Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Tình hình KTXH Hà Tĩnh tháng 7 năm 2020

  

08:48 02/08/2020

   1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản


         

1.1. Nông nghiệp

          - Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng 7/2020 chủ yếu tập trung gieo trỉa và chăm sóc cây trồng vụ Hè Thu.

          Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhiều vùng đất cao thiếu nước nhưng kết quả gieo cấy lúa vụ Hè Thu vẫn đạt 99,4% kế hoạch đặt ra và tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Lúa vụ Hè Thu năm 2020 đang được bà con nông dân tích cực chăm bón và đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển.

Các loại cây trồng khác cũng đã được gieo trỉa: Diện tích ngô gieo trồng ước đạt 92,12% kế hoạch; diện tích khoai lang ước đạt 12,37% kế hoạch; diện tích lạc ước đạt 27,2% kế hoạch; diện tích rau các loại ước đạt 57,27% kế hoạch; diện tích đậu ước đạt 72,52% kế hoạch. Như vậy, do điều kiện thời tiết đầu vụ nắng nóng gay gắt kéo dài nên tiến độ gieo trỉa các loại cây trồng vụ Hè Thu vẫn còn chậm, kết quả đang đạt rất thấp so với kế hoạch.

          Với những diễn biến khắc nghiệt của điều kiện thời tiết đã ảnh hưởng đến lúa vụ Hè Thu. Đợt nắng nóng gay gắt diễn ra trong thời gian dài đã làm cho khoảng 400 ha lúa ở huyện Hương Khê (Hương Long, Hương Bình) bị hạn cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển. Cùng với cây lúa thì có 1.942 ha cây trồng cạn và 1.220 ha cây ăn quả và 575 ha chè cũng bị hạn hán, chủ yếu tập trung ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc và huyện Kỳ Anh. Yếu tố khó lường nhất đối với sản xuất vụ Hè Thu đó chính là diễn biến bất thường của thời tiết.

Hiện nay sâu bệnh đã xuất hiện gây hại đối với các loại cây trồng nhưng với mức độ chưa đáng kể, chủ yếu là gây hại đối với các loại cây trồng cạn như ngô, đậu. Thời tiết năng nóng đang là điều kiện thuận lợi để bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại đối với cây lúa nên bà con nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trong thời gian tới.

          - Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 7/2020 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số lượng đàn gia súc giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên hiện nay khó khăn nhất cho việc tái đàn lợn chính là việc khan hiếm con giống và giá lợn giống quá cao. Hoạt động chăn nuôi thời gian tới vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực, khả quan. Việc tái đàn lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, do giá đầu tư con giống đang quá cao.

Tình hình dịch bệnh: Từ ngày 20/6/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh phát sinh gây hại đối với đàn vật nuôi.

          1.2. Lâm nghiệp

  Trong tháng 7/2020, do điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt nên kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp ước tính giảm cả về diện tích trồng rừng cũng như sản lượng lâm sản khai thác.

  Hiện nay đang là mùa nắng nóng, khô hạn rất dễ xẩy ra cháy rừng. Do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc thiếu ý thức của người dân nên trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã có 41 điểm phát lửa (Thạch Hà 2 điểm, Hương Sơn 13 điểm, Lộc Hà 2 điểm, Đức Thọ 4 điểm, Cẩm Xuyên 5 điểm, huyện Kỳ Anh 6 điểm, Can Lộc 3 điểm, Hương Khê 3 điểm, Vũ Quang 1 điểm, thị xã Kỳ Anh 2 điểm). Trong đó đã có 7 vụ gây cháy rừng (Hương Sơn - Vũ Quang 1 vụ, huyện Kỳ Anh 1 vụ, Hương Khê 1 vụ, Đức Thọ 2 vụ, Can Lộc 1 vụ và Lộc Hà 1 vụ); diện tích có rừng bị cháy 54,43 ha, diện tích rừng bị tiệt hại hoàn toàn không có khả năng phục hồi 11,77 ha (riêng vụ cháy liên huyện Vũ Quang - Hương Sơn, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn trên địa bàn huyện Hương Sơn chưa thống kê được). Thời gian tới nắng nóng vẫn còn xẩy ra, nguy cơ cháy rừng cao, bên cạnh trách nhiệm bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần phải nêu cao ý thức và trách nhiệm khi vào rừng để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

          1.3. Thuỷ sản

Hoạt động sản xuất thủy sản tháng 7/2020 nhìn chung vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh hoạt động khai thác với những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa thì hoạt động nuôi trồng đang thu hoạch vụ tôm Xuân Hè năm 2020 nên tổng sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng đạt khá hơn so với tháng trước. Cùng với đó, sản xuất giống thủy sản ước đạt 20 triệu con, trong đó có 17 triệu con giống tôm thẻ, tăng 3 triệu con so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không phát sinh dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản.

          2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư


         

- Hoạt động sản xuất công nghiệp: hoạt động sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục tích cực sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 ước tính tăng so với tháng trước, với mức tăng 14,11% và tăng ở cả 4 ngành công nghiệp cấp I, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nhân tố có sự ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,52% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 11,85% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính trong tăng trưởng của ngành này so với tháng trước là hoạt động sản xuất kim loại tăng 23,83%; dệt tăng 9,3%; may mặc tăng 21,7%; sản xuất gạch xây dựng tăng 17,09%; sản xuất than cốc tăng 8,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,81%...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh do Covid-19 bùng phát và chiến trang thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực tới kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, giá sản phẩm tiêu thụ giảm...nên chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 7 tháng giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,59%, làm giảm 12,57 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 35,03%, đóng góp 5,51 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,96%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành. Cùng với nhu cầu ngày càng tăng lên thì việc Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa chính thức phát điện lên lưới quốc gia vào đầu tháng 7/2019 đã làm cho chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp so với cùng kỳ năm 2019.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng đầu năm 2020 đều có sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đó là: bê tông trộn sẵn giảm 62%; gạch xây dựng giảm 46,4%; mực đông lạnh giảm 22,8%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 22,2%; thức ăn cho gia súc giảm 20,3%; thép không rỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 18,3%; bia đóng lon giảm 15,5%...Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng: quặng Zircon tăng 40,7%; điện sản xuất tăng 35,4%; nước uống được tăng 5,1%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 16,1%.

- Thực hiện vốn đầu tư: thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, nguồn vốn được bố trí kịp thời, các công trình dự án được đẩy nhanh tiến độ nên dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2020 tăng hơn so với tháng trước với mức tăng 11,08% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý dự ước tăng khá so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 28,9%. Trong tháng 7/2020, các công trình dự án có giá trị thực hiện vốn đầu tư lớn như: các dự án ODA về cải tạo nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng bắc Thạch Hà; dự án phát triển hạ tầng cơ bản tỉnh Hà Tĩnh; dự án cải thiện cơ sở hạ tầng các vùng ngập lụt; dự án đầu tư xây dựng cầu cửa Hội bắc qua sông Lam; các dự án cầu dân sinh và các dự án trong xây dựng nông thôn mới.

3. Thương mại, dịch vụ



Sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ trở lại hoạt động bình thường. Cùng với đó, giá một số mặt hàng như vàng, hàng lương thực, thực phẩm, điện lạnh, hàng may mặc và xăng dầu tăng mạnh và là tháng cao điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch, nghỉ mát và tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2020, đã làm cho kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 7/2020 tăng so với tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước tính tháng 7/2020 đạt mức tăng khá so với tháng trước (tăng 6,07%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,76%). Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó một số nhóm ngành hàng tăng mạnh là: ô tô các loại tăng 16,72%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,38%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,72%; phương tiện đi lại tăng 9,81%; hàng may mặc tăng 9,3%.

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,87%) và chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng sau: ô tô các loại tăng 62,27%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 40,75%; lương thực, thực phẩm tăng 17,26%.

 - Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: đang là mùa du lịch biển nên doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 7/2020 ước tính đạt mức tăng khá so với tháng trước (tăng 22,39%) nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (giảm 8,29%). Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 24,61% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 7/2020 ước tính tăng mạnh so với tháng trước (tăng 19,04%), nhưng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,77%). Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 16,55% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động vận tải: thời tiết nắng nóng nên người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân mà chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng; nhiều doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa nên sản lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng tăng; cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi khiến nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất, hàng hoá tiêu dùng tăng, tất cả yếu tố đó đã làm cho hoạt động vận tải tháng 7/2020 tăng so với tháng trước.

Ước tính vận tải hành khách tháng 7/2020 so với tháng trước tăng 4,99% về số lượng lượt khách vận chuyển và tăng 8,92% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 8,65%. Tính chung 7 tháng, giảm 53,54% về số lượng khách vận chuyển và giảm 39,5% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

 Ước tính vận tải hàng hóa tháng 7/2020 so với tháng trước tăng 5,57% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 7,08% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 9,13%. Chung 7 tháng, giảm 37,63% về số lượng hàng hóa vận chuyển và giảm 23,84% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 24,61% so với cùng kỳ năm trước.

 Ước tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7/2020 tăng 1,52% so với tháng trước và giảm 8,59% so với cùng kỳ năm trước. Chung 7 tháng, giảm 20,65% so với cùng kỳ năm trước.

  4. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)


       

  CPI tháng 7 năm 2020 tăng 0,28% so tháng trước, tăng 3,62% so cùng tháng năm trước và tăng 0,09% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị tăng 0,175% và khu vực nông thôn tăng 0,36%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá không biến động so với tháng trước là: thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; bưu chính viễn thông; đồ uống và thuốc lá. có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình. Còn lại 5 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước là: may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa, giải trí và du lịch; giao thông; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; hàng hoá và dịch vụ khác.

Một số yếu tố chính tác động đến thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 7/2020, đó là: (1) Giá nhiên liệu xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng giá theo tình hình thị trường xăng dầu thế giới; (2) Yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình hạn hán ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng cao đối với các mặt hàng điện tử điện lạnh, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, đồ uống, điện và nước sinh hoạt; (3) Giá thịt lợn hơi giảm mạnh vào đầu và giữa tháng, tăng nhẹ vào thời điểm cuối tháng tác động đến các mặt hàng thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt; (4) Hoạt động du lịch lữ hành từng bước ổn định, tác động đến các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 3,23% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 26,44% và tăng 19,53% so với tháng 12 năm trước. Do giá vàng thế giới tăng mạnh nên giá vàng trong nước đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay, hiện nay giá vàng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên thị trường Hà Tĩnh, ngày 21/7/2020 ở khu vực thành thị là 5,08 triệu đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2020 giảm 0,22% so với tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 0,14% và tăng 0,05% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/7/2020 mức giá bán ra là 2.323 nghìn đồng/100USD.

CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2020 tăng 4,16 so với bình quân cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn 2,73 điểm % so với mức tăng bình quân 7 tháng năm 2019, trong đó khu vực thành thị tăng 4,65% và khu vực nông thôn tăng 3,83%. Như vậy, CPI bình quân 7 tháng năm 2020 đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Một số nhóm hàng có CPI bình quân tăng cao trên mức bình quân là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,34%; nhà ở, điện, nước, chất đốt tăng 6,17%; may mặc, mũ nón và dày dép tăng 4,44%.

Chỉ số CPI tháng 8/2020 dự kiến tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt, đồ uống, rau củ quả, ăn uống ngoài gia đình và các dịch vụ liên quan đến hoạt động lưu trú, lữ hành...sẽ tác động làm cho chỉ số giá tăng.

5. Các vấn đề xã hội

5.1. Tình hình đời sống dân cư

Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai kịp thời, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói. Tính đến 15/7/2020, Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 172.083 đối tượng với kinh phí 197,15 tỷ đồng (đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo). Trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.

5.2. Giáo dục phổ thông

Hiện nay các bậc học đang trong thời gian nghỉ hè. Trong tháng 7/2020, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021, hiện nay đang tổ chức chấm thi. Kỳ thi năm nay có gần 16.500 thí sinh thi vào lớp 10, trong đó có 13.700 thí sinh đăng ký thi vào trường THPT công lập, có 864 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường THPT chuyên Hà Tĩnh; toàn tỉnh có 37 điểm thi tại các trường THPT, với hơn 2.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại các điểm thi; ngoài ra, còn có gần 1.200 thanh niên tình nguyện đã tham gia hỗ trợ tích cực ở vòng ngoài để hỗ trợ thí sinh, bố trí 74 cán bộ lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ đề thi, bài thi 24/24h và hơn 100 cán bộ bảo vệ trong các buổi thi, đồng thời tăng cường lực lượng phân luồng giao thông tại các điểm thi. Với sự chu đáo trong công tác chuẩn bị và việc thực hiện nghiêm túc tinh thần của Ban chỉ đạo, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 ở Hà Tĩnh đã thành công tốt đẹp, đảm bảo các yếu tố an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

5.3. Hoạt động Y tế

- Tình hình dịch bệnh: Tính đến ngày 15/7/2020, ở Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, mà chỉ còn 366 trường hợp được cách ly tập trung tại khu ký túc xá Mitraco ở thị xã Kỳ Anh. Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.

Ngoài dịch bệnh Covid-19, Hà Tĩnh cũng đang thực hiện tốt Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 8/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, theo đó UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và chủ động đối phó với dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trong cả nước. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh có 6 trường hợp sốt xuất huyết, 31 trường hợp sốt rét, 21 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 19 trường hợp mắc lỵ a míp, 2 trường hợp mắc quai bị, 12 trường hợp mắc thủy đậu, 23 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng và không có trường hợp nào tử vong. Trong các dịch bệnh trên, chỉ có sốt xuất huyết tạo thành ổ dịch (xảy ra ở thôn Tân Nam, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh), nhưng nhờ kịp thời thực hiện các biện pháp điều trị và phòng chống dịch nên không bị lây lan. Hiện 6 ca sốt xuất huyết đã được điều trị khỏi và trở về nhà.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng. Trong tháng, Hà Tĩnh có 13 trường hợp nhiễm HIV (tăng 11 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 12 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (tăng 10 trường hợp) và không trường hợp nào chết vì AIDS (giảm 1 trường hợp). Tính chung 7 tháng, có 49 trường hợp nhiễm HIV, 41 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và có 2 trường hợp chết vì AIDS.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 115 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 31,55% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng, có 682 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 30,97% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.

5.4. Hoạt động văn hóa - thể thao

- Hoạt động văn hóa: Nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 19 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2020) tại các thôn, xóm, khu phố trên toàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: tổ chức buổi gặp mặt, nói chuyện chuyên đề "Xây dựng gia đình hạnh phúc"; biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu; tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục đời sống trong gia đình; tổ chức hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.... Bên cạnh đó, các Câu lạc bộ gia đình trong toàn tỉnh đã tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, tạo không khí phấn khởi, khẳng định các giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra về lĩnh vực quảng cáo tại 05 cơ sở. Ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35 triệu đồng. Cùng với đó đã tiến hành cấp 20 giấy phép, trong đó 12 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở; 02 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 01 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao, 01 giấy phép thuộc lĩnh vực di sản và 4 giấy phép thuộc các lĩnh vực khác.

- Hoạt động thể thao: Hưởng ứng phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VII, Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ XVI, các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã tổ chức nhiều giải thể thao như: giải bóng bàn các CLB mở rộng lần thứ 2 năm 2020 do Báo Hà Tĩnh tổ chức; tại các thôn, xóm, khu phố, người dân tích cực tham gia tập luyện các môn bóng chuyền, cầu lông, đá bóng,...

Đối với thể thao thành tích cao, trong tháng Hà Tĩnh đã tham gia 8 giải, giành được 55 huy chương các loại (gồm 20 HCV, 14 HCB, 21 HCĐ). Trong đó có một số giải nổi bật như: xếp thứ 2 Giải vô địch Karate khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Quảng Bình, với thành tích 11 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ; giải vô địch Pencak Silat trẻ toàn quốc dành được 2 HCV, 2HCB, 4HCĐ; giải đua thuyền Rowing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc tại Đà Nẵng dành được 5 HCV,1 HCB,1HCĐ.

5.5. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tính từ ngày 15/6/2020 đến ngày 14/7/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 16 người, bị thương 10 người. So với tháng trước tăng 3 vụ tai nạn đường bộ, tăng 6 người chết và tăng 5 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ tai nạn đường bộ, giảm 1 vụ tai nạn đường sắt, tăng 4 người chết và tăng 7 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông.

Như vây, tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/7/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 77 người và bị thương 35 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 8 vụ tai nạn đường bộ, giảm 2 vụ tai nạn đường sắt, tăng 7 người chết và giảm 4 người bị thương.

5.6. Môi trường

- Tình hình cháy, nổ: Tính từ ngày 15/6/2020 đến ngày 15/7/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ cháy (trong đó có 5 vụ cháy rừng), với tổng giá trị thiệt hại ước tính 250 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5 vụ. Tính chung 7 tháng, xẩy ra 38 vụ cháy (trong đó có 7 vụ cháy rừng), làm 3 người chết và 3 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 4,53 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 23 vụ cháy và 5 vụ nổ, tăng 1 người chết và giảm 5 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 7/2020, đã phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm môi trường (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 4,5 triệu đồng. Tính chung 7 tháng, đã phát hiện 23 vụ và xử lý 22 vụ vi phạm môi trường (giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 112,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép.

Cục thống kê Hà Tĩnh


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện