Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Tình hình KTXH Hà Tĩnh tháng 4 năm 2020

  

00:15 29/04/2020


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

1.1. Nông nghiệp

          - Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng Tư tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây trồng vụ Xuân. Vụ Xuân 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là cây lúa. Tính đến ngày 21/4/2020, đã có khoảng 12.010 ha lúa trổ bông tập trung tại các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh,...Dự kiến từ nay đến 15/5 khoảng có khoảng 30.000 ha lúa trổ trên địa bàn toàn tỉnh và số diện tích còn lại sẽ trỗ sau 15/5. Thời gian này khi lúa đang vào kỳ trổ bông đại trà, nhưng thời tiết diễn biến bất thường với những đợt giông lốc rất dễ làm lúa gãy đỗ, cùng với việc phát sinh sâu bệnh sẽ là những nguy cơ lớn đe dọa đến năng suất. Cùng với cây lúa thì các loại cây trồng vụ Xuân khác cũng đang được chăm sóc và đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Hiện nay trên cây lúa đã phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, diện tích nhiểm bệnh khoảng 4,7 ha ở thị xã Hồng Lĩnh 2,7 ha, huyện Nghi Xuân 1,1 ha, huyện Lộc Hà 0,6 ha và huyện Thạch Hà 0,3 ha, trong đó có 1,25 ha nhiễm nặng. Một số loại sâu bệnh cũng đã phát sinh gây hại đối với các loại cây trồng nhưng mức độ không đáng kể. Hiện nay cây lúa đang thời kỳ trổ bông, các loại dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên trong thời gian này các ngành chức năng cần phải tập trung chỉ đạo bà con nông dân tích cực thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh phát sinh gây hại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với các loại cây trồng.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 4/2020 vẫn khó khăn, chưa có gì khởi sắc. Nhìn chung số lượng đàn đại gia súc ổn định, đàn gia cầm tăng nhẹ, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với hoạt động chăn nuôi lợn thì mặc dù dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, giá thịt hơi tăng cao, nhưng do đàn lợn nái trong các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi nên nguồn lợn giống giảm mạnh, chi phí con giống cao nên việc tái đàn lợn trong các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn. So với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại lớn đang có những dấu hiệu tích cực. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, bắt buộc giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Cùng với đó, giá lợn hơi đang ở mức cao cũng là động lực để các chủ trang trại quyết định tái đàn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự thiếu ổn định của thị trường tiêu thụ thì việc tái đàn cũng cần phải căn ke, cẩn trọng để tránh thiệt hại đến mức thấp nhất đối với người chăn nuôi, tạo cơ sở tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

          Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 20/4/2020, toàn tỉnh còn 3 xã ở huyện Cẩm Xuyên (xã Yên Hòa, xã Cẩm Vĩnh và xã Cẩm Duệ) có lợn ốm chết, buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2020, bệnh DTLCP đã xẩy ra trên địa bàn 11 xã thuộc 6 huyện: xã Cẩm Dương, xã Cẩm Thịnh, xã Yên Hòa, xã Cẩm Vĩnh và xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên); xã Tùng Ảnh, xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ); xã Phú Phong (huyện Hương Khê); phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh); phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) và xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh), làm cho 80 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy với trọng lượng trên 4,2 tấn. Như vậy, đã có 8/11 xã có dịch đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết và không phát sinh ca bệnh mới. Dịch lở mồm long móng đã xẩy ra tại các xã Phú Lộc, xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc), Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh), phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) làm cho 64 con gia súc mắc bệnh (6 trâu, 53 bò, 4 lợn), đến thời điểm hiện nay các ổ dịch lở mồm long móng trên địa bàn các xã đã qua 21 ngày kể từ con gia súc mắc bệnh, tiêu hủy cuối cùng. Các loại dịch bệnh khác không xẩy ra đối với đàn vật nuôi. Mặc dù hiện nay không phát sinh dịch bệnh nhưng nguy cơ xẩy ra dịch bệnh đối với đàn vật nuôi và gây thiệt hại cho người chăn nuôi là rất cao và luôn tiềm ẩn xẩy ra. Vì vậy, các ngành chức năng và người chăn nuôi phải luôn chủ động, tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi và có phương án chủ động đối phó khi dịch bệnh xẩy ra để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

          Hiện nay, các địa phương đã triển khai tiêm phòng đợt I năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm với kết quả đạt được như sau: Tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 6.769 con, đạt 5% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 6.439 con, đạt 4% kế hoạch; dịch tả lợn 34.199 con, đạt 30% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 32.099 con, đạt 28% kế hoạch; tiêm phòng dịch cúm gia cầm 722.741 con, đạt 24,8% kế hoạch. Một số địa phương đã tiêm phòng vắc xin đạt kết quả cao so với kế hoạch như: thành phố Hà Tĩnh đạt 90%, huyện Can Lộc đạt 70,3%...Bên cạnh đó thì một số địa phương đạt kết quả còn thấp như: huyện Vũ Quang đạt 1%, huyện Kỳ Anh đạt 3%, huyện Hương Khê đạt 4,8%...

1.2. Lâm nghiệp

          Hoạt động lâm nghiệp trong tháng 4/2020 chủ yếu là tập trung vào công tác trồng và chăm sóc rừng. Do trong tháng điều kiện thời tiết mát mẽ, nhiệt độ thấp, có mưa nên người dân vẫn tiếp tục tiến hành trồng rừng. Cùng với đó, một số diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch nên kết quả trồng rừng tập trung cũng như sản lượng gỗ khai thác tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp đạt được chủ yếu tập trung ở các địa phương như: huyện Hương Sơn, huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê, huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.

          Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra thiệt hại về rừng. Tuy nhiên, hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.

1.3. Thủy sản

Kết quả sản xuất thủy sản trong tháng 4/2020 vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi sản lượng nuôi trồng giảm do sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch thì những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa. Cùng với đó, thay vì chọn cách ở lại nhà để tránh dịch bệnh Covid-19 thì ngư dân ra khơi đánh bắt dài ngày để kiếm thêm thu nhập và xem đây như là một biện pháp “cách ly xã hội” an toàn và giá nhiên liệu giảm sâu cũng là điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển nên đã làm cho sản lượng khai thác tăng hơn so với cùng kỳ.

Trong tháng 4/2020, các hộ nuôi trồng đã tập trung xuống giống thả nuôi vụ tôm Xuân Hè năm 2020. Nuôi tôm vẫn tiếp tục được xem là hoạt động tạo ra sản phẩm thủy sản chủ lực và có lợi thế của tỉnh. Vì vậy, năm 2020 đã xây dựng kế hoạch với tổng diện tích tôm thả nuôi toàn tỉnh là 2.750 ha, trong đó: tôm sú 400 ha và tôm thẻ chân trắng 2.350 ha. Diện tích nuôi tôm trong tháng 4/2020 ước đạt 786 ha, bằng 68,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm thẻ chân trắng là 606 ha, chiếm 77,1% tổng diện tích nuôi tôm và tôm sú là 180 ha, chiếm 22,9% tổng diện tích tôm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, diện tích tôm thả nuôi ước đạt 1.058,8 ha, bằng 38,5% kế hoạch năm và bằng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.

          Dịch bệnh đốm trắng đã phát sinh gây hại trên tôm. Tính đến ngày 21/4/2020, đang còn 9,8 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng thuộc huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh chưa qua 15 ngày. Do thời tiết bất thường, vùng nuôi ô nhiễm là nguyên nhân chính gây nên bệnh đốm trắng trên tôm. Khi ao nuôi xuất hiện dịch bệnh này thì người nuôi cần có phương án xử lý thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan vì bệnh này thường có tốc độ lây lan rất nhanh và mức độ gây hại rất lớn.

2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư

2.1. Sản xuất công nghiệp


          Hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 ước tính giảm mạnh so với tháng trước và giảm ở tất cả 4 ngành công nghiệp cấp I. Trong đó tác động lớn là từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà cụ thể là do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất thép của Công ty Formosa. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng ước tính giảm mạnh so với tháng trước như: khai thác đá, cát, sỏi giảm 17,9%; dệt giảm 22,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 22,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 20,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,2%; sản xuất kim loại (chủ yếu sản xuất thép) giảm 18,1%...

          Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 3,08%), trong nhiều năm trở lại đây thì đây là năm mà lũy kế 4 tháng đầu năm có chỉ số phát triển công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Trong mức biến động chung, ngành khai khoáng giảm 4,28%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,5%, làm giảm 9,33 điểm phần trăm (là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất); sản xuất và phân phối điện tăng 35%, đóng góp 5,57 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 33,06%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm. Trong thời gian tới hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cả thị trường trong nước cũng như quốc tế đều giảm, đơn hàng thiếu tính ổn định, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn; lượng sản phẩm tồn kho tăng nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh cắt giảm sản lượng sản xuất; bản thân doanh nghiệp cũng như đối tác gặp khó khăn về tài chính...sẽ là những khó khăn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp.

          Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 4/2020 giảm 0,5% so với tháng trước, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4 năm 2020, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thuộc khu vực Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ổn định, chỉ có khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,3% so với tháng trước. Như vậy, mặc dù bị ảnh hưởng và gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp hoạt động công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn cố gắng để duy trì số lượng lao động ổn định, đây là tín hiệu tích cực và cũng là cơ sở để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất khi qua dịch bệnh.

2.1. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2020 ước giảm so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng khá so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 17,98%, tăng ở cả ba cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã. Thời gian tới, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với việc điều chỉnh cơ chế giản cách xã hội, cùng với việc nguồn vốn đã được phân bổ kịp thời và các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư thì sẽ có nhiều công trình mới khởi công nên vốn đầu tư thực hiện dự kiến cũng sẽ tăng hơn.

3. Thương mại, dịch vụ

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 2431/UBND-VX1 của UBND tỉnh, các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tạm dừng kinh doanh; các cơ sở giáo dục tạm nghỉ nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, vật tư văn phòng giảm mạnh; hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu giảm; thực hiện việc giãn cách xã hội, tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi đông người do sợ dịch bệnh lây lan làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh là những nguyên nhân chính làm cho kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 4 năm 2020 giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước tính tháng 4/2020 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 28,5%) cũng như cùng kỳ năm trước (giảm 31,2%). Trong đó một số nhóm ngành hàng giảm mạnh so với tháng trước như: hàng may mặc giảm 84,5%; phương tiện đi lại giảm 59,9%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 58,2%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy giảm 52,7%, hàng hóa khác giảm 48,2%...Do kết quả sản xuất kinh doanh tháng 4 giảm mạnh nên tính chung 4 tháng đầu năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số nhóm ngành hàng giảm mạnh như: vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 50,8%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 30,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) giảm 24,9%; hàng may mặc giảm 18,8%; hàng hóa khác giảm 18,4%...

 - Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 4/2020 ước tính giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước (tương ứng mức giảm 76,2% và 87,2%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 38,3% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ. Doanh thu dịch vụ khác tháng 4/2020 ước tính cũng giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 55,4% và 64%). Tính chung 4 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19 do phải giãn cách xã hội và một số dịch vụ buộc phải dừng hoạt động. Thời gian tới, các ngành này vẫn còn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh.

- Hoạt động vận tải: hoạt động vận tải, kho bãi tháng 4/2020 cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động vận tải hành khách phải tạm ngừng hoạt động từ kể ngày 01-22/4/2020, đã làm cho vận tải hành khách giảm mạnh. Cùng với đó, các công trình xây dựng lớn và nhiều cơ sở kinh doanh thương mại cũng tạm dừng hoạt động nên nhu cầu vận chuyển hàng hoá giảm. Dịch bệnh covid-19 cũng khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, dẫn đến doanh thu các dịch vụ cầu cảng, kho bãi, logistics đạt thấp.

Tháng 4/2020, ước tính vận tải hành khách so với tháng trước giảm 82% về số lượng lượt khách vận chuyển và giảm 85,9% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 85,3%. Tính chung 4 tháng, vận tải hành khách so với cùng kỳ năm trước giảm 39% về số lượng lượt khách vận chuyển và giảm 37,8% về luân chuyển; doanh thu giảm 34,5%.

Vận tải hàng hóa so với tháng trước cũng giảm mạnh, nhưng có mức giảm thấp hơn mức giảm vận tải hành khách (vận chuyển giảm 55,9%; luân chuyển giảm 50,7%); doanh thu giảm 85,3%. Tính chung 4 tháng, vận tải hàng hóa so với cùng kỳ năm trước giảm 28% về khối lượng vận chuyển và giảm 25,1% về khối lượng luân chuyển; doanh thu giảm 23,9%.

Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 12,6% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

4. Chỉ số giá tiêu dùng


Chỉ số giá CPI tháng 4 năm 2020 giảm 1,42% so tháng trước, giảm 1,3% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,71% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị giảm 1,38% và khu vực nông thôn giảm 1,45%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính so với tháng trước thì có: 3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng (hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép); 3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm (đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông); còn lại 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ không thay đổi so với tháng trước.

CPI tháng 4 năm 2020 giảm so với tháng trước là do các nguyên nhân chủ yếu: (1) Do giá xăng, dầu, gas trên thị trường thế giới giảm mạnh nên trong nước cũng đã thực hiện hai kỳ điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu (ngày 29/3 và 13/4/2020);line-height:110%;font-family: 'Times New Roman','serif';background:white">ác cơ sở kinh doanh ăn uống ngừng hoạt động đã làm giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm, đồ uống bia rượu, nước ngọt các loại nên giá các mặt hàng này có xu hướng giảm; (3) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh nên nhiều nhóm ngành kinh doanh, dịch vụ tạm thời ngừng cung ứng đã làm cho chỉ số giá những nhóm này không biến động.

Chỉ số giá vàng tháng 4/2020 tăng 1,48% so với tháng trước, tăng 10,85% so với tháng 12 năm trước và tăng 24,76% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng ngày 23/4/2020 tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh ở mức 4.650 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2020 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,65% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,54% so cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 23/4/2020 mức giá bán ra 2.357 ngàn đồng/100USD.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,76% so với bình quân cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, điều đó thể hiện nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang có sự biến động lớn. Trong đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá biến động lớn tác động đến chỉ số chung là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,56% (trong đó hàng thực phẩm tăng 10,62%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,8%); đồ uống và thuốc lá tăng 3,2%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 5,27%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,32%; giao thông giảm 3,54% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính làm cho CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh với cùng kỳ năm trước đó là: (1) Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi làm cho nguồn cung thịt lợn giảm mạnh nên giá thịt lợn tăng cao; line-height:110%;font-family:'Times New Roman','serif'">iá gas, giá điện sinh hoạt và giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng so với cùng kỳ năm trước; (3) Giá dịch vụ y tế dành cho đối tượng không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo nghị quyết 176/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, giá các dịch vụ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tuỳ loại về mức ngang với giá dành cho đối tượng có sử dụng bảo hiểm y tế.

Chỉ số CPI tháng 5/2020 dự kiến tiếp tục tăng. Mặc dù đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng việc cho phép hoạt động trở lại các ngành hàng dịch vụ sẽ tác động đến cung cầu và giá cả hàng hóa dịch vụ, nhất là đối với dịch vụ ăn uống; lưu trú và dịch vụ lữ hành; điện và nước sinh hoạt...

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Tình hình đời sống dân cư

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng trệ và giảm sút, dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập và gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay các loại cây trồng vụ Xuân đã cho sản phẩm, cùng với việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH theo phương án gộp một lần tiền chế độ của tháng 4 và tháng 5/2020 nên tính đến ngày 15/4/2020 trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.

Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Hà Tĩnh dự kiến có 275.000 người thuộc 7 nhóm đối tượng được xem xét, giải quyết các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến là 468 tỷ đồng. Đây sẽ là giải pháp tích cực để hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhằm ổn định hơn cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

5.2. Hoạt động y tế

- Tình hình dịch bệnh: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, có nhiều diễn biến mới và phức tạp. Để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nằm trong nhóm có nguy cơ cao về diễn biến tình hình dịch Covid-19, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định 2431/UBND-VX1 tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22/4/2020. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp chiều ngày 22/4/2020, Hà Tĩnh đã chuyển sang nhóm “nguy cơ thấp” về lây lan dịch bệnh. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp chiều ngày 22/4/2020 đối với nhóm “nguy cơ thấp”, cơ bản dừng cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4/2020 cho đến khi có thông báo tiếp theo; chủ động xây dựng các giải pháp “sống chung với dịch” và có kiểm soát, chủ động thích ứng với diễn biến của dịch; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dồn sức cao độ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến ngày 20/4/2020, Hà Tĩnh có 4 trường hợp dương tính với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Đã có 3 trường hợp đã khỏi bệnh và được ra viện, sau khi ra viện tiếp tục cách ly tại nhà theo dõi thêm 14 ngày và chỉ còn 1 bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, Hà Tĩnh hiện đang cách ly 69 trường hợp tại bệnh viện, cách ly tập trung 281 trường hợp và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 3.803 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.

Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 87 trường hợp sốt rét, 21 trường hợp quai bị, 97 trường hợp mắc thủy đậu, 71 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 66 trường hợp mắc lỵ a míp, 6 trường hợp sởi và 10 trường hợp mắc bệnh do virut adeno. Tính chung 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 158 trường hợp sốt rét, 40 trường hợp quai bị, 181 trường hợp mắc thủy đậu, 123 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 112 trường hợp mắc lỵ a míp, 12 trường hợp sởi và 10 trường hợp mắc bệnh do virut adeno Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng: truyền thanh, truyền hình,báo...Trong tháng, Hà Tĩnh có 6 người nhiễm HIV (giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 4 người chuyển thành AIDS (giảm 6 trường hợp) và không có người chết vì AIDS (giảm 1 trường hợp). Tính chung 4 tháng, có 21 người nhiễm HIV, 16 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Tĩnh đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 85 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 32,53% so với cùng kỳ năm 2019. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tính chung 4 tháng, có 371 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 30,65% so với cùng kỳ.

5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2431/UBND-VX1 của UBND tỉnh, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, các hoạt động du lịch, cũng như các hoạt động tụ tập đông người đều tạm dừng không tổ chức để bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động thể thao có quy mô lớn cũng tạm dừng tổ chức, mà chỉ tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Về công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa vẫn được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Trong tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 20 giấy phép, trong đó: 01giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 13 giấy phép thuộc lĩnh vực VHCS; 06 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch.

5.4. Tai nạn giao thông

 Tính từ ngày 15/3/2020 đến ngày 14/4/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 8 người. So với tháng trước giảm 2 vụ, số người chết không thay đổi và giảm 2 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương.

Như vậy, tính từ 15/12/2019 đến 15/4/2020, Hà Tĩnh xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 42 người và bị thương 14 người. So cùng kỳ năm 2019 tăng 1 vụ, giảm 1 người chết và giảm 9 người bị thương.

5.5. Môi trường

- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 4/2020 xảy ra 3 vụ cháy (ở thành phố Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn và Cẩm Xuyên), làm 2 người chết, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 140 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 10 vụ cháy và 2 vụ nổ, tăng 1 người chết và giảm 1 người bị thương. Tính chung 4 tháng, xẩy ra 11 vụ cháy, làm 2 người chết, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 3,74 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 11 vụ cháy và 4 vụ nổ, số người chết không thay đổi và giảm 8 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 4/2020, đã phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm môi trường (không thay đổi về số vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 9 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm môi trường (giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 52 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép.

Cục Thống kê Hà Tĩnh


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện