Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2019

  

00:42 31/12/2019


             Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 có những thuận lợi từ kết quả đạt được của năm 2018, tình hình chung ổn định, môi trường phát triển tiếp tục chuyển biến tích cực. Tuy vậy, Hà Tĩnh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Tăng trưởng công nghiệp có xu hướng chậm lại, sản xuất và xuất khẩu thép gặp khó khăn; động lực tăng trưởng không còn nhiều; các dự án lớn chậm tiến độ; thiên tai mưa lũ và dịch bệnh đối với chăn nuôi gây thiệt hại lớn; công tác bảo vệ, xử lý môi trường còn nhiều khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện; chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn cùng kỳ. Kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực, cố gắng lớn trong chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành, địa phương; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/12/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 108/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh. Ước tính năm 2019, có 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch: Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm; tỷ lệ dân số tham gia BHYT; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; số giường bệnh/1 vạn dân; giải quyết việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo; độ che phủ rừng. 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Thu ngân sách trên địa bàn; tổng sản lượng lương thực; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom; số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 3 chỉ tiêu không đạt: Tăng trưởng kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất khẩu. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

1.1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDRP năm 2019 của Hà Tĩnh ước tính đạt mức tăng trưởng khá 10,99% so với năm 2018. Mặc dù tăng trưởng chưa đạt so với kế hoạch đề ra (11,5-12%) nhưng kết quả đạt được cũng đã khẳng định tính quyết đoán, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng khá trong năm 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,58% (năm 2018 tăng 5,59%), đóng góp -0,23% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 21,94%, đóng góp 8,84%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,3%, đóng góp 2,38%.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 gặp nhiều khó khăn do thiên tai lũ lụt và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi. Nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn cả về thị trường và giá cả. Nắng nóng kéo dài cộng thêm ý thức của người dân đã gây cháy rừng trên diện rộng. Riêng ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng so với năm 2018. Đối với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sau sự tăng trưởng khá năm 2018 (5,59%), năm 2019 có sự sụt giảm mạnh (-1,58%), đóng góp -0,23% vào mức tăng trưởng chung do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đây là năm thứ hai khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng âm (năm 2017 -2,67%). Năm 2019 tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản của Hà Tĩnh vẫn chưa có bước đột phá về chiều sâu.

- Hoạt động công nghiệp năm 2019 tiếp tục tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm trước đạt 28,34%, đóng góp 8,75 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Hà Tĩnh còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động sản xuất của Dự án Formorsa. Năm 2019, nếu loại trừ yếu tố thép, phôi thép, điện sản xuất của Formosa thì tốc độ tăng trưởng kinh tế còn 4,44%; riêng của ngành công nghiệp còn 11,15%; năm 2018 lần lượt là 7,9% và 16,42% (trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 20,38% và của khu vực công nghiệp là 69,99%). Như vậy, tăng trưởng năm 2019 chưa đạt so với kế hoạch đề ra nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm sản lượng của Formosa. Hà Tĩnh vẫn đang còn hạn chế trong phát triển công nghiệp sau thép, kết nối với các tỉnh trong khu vực về chuỗi giá trị ngành thép và hệ thống logictics, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư vào khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...Tái cơ cấu các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm, chưa tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu nội ngành.

Hoạt động xây dựng tiếp tục khó khăn với tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm trước là 0,96%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Nhiều dự án lớn chậm thi công, một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài triển khai chậm, dự án xây dựng khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa đã cơ bản hoàn thành đi vào sản xuất. Việc Formosa giảm đầu tư, trong khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II chưa triển khai xây dựng như dự kiến đã làm cho tăng trưởng xây dựng của khu vực FDI giảm mạnh.

- Khu vực sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ nhìn chung ổn định và tiếp tục có sự phát triển, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân, tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với năm 2018 đạt 5,16%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế chung. Thị trường hàng hoá phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hoạt động bán lẻ tăng trưởng tích cực, giá cả thị trường không có nhiều biến động. Hạ tầng thương mại phát triển tích cực, các loại hình thương mại như siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện ích từng bước hình thành phát triển trên địa bàn nông thôn...Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, ước năm 2019 tăng 10,6% so với năm 2018; tổng khách du lịch lưu trú đạt 1,85 triệu lượt khách, tăng 5,98% so với năm 2018, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế ngành lưu trú, ăn uống ước tăng 7,64%; hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá trong thời gian qua tăng trưởng khá ổn định, tốc độ tăng trưởng ngành vận tải kho bãi ước tăng 4,62% .

- Hiện nay, thực hiện tính chỉ tiêu GRDP theo giá cơ bản thì thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm được tính trực tiếp vào GRDP. Năm 2019, thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm theo giá so sánh tăng 5,82% so với năm 2018 đã làm tăng 0,56 điểm phần trăm trong tổng mức tăng trưởng chung.

Nhìn chung, giai đoạn 5 năm từ 2015 đến 2019 Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi trong tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn này tăng trưởng của Hà Tĩnh phụ thuốc rất lớn vào dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Do nền kinh tế năm 2016 giảm sâu, nên tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 5,83%/năm, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,01%/năm; khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 11,69%/năm; khu vực dịch vụ đạt 4,3%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt -3,11%/năm. Mặc dù khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng là thành tố quan trọng đóng góp cho sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả giai đoạn. Tuy nhiên, năm 2016 với hoạt động xây dựng thông qua vốn đầu tư dự án Fomosa đã đầu tư xây dựng hoàn thành và năm 2019 sau khi lò cao số 2 bước vào sản xuất ổn định ở năm thứ 2 đã làm cho tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng hai năm này đạt thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Như vậy, việc hoạt động sản xuất ổn định của Dự án Fomosa đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất công nghiệp của địa phương cũng như của cả nước tạo tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo và tạo tiền đề cho bước đột phá mới.

1.2. Cơ cấu nền kinh tế

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian qua là kết quả của những thay đổi quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mô hình tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đã có sự chuyển đổi, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến mới, trong đó yếu tố sản xuất đóng vai trò quan trọng. Nông nghiệp nông thôn phát triển khá. Công nghiệp có bước phát triển đột phá; bắt đầu thu hút được công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng mới; công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động thương mại dịch vụ phục hồi nhanh và tăng trưởng khả quan sau sự cố môi trường, xã hội hóa các loại hình dịch vụ được đẩy mạnh và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng xã hội. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế không còn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nhưng xét một cách tổng thế thì cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh chuyển dịch vẫn đang còn chậm.

          2. Tài chính, ngân hàng

          2.1. Thu - chi ngân sách


          Trong điều kiện nền kinh tế đang có những khó khăn chung nhưng được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm của ngành Thuế, Hải quan và sự đồng hành của hệ thống chính trị nên thu ngân sách vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do cơ cấu các khoản thu ngân sách không đảm bảo dự toán đầu năm, các khoản thuế, phí và thu khác đưa vào cân đối ngân sách chưa đạt kế hoạch, hụt thu ngân sách tỉnh trong năm 2019 nên khả năng cân đối ngân sách để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán còn khó khăn. Trong thu cân đối ngân sách thì thu hải quan chiếm 31,8% và thu nội địa chiếm 36,1%. Nguồn thu bổ sung từ ngân sách Trung ương chiếm 50% tổng thu ngân sách Nhà nước. Kết quả năm 2019, thu hải quan đạt 85,5% và thu nội địa đạt 107,1% dự toán năm 2019, đây là kết quả khá tích cực trong việc thu ngân sách trên địa bàn.

          Cùng với việc thực hiện thu ngân sách thì việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự toán đầu năm và triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển chiếm 13,1% tổng chi, giảm 13,5% so với cùng kỳ; chi thường xuyên chiếm 33,1% tổng chi, giảm 0,95% so với cùng kỳ; chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới chiếm 32,6% tổng chi, tăng 8,9% so với năm 2018.

2.2. Hoạt động ngân hàng

            Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc và chỉ đạo thực hiện kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách mới của Nhà nước và của ngành đến các tổ chức tín dụng tại địa bàn nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Vì vậy, trong thời gian qua hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển. Nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn khá ổn định. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5% - 1,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%- 5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5% - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,5% - 7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nguồn vốn trung, dài hạn tăng đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chủ động nguồn vốn và đầu tư cho vay dài hạn, tạo điều kiện cho khách hàng mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh số cho vay tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ, chứng tỏ vòng quay vốn nhanh, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tốt. Nợ xấu được kiểm soát và dưới mức cho phép (1,21%). Hoạt động mua bán, kinh doanh ngoại tệ và vàng trên địa bàn diễn ra bình thường, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỷ giá. Các dịch vụ ngân quỹ tiếp tục thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn trong giao dịch. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động ngân hàng trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, đó là: Cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67 nợ xấu ngày càng tăng (chiếm trên 77% dư nợ cho vay NĐ 67), các chủ tàu vẫn tiếp tục thiếu phối hợp và chây ỳ việc trả nợ cho các ngân hàng; việc cho vay một số dự án lớn không thu hồi được nợ (như Dự án chăn nuôi Bình Hà, dự án Thép Vạn lợi,...) làm ảnh hưởng đến tính an toàn vốn, thậm chí ảnh hưởng đến cả trách nhiệm pháp lý của cán bộ.

          3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

          3.1. Sản xuất nông nghiệp


          a. Trồng trọt:

          Năm 2019, diện tích gieo cấy lúa tăng nhưng do điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi nên đã ảnh hưởng làm giảm năng suất của cả hai vụ sản xuất chính trong năm. Vụ Xuân việc gieo cấy lúa của bà con nông dân sớm hơn lịch thời vụ khoảng 10-15 ngày nên lúa đã trổ sớm và lại đúng vào đợt không khí lạnh cuối mùa. Vụ Hè Thu thì vào những thời điểm sinh trưởng, trổ bông, cây lúa liên tục bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, hạn hán kéo dài. Giai đoạn cuối vụ lúa chín đang thu hoạch thì bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn từ ngày 28/8 đến 5/9/2019 làm cho 2.337 ha lúa mất trắng năng suất. Do năng suất giảm nên tổng sản lượng lúa cả năm 2019 sơ bộ giảm 5,4% (giảm 28.638 tấn) so với năm 2018. Kết quả sản xuất các loại cây trồng hàng năm khác có mức tăng nhẹ so với năm 2018. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung sản xuất cây rau màu vụ Đông 2019.

          Bên cạnh sản xuất cây hàng năm thì việc chăm sóc và trồng mới các loại cây lâu năm cũng đã được quan tâm thực hiện. Sơ bộ tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 31.448 ha, bằng 105,1% (tăng 1.511 ha) so với năm 2018, trong đó diện tích cây ăn quả là 18.453 ha, bằng 108,6% (tăng 1.462 ha), chiếm 58,7% tổng diện tích cây lâu năm. Việc khai thác điều kiện thuận lợi về đất đai để phát triển cây ăn quả là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có quy hoạch và kế hoạch phát triển một cách hợp lý, nhất là quan tâm đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ, tránh hiện tượng người dân tự phát phát triển cây ăn quả không theo quy hoạch sẽ dễ dẫn đến hiện tượng mất cân đối cung - cầu và gây thiệt hại cho người dân.

         Năm nay các đối tượng sâu bệnh vẫn phát sinh gây hại đối với các loại cây trồng nhưng với mức độ ảnh hưởng nhẹ, ảnh hưởng và thiệt hại chủ yếu là do sự bất lợi của thời tiết.

          c. Chăn nuôi:

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn, số lượng đàn vật nuôi giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn từ trung tuần tháng 5/2019 đến nay vẫn chưa kết thúc và hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Cùng với sự sụt giảm sản lượng lúa thì đây cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động làm cho tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,58% so với năm 2018. Thời gian tới, để ổn định và phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn, bên cạnh việc tập trung phòng chống các loại dịch bệnh thì các cơ quan chức năng cũng cần phải tập trung thực hiện một số nội dung công việc như: Phải đánh giá một cách đầy đủ, căn cơ về tình hình dịch bệnh, thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với người chăn nuôi để tham mưu cho địa phương có những cơ chế, chính sách hổ trợ người chăn nuôi một cách kịp thời nhằm tạo điều kiện cho họ tái đàn; xác định thị trường cung - cầu thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán để có những chính sách điều hành linh hoạt, tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn có thể xẩy ra; trong thời gian qua giá lợn hơi tăng mạnh nên người chăn nuôi có tâm lý muốn sớm tái đàn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên cần có những khuyến cáo kịp thời để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Dự báo trong những tháng tới, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thì hoạt động chăn nuôi trên địa bàn vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn phục vụ dịp Tết nguyên đán có thể xẩy ra.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Đến thời điểm ngày 15/12/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xẩy ra trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã với mức độ khác nhau. Dịch bệnh đã xẩy ra tại 5.253 hộ chăn nuôi, thuộc 703 thôn, làm chết và tiêu hủy 32.678 con lợn, với tổng trọng lượng là 1.738 tấn. Cùng với dịch tả lợn Châu Phi, hiện nay trên địa bàn cũng đã phát hiện dịch lở mồm long móng đối với gia súc tại một số địa phương (Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh và Thị xã Hồng Lĩnh), với 327 con gia súc mắc bệnh (51 con trâu và 276 con bò), trong đó có 8 con bê, nghé bị chết buộc phải tiêu hủy. Có thể nhận thấy, tình hình dịch bệnh đối với đàn vật nuôi đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, người chăn nuôi và các cơ quan chức năng cần phải chủ động và làm tốt công tác phòng bệnh cũng như dập dịch để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với người chăn nuôi và ổn định được đàn vật nuôi trên địa bàn.

Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đã được các địa phương triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt được vẫn còn thấp so với kế hoạch, cụ thể: Tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 241.138 liều, đạt 76,5% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 213.291 liều, đạt 70,1% kế hoạch; dịch tả lợn 253.177 liều, đạt 56,3% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 259.814 liều, đạt 57,7% kế hoạch; tiêm phòng dại cho chó 106.087 liều, đạt 76,2% kế hoạch và tiêm phòng dịch cúm gia cầm 1.013.265 liều, đạt 24,1% kế hoạch. Kết quả tiêm phòng đạt thấp cũng đã ảnh hưởng đến công tác phòng dịch và nguy cơ xảy ra, bùng phát dịch bệnh đối với đàn vật nuôi và gây thiệt hại cho người chăn nuôi là rất lớn.

3.2. Lâm nghiệp

          Hoạt động trồng rừng và trồng cây phân tán năm 2019 vẫn được các cấp chính quyền cũng như người dân quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, do hiện nay rừng sản xuất chưa đến kỳ thu hoạch nên kết quả trồng rừng tập trung cũng như sản lượng lâm sản khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trồng cây phân tán cũng giảm so với cùng kỳ do quỹ đất trồng cây phân tán ngày càng bị thu hẹp.

          Do điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, cùng với sự bất cẩn và vô ý thức của một số người dân khi vào rừng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 20 vụ cháy rừng (tăng 10 vụ so với năm 2018), làm thiệt hại 171,97 ha rừng, trong đó: Hương Sơn 8 vụ, huyện Kỳ Anh 4 vụ, Can Lộc 2 vụ và Đức Thọ, Vũ Quang, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà mỗi địa phương 1 vụ. Đây là năm có số vụ cháy rừng và thiệt hại rừng lớn nhất trong nhiều năm qua.

          3.3. Thuỷ sản


Kết quả sản xuất thủy sản năm 2019 vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá, với mức tăng tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,9% so với năm 2018. Với những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa đã làm cho sản lượng khai thác biển ước tính tăng 10,4% so với năm 2018, chiếm đến 61,6% tổng sản lượng thủy sản năm 2019. Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản thời gian qua cũng được quan tâm thực hiện, với kết quả sản lượng nuôi trồng năm 2019 ước tăng 6,5% so với năm 2018. Trong khi hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đang gặp khó khăn và không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước thì với mức tăng sản lượng thủy sản như trên là kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

          Để cung cấp nguồn giống cho người dân nuôi trồng thủy sản, năm 2019 các đơn vị sản xuất con giống trên địa bàn đã cung cấp 633 triệu con giống các loại cho các hộ nuôi. Tuy nhiên, lượng con giống trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi mà chủ yếu phải nhập từ các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Bến Tre...

          Năm 2019, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy xuất hiện trên tôm với diện tích nhiểm bệnh 37,34 ha ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh; bệnh EHP xuất hiện tại Lộc Hà với diện tích nhiểm bệnh là 0,7 ha, bệnh này chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Cùng với đó, sự tác động tổng hợp của các yếu tố độ mặn giảm đột ngột, kết hợp với sự bất lợi của các yếu tố oxy hòa tan, độ kiềm và sắt tổng số là nguyên nhân làm cho cá lồng bè, ngao nghêu, ốc hương chết ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Lộc Hà.

          4. Sản xuất công nghiệp

          - Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2019 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hoạt động công nghiệp tháng 12/2019 chỉ biến động nhẹ so với tháng trước do Fomosa có sự điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất những tháng cuối năm.

          Năm 2019, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 25,3%, trong đó quý I/2019 tăng 44,0%, quý II/2019 tăng 32,5%, quý III/2019 tăng 20,4% và quý IV/2019 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì năm 2019 vẫn duy trì được mức tăng cao và ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp có sự ảnh hưởng rất lớn từ ngành sản xuất kim loại (dự án Formosa). Nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng từ dự án Formosa, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng 17,8% so với năm 2018, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 19,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 19,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5 lần. Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm có phần chững lại do khó khăn khi giá nguyên liệu tăng trong khi giá bán giảm nên dự án Formosa đã điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và ước tính đạt 94% kế hoạch.

          Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2019 ước tính tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,7% so với năm 2018. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Chế biến thực phẩm tăng 17,5%; may trang phục tăng 11,9%, sản xuất kim loại (chủ yếu thép) tăng 24,4%...Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh: Chế biến gỗ giảm 14,5%; in ấn giảm 31,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (gạch nung, bê tông tươi...) giảm 19,7%...

          Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2019 ước tính tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong khi chỉ số tiêu thụ tăng khá và mức tăng chỉ số tồn kho thấp, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn đang có những tín hiệu tích cực hơn.

          Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2019 ổn định so với tháng trước nhưng lại giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2019 giảm 4% so với năm trước. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm lần lượt là 4,8% và 8,5%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhẹ 1,3%.

          5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

- Tình hình đăng ký kinh doanh: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 17/12/2019, toàn tỉnh có 774 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó loại hình công ty cổ phần thành lập mới 158 doanh nghiệp, chiếm 20%; công ty TNHH 611 doanh nghiệp, chiếm 78% và doanh nghiệp tư nhân 5 doanh nghiệp, chiếm 2% trong tổng số.

Tổng số vốn đăng ký đạt 11.104 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước với số vốn đăng ký bình quân đạt 14,3 tỷ đồng/doanh nghiệp (tăng 5,7 tỷ đồng/doanh nghiệp so với năm 2018), thể hiện quy mô vốn các doanh nghiệp ngày càng tăng. Những năm gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm trên địa bàn tỉnh tăng khá cao, các doanh nghiệp cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2019 đã giải quyết việc làm mới cho 10.142 lao động. Trong đó loại hình công ty TNHH giải quyết việc làm cho nhiều lao động mới nhất (7.653 lao động), tiếp đến là loại hình công ty cổ phần (2.440 lao động) và thấp nhất là loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải đăng ký tạm ngừng hoạt động tình từ đầu năm đến 17/12/2019 là 243 doanh nghiệp, tăng 13% và có 96 doanh nghiệp tự nguyện giải thể, giảm 9% so với năm 2018. Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong năm 2019 tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn là thành phần chủ lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay tăng so với cùng kỳ nhưng bên cạnh đó số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn có xu hướng tăng, thể hiện các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả đầu ra trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng.

          - Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2019 tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, kết quả cụ thể như sau: Có 73,4% doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ khả quan hơn và giữ ổn định so với quý trước (trong đó 26,7% khẳng định SXKD tốt lên; 46,7% khẳng định giữ ổn định); 26,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước. Dự báo quý I/2020 so với quý IV/2019, có 64,5% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (trong đó 17,8% số doanh nghiệp dự báo tốt lên; 46,7% số doanh nghiệp dự báo ổn định); còn 35,6% số doanh nghiệp khó khăn hơn.

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có 62,2% doanh nghiệp khẳng định yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp”; 68,9% doanh nghiệp khẳng định “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”; 48.9% doanh nghiệp khẳng định “Khó khăn về tài chính” và 28,9% doanh nghiệp cho rằng vấn đề “Thiếu nguyên, nhiên, vật liệu” là các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  

Liên quan tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV/2019, có 28,9% doanh nghiệp tăng sản xuất so với quý trước; 44,4% giữ nguyên và có tới 26,7% doanh nghiệp giảm khối lượng sản xuất (chủ yếu là ngành sản xuất gạch và chế biến gỗ); có 24,4% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 31,1% giảm đi; 58,3% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đánh giá tăng lên hoặc giữ nguyên; 24,4% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm giảm và 28,9% doanh nghiệp có tồn kho nguyên vật liệu giảm; 4,4% doanh nghiệp có chi phí sản xuất trên một sản phẩm và 13,3% giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm giảm. Dự kiến xu hướng quý I/2020 so quý IV/2019 có 17,8% số doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng mới tăng; 10% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng; 17,8% khối lượng thành phẩm tồn kho giảm và 28,9% khối lượng nguyên vật liệu tồn kho giảm.

Đánh giá về biến động lao động quý IV/2019 so với quý III/2019, có 80% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên và giữ ổn định (trong đó 2,2% khẳng định tăng lên; 77,8% khẳng định giữ ổn định) và 20% khẳng định lao động giảm. Dự báo lao động quý I/2020 so với quý IV/2019 có 88,9% doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên và giữ ổn định; 11,1% doanh nghiệp dự kiện giảm lao động, điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quý tới và không có nhu cầu tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh.

6. Đầu tư và xây dựng

6.1. Đầu tư phát triển

          Vốn đầu tư toàn xã hội liên tục giảm mạnh qua các năm trong giai đoạn 2015-2019. Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 ước tính đạt thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 22,7% so với năm 2018 và chỉ bằng 29,5% so với năm 2015. Sở dĩ vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm mạnh là do những năm qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn (năm 2015 chiếm 79,3% tổng vốn đầu tư), nhưng nay do dự án Formosa đã hoàn thành nên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh (năm 2019 chỉ chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư); tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019 giảm 61,1% so với năm 2018 và chỉ bằng 8,7% so với năm 2015. Mặc dù nguồn vốn Nhà nước và vốn ngoài nhà nước tuy có tăng nhẹ nhưng khi chưa có các dự án lớn được triển khai thực hiện trên địa bàn, trong khi Dự án Formosa đã hoàn thành thì nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đang tiếp tục có xu hướng giảm.

          6.2. Xây dựng

          Giá trị tăng thêm theo giá so sánh của ngành xây dựng năm 2019 ước đạt 4.132,2 tỷ đồng, tăng 0,96% so với năm 2018, đóng góp 0,09 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Năm 2019, hoạt động xây dựng trên địa bàn tiếp tục gặp khó khăn, nhiều dự án lớn chậm thi công, một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài triển khai chậm, dự án khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa đã hoàn thanh giai đoạn 1. Việc Formosa giảm mạnh đầu tư, trong khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II chưa triển khai xây dựng như dự kiến, đã làm cho tăng trưởng xây dựng của khu vực FDI giảm mạnh. Trong khi đó hoạt động xây dựng dân dụng chưa có nhiều biến chuyển, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang gặp khó khăn…các yếu tố này đã làm cho tăng trưởng trưởng của ngành xây dựng sụt giảm mạnh.

          7. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ

          - Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 12/2019 tăng khá so với tháng trước (tăng 6,1%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 14,9%). Tính chung quý IV, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,6% so với quý trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tăng 9% so cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng 15,7% của năm 2018. Nhìn chung, thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, không có sự đột biến xẩy ra. Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng, nguy cơ tăng giá rất cao. Để góp phần đảm bảo cung cầu trong dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên Đán, Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương báo cáo tình hình dự trữ hàng hóa; nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân để triển khai kế hoạch cụ thể dự trữ hàng hóa thiết yếu, phục vụ người dân trong dịp Tết; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn và thịt gà).

          - Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 12/2019 chỉ tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 2,9%) và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2019, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tăng 7,8% so với năm 2018 và tăng đều ở cả 3 ngành dịch vụ: Lưu trú tăng 6,5%; ăn uống tăng 7,9% và du lịch tăng 11,6%. Năm 2019, các cơ sở lưu trú du lịch được tăng cường và nâng cao hiệu lực hiệu quả; chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch ngày càng được nâng lên, làm cho hoạt động du lịch Hà Tĩnh duy trì được tốc độ phát triển. Đặc biệt, các tour du lịch nội tỉnh; kết nối các tour du lịch lữ hành, mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế đến với tỉnh nhà cũng được đẩy mạnh. Với kết quả đó sẽ tạo đà để Hà Tĩnh tiếp tục phát huy các thế mạnh trong du lịch, dịch vụ hỗ trợ; kết nối với các vùng trọng điểm du lịch khác trong cả nước, thu hút đông đảo khách tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian tiếp theo.

          - Hoạt động dịch vụ khác: Tháng 12/2019, doanh thu hoạt động dịch vụ khác chỉ đạt mức tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 2,1%). Cả năm 2019, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước tăng 6,4% so với năm 2018. Chủ yếu tăng ở nhóm ngành dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 12,4%); dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 11,5%); dịch vụ cá nhân khác (tăng 6,8%). Năm 2019, hoạt động dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến tích cực, với sự cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án kinh doanh vui chơi giải trí được xây dựng mới, trang thiết bị hiện đại cùng với đó thu nhập của người dân ngày càng tăng,nên dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng.

          - Hoạt động dịch vụ vận tảỉ hành khách và hàng hóa: Vận tải hành khách tháng 12/2019 tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 1,7% về số lượt hành khách vận chuyển và tăng 1,6% số lượt hành khách luân chuyển). Năm 2019, vận tải hành khách so với năm trước tăng 10% về số lượt hành khách vận chuyển và tăng 10,1% về số lượt hành khách luân chuyển.

          Vận tải hàng hóa tháng 12/2019 tiếp tục duy trì ổn định và tăng so với tháng trước (tăng 5,3% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 11,4% số lượng hàng hóa luân chuyển). Năm 2019, vận tải hàng hóa so với năm trước tăng 8,8% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 11,5% về số lượng hàng hóa luân chuyển.

          Nhìn chung, hoạt động vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2019 vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định ở tất cả các chỉ tiêu hoạt động của ngành. Đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cũng như vận tải hàng hóa của người dân, doanh nghiệp với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

          - Hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Doanh thu tháng 12/2019 ước đạt 40,69 tỷ đồng, giảm 11,3% so tháng trước và giảm 24,2% so cùng kỳ năm trước. Cả năm 2019, doanh thu ước đạt 498,22 tỷ đồng, giảm 36,9% so với năm 2018. Như vậy, doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải năm 2019 giảm so với năm trước do ngừng thu phí trạm cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên) và lượng hàng hóa thông qua cảng Sơn Dương và Vũng Áng giảm.

         8. Chỉ số giá tiêu dùng

           

- CPI tháng 12 năm 2019, Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 5 nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước gồm: Đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch); ay mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; giao thông tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%. Một số nguyên nhân chính tác động đến chỉ số CPI tháng 12/2019, đó là: hu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm mua sắm đồ dùng gia đình, hàng may mặc, ô tô tăng; (3) Yếu tố quản lý điều hành giảm giá xăng dầu do biến động giảm của thị trường xăng dầu thế giới.

         Chỉ số giá vàng tháng 12/2019 giảm 0,67% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 14,92%. Giá vàng trên thị trường Hà Tĩnh, ngày 21/12/2019 ở khu vực thành thị là 4,165 triệu đồng/chỉ và ở khu vực nông thôn là 4,198 triệu đồng/chỉ.

         Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2019 giảm 0,03% so với tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 0,82%. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/12/2019 mức giá bán ra là 2.318 nghìn đồng/100USD.

         - CPI năm 2019, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 1,43% và khu vực nông thôn tăng 1,98%. Năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng chịu ảnh hưởng chủ yếu từ sự tăng giá mạnh của 4 nhóm hàng hoá, dịch vụ gồm: Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 6,9%); ay mặc, mũ nón, giày dép (tăng 5,5%);ồ uống và thuốc lá (tăng 2,15%). Cùng với đó, có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ: Nhóm giao thông (giảm 1,25%) và nhóm bưu chính viễn thông (giảm 1,5%). Tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì chỉ số giá bình quân năm 2019 tăng ở mức thấp, điều đó thể hiện công tác kiềm chế lạm phát đang được triển khai thực hiện với những tín hiệu tích cực. Nguyên nhân làm cho thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ năm 2019 tăng so với năm trước là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng và chi phí sản xuất tăng nên giá một số mặt hàng tăng. Cùng với đó, nhiều mặt hàng có sự biến động mạnh do việc điều chỉnh các chính sách về giá cũng đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá chung như: Giá dịch vụ y tế, giá điện, nước sinh hoạt, xăng dầu, vàng và đô la Mỹ.

         - Dự kiến CPI tháng 01/2020, tiếp tục tăng do là tháng cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên. Cùng với đó, thu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm mua sắm đồ dùng gia đình, hàng may mặc tăng sẽ là những yếu tố tác động làm cho chỉ số giá tăng.

         Công tác kiểm tra quản lý giá, bình ổn thị trường thương mại trong những tháng cuối năm được các cấp các ngành quan tâm hơn. Để bảo đảm nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, các siêu thị lớn, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đang có sự chuẩn bị về nguồn hàng cũng như đưa ra nhiều chương trình kích cầu, bình ổn giá…Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo nhu cầu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ công thông suốt để phục vụ đời sống cũng như sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

         9. Các vấn đề xã hội

         9.1. Dân số, lao động và việc làm

         Dân số trung bình năm 2019 ước tính 1.290.263 người, tăng 1% so với năm 2018 (tăng 12.733 người). Trong đó: Dân số thành thị 253.864 người, chiếm 19,68%; dân số nông thôn 1.036.399 người, chiếm 80,31%; dân số nam 641.489 người, chiếm 49,72% và dân số nữ 648.774 người, chiếm 50,28%. Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên năm 2019 ước tính 726.289 người, tăng 7.086 người so với năm trước, chiếm 56,29% dân số toàn tỉnh, bao gồm lao động nam 369.433 người, chiếm 50,87%; lao động nữ 356.856 người, chiếm 49,13%; lao động khu vực thành thị 150.763 người, chiếm 20,76%; lao động khu vực nông thôn 575.526 người, chiếm 79,24%.

         Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2019 ước tính 696.978 người, chiếm 95,96% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên, bao gồm 300.049 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 43,05% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 165.290 người, chiếm 23,72%; khu vực dịch vụ 231.639 người, chiếm 33,23%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2019 là 2,65%, giảm 2,35 điểm phần trăm so với năm 2018. Ước tính năm 2019, Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho 24.784 lao động, tăng 3,4% so với năm 2018, trong đó: Lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 11.860 người, tăng 0,25%; xuất khẩu lao động 9.584 người, tăng 2,77%; lao động đi làm việc ngoại tỉnh 3.340 người, tăng 7,81%.

         9.2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội  

         Đời sống dân cư Hà Tĩnh năm 2019 tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2019 ước tính 4,53%, giảm 2,39 điểm phần trăm so với năm 2018. Cùng với sự thay đổi mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động; tỉnh còn chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật; đồng thời tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống. Dự kiến thời gian tới tình hình thiếu đói ở Hà Tĩnh sẽ không xảy ra.

         Công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm 2019, đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 239.417 suất quà với tổng kinh phí 67,93 tỷ đồng, bao gồm 26,11 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; 15,36 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo và 26,46 tỷ đồng cho cứu trợ xã hội khác. Đồng thời, trao tặng 21 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng trị giá 0,83 tỷ đồng; xây mới 70 nhà tình nghĩa, trị giá 8,84 tỷ đồng và sữa chữa 65 nhà với tổng giá trị là 1,05 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp 39.318 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 72.708 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 155.033 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 56.698 thẻ BHYT cho người có công. 9.3. Giáo dục, đào tạo

         - Giáo dục phổ thông: Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021. Trong năm học này, toàn tỉnh có 701 trường, giảm 24 trường so với năm học 2018-2019 (gồm 265 trường mầm non, giảm 10 trường; 241 trường tiểu học, giảm 12 trường; 150 trường THCS, giảm 2 trường; 45 trường THPT) với 10.138 lớp (mẫu giáo 2.614 lớp, tiểu học 3.942 lớp, THCS 2.370 lớp, THPT 1.212 lớp) và 17.811 giáo viên (mầm non 5.099 người, tiểu học 5.245 người, THCS 4.699 người, THPT 2.768 người) và 314.312 học sinh (nhà trẻ, mẫu giáo 76.022 em, tiểu học 118.610 em, THCS 75.865 em và THPT 43.815 em).

         - Giáo dục đào tạo: Năm 2019-2020, toàn tỉnh chỉ có 1 trường đại học với 2.116 sinh viên, gồm 2.060 sinh viên hệ đại học và 56 sinh viên hệ cao đẳng. Trong đó, tuyển mới 320 sinh viên, gồm 282 sinh viên hệ đại học và 38 sinh viên hệ cao đẳng. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng, chất lượng ngày càng nâng cao hơn. Các cơ sở đào tạo luôn quan tâm đến công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có định hướng, khảo sát tiềm năng và tính bền vững của nghề đào tạo. Trong năm 2019, đã tổ chức dạy nghề cho 19.402 người, trong đó: Trình độ cao đẳng nghề 1.101 người, trung cấp nghề 4.730 người, sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên 13.571 người.

         9.4. Hoạt động Y tế

         Năm 2019, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị ở bệnh viện các tuyến. Đồng thời, tăng cường và duy trì giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc mới để có biện pháp khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh. Nhờ vậy, chất lượng phục vụ từng bước được cải thiện, ngày càng tạo được niềm tin và sự hài lòng của nhân dân.

         - Tình hình dịch bệnh: Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh sởi và dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở Hà Tĩnh, ngành Y tế đã tập trung cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng. Năm 2019, đã có 290 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 357 trường hợp sốt rét, 222 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 239 trường hợp mắc lỵ a míp, 47 trường hợp mắc bệnh sởi, 27 trường hợp viêm gan siêu vi rút, 8 trường hợp mắc bệnh virus adeno, 8 trường hợp mắc bệnh ho gà và không có trường hợp nào tử vong do các loại dịch bệnh trên.

         - Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi, nhằm giảm sự mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, giám sát theo dõi, tư vấn xét nghiệm HIV, cũng như tăng cường chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Năm 2019, Hà Tĩnh có 78 trường hợp nhiễm mới HIV (tăng 26 trường hợp so với năm 2018), 72 trường hợp chuyển thành AIDS (tăng 24 trường hợp) và có 10 trường hợp chết vì AIDS (tăng 7 trường hợp). - Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Tĩnh đã được chính quyền các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Năm 2019, xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở huyện Cẩm Xuyên và Hương Khê (giảm 1 vụ so với năm 2018) làm 86 người bị ngộ độc, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra, còn có 1.594 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (tăng 6,91% so với năm 2018) và có 1 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

         9.5. Hoạt động văn hóa - thể thao

         Hoạt động văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2019, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo thay đổi nội dung tuyên truyền ở các cụm panô, áp phích tấm lớn trên địa bàn, hướng dẫn cơ sở tổ chức sinh hoạt CLB văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao cũng như treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu... chào mừng các ngày lễ của quê hương, đất nước, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, nội dung bổ ích, lành mạnh; ngoài ra, còn chú trọng đến công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, di tích lịch sử, nhằm lan toả các giá trị tốt đẹp tới cộng đồng dân cư.

         Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên. Năm 2019, đã thực hiện 6 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tiến hành kiểm tra 162 cơ sở, đình chỉ hoạt động 12 cơ sở, tịch thu tiêu hủy 3.543 tờ rơi, tờ gấp, xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp với số tiền 64 triệu đồng. Cấp 223 giấy phép, trong đó có 33 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 22 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 163giấy phép thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở; 5 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.

         Hoạt động thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; đồng thời gắn với các phong trào thi đua yêu nước thường xuyên được duy trì và tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, thể thao thành tích cao trong năm 2019 cũng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hà Tĩnh tham gia 49 giải, giành được 223 huy chương các loại (gồm có 82 HCV, 62 HCB và 79 HCĐ) tại các đấu trường khu vực, quốc gia, trong đó tham gia 20 giải quốc tế và giành được 54 huy chương (27 HCV, 14 HCB, 13 HCĐ). Riêng tại Seagames 30, Hà Tĩnh có 7 VĐV tham gia và giành được 7 huy chương (gồm 3 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ).

         9.6. Tình hình an toàn giao thông

          Tính từ ngày 15/11/2019 đến ngày 14/12/2019, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 8 người, bị thương 10 người. So với tháng trước tăng 4 vụ tai nạn đường bộ, tăng 3 người chết và tăng 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước tăng 5 vụ tai nạn đường bộ, tăng 2 người chết và tăng 4 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ, uống rượu bia khi tham gia giao thông, đi sai phần đường và lạng lách đánh võng.

          Như vậy, tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 14/12/2019, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 2 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 110 người và bị thương 79 người. So với năm 2018 giảm 7 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 14 người chết và tăng 6 người bị thương.

          9.7. Tình hình thiên tai

          Năm 2019, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 5 đợt thiên tai, chủ yếu là mưa lớn, lốc xoáy, sét đánh và ngập lụt. Thiệt hại do thiên tai năm 2019 tăng nhiều so với năm 2018: có 7 người chết (tăng 6 người), 5 người bị thương; 292 nhà ở của dân, 2 trường học bị tốc mái, hư hỏng và 6.002 nhà ở bị ngập; 8.923 ha lúa (1.590 ha vụ Xuân; 7.333 ha vụ Hè Thu), 360,3 ha ngô, 847,5 ha rau màu và 938 ha cây lâu năm bị đổ và hư hỏng; 6 con bò bị chết; 1.341,5 ha diện tích và 170 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 1.860 cây lâm nghiệp và 530 cây cảnh, cây bóng mát bị đổ gãy; 2.040 m kè, 10,63 km kênh mương, 13.922 m3 đất đá bị sạt lở; 5 cầu và 9 cống bị sập trôi; 1 cột ăng ten, 568 cột điện 15,59 km đường dây điện và 9 trạm biến thế bị đổ, hư hỏng nặng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 745,2 tỷ đồng. Sau khi xảy ra lốc xoáy và mưa lớn, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức khắc phục kịp thời các thiệt hại để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, có 63 đoàn thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh và trực tiếp về tại các địa phương động viên, chia sẽ với bà con bị thiệt hại với số tiền, hàng trị giá 6,153 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ cứu trợ trên địa bàn Hương Khê hàng và tiền trị giá 229 triệu đồng; Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn gạo.

          9.8. Môi trường

          - Tình hình cháy, nổ: Công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn được tỉnh quan tâm và chỉ đạo sâu sát như: Tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ về PCCC cho các cán bộ chiến sĩ; làm tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, định kỳ bảo quản, bão dưỡng phương tiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật PCCC đến người dân, đặc biệt trong các khu công nghiệp và những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Nhờ vậy, trong tháng không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Cả năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 71 vụ cháy và 5 vụ nổ (giảm 10 vụ cháy và tăng 2 vụ nổ so với năm 2018), làm 2 người chết và 8 người bị thương, thiệt hại ước tính 34,42 tỷ đồng.

          - Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 12/2019, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm môi trường, với số tiền xử phạt 28 triệu đồng. Cả năm 2019, đã kiểm tra phát hiện 107 cơ sở vi phạm môi trường, trong đó xử lý 90 cơ sở với số tiền 301,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm trên, chủ yếu là hoạt động khai thác đất trái phép.

Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh

         


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện