1. Tài chính, ngân hàng
- Thu - chi ngân sách Nhà nước: Kết quả thu ngân sách Nhà nước quý I năm 2020 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn bị đình trệ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã ảnh đến nguồn thu ngân sách. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Trong thu cân đối ngân sách thì thu nội địa chiếm 41,9%. Bên cạnh kết quả thu nội địa đạt khá (đạt 33%) thì thu hải quan còn đạt thấp so với dự toán năm 2020. Nguồn thu bổ sung từ ngân sách Trung ương chiếm 45,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Mặc dù thu ngân sách gặp khó khăn nhưng việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển chiếm 34,5% tổng chi, tăng 6,8% so với cùng kỳ; chi thường xuyên chiếm 32,8% tổng chi, tăng 13,7% so với cùng kỳ; chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới chiếm 32,1% tổng chi, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.
- Hoạt động ngân hàng: Trong qúy I năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc và chỉ đạo thực hiện kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách mới của Nhà nước và của Ngành đến các tổ chức tín dụng tại địa bàn nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng năm 2020. Nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng so với đầu năm, đáp ứng nhu cầu vốn có hiệu quả cho nền kinh tế. Một số ngân hàng trên địa bàn đã triển khai các chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng, khuyến mãi đầu xuân hấp dẫn đã thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Dư nợ trung và dài hạn đạt 21.488 tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng dư nợ.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Lãi suất huy động phổ biển ở mức 0,2-0,8% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5%/năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,1-7%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên là từ 6,6-7,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên từ 5-6%/năm. Lãi suất cho vay thông thường từ 5-9% đối với khoản vay ngắn hạn, từ 9-11%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Hoạt động mua bán, kinh doanh ngoại tệ và vàng trên địa bàn diễn ra bình thường, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỷ giá. Các dịch vụ ngân quỹ tiếp tục thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn trong giao dịch.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Theo rà soát, đánh giá hiện có 44 khách hàng bị (27 doanh nghiệp, 1 HTX và 16 tư nhân, cá thể). T thời điểm 29/2/2020, ổng dư nợ của 44 khách hàng này là 609.779 triệu đồng. Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 7.626 triệu đồng, dư nợ được giảm lãi vay là 34.009 triệu đồng với số tiền lãi đã được giảm là 14 triệu đồng Doanh số cho vay mới từ 23/01/2020 đến 29/02/2020 là 1.655 triệu đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được thì việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Chưa có các giải pháp thực sự có hiệu quả để giúp các TCTD xử lý nợ xấu của các tàu cá; (2) Chưa có quy định về chuyển đổi nghề đối với một số chủ tàu có nguyện vọng; (3) Một số chủ tàu không thiện chí trả nợ, khai báo doanh thu không thành thật, cố tình chây ì.
2. Giá cả, lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,68% so tháng trước, tăng 4,54% so cùng tháng năm trước và tăng 0,12% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước thì khu vực thành thị giảm 0,64% và khu vực nông thôn giảm 0,72%.
Chỉ số chung CPI tháng 3/2020 nhìn chung biến động không lớn so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm là: thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước. Có 5 nhóm hàng hoá có chỉ số giảm so với tháng trước gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,96%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14%; giao thông giảm 5,12%; giáo dục giảm 0,02; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,73%. Còn lại 4 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Như vậy, sự biến động lớn của nhóm giao thông và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch đã tác động đến chỉ số giá chung. Nguyên nhân là do: tóng cửa, tạm ngừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, những yếu tố đó tác động đến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ làm thay đổi giá cả.
Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, với mức tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước thì chỉ số CPI bình quân quý I năm 2020 tăng ở mức cao nhất, điều đó thể hiện nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang có sự biến động lớn. Trong đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá biến động lớn tác động đến chỉ số chung là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,21% (trong đó hàng thực phẩm tăng 10,23%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 5,5%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính làm cho CPI quý I/2020 tăng mạnh với cùng kỳ năm trước đó là: iá gas, giá điện sinh hoạt và giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng so với cùng kỳ năm trước;
Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 4/2020 dự kiến giảm nhẹ so với tháng trước. Giá lương thực, thực phẩm dự kiến ổn định khi rau màu vụ Xuân cho sản phẩm thu hoạch; giá xăng dầu đang có xu thế giảm; các dịch vụ giải trí, du lịch, ăn uống dự kiến giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
3. Đầu tư và xây dựng
3.1. Đầu tư phát triển
Như vậy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I hàng năm giai đoạn 2015-2020 liên tục giảm mạnh qua các năm, quý I năm 2020 ước tính đạt thấp nhất trong giai đoạn này, chỉ bằng 23,4% so với quý I năm 2015. Sở dĩ vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm mạnh là do những năm qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn (quý I năm 2015 chiếm 86,1% tổng vốn đầu tư, nhưng nay chỉ chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư) nhưng nay nguồn vốn khu vực này giảm mạnh vì các dự án lớn đã hoàn thành; vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp. Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần phải được quan tâm thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Trong quý I năm 2020 chủ yếu thi công các dự án chuyển tiếp từ năm 2019, các dự án lớn khởi công mới đang hoàn thiện hồ sơ và chờ giao vốn để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số dự án xây dựng, bảo dưỡng nhà máy sử dụng nhà thầu nước ngoài đang tạm ngừng thi công do máy móc, thiết bị và nhân công chủ yếu nhập ngoại nên cũng đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn trong những tháng đầu năm. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì việc triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong thời gian tớ
3.2. Xây dựng
Trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2020 thì vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản chiếm 91,7%. Nhưng do nguồn vốn đầu tư phát triển quý I năm 2020 giảm nên giá trị sản xuất của ngành xây dựng giảm 21,2% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xây dựng trong qúy I năm 2020 chủ yếu là các công trình nhà để ở (chiếm 40,8%) và các công trình kỹ thuật dân dụng (chiếm 40,8%). Hiện nay trên địa bàn các công trình dự án trọng điểm vẫn đang được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ như: Dự án công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; cầu Cửa Hội vượt sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh; dự án nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt; dự án nhà máy gỗ An Việt Phát; dự án khu bến Phonix (bến số 5 và số 6) cảng Vũng Áng...Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế bởi ảnh hưởng dịch bệnh bệnh Covid-19, thì việc các doanh nghiệp xây dựng của Hà Tĩnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn vốn, khó khăn trong việc tiếp cận, nhận thầu các công trình lớn, đang là rào cản đối với hoạt động xây dựng.
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
4.1. Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính từ đầu năm đến 17/3/2020, toàn tỉnh thành lập mới 152 doanh nghiệp, bằng 83% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 1.258,5 tỷ đồng, bằng 49% so cùng kỳ năm trước, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,3 tỷ đồng, bằng 59% so cùng kỳ năm trước. Hàng năm các doanh nghiệp cũng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 3 tháng đầu năm 2020 đã giải quyết được 1.116 việc làm cho lao động mới, bằng 85% so cùng kỳ. Trong đó loại hình công ty TNHH giải quyết việc làm cho nhiều lao động mới nhất với 654 lao động, chiếm 58% trong tổng số, quy mô bình quân 5,5 lao động/doanh nghiệp; loại hình công ty cổ phần tạo việc làm mới cho 453 lao động, chiếm 40% trong tổng số, quy mô 14,6 lao động/doanh nghiệp.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới thì số doanh nghiệp gặp khó khăn phải chấm dứt hoạt động tính từ đầu năm đến 17/3/2020 là 17 doanh nghiệp, bằng 42% và số tạm ngừng là 127 doanh nghiệp, tăng 11% so cùng kỳ năm trước.
Những năm qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới luôn tăng so cùng kỳ, số vốn đăng ký và số vốn bình quân/doanh nghiệp cũng tăng khá cao. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020 có sự khác biệt, các chỉ tiêu đều giảm mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 17% so cùng kỳ; số vốn đăng ký chỉ bằng 49%, vốn bình quân/doanh nghiệp thấp, điều đó chứng tỏ quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng giảm. Số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất phải làm thủ tục tạm ngừng hoạt động tăng 11%. Ngoài các yếu tố khó khăn nội tại của doanh nghiệp như khó khăn về tài chính, thiếu lao động, thiếu mặt bằng sản xuất,..thì những tháng đầu năm ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú và xuất khẩu hàng hóa.
4.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong những tháng đầu năm, qua tổng hợp kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp dự báo về xu sản xuất kinh doanh, biến động về số lượng đơn đặt hàng, xu hướng về tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2020 như sau:
Về tổng quan tình hình SXKD của doanh nghiệp có 31,1% doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước (trong đó chỉ có 6,67% khẳng định SXKD tốt lên và 24,44% khẳng định giữ ổn định) và có tới 68,89% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước, đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng 5 năm qua. Dự báo quý II/2020 khả quan hơn so quý I khi có 57,78% doanh nghiệp nhận định SXKD sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (trong đó 26,67% dự báo tốt lên và 31,11% dự báo giữ ổn định). Các ngành dự báo SXKD quý II tốt hơn và giữ ổn định so quý I/2020: sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất giấy và các sản phầm từ giấy; in ấn; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế. Bên cạnh đó vẫn còn 42,22% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn quý trước.
Dự báo xu hướng quý II/2020 so với quý trước có 29,6% doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 27,3% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt giảm (ngành dệt, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất gạch, sản xuất chế biến thực phẩm,...); 28,9% doanh nghiệp có khối lượng thành phẩm tồn kho giảm và 33,3% doanh nghiệp có khối lượng nguyên vật liệu tồn kho giảm; có 6,7% doanh nghiệp có chi phí sản xuất trên một sản phẩm và giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm giảm.
Đánh giá về biến động lao động quý I/2020 so với quý IV/2019, có 73,3% doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động giữ ổn định và 26,7% khẳng định lao động giảm (không có doanh nghiệp nào tăng lao động). Dự báo lao động quý II/2020 so với quý trước, có 86,7% doanh nghiệp khẳng định giữ ổn định số lao động và có 13,3% doanh nghiệp dự kiến giảm số lao động, điều đó có thể khẳng định các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và không có nhu cầu tuyển thêm lao động.
Về sử dụng công suất máy móc, thiết bị: bình quân quý I/2020 các doanh nghiệp sử dụng 63,4% công suất của MMTB (giảm 5,6% so quý trước), trong đó có 15,6% doanh nghiệp sử dụng 90-100% công suất; 40% oanh nghiệp sử dụng từ 70% đến dưới 90% công suất; 17,8% doanh nghiệp sử dụng từ 50% đến dưới 70% công suất và 26,7% doanh nghiệp sử dụng dưới 50% công suất thiết kế. Qua đó có thể thấy tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sử dụng tối đa công suất máy móc thiết bị là rất thấp. Những ngành có hệ số sử dụng công suất MMTB bình quân cao như: sản xuất đồ uống 100%; dệt 100%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị 100%; sản xuất giấy và sản phầm từ giấy 85%; sản xuất kim loại 70%.
Trong 13 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì có 4 yếu tố quan trọng được các doanh nghiệp đánh giá nhiều nhất là "Nhu cầu thị trường trong nước thấp", "Tính cạnh tranh của hàng trong nước cao", “Khó khăn về tài chính”, “Thiếu nguyên, nhiên vật liệu” cụ thể: có 71,1% doanh nghiệp khẳng định “Tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”, 90% doanh nghiệp khẳng định yếu tố “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”, 46,7% doanh nghiệp cho rằng vấn đề “Khó khăn về tài chính” và 33,3% doanh nghiệp khẳng định “Thiếu nguyên, nhiên vật liệu” là các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển SXKD của doanh nghiệp.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
5.1. Nông nghiệp
- Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong quý I/2020, tập trung chủ yếu vào chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông 2019 và gieo trồng, chăm sóc cây vụ Xuân năm 2020.
+ Kết quả sản xuất vụ Đông 2019: Do điều kiện thời tiết đầu vụ mưa nhiều nên khó khăn trong việc triển khai gieo trỉa các loại cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông năm 2019 tuy đạt kế hoạch đặt ra nhưng lại giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 1.212 ha). Mặc dù năng suất có tăng nhưng do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng ngô và sản lượng khoai lang vụ Đông 2019 ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước (ngô giảm 2.562 tấn, khoai lang giảm 1.815 tấn). Kết quả cụ thể một số cây trồng chủ lực vụ Đông 2019 như đã phản ánh ở trên.
+ Kết quả sản xuất vụ Xuân 2020: Với các giải pháp về cung cấp giống và phân bón có chất lượng với giá cả hợp lý; tập trung điều tiết nước đảm bảo phục vụ cày bừa và xuống giống đúng lịch thời vụ; theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời...nhưng do thời tiết mưa nhiều, đất ướt, lạc gieo bị chết và một số vùng lúa mới cấy bị ngập úng chết, người dân tập trung thời gian để trồng dắm lại lúa nên chậm mất thời vụ sản xuất cây trồng cạn. Vì vậy, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Xuân 2020 ước giảm so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trỉa các loại cây trồng chủ lực vụ Xuân như lúa, lạc, rau năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các trà lúa Xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá, các loại cây trồng khác sinh trưởng và phát triển tốt. Bà con nông dân đang tích cực chăm sóc các loại cây trồng, đặc biệt là thăm đồng phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh phá hoại cây trồng vụ Xuân.
+ Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Thời tiết với nền nhiệt thấp, trời âm u, có mưa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch bệnh phát sinh gây hại đối với cây trồng. Hiện nay trên cây lúa một số đối tượng sâu bệnh cũng đã phát sinh gây hại như: Bệnh đạo ôn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh
với tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 30-40% và xuất hiện cháy chòm ở thị xã Hồng Lĩnh và huyện Cẩm Xuyên, diện tích nhiểm đạo ôn là 604,45 ha, (Cẩm Xuyên 496,6 ha, Hồng Lĩnh 45 ha, Đức Thọ 20 ha, Kỳ Anh 20 ha, Can Lộc 11 ha; Thạch Hà 4 ha, Nghi Xuân 2 ha, Vũ Quang 2 ha, Hương Sơn 1 ha, Hương Khê 1 ha, Lộc Hà 1,5 ha), trong đó có 21,35 ha nhiễm nặng, tập trung trên giống lúa NA6, BH9, Xi23, TBR225, P6,…Hiện nay, cây lúa đang thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Bên cạnh bệnh đạo ôn thì các đối tượng như: Chuột, bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã xuất hiện gây hại đối với cây lúa (bọ trĩ gây hại 121 ha và chuột phá hoại 351 ha). Bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng trên cây lạc và sâu keo mùa thu, bệnh khô vằn, đóm lá trên cây ngô cũng đã phát sinh sây hại nhưng mức độ ảnh hưởng còn nhẹ. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, cùng với việc diệt trừ các loại sâu bệnh đã phát sinh gây hại thì bà con nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phòng trừ các đối tượng gây hại đối với cây trồng vụ Xuân, nhất là bệnh đạo ôn.
- Chăn nuôi: Với kết quả như phản ánh ở trên cho thấy sản xuất chăn nuôi quý I năm 2020 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng cũng như sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng của đàn vật nuôi (chỉ có kết quả chăn nuôi gia cầm cơ bản ổn định). Có thể nhận thấy rằng, dịch tả lợn châu Phi đã có tác động rất lớn đến tổng đàn lợn của Hà Tĩnh. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại phải chịu thiệt hại nặng nề như thời gian qua khi có đến trên 32 ngàn con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, có đến hàng nghìn gia đình bị dịch “xóa” chuồng và dừng nuôi vô thời hạn. Dè dặt, lo lắng đang là tâm lý chung của tất cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước quyết định tái đàn sản xuất. Bởi môi trường tổn thương, mầm dịch tiềm ẩn sẽ là “mồi” để dịch tả lợn châu Phi quay trở lại trên đàn vật nuôi, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tổng đàn lợn của địa phương. So với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại lớn đã có những dấu hiệu tốt hơn. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, bắt buộc giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái để đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Dù việc tái đàn vẫn cần phải căn ke, cẩn trọng nhưng sản xuất phải được phục hồi đó là điều tất yếu. Tín hiệu tích cực đối với hoạt động chăn nuôi trong thời gian qua đó là các hộ chăn nuôi đã đưa giống bò Belgan Blue Breed hay còn gọi là bò "3B" có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt chuyên dụng, cơ bắp phát triển siêu trội hơn so với bò thường khoảng 40% vào nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Phát triển chăn nuôi bò "3B" nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi là hướng đi thích hợp khi mà chăn nuôi lợn thiếu sự ổn định do dịch bệnh và giá cả. Cùng với sự duy trì phát triển ổn định của đàn gia cầm, những hướng đi mới trong chăn nuôi bò và việc phục hồi được đàn lợn là cơ sở tạo bước phát triển đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, từ đầu năm đến ngày 20/3/2020, bệnh DTLCP đã xẩy ra trên địa bàn 9 xã thuộc 6 huyện: xã Cẩm Dương, xã Cẩm Thịnh, xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên); xã Tùng Ảnh, xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ); xã Phú Phong (huyện Hương Khê); phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh); phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) và xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh), làm cho 65 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy với trọng lượng trên 2,9 tấn. Hiện nay, đã có 7/9 xã có dịch đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết và không phát sinh ca bệnh mới. Còn xã Yên Hòa và xã Thạch Bình bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Lũy kế từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay đã có 173/175 xã có dịch qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết do DTLCP không phát sinh ca bệnh mới; còn 2 xã có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Dịch lở mồm long móng đã xẩy ra tại các xã Phú Lộc (Can Lộc), Sơn Kim 2 (Hương Sơn), Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh), làm cho 54 con gia súc mắc bệnh (1 trâu, 53 bò), đến thời điểm hiện nay trên địa bàn không còn gia súc mắc bệnh. Các loại dịch bệnh khác không xẩy ra đối với đàn vật nuôi. Một số địa phương đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6, trong đó có tỉnh Nghệ An giáp ranh với Hà Tĩnh. Vì vậy, tỉnh đã có công điện chỉ đạo, ngành chuyên môn có khuyến cáo các địa phương phải vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
5.2. Lâm nghiệp
Hoạt động khai thác lâm sản chủ yêu là từ gỗ rừng trồng. Diện tích rừng sản xuất đến độ khai thác đã được thu hoạch để trồng mới lại rừng. Do các chủ rừng đang tích cực triển khai thực hiện trồng rừng vụ Xuân Hè năm 2020 nên diện tích rừng trồng tập trung quý I năm 2020 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước. Cùng với trồng rừng sản xuất, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án trồng 51,1 ha rừng thay thế tại tại tiểu khu 9A (thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) do thiệt hại sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019. Còn đối với trồng cây phân tán thì do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán đang có xu thế ngày càng giảm.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra thiệt hại về rừng.
5.3. Thuỷ sản
Trong tháng 3 cũng như 3 tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất thủy sản vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do thời tiết trên ngư trường thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Sản lượng khai thác những chuyến biển đầu năm đạt khá với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế, nhất là được mùa cá cơm, nguồn cá cơm dồi dào không chỉ giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập mà còn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất nước mắm, cá khô. Với việc giá bán sản phẩm ổn định, trong khi giá nhiên liệu giảm nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác hải sản. Cùng với đó, các hộ nuôi trồng cũng thu hoạch sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, các hộ nuôi tôm đang tích cực xử lý, cải tạo ao nuôi sẵn sàng thả giống nuôi tôm vụ Xuân Hè 2020 đảm bảo đúng lịch thời vụ. Vụ tôm Xuân Hè năm 2020, toàn tỉnh dự kiến sẽ thả hơn 520 triệu con tôm giống, trên tổng diện tích 2.750 ha, trong đó: thành phố Hà Tĩnh 355 ha, thị xã Kỳ Anh 500 ha, huyện Kỳ Anh 480 ha, Cẩm Xuyên 300 ha, Thạch Hà 450 ha, Lộc Hà 130 ha và Nghi Xuân 535 ha. Nuôi tôm theo hướng thâm canh - an toàn sinh học nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo VSATTP là hướng đi đang được Hà Tĩnh mở rộng trong vụ nuôi năm nay và hy vọng vụ tôm Xuân Hè sẽ thắng lợi.
Trong tháng 3/2020, đã xẩy ra hiện tượng ngao nuôi chết trên địa bàn huyện Lộc Hà và huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì ngao chết không phải do dịch bệnh, mà chủ yếu là do thời gian nuôi dài, môi trường nuôi không đảm bảo, thời tiết có sương muối và đặc biệt là mật độ nuôi ngao quá cao so với khuyến cáo.
5.4. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2020 dự ước vẫn dữ được mức tăng so với tháng trước (tăng 16,57%), nhưng tính chung quý I năm 2020 thì chỉ số sản xuất công nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù với mức giảm nhẹ nhưng tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì đây là năm đầu tiên quý I có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao nhưng phải giảm sản lượng, gặp khó khăn trong sản xuất, tạm ngừng bảo dưỡng thiết bị đặc biệt là ngành sản xuất kim loại Công ty Formosa Hà Tĩnh. Quý I năm 2020, trong mức giảm chung 0,75% của toàn ngành công nghiệp thì: ngành khai khoáng đóng góp 0,06 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,29 điểm phần trăm (là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu toàn ngành công nghiệp); sản xuất và phân phối điện đóng góp 5,24 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải đóng góp 1,24 điểm phần trăm. Trong những năm qua cũng như hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp ở Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ dự án Formosa (chủ yếu là sản phẩm thép, điện), từ lúc dự án đi vào hoạt động đã đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như kinh tế chung của tỉnh. Nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng từ dự án Formosa, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm tăng tăng 11,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng tăng 8,63%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 13,52%, làm giảm 8,26 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 45,9%, đóng góp 14,22 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 94,21%, đóng góp 4,99 điểm phần trăm. Có thể nhận thấy rằng, kết quả sản xuất của Công ty Formosa chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như toàn ngành công nghiệp nhưng những tháng đầu năm sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm có xu hướng giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty Formosa dự kiến giảm lượng sản xuất. Mặc dù trên địa bàn Hà Tĩnh chưa phát hiện trường hợp nào mắc dịch Covid-19, nhưng những ảnh hưởng từ dịch cũng đã tác động đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp của địa phương.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 tăng 34,58% so với tháng trước và tăng 4,59% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 26,83%; sản xuất đồ uống giảm 12,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 6,09%; sản xuất kim loại giảm 5,81%...Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: sản xuất trang phục tăng 108,55%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 5,28%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,06%...Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 tăng 32,24% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ số tồn kho tăng cao hơn so với chỉ số tiêu thụ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2020 giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm lần lượt là 2,9% và 15,7%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 6%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn nên phải điều chỉnh giảm lao động, chủ yêu là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
6. Thương mại, dịch vụ
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu đóng cửa, tạm ngừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, các loại hình dịch vụ tập trung đông người, hoạt động du lịch; các cơ sở giáo dục tiếp tục tạm nghỉ, nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, vật tư văn phòng giảm mạnh; hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu giảm; cùng với đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã tác động làm cho tổng mức bán lẻ tháng 3/2020 ước tính giảm 2,14% so với tháng trước. Trong tháng 3/2020, một số nhóm ngành hàng có doanh thu giảm mạnh so với tháng trước như: Vật phẩm, văn hóa giáo dục giảm 11,8%; phương tiện đi lại giảm 15,59%; đá quý, kim loại và sản phẩm giảm 16,13%.
Mặc dù tháng 3/2020 có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao trong dịp Tết nên tính chung 3 tháng đầu năm 2020 thì tổng mức bán lẻ hàng hoá vẫn duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 10,45%).
6.2. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 3/2020 ước tính giảm mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước (tương ứng mức giảm 13,11% và 29,22%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 16,68%), giảm đều ở cả 3 ngành dịch vụ. Nguyên nhân do ảnh hưởng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cùng với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làm cho người dân ngại tụ tập đến những nơi đông người, dẫn đến lượt khách đến tham quan du lịch, ăn uống giảm mạnh.
- Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 3/2020 ước tính giảm so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ năm trước (lần lượt giảm 9,25% và 6,95%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,56%). Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 làm cho khu vui chơi giải trí phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến doanh thu hoạt động dịch vụ khác giảm.
6.3. Hoạt động vận tải
Nhìn chung, hoạt động vận tải tháng 3/2020 cũng như 3 tháng đầu năm 2020 đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu di chuyển các tuyến liên tỉnh cũng như nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đều giảm mạnh. Tính đến thời điểm ngày 17/3/2020, chỉ còn khoảng hơn 35 nhà xe hoạt động tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh. Còn vận tải hàng hóa, sau Tết các công trình xây dựng đã hoạt động trở lại nhưng đang còn chậm do tình hình nhân công gặp khó khăn, nhất là lực lượng lao động ngoại tỉnh, dẫn đến nhu cầu vận tải vật liệu phục vụ xây dựng công trình, dự án giảm; việc người dân hạn chế tụ tập nơi đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nên việc trao đổi hàng hóa tiêu thụ chậm, khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu dùng cũng giảm theo. Cùng với đó, do hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua cảng giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến các hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải.
7. Các vấn đề xã hội
7.1. Dân số, lao động và việc làm
Quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình về lao động và giải quyết việc làm cho người lao động tại Hà Tĩnh gặp khó khăn hơn cùng kỳ những năm trước. Tình hình việc làm và thu nhập cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có chiều hướng tăng. Trước tình hình đó lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành đã tập trung quyết liệt, chỉ đạo, tuyên truyền, hỗ trợ vật chất, động viên người dân tiếp tục sản xuất kinh doanh, không gây hoang mang trong dư luận và cộng đồng dân cư.
Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên quý I/2019 ước tính 726.289 người, chiếm 56,29% dân số toàn tỉnh; số lao động đang làm việc là 687.711 người (chiếm 94,69% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên), số người không có việc làm (thất nghiệp) là 38.578 người (chiếm 5,61% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 3,8%, tăng 1,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Khi phân lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo ngành kinh tế thì: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có 350.416 người, chiếm 50,95%; công nghiệp xây dựng 166.760 người, chiểm 24,25% và dịch vụ 170.535 người chiếm 24,8%.
Ước tính quý I/2020, Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho 4.152 người, giảm 35,44% (giảm 2.279 người) so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 2.178 người, giảm 36,41% (giảm 1.247 người); xuất khẩu lao động 1.399 người, giảm 19,87% (giảm 347 người); lao động đi làm việc ngoại tỉnh 575 người, giảm 54,37% (giảm 685 người).
7.2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng trệ và giảm sút, dịch tả lợn Châu Phi chưa được đập tắt triệt để, dịch lở mồm long móng phát sinh làm cho tình hình chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn...là những nguyên nhân làm cho đời sống dân cư quý I/2020 có phần giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nên tình hình thiếu đói ở Hà Tĩnh không xảy ra.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quý I/2020, đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 209.454 suất quà với tổng kinh phí 60,59 tỷ đồng, bao gồm 21,97 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; 11,81 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo và 26,81 tỷ đồng cho cứu trợ xã hội khác. Đồng thời, trao tặng 2 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng trị giá 13 triệu đồng; xây mới 50 nhà tình nghĩa trị giá 3,12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp 23.476 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 42.517 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 95.617 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 40.747 thẻ BHYT cho người có công.
7.3. Hoạt động giáo dục đào tạo năm học 2019-2020
- Giáo dục phổ thông:
+ Giáo dục mầm non: Tổng số giáo viên 5.090 người; học sinh nhà trẻ 4.002 em và mẫu giáo 71.894 em. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tốt: Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo là 90,6% (trẻ 5 tuổi chiếm 99,98%); số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi giảm nhiều so với đầu năm. Toàn tỉnh có 173/266 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
+ Giáo dục tiểu học: Tổng số giáo viên giảng dạy 5.245 người, giảm 3,87% (giảm 211 người); tổng số học sinh có 118.608 em, tăng 6,03% (tăng 6.746 em) so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (6-10 tuổi) ở cấp tiểu học là 118.069 em, chiếm tỷ lệ 99,55%. Toàn tỉnh có 197/241 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 116 trường (tỉ lệ 58,9%) đạt chuẩn mức độ 2. Có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
+ Trung học cơ sở: Tổng số giáo viên giảng dạy 4.699 người, giảm 4,08% (giảm 200 người); tổng số học sinh có 75.788 em, tăng 0,49% (tăng 368 em) so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (11-14 tuổi) ở cấp trung học cơ sở là 74.981 em, chiếm tỷ lệ 98,94%. Toàn tỉnh có 126/150 trường THCS đạt chuẩn quốc gia; có 10/13 huyện, thị xã, thành phố đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 3; 3 huyện, thị xã đạt mức độ 2 (huyện Vũ Quang, Hương Khê và Thị xã Hồng Lĩnh); toàn tỉnh đạt mức độ 2 phổ cập giáo dục trung học cơ sở. + Trung học phổ thông: Tổng số giáo viên giảng dạy 2.768 người, giảm 0,79% (giảm 22 người); tổng số học sinh có 43.815 44.267 em, giảm 1,02% (giảm 452 em) so cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (15-17 tuổi) ở cấp THPT là 43.213 em, chiếm tỷ lệ 98,63%. Toàn tỉnh có 32/46 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
- Giáo dục đào tạo
Năm học 2019-2020, hệ giáo dục đào tạo ở Hà Tĩnh có 01 trường Đại học với số lượng giáo viên có 199 người, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: trình độ trên đại học 185 người; đại học và cao đẳng 14 người); số lượng học sinh là 2.123 em, giảm 32,86% (hệ đại học 2.067 em, hệ cao đẳng 56 em); số tuyển mới có 327 em (hệ đại học 289 em và hệ cao đẳng 38 em). Cùng với sự phát triển của giáo dục chuyên nghiệp, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng cao. Các cơ sở đào tạo, công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được quan tâm chú trọng. Mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có định hướng, khảo sát tiềm năng và tính bền vững của nghề đào tạo. Quý I/2020 đã tổ chức dạy nghề cho 1.149 người, tăng 54,44% (tăng 405 người) so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: trình độ trung cấp nghề 50 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1.099 người.
Cũng như cả nước, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Hà Tĩnh cũng đã quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học bắt đầu từ 04/02/2020. Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay toàn bộ học sinh Hà Tĩnh đã nghỉ học gần 2 tháng. Để đảm bảo tình hình học tập cho học sinh và thực hiện tốt Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo quán triệt công văn đến các trường, các cơ sở giáo dục và cung cấp thêm một số địa chỉ dạy học trực tuyến phù hợp để học sinh có thể tự học.
7.4. Hoạt động Y tế
Quý I/2020, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết. Bảo đảm tốt công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị ở bệnh viện các tuyến.
- Tình hình dịch bệnh: công tác phòng chống dịch tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, kịp thời, chủ động. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Để sẵn sàng chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch phù hợp với tình hình diễn biến của dịch như: yêu cầu đóng cửa tạm thời tất cả các điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm ăn uống công cộng trên địa bàn toàn tỉnh; chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng; tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây bệnh, đặc biệt quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh về địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với các trường hợp đến, đi qua vùng có dịch; đồng thời sàng lọc, áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát y tế phù hợp đối với từng loại trường hợp, bảo đảm chặt chẽ; tạm dừng việc đón, tiếp các tổ chức, cá nhân khách quốc tế, nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến thăm, làm việc với tỉnh…
Tính đến hết ngày 19/3/2020, Hà Tĩnh chưa có trường hợp nào dương tính với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19; hiện đang cách ly 10 trường hợp tại bệnh viện, cách ly tập trung 88 trường hợp và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 1.658 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định. Trong quý I/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 71 trường hợp sốt rét, 52 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 46 trường hợp mắc lỵ a míp, 19 trường hợp mắc bệnh quai bị, 84 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, 6 trường hợp mắc bệnh sởi. Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng: truyền thanh, báo... Quý I năm 2020, Hà Tĩnh có 15 trường hợp nhiễm HIV (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), 12 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (giảm 13 trường hợp) và không có trường hợp chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Tĩnh đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Quý I/2020, Hà Tĩnh chỉ có 286 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (giảm 30,07% so với cùng kỳ năm trước) và không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
7.5. Hoạt động văn hóa - thể thao
- Hoạt động văn hóa: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Hà Tĩnh được tổ chức với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, nội dung bổ ích, lành mạnh. Các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có Công văn số 1463 /UBND-VX1 ngày 15/3/2020, đề nghị đóng cửa, t vui chơi, giải trí; các hoạt động du lịch, hướng dẫn du lịch trên địa bàntính mạng của nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong quý I/2020, các di tích đều thực hiện tốt Công điện của Bộ VH,TTDL và chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra. Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch Hà Tĩnh thực hiện cấp 26 giấy phép, trong đó: 4 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 17 giấy phép thuộc lĩnh vực quảng cáo; 5 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch.
Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành văn hóa, xã hội tỉnh thực hiện đợt kiểm tra diện rộng đối với các dịch vụ thuộc Sở quản lý. Qua kiểm tra tại 75 cơ sở: có 3 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, 3 cơ sở kinh doanh karaoke chưa đầy đủ thủ tục hành chính; 14 phòng của 6 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo diện tích theo quy định nhưng vẫn được thẩm định cấp phép; buộc tháo dỡ 21 biển hiệu vượt quá diện tích theo quy định; xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức, 4 cá nhân với số tiền 36 triệu đồng; tịch thu chờ tiêu hủy 5.000 tờ rơi, tờ gấp quảng cáo các loại phát hành trái quy định.
- Hoạt động thể thao: Đầu năm, trong không khí “ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý năm 2020” tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao như: kéo co, bóng chuyền, bóng đá, thi đấu cờ tướng, cờ thẻ, đua thuyền và các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo hạn chế tổ chức các hoạt động thể thao có quy mô lớn, nhưng tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực 7.6. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
- Về an toàn giao thông: Tính từ ngày 15/02/2020 đến ngày 14/3/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 8 người, bị thương 2 người. So với tháng trước giảm 5 vụ, giảm 8 người chết và giảm 4 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và giảm 2 người bị thường. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông.
Tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/3/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 34 người và bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 3 vụ, giảm 2 người chết và giảm 7 người bị thương.
- Về an ninh, chính trị: Trong dịp Tết Nguyên đán, tính từ ngày 23-29/01/2020 (tức là ngày 29 tết đến ngày mồng 5 Tết) xảy ra 5 vụ phạm pháp hình sự, đều là cố ý gây thương tích làm bị thương 7 người (giảm 5 vụ, giảm 2 người bị thương) so với cùng kỳ năm 2019; phát hiện và bắt giữ 1 vụ, 1 đối tượng tang trữ trái phép chất ma túy. Phát hiện 299 vụ, 279 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 28 vụ, tăng 18 đối tượng) so với cùng kỳ năm 2019, thu giữ 18kg pháo cáo loại; riêng trong đêm Giao thừa, công an các địa phương đã phát hiện, bắt giữ 210 vụ và 223 đối tượng tàng trữ, đốt pháo trái phép (giảm 29 vụ và 29 đối tượng).
7.7. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 3/2020 xảy ra 4 vụ cháy, trong đó: có 3 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy ô tô. Quý I/2020, trong khu vực dân sự đã xẩy ra 8 vụ cháy, giảm 9 vụ cháy và 2 vụ nổ so với cùng kỳ năm 2019 (riêng dịp Tết xảy ra 1 vụ cháy, giảm 4 vụ), với tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 3,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.
- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 3/2020, đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm môi trường (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 43 triệu đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm môi trường (giảm 18 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 43 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép; chỉ có 1 vụ là vi phạm môi trường về việc tàu đánh bắt làm đổ dầu trên bến đò ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.
Cục Thống kê Hà Tĩnh
Thêm ý kiến góp ý