. Lâm nghiệp
Hoạt động khai thác lâm sản chủ yêu là từ gỗ rừng trồng. Diện tích rừng sản xuất đến độ khai thác đã được thu hoạch để trồng mới lại rừng nên sản lượng gỗ khai thác tăng. Song song với việc khai thác thì các chủ rừng cũng đã tích cực triển khai thực hiện trồng rừng vụ Xuân Hè năm 2020 nên diện tích rừng trồng tập trung 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2020, cùng với trồng rừng sản xuất, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án trồng 51,1 ha rừng thay thế tại tại tiểu khu 9A (thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) do thiệt hại sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019. Còn đối với trồng cây phân tán thì do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán đang có xu thế ngày càng giảm.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, do thời tiết quá nắng nóng nên đầu tháng 6/2020 đã xẩy ra 2 vụ cháy rừng tại xã Đức Đồng (huyện Đức Thọ) và xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà), diện tích rừng bị thiệt hại không có khả năng phục hồi ước tính khoảng 1,5 ha. Thời gian tới, bước vào mùa năng nóng gay gắt nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân cần nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ rừng để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
6.3. Thủy sản
Hoạt động sản xuất thủy sản trong tháng 6 cũng như 6 tháng đầu năm 2020 vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá so với cùng kỳ năm 2019. Những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa là yếu tố tích cực trong kết quả sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2020. Sản lượng hải sản khai thác biển chiếm đến 75,9% tổng sản lượng thủy hải sản 6 tháng đầu năm 2020. Sau thời gian thực hiện giản cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại nên nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy hải sản tăng hơn so với những tháng trước là điều kiện thuận lợi để ngư dân tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Với việc giá bán sản phẩm ổn định, trong khi giá nhiên liệu giảm nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác hải sản. Bên cạnh hoạt động khai thác thì hoạt động nuôi trồng vẫn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong đó nuôi tôm vẫn được xem là hoạt động tạo ra sản phẩm thủy sản chủ lực và có lợi thế của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi tôm ước đạt 2.347 ha, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 85,3% kế hoạch năm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm đến 80% tổng diện tích nuôi tôm, diện tích tôm chủ yếu mới được xuống giống thả nuôi vụ Xuân Hè năm 2020.
Tình hình dịch bệnh: Từ ngày 20/4/2020 đến nay đã xẩy ra bệnh đốm trắng trên tôm với diện tích nhiễm bệnh là 16,94 ha (Thị xã Kỳ Anh 8,31 ha; huyện Kỳ Anh 6,9 ha và huyện Cẩm Xuyên 1,73 ha). Các cơ quan chức năng đang phối hợp với các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành xử lý để tránh bùng phát và lây lan dịch bệnh.
7. Sản xuất công nghiệp
Ước tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 6 năm 2020 bằng 93,86% (giảm 6,14%) so với tháng trước, trong đó: chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp khai khoáng tăng 6,56%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,87%; công nghiệp phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,84%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,04% so với tháng trước. Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến động giá thép, phôi, thị trường xuất khẩu và việc phải tạm ngừng sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị.
Mặc dù chỉ số sản xuất chung ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ tăng GRDP ngành công nghiệp vẫn đạt 2% và đóng góp 0,7 điểm % trong mức tăng trưởng chung. Nguyên nhân do trong 4 ngành công nghiệp cấp I thì vẫn có 2 ngành đạt mức tăng khá (công nghiệp sản xuất phân phối điện và công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải), trong khi 2 ngành này lại có hệ số chi phí trung gian thấp (chiếm khoảng 20% và 40%) nên đóng góp làm tăng GRDP. Cùng với đó, chỉ số IIP được công bố chung cho ngành công nghiệp cấp I trong khi GRDP được tính từ các ngành công nghiệp cấp II nên có những quyền số và đóng góp riêng của các ngành cấp II.
8. Thương mại, dịch vụ
Cũng như cả nước, Hà Tĩnh sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế như: miễn giảm thuế, giảm tiền điện, nước, ưu đãi lãi suất tín dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...cùng với việc các cơ sở, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trở lại hoạt động (kể cả vũ trường và karaoke) nên kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 6/2020 đạt mức tăng khá so với tháng trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Ước tính tháng 6/2020 đạt mức tăng khá so với tháng trước (tăng 11,34%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,83%). Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó một số nhóm ngành hàng tăng mạnh là: ô tô các loại tăng 22,01%; hàng may mặc tăng 14,44%; xăng, dầu các loại tăng 12,67%; lương thực, thực phẩm tăng 11,34%.
Tách riêng từng quý cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2020 vẫn giữ được mức tăng khá (tăng 7,15%) so với cùng kỳ năm 2019; sang quý II/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (mà chịu tác động mạnh nhất là tháng 4/2020) nên tổng mức bán lẻ hàng hóa quý II/2020 giảm 7,26% so với cùng kỳ năm 2019, so với quý I/2020 giảm 18,04%.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vào tháng 4, nhưng sang tháng 5 và 6, sau khi kiểm soát được dịch bệnh và bỏ lệnh giãn cách xã hội, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng khá. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,14%) và chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng sau: ô tô các loại tăng 66,18%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 39,92%; lương thực, thực phẩm tăng 16,25%.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 6/2020 ước tính đạt mức tăng khá so với tháng trước (tăng 17,68%) và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 28,28%). Quý I/2020, doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm 10,49%, sang quý II/2020 giảm mạnh hơn với mức giảm 46,91% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 29,09% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 6/2020 ước tính tăng mạnh so với tháng trước (tăng 22,78%) và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 13,44%). Trong đó, quý I/2020 giảm 5,5%, sang quý II/2020 chịu tác động nặng nề của dịch covid-19 nên doanh thu dịch vụ khác giảm mạnh 34,65% so với cùng kỳ năm trước. Chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 19,98% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động vận tải:
Ước tính vận tải hành khách tháng 6/2020 so với tháng trước tăng 12,82% về số lượng lượt khách vận chuyển và tăng 14,76% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 13,93%. Quý II, giảm 82,8% về số lượng khách vận chuyển và giảm 65,97% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 60,04% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa so với tháng trước cũng tăng, nhưng có mức tăng thấp hơn mức tăng vận tải hành khách (vận chuyển tăng 7,91%; luân chuyển tăng 9,56%); doanh thu tăng 8,5%. Quý II, giảm 59,32% về số lượng hàng hóa vận chuyển và giảm 37,22% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 43,24% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,47% so với tháng trước và giảm 11,26% so với cùng kỳ năm trước.
Sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19 các cửa khẩu đã mở cửa trở lại, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài tăng khiến nhu cầu vận tải hành khách lẫn hàng hoá và hoạt động bến bãi, kho cảng, hậu cần tăng mạnh, đặc biệt là lượng phương tiện, hàng hóa ở các cảng Vũng Áng, Sơn Dương trong khu Kinh tế Vũng Áng tăng dần trở lại. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi khiến nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất, hàng hoá tiêu dùng tăng, tất cả yếu tố đó đã làm cho hoạt động vận tải tháng 6/2020 tăng mạnh so với tháng trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kết quả hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
9. Các vấn đề xã hội
9.1. Tình hình lao động và giải quyêt việc làm
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình về lao động và giải quyết việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Tình hình việc làm và thu nhập cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có chiều hướng tăng. Trong khoảng thời gian chịu sự tác động nặng nề của dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh đã có trên 26.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã phải nghỉ việc không hưởng lương và 45.600 lao động làm việc tự do không có giao kết hợp đồng ở lĩnh vực phi nông nghiệp bị mất việc làm.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2020, đã giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, giảm 6.343 lao động so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là 1.003 người, giảm 4.335 người; xuất khẩu lao động là 3.077 người, giảm 751 người và lao động đi làm việc ngoại tỉnh là 1.420 người, giảm 1.257 người.
Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 710,42 nghìn người, chiếm 54,71% tổng dân số toàn tỉnh; số lao động đang làm việc là 689,14 nghìn người (chiếm 97% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên), số người không có việc làm (thất nghiệp) là 21,28 nghìn người (chiếm 3% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 3,9% (tăng 1,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019). Khi phân lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo ngành kinh tế thì: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có 349,74 nghìn người, chiếm 50,75%; công nghiệp, xây dựng 165,05 nghìn người, chiểm 23,95% và dịch vụ 174,35 nghìn người, chiếm 25,3%.
9.2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2020 có phần giảm sút so với cùng kỳ năm trướcTuy nhiên, hiện bà con nông dân đã thu hoạch lúa Đông Xuân, ngư dân phấn khởi vươn khơi khi hải sản được mùa, được giá; ngoài ra, tính đến 15/6/2020 Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 171.557 đối tượng với kinh phí 196,68 tỷ đồng (đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo) và giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 2.785 lao động với số tiền 38,74 tỷ đồng. Vì vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2020 trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 6 tháng đầu năm 2020, đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 329.805 suất quà với tổng kinh phí 100,96 tỷ đồng, bao gồm 34,31 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; 34,35 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo và 32,33 tỷ đồng cho cứu trợ xã hội khác. Đồng thời, trao tặng 3 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng trị giá 16 triệu đồng; xây mới 138 nhà tình nghĩa trị giá 7,71 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp 24.366 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 42.228 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 106.999 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 44.901 thẻ BHYT cho người có công.
9.3. Tình hình thiên tai
6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 3 đợt lốc xoáy kèm theo mưa lớn và sét đánh (đợt 1 vào ngày 11/5/2020; đợt 2 vào ngày 17/5/2020; đợt 3 vào ngày 13/6/2020). Lốc xoáy làm 8 người bị thương; 380 nhà ở (trong đó có 13 nhà bị thiệt hại trên 50%), 1 trường học và 1 nhà văn hóa bị tốc mái; 1 con bò bị chết; 53,2 ha lúa, 610,5 ha mạ lúa lai, 38,8 ha hoa màu, 3 ha cây lâu năm và 2 ha diện tích rừng bị đổ, gãy, hư hỏng. Ngoài ra một số cột điện, cây cối bị đổ gãy. Ước tính tổng thiệt hại 10,31 tỷ đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức khắc phục kịp thời các thiệt hại để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
9.4. Hoạt động giáo dục đào tạo
- Giáo dục phổ thông: Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã có 89/100 học sinh đạt giải (gồm 4 giải nhất, 19 giải nhì, 31 giải ba và 35 giải khuyến khích). Đặc biệt, có 8 em đạt thành tích xuất sắc nhất được gọi vào tham gia chọn đội dự tuyển dự thi quốc tế (môn Toán có 4 em, Vật lý có 2 em, Sinh học có 2 em). Hà Tĩnh xếp thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ học sinh tham gia thi đạt giải và xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng học sinh đạt giải (sau Hà Nội).
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Hà Tĩnh đã quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học bắt đầu từ 04/02/2020 đến 04/5/2020. Thực hiện Quyết định số 736/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020, cụ thể: học sinh kết thúc học kỳ I trước ngày 18/01/2020, dự kiến hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11/7/2020 và kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở hoàn thành trước ngày 31/7/2020. Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vào các ngày 16 và 17/7/2020; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020; đối với giáo dục thường xuyên, trước ngày 31/8/2020. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 2 ngày 9-10/8/2020, kết quả của kỳ thi được dựa trên việc phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
- Giáo dục đào tạo: Năm học 2019-2020, Hà Tĩnh có 1 trường đại học với 2.123 sinh viên, gồm 2.067 sinh viên hệ đại học và 56 sinh viên hệ cao đẳng. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng, chất lượng ngày càng nâng cao hơn. Các cơ sở đào tạo luôn quan tâm đến công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có định hướng, khảo sát tiềm năng và tính bền vững của nghề đào tạo. 6 tháng đầu năm 2020, đã tổ chức dạy nghề cho 1.743 người, giảm 7,83% (giảm 148 người) so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: trình độ trung cấp nghề 106 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1.637 người.
9.5. Hoạt động Y tế
6 tháng đầu năm 2020, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị ở bệnh viện các tuyến.
- Tình hình dịch bệnh: Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, hơn 2 tháng Hà Tĩnh cũng như cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 song song với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn cho 13 Trung tâm Y tế/Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện tăng cường công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Tính đến ngày 15/6/2020, ở Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, mà chỉ còn 367 trường hợp được cách ly tập trung tại khu ký túc xá Mitraco - thị xã Kỳ Anh. Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.
Ngoài dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 trường hợp sốt xuất huyết, 208 trường hợp sốt rét, 163 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 158 trường hợp mắc lỵ a míp, 48 trường hợp mắc quai bị, 208 trường hợp mắc thủy đậu, 12 trường hợp mắc bệnh sởi và 10 trường hợp mắc bệnh do virut adeno. Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Hiện nay, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,14% (dưới 0,15% theo Nghị quyết) và đạt mục tiêu 3 giảm: "Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS”. Qua tổ chức điều tra, giám sát thì nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt, trên 85% người dân trong độ tuổi từ 15 -49 hiểu biết các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS; có 87% bệnh nhân được điều trị ARV. Đặc biệt, đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm và được chi trả các dịch vụ chăm sóc, điều trị theo quy định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh có 36 trường hợp nhiễm HIV, giảm 18,18%; có 29 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm 34,09%; có 2 trường hợp chết vì AIDS, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 537 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 34,51% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
9.6. Hoạt động văn hóa - thể thao
- Hoạt động văn hóa: Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều vui chơi, giải trí hoạt động du lịch, hướng dẫn du lịch trên địa bànhoạt động văn hóa 6 tháng đầu năm 2020 không sôi động và rất trầm lắng Ngoài các hoạt động văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý”, Hà Tĩnh chủ yếu tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền, xây dựng tin bài, phóng sự Đại hội Đảng; tổ chức treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu... vào các ngày lễ lớn của đất nước.
Hà Tĩnh đã công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh cho 11 di tích, trong tháng 6/2020 có nhà thờ Trần Quỳ ở huyện Can Lộc, đền Đông Hải Đại Vương và nhà thờ Phan Thái ở huyện Nghi Xuân; tổ chức lễ tổng kết, trao thưởng vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” (gồm 1 giải đặc biệt, 26 giải nhất, 52 giải khuyến khích) và chọn 20 bài thi xuất sắc gửi tham dự vòng chung kết toàn quốc.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: 6 tháng đầu năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 4 cuộc thanh, kiểm tra tại 75 cơ sở kinh doanh hoạt động văn hóa và du lịch. Qua kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở 30 cơ sở không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định; xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức, 4 cá nhân với số tiền 36 triệu đồng; tịch thu chờ tiêu hủy 5.000 tờ rơi, từ gấp quảng cáo các loại phát hành trái quy định. Ngoài ra, đã cấp 55 giấy phép, trong đó: có 15 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 1 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 38 giấy phép thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở; 1 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.
- Hoạt động thể thao: Đầu năm, trong không khí “ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý năm 2020” tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo hạn chế tổ chức các hoạt động thể thao có quy mô lớn, chỉ tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số lượng giải đấu thể thao thành tích cao giảm. Kết quả 6 tháng đầu năm 2020, giành được 14 huy chương các loại (gồm 10 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ) ở các giải đấu trong nước.
9.7. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
Tính từ ngày 15/5/2020 đến ngày 14/6/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 10 người, bị thương 5 người. So với tháng trước tăng 3 vụ tai nạn đường bộ, tăng 1 người chết và giảm 1 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ và tăng 3 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông.
Như vây, tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/6/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 61 người và bị thương 25 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 3 vụ tai nạn đường bộ, giảm 1 vụ tai nạn đường sắt, tăng 3 người chết và giảm 11 người bị thương.
9.8. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 6/2020 xảy ra 11 vụ cháy (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2019), làm 1 người chết và 3 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 41 triệu đồng. Tính chung 6 tháng, xẩy ra 24 vụ cháy (trong đó có 2 vụ cháy rừng), làm 3 người chết và 3 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 4,28 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 18 vụ cháy và 5 vụ nổ, tăng 1 người chết và giảm 5 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.
- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 6/2020, đã phát hiện 5 vụ và xử lý 4 vụ vi phạm môi trường (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 12 triệu đồng. Tính chung 6 tháng, đã phát hiện 21 vụ và xử lý 20 vụ vi phạm môi trường (giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 108 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép.
Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh
Thêm ý kiến góp ý