Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tình hình kinh tế xã hội Hà Tĩnh 9 tháng đầu năm 2020

  

07:36 29/09/2020

1. Tài chính, ngân hàng 

 1.1. Thu - chi ngân sách Nhà nước


Tổng thu NSNN trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2020 bằng 64,81% so với cùng kỳ năm 2019. Trong thu ngân sách Nhà nước thì thu nội địa chiếm 85,95% và thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,05%. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn bị đình trệ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên thu nội thu nội địa tăng 10,42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do Formosa phải bảo dưỡng sửa chữa lớn và dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu nên tổng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu chỉ bằng 64,99% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc hoàn thuế VAT 9 tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ dẫn đến thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu giảm 81,63% so với cùng kỳ năm 2019. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm.

Mặc dù thu ngân sách gặp khó khăn nhưng việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Tổng chi NSNN trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2020 bằng 108,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển chiếm 45,02% tổng chi, tăng 16,63% so với cùng kỳ; chi thường xuyên chiếm 54,89% tổng chi, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

2.2. Hoạt động ngân hàng


Trong 9 tháng đầu năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã kịp thời quán triệt và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách mới của Nhà nước và của Ngành đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong dó tập trung vào các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Ngành và UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động Ngân hàng năm 2020 và các văn bản chỉ đạo liên quan đến phòng chống, khắc phục hậu quả dịch Covid-19. Vì vậy, trong thời gian qua hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển.

Nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn khá ổn định, nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt (tăng 17,45% so với đầu năm), nguồn vốn huy động trung, dài hạn tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn (tăng 19,27% so với đầu năm, chiếm 51,5% trong tổng nguồn vốn) đã tạo điều kiện cho các TCTD chủ động nguồn vốn để cho vay. Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt (tăng 9,58% so với đầu năm), trong đó dư nợ cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên chiếm 50,3% tổng dư nợ và tăng 16,65% so với đầu năm, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng dư nợ (chiếm 40,3%) tạo điều kiện cho khách hàng ổn định nguồn tài chính để đầu tư phát triển sản xuất. Nợ xấu được kiểm soát và ở dưới mức cho phép (1,19%). Hoạt động mua bán, kinh doanh ngoại tệ và vàng trên địa bàn diễn ra bình thường, các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc các quy định trong quá trình hoạt động. Các dịch vụ ngân quỹ tiếp tục thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn trong giao dịch. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của các TCTD được thực hiện chặt chẽ.

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19, NHNN đã tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động ứng phó và khắc phục khó khăn liên quan đến dịch. Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2020: dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 503,75 tỷ đồng, với 543 khách hàng được cơ cấu. Dư nợ miễn giảm lãi theo Thông tư 01 là 168,43 tỷ đồng cho 223 khách hàng với số lãi giảm 434 triệu đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 8.709 tỷ đồng cho 4.065 khách hàng với số lãi được hạ 15.381 triệu đồng (giảm từ 0,05% đến 3,2%/năm). Các TCTD đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay là 18.209 tỷ đồng, đối với 6.085 khách hàng (với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch từ 0.05-0.3%/năm).

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, đó là: nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2019 (nợ xấu cuối năm 2019 chiếm 1,42% tổng dư nợ), tuy nhiên tập trung chủ yếu vào các khách hàng có dư nợ lớn, khó xử lý và chưa tìm ra hướng giải quyết; việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN vẫn gặp nhiều khó khăn; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đến nay chưa phát sinh số liệu.

2. Chỉ số giá tiêu dùng


CPI tháng 9 năm 2020 tăng nhẹ (tăng 0,57%) so tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,93% và khu vực nông thôn tăng 0,41%), tăng 3,92% so cùng tháng năm trước và tăng 0,7% so với tháng 12 năm 2019. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: nhóm giáo dục; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Có 2 nhóm hàng hoá có chỉ số giảm so với tháng trước gồm: nhóm văn hóa, giải trí, du lịch và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Còn lại 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ ổn định so với tháng trước là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

Một số nguyên nhân chính tác động đến CPI tháng 9/2020 so với tháng trước là: Tháng 9 là thời điểm bước vào năm học mới, mặc dù các cơ sở giáo dục công lập ổn định chưa tăng giá. Nhưng các cơ sở giáo dục tư thục đều có mức tăng học phí khá cao, bình quân trên 10% so với năm học trước. Cùng với đó, nhu cầu hàng may mặc, mũ nón, dày dép, vật tư văn phòng phẩm đều tăng đã tác động làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao so với tháng trước (tăng 15,13%); (2) Sau khi (3) Giá thịt lợn hơi giảm khiến các mặt hàng thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt lợn giảm nhẹ.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 1,28% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 27,92% và tăng 29,61% so với tháng 12 năm 2019. Giá vàng giảm theo biến động của giá vàng thế giới. Giá vàng trên thị trường Hà Tĩnh, ngày 21/9/2020 ở khu vực thành thị là 5.441 nghìn đồng/chỉ và ở khu vực nông thôn là 5.389 nghìn đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 tăng 0,04% so với tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,99% và tăng 0,05% so với tháng 12 năm 2019. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/9/2020 mức giá bán ra là 23.200 đồng/1USD.

CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2020 tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 4,6% và khu vực nông thôn tăng 3,66%. Phân theo nhóm hàng hóa và dịch vụ: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,68%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,79%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,23%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,93%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,1%; giao thông giảm 10,62%; bưu chính viễn thông giảm 1,19%; giáo dục tăng 1,98%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,68%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,41 so với cùng kỳ năm trước. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì chỉ số giá bình quân 9 tháng đầu năm 2020 tăng ở mức cao nhất. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, cùng với việc điều chỉnh các chính sách về giá đối với một số mặt hàng nên đã tác động đến chỉ số giá chung.

CPI tháng 10/2020 dự kiến có khả năng giảm nhẹ so với tháng trước. Nguyên nhân do giá gạo, thịt lợn dự kiến tiếp tục giảm do nguồn cung tăng. Giá điện, nước sinh hoạt dự kiến cũng giảm khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và mưa nhiều trong tháng, khối lượng tiêu dùng giảm theo.

3. Đầu tư và xây dựng


Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện giai đoạn 2016-2020 liên tục giảm mạnh qua các năm. Nguyên nhân cơ bản là: (i) các dự án đầu tư công có tổng vốn kế hoạch lớn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; vốn NSTW bổ sung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến tháng 6/2020 mới được giao vốn; việc thay đổi về cơ chế trong quản lý, vận hành các dự án cấp nước sinh hoạt và VSNT thuộc CTMQTG xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện ở cấp cơ sở; (ii) ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên huy động vốn đầu tư từ tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp nhiều khó khăn; (iii) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp do các tháng đầu năm Công ty Formosa chủ yếu tập trung vào công tác bảo trì, bảo dưỡng, chưa triển khai các hoạt động đầu tư mới.

Xác định để phát triển kinh tế, Hà Tĩnh phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 2274-CV/TU ngày 01/6/2020, trong đó tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục đầu tư, tránh máy móc, cầu toàn, trì trệ, đùn đẩy; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương; tổ chức khởi công, triển khai ngay các dự án lớn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện để tạo quỹ đất, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án; rà soát, thu hồi vốn đối với các dự án đầu tư công giải ngân không đạt yêu cầu, bố trí cho dự án khác. Với việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, kết quả thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội quý III/2020 tăng 14,1% so với quý trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngoài Nhà nước chỉ đạt mức tăng nhẹ 0,7% nhưng nguồn vốn Nhà nước lại tăng 17,3% so với cùng kỳ. Riêng vốn FDI giảm 34,3% so với cùng kỳ do Dự án Formosa đã hoàn thành nên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh.

Do trong tổng vốn đầu tư phát triển thì chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, khi thực hiện vốn đầu tư phát triển đạt thấp thì hoạt động sản xuất xây dựng cũng gặp khó khăn. Cùng với việc thực hiện vốn đầu tư đạt thấp, không có các công trình dự án lớn được triển khai xây dựng và bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kết quả hoạt động sản xuất xây dựng 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn không có nhiều biến động so với năm 2019. Các công trình xây dựng trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng các cấp đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất xây dựng như: Dự án cầu Thọ Tường bắc qua sông La; dự án cầu Cửa Hội nối thị xã Cửa Lò với Nghi Xuân; nâng cấp, sữa chữa kênh chính Linh Cảm trong hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; chỉnh trang đô thị thành phố Hà Tĩnh; đường giao thông nối Chợ Cồn - Liên Giang; cải tạo, sữa chữa đường Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...

 4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

4.1. Tình hình đăng ký kinh doanh

Tính từ đầu năm đến ngày 24/9/2020, toàn tỉnh thành lập mới 555 doanh nghiệp, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 5.111 tỷ đồng, giảm 4.825% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân đạt 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so cùng kỳ, số vốn đăng ký và số vốn bình quân/doanh nghiệp cũng giảm khá lớn. Hàng năm các doanh nghiệp cũng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, 9 tháng đầu năm 2020 đã tạo việc làm mới cho 4.190 lao động. Trong đó loại hình công ty TNHH giải quyết việc làm cho nhiều lao động mới nhất với 3.015 lao động, chiếm 71,9% trong tổng số, quy mô bình quân 7 lao động/doanh nghiệp; loại hình công ty cổ phần tạo việc làm mới cho 1.162 lao động, chiếm 27,7% trong tổng số, quy mô 9,5 lao động/doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp tư nhân tạo việc làm mới cho 13 lao động, chiếm 0,4%.

Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới thì số doanh nghiệp gặp khó khăn phải chấm dứt hoạt động trong 9 tháng đầu năm là 49 doanh nghiệp, giảm 34% và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 241 doanh nghiệp, tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ bên cạnh đó số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng có xu hướng tăng cao, thể hiện các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh so cùng kỳ năm trước.

4.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý III/2020 của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, kết quả cụ thể như sau: Về tổng quan tình hình SXKD của doanh nghiệp có 70,5% số doanh nghiệp đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước (trong đó 36,4% khẳng định SXKD tốt lên và 34,1% khẳng định giữ ổn định) và có 29,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước. Dự báo quý IV/2020 so với quý trước, có 72,7% số doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (trong đó 40,9% số doanh nghiệp dự báo tốt lên và 31,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định), bên cạnh đó còn có 27,3% số doanh nghiệp nhận định tiếp tục gặp khó khăn hơn.

Trong 13 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì có: 77,3% doanh nghiệp khẳng định là “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”; 61,4% doanh nghiệp đánh giá “Tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”; 45,5% doanh nghiệp đánh giá “Khó khăn về tài chính”, 29,6% doanh nghiệp đánh giá “Thiếu nguyên, nhiên vật liệu” và 27,3% số doanh nghiệp đánh giá “lãi suất vốn vay cao” là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá về biến động lao động quý III/2020 so với quý trước, có đến 86,4% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên và giữ ổn định (trong đó 9,1% khẳng định tăng lên và 77,3% khẳng định giữ ổn định) và 13,6% khẳng định lao động giảm. Dự báo lao động quý IV/2020 so với quý trước, có 86,4% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động giữ ổn định, 2,3% số doanh nghiệp tăng lao động và có 11,3% số doanh nghiệp khẳng định giảm lao động.

Đánh giá về sử dụng công suất máy móc, thiết bị, bình quân các doanh nghiệp sử dụng 72,6% công suất. Trong đó 36,4% số doanh nghiệp sử dụng công suất từ 90%-100%; 31,8% doanh nghiệp sử dụng công suất từ 70%-dưới 90%; 15,9% số doanh nghiệp sử dụng công suất từ 50%-dưới 70% và 15,9% số doanh nghiệp sử dụng dưới 50% công suất thiết kế. Những ngành có hệ số sử dụng công suất máy móc, thiết bị cao như: sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; ngành sản xuất đồ uống 100%; ngành dệt 100%.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Nông nghiệp



 - Trồng trọt: Trong tháng 9/2020, hoạt động sản xuất trồng trọt chủ yếu tập trung thu hoạch lúa vụ Hè Thu và chăm sóc cây trồng vụ Mùa. Do quỹ đất sản xuất trồng trọt ngày càng thu hẹp bởi một số diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng nên ước tính năm 2020, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 1.130 ha so với năm 2019. Trong đó diện tích lúa cả năm tăng 321 ha (vụ Đông Xuân giảm 133 ha, vụ Hè Thu tăng 480 ha và vụ Mùa giảm 26 ha) so với năm 2019 và chiếm 66,7% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 581.034 tấn, bằng 105,4%, tăng 29.999 tấn so với năm 2019. Trong đó, sản lượng lúa ước đạt 534.843 tấn, chiếm 92,05% tổng sản lượng lương thực có hạt, tăng 28.164 tấn so với năm 2019.

Năm 2020, sản xuất lúa vụ Đông Xuân và vụ Mùa đều giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nguyên nhân năng suất lúa vụ Đông Xuân năm nay giảm do thời kỳ trổ bông gặp phải đợt rét tăng cường đối với giống lúa cấy sớm, còn đối với giống lúa cấy muộn hơn gặp phải đợt mưa lớn trái mùa; thời gian lúa trổ kéo dài hơn một tháng từ 25/3 đến 29/4. Đặc biệt, do ảnh hưởng của một số loại sâu bệnh như đạo ôn lá, bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá đã làm cho năng suất và sản lượng lúa giảm. Còn sản xuất lúa vụ Mùa thường gặp khó khăn về thời tiết, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân ít đầu tư sản xuất. Kết quả sản xuất lúa vụ Hè Thu năm nay không phải là sự đột biến lớn nhưng cũng đạt được kết quả khá tốt, tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Vụ Hè Thu 2020, nhìn chung nông dân tuân thủ lịch thời vụ, bám sát đồng ruộng và tích cực chăm bón lúa. Đồng ruộng Hà Tĩnh được ghi nhận rất ít sâu bệnh gây hại. Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa tuy gặp thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng diện tích lúa trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đủ nước tưới nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Thời kỳ lúa trổ bông và thu hoạch điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa vụ Hè Thu năm nay ước tính tăng 7,3 tạ/ha so với năm 2019. Cả diện tích và năng suất đều tăng đã làm cho sản lượng lúa vụ Hè Thu năm 2020 sơ bộ tăng 34.044 tấn so với cùng kỳ năm 2019.

Diện tích gieo trỉa các loại cây trồng chủ lực khác như ngô, khoai lang, sắn, lạc đều giảm, chỉ có diện tích rau tăng hơn so với năm 2019.đầu vụ Đông mưa kéo dài làm cho đất ướt khó sản xuất đối với một số loại cây, nhiều diện tích chậm tiến độ so với lịch thời vụ nên phải chuyển sang trồng các loại rau và một số cây trồng khác. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng với việc ít sâu bệnh và điều kiện thời tiết thuận lợi thì năng suất các loại cây trồng chủ lực khác năm 2020 như ngô, khoai lang, sắn, rau đều tăng hơn so với năm 2019.

Sản xuất cây lâu năm: Ước tính tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 31.059 ha, bằng 103,7%, tăng 1.103 ha so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 18.656 ha, bằng 109,7%, tăng 1.655 ha so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng cây ăn quả ước đạt 70.087 tấn, bằng 107,9%, tăng 5.110 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong những năm qua, hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả mang lại cho người làm vườn là tương đối tích cực nên người dân đang tiếp tục phát triển vườn cây ăn quả. Cùng với các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi, chanh...thì hiện nay một số loại cây ăn quả như ổi, thanh long, mít...cũng đã được người làm vườn đưa vào trồng với diện tích ngày càng tăng.

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: năm nay các đối tượng sâu bệnh vẫn phát sinh gây hại đối với các loại cây trồng nhưng mức độ thiệt hại là không lớn. Đối với lúa vụ Đông Xuân có 796 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, phân bố ở các địa phương như Nghi Xuân, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh; có 1.580 ha nhiễm bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng (nhiễm nặng 122 ha), tập trung chủ yếu ở huyện Cẩm Xuyên và có 347 ha nhiễm bệnh bạc lá, phân bố tại các địa phương như Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên...Vụ Hè Thu năm nay chỉ phát sinh một số loại sâu bệnh như: bệnh vàng lá di động, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi nhưng với mật độ thấp và không gây ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đối với các loại cây trồng khác tuy sâu bệnh có phát sinh gây hại nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

 - Chăn nuôi: Với kết quả như phản ánh ở trên cho thấy, 9 tháng năm 2020 chỉ có kết quả chăn nuôi lợn đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do hậu quả từ dịch tả lợn châu Phi, còn các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng hơn so với cùng kỳ. Đối với chăn nuôi trâu thì tổng đàn đang có xu hướng giảm do nguồn con giống hạn chế, chi phí đầu tư ban đầu cao hơn các loại vật nuôi khác và điều kiện chăn thả cũng đang ngày càng bị thu hẹp. Chăn nuôi bò nhìn chung ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Thời gian qua, các hộ chăn nuôi đã đưa giống bò Belgan Blue Breed hay còn gọi là bò "3B" có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt chuyên dụng, cơ bắp phát triển siêu trội hơn so với bò thường khoảng 40% vào nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực làm tăng cả tổng đàn cũng như sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng. Phát triển chăn nuôi bò "3B" nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi là hướng đi thích hợp khi mà chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Đối với chăn nuôi lợn, hiện nay mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được khống chế và dập tắt. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề. Con giống khan hiếm và giá lợn giống quá cao đang là rào cản lớn cho việc tái đàn lợn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi chăn nuôi lợn gặp khó khăn thì người dân đã chuyển hướng đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm nên tổng đàn và sản lượng gia cầm trong thời gian qua phát triển tương đối khá. Để phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh thì cần phải có giải pháp căn cơ hơn để xây dựng, chủ động nguồn cung con giống, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, giá cả nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại và tăng cường liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: tính từ đầu năm đến ngày 22/9/2020, dịch lở mồm long móng đã xẩy ra trên đàn gia súc tại 8 xã, phường thuộc 6 huyện, thị xã (Can Lộc, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Đức Thọ), làm cho 110 con gia súc mắc bệnh (25 con trâu, 81 con bò và 4 con lợn), trong đó có 3 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Dịch tả lợn Châu Phi đã làm cho 92 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy, với trọng lượng trên 5,7 tấn. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác không xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đã được các địa phương triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt được vẫn còn thấp so với kế hoạch, cụ thể kết quả tiêm phòng đợt I/2020: tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 133.061 liều, đạt 83,3% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 128.027 liều, đạt 81,2% kế hoạch; dịch tả lợn 149.023 liều, đạt 80,82% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 149.122 liều, đạt 84,1% kế hoạch; tiêm phòng dại cho chó 120.847 liều, đạt 75,9% kế hoạch và tiêm phòng dịch cúm gia cầm 1,16 triệu liều, đạt 39,8% kế hoạch. Kết quả tiêm phòng đợt II/2020 tính đến ngày 24/9/2020: tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 16.619 liều, đạt 15,9% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 15.718 liều, đạt 15,6% kế hoạch; dịch tả lợn 41.207 liều, đạt 30,41% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 41.196 liều, đạt 30,4% kế hoạch và tiêm phòng dịch cúm gia cầm 158.189 liều, đạt 7,5% kế hoạch.

5.2. Lâm nghiệp


Hoạt động trồng rừng và trồng cây phân tán 9 tháng đầu năm 2020 vẫn được các cấp chính quyền cũng như người dân quan tâm thực hiện. Kết quả trồng rừng tập trung 9 tháng năm 2020 tăng 307 ha so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích trồng rừng chủ yếu tập trung ở các địa phương: huyện Kỳ Anh 1.462,7 ha, huyện Hương Khê 582 ha, huyện Hương sơn 505 ha, huyện Cẩm Xuyên 173,5 ha, huyện Thạch Hà 119 ha...Đối với hoạt động khai thác, do rừng sản xuất chưa đến kỳ thu hoạch nên sản lượng lâm sản khai thác 9 tháng năm 2020 giảm 4.191 m3 so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả trồng cây phân tán cũng giảm so với cùng kỳ do quỹ đất trồng cây phân tán ngày càng bị thu hẹp.

  Do điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, cùng với sự bất cẩn và vô ý thức của một số người dân khi vào rừng nên từ đầu năm đến ngày 25/9/2020 trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 13 vụ cháy rừng (giảm 7 vụ), làm thiệt hại 83,97 ha rừng (giảm 88 ha) so với cùng kỳ năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn không có khả năng phục hồi là 59,03 ha, trong đó: Tháng 6/2020 xẩy ra 2 vụ (Đức Thọ 1 vụ và Lộc Hà 1 vụ), tháng 7/2020 xẩy ra 5 vụ (Hương Sơn - Vũ Quang 1 vụ, Đức Thọ 1 vụ, huyện Kỳ Anh 1 vụ, Can Lộc 1 vụ và Hương Khê 1 vụ), tháng 8/2020 xẩy ra 4 vụ (Hương Sơn 1 vụ, Hương Khê 1 vụ và Lộc Hà 1 vụ), tháng 9/2020 xẩy ra 2 vụ (Đức Thọ 1 vụ và Cẩm Xuyên 1 vụ). Mặc dù số vụ cháy rừng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là năm có số vụ cháy rừng và thiệt hại rừng lớn trong nhiều năm trở lại đây.

5.3. Thuỷ sản


Kết quả sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2020 vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá, với mức tăng tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.826 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng khai thác chiếm đến 69,6% tổng sản lượng thủy hải sản và tăng 1.970 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó với những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa đã làm cho sản lượng khai thác biển ước đạt 26.742 tấn, chiếm 88,75% tổng sản lượng khai thác và tăng 1.919 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản thời gian qua cũng được quan tâm thực hiện, với kết quả sản lượng nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 856 tấn so với cùng kỳ năm 2019, trong đó sản lượng tôm ước đạt 3.901 tấn, tăng 436 tấn so với cùng kỳ. Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, an toàn sinh học theo quy trình VietGAP đang là hướng đi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao cho các vùng nuôi tôm của tỉnh. Vì thế, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi để tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Những tháng cuối năm, điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt xẩy ra bất thường nên hoạt động khai thác biển sẽ gặp khó khăn hơn. Cùng với đó, công tác phòng chống, bảo vệ lồng bè, ao hồ nuôi trồng thủy sản cần phải được quan tâm thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của thiên tai.

Trong tháng 9/2020, dịch bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đã xẩy ra đối với tôm nuôi tại xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) và xã Thạch Khê, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), với diện tích nhiễm bệnh là 2,07 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 62,75 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh bệnh đốm trắng là 55,1 ha và diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là 7,65 ha. Các ngành chức năng đã phối hợp với các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung xử lý, không để dịch bệnh lây lan.

6. Sản xuất công nghiệp


Sản xuất công nghiệp mặc dù vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã có những dấu hiệu tích cực hơn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2020 dự ước tăng nhẹ 2,74% so với tháng trước và tăng 18,22% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng khá so với tháng trước như: khai khoáng khác tăng 6,71%; sản xuất đồ uống tăng 4,58%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 6,09%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,16%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,81%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 10,47%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 10,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 6,24%...

 Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi hơn trong quý III/2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên kết quả sản xuất công nghiệp vẫn giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 giảm 4,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I/2020 giảm 0,65%, quý II/2020 giảm 13,94% và quý III/2020 tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây thì đây là năm đầu tiên có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp có sự ảnh hưởng rất lớn từ ngành sản xuất kim loại (dự án Formosa). Trong khi, 9 tháng đầu năm 2020 chỉ số phát triển sản xuất của ngành sản xuất kim loại giảm 11,74% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, một số ngành công nghiệp khác cũng có chỉ số sản xuất giảm đã làm cho chỉ số phát triển sản xuất chung toàn ngành giảm như: khai khoáng khác giảm 7,55%; sản xuất đồ uống giảm 12,03%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 5,31%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 23,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 9,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 34,43%; hoạt động thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 7,05%. Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thời gian tới dự kiến sẽ có sự phục hồi nhưng vẫn còn chậm do hậu quả của dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 có tín hiệu tích cực khi tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (gạch nung, bê tông tươi...) giảm 48,73%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 33,82%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,74%; sản xuất kim loại giảm 13,94%; sản xuất đồ uống giảm 6,5%…

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 64,56% so với tháng trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với tháng trước thì chỉ số tồn kho tăng cao hơn rất nhiều so với chỉ số tiêu thụ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, lượng sản phẩm tồn kho ngày càng lớn.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2020 cơ bản ổn định so với tháng trước nhưng lại giảm 6,27% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020 số lao động giảm 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh nhất với mức giảm 7,61%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 6,79% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 3,56%.

7. Thương mại và dịch vụ



Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020, đến nay cơ bản đã được khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động hơn. Tâm lý người dân cũng yên tâm hơn khi khi sử dụng các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, tham quan du lịch. Mặt khác, đây cũng là tháng trùng với rằm tháng 7 âm lịch và là thời điểm bước vào năm học mới nên nhu cầu mua hàng thực phẩm, sách vở, văn phòng phẩm tăng nên đã làm cho kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 9/2020 tăng so với tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Ước tính tháng 9/2020 tăng 5,02% so với tháng trước và tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó một số nhóm ngành hàng tăng mạnh là: vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 19,92%; ô tô tăng 10,41%; hàng hóa khác tăng 8,54%; lương thực, thực phẩm tăng 6,73%.

Tính riêng từng quý cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I đạt mức tăng khá (tăng 7,15%) so với cùng kỳ năm 2019; quý II, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (mà chịu tác động mạnh nhất là tháng 4/2020) nên tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 9,88%; sang quý III, tuy dịch bùng phát trở lại nhưng thị trường tiêu dùng hàng hóa vẫn diễn ra bình thường nên tổng mức vẫn đạt mức tăng khá (tăng 7,17%).

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa hóa 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 1,69% và chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng: ô tô các loại tăng 60,74%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 27,13%; lương thực, thực phẩm tăng 18,89%.

- Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 9/2020 ước tính tăng 5,91% so với tháng trước và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 13,11%). Tách riêng từng quý cho thấy, so với cùng kỳ năm trước doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành qua các quý đều giảm, nhưng với mức giảm khác nhau: giảm mạnh nhất là quý II, giảm 46,65%; tiếp đến là quý III, giảm 14,52%; quý I giảm 10,31%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 23,84% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ.

 Doanh thu dịch vụ khác tháng 9/2020 ước tính tăng 4,67% so với tháng trước và 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý I/2020 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II/2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên doanh thu dịch vụ khác giảm mạnh 34,4% và tăng nhẹ ở quý III với mức tăng 0,75%. Chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 12,88% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động vận tải: tính đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát. Hoạt động lưu thông, vận chuyển hành khách, hàng hóa đã ổn định trở lại. Là tháng bước vào năm học mới, nên nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên tăng; cùng với nhu cầu mua bán, vận chuyển hàng hóa cũng tăng, đã làm cho hoạt động vận tải tháng 9/2020 tăng so với tháng trước.

Vận tải hành khách tháng 9/2020 so với tháng trước ước tính tăng 5,32% về số lượng lượt khách vận chuyển và tăng 3,68% về số lượng khách luân chuyển; doanh thu tăng 4,47%. Quý III so với cùng kỳ năm trước ước tính giảm 7,65% về số lượng lượt khách vận chuyển và giảm 4,15% về số lượng khách luân chuyển; doanh thu giảm 5,19%. Tính chung 9 tháng năm 2020, giảm 19,73% về số lượng khách vận chuyển và giảm 17,56% về số lượng khách luân chuyển; doanh thu giảm 17,27% so với cùng kỳ năm trước.

 Vận tải hàng hóa tháng 9/2020 so với tháng trước ước tính tăng 4,32% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 5,11% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 6,5%. Quý III so với cùng kỳ năm trước ước tính giảm 1,35% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 0,27% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 3,89%. Tính chung 9 tháng năm 2020, giảm 7,96% về số lượng hàng hóa vận chuyển và giảm 5,74% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2020 tăng 2,52% so với tháng trước và tăng 59,45% so với cùng kỳ năm trước. Quý III ước tính tăng 58,63% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước.

8. Các vấn đề xã hội


 8.1. Tình hình lao động và giải quyêt việc làm

  Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên 9 tháng đầu năm 2020 ước tính là 713,5 nghìn người, chiếm 50% tổng dân số toàn tỉnh; số lao động đang làm việc là 692,47 nghìn người (chiếm 97,05% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên), số người không có việc làm (thất nghiệp) là 21,03 nghìn người (chiếm 2,95% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 3,5%. Khi phân lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo ngành kinh tế thì: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có 354,89 nghìn người, chiếm 51,25%; công nghiệp, xây dựng 167,92 nghìn người, chiểm 24,25% và dịch vụ 169,66 nghìn người, chiếm 24,5%.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình về lao động và giải quyết việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Tình hình việc làm và thu nhập cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có chiều hướng tăng. Trong khoảng thời gian chịu sự tác động nặng nề của dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh đã có trên 26.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã phải nghỉ việc không hưởng lương và 45.600 lao động làm việc tự do không có giao kết hợp đồng ở lĩnh vực phi nông nghiệp bị mất việc làm.

Ước tính 9 tháng đầu năm 2020, đã giải quyết việc làm cho 11.292 lao động, giảm 34,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là 6.153 người, giảm 25,54%; xuất khẩu lao động là 3.951 người, giảm 31,01% và lao động đi làm việc ngoại tỉnh là 1.188 người, giảm 63,08%.

 8.2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Thời gian qua, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự nổ lực phấn đấu của Nhân dân trong phòng chống dịch, cũng như công tác hỗ trợ người dân, nên đời sống dân cư 9 tháng đầu năm 2020 vẫn giữ vững ổn định so với cùng kỳ năm trướcgoài ra, tính đến 15/9/2020 Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 177.466 đối tượng với kinh phí 237,89 tỷ đồng (đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng là hộ kinh doanh và lao động bị mất việc làm). Vì vậy, tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 9 tháng đầu năm 2020, đã tổ chức thăm hỏi và trao tặng 468.947 suất quà với tổng kinh phí 141,26 tỷ đồng, bao gồm 61,06 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; 34,35 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo và 45,85 tỷ đồng cho cứu trợ xã hội khác. Đồng thời, trao tặng 25 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng trị giá 122 triệu đồng; xây mới 200 nhà tình nghĩa trị giá 11,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp 26.464 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 46.424 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 131.905 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 53.018 thẻ BHYT cho người có công.

8.3. Tình hình thiên tai

 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 6 đợt lốc xoáy kèm theo mưa lớn và sét đánh (đợt 1 vào ngày 11/5/2020; đợt 2 vào ngày 17/5/2020; đợt 3 vào ngày 13/6/2020; đợt 4 vào ngày 02/8/2020; đợt 5 vào ngày 26/8/2020; đợt 6 vào ngày 13/9/2020). Lốc xoáy làm 8 người bị thương; 423 nhà ở (trong đó có 13 nhà bị thiệt hại trên 50%), 1 trường học và 1 nhà văn hóa bị tốc mái; 1 con bò bị chết; 221,2 ha lúa, 610,5 ha mạ lúa lai, 38,8 ha hoa màu, 3 ha cây lâu năm và 2 ha diện tích rừng bị đổ, gãy, hư hỏng. Ngoài ra một số cột điện, cây cối bị đổ gãy. Ước tính tổng thiệt hại 10,97 tỷ đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức khắc phục kịp thời các thiệt hại để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

8.4. Hoạt động giáo dục đào tạo

- Giáo dục phổ thông: sáng ngày 05/9/2020, hơn 330 ngàn cán bộ giáo viên và học sinh tại 663 trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Trong điều kiện trên địa bàn tỉnh đang an toàn về dịch bệnh, phần lớn các trường học đều tổ chức lễ khai giảng ngoài trời với quy mô toàn trường, đồng thời quán triệt thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giãn cách theo hướng dẫn của ngành y tế trong thời gian diễn ra buổi lễ. Thời gian tổ chức khai giảng được quy định chỉ trong 30 phút với đầy đủ các nghi lễ trang trọng và đảm bảo các nội dung.

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 663 trường (gồm 249 trường mầm non, 221 trường tiểu học, 148 trường THCS và 45 trường THPT), giảm 37 trường so với cuối năm học trước, do sát nhập xã; với 10.424 lớp (mẫu giáo 2.700 lớp, tiểu học 4.050 lớp, THCS 2.372 lớp, THPT 1.302 lớp), 18.168 giáo viên (mầm non 5.118 người, tiểu học 5.526 người, THCS 4.691 người, THPT 2.833 người) và 320.436 học sinh (mầm non 76.916 em, tiểu học 121.800 em, THCS 77.988 em và THPT 43.732 em). Với cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt yêu cầu học tập của các cấp học.

- Giáo dục đào tạo: năm học 2020-2021, trường Đại học Hà Tĩnh tuyển sinh 1.650 chỉ tiêu, gồm 1.600 chỉ tiêu hệ đại học và 50 sinh viên hệ cao đẳng. Trưởng tổ chức tuyển sinh theo 2 phương thức: phương thức thứ nhất là dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 và phương thức thứ 2 là dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT (xét học bạ THPT). Đối với ngành Giáo dục mầm non, trường tổ chức thi môn năng khiếu (đọc diễn cảm - hát).

 Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng với chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn. Các cơ sở đào tạo luôn quan tâm đến công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có định hướng, khảo sát tiềm năng và tính bền vững của nghề đào tạo. 9 tháng đầu năm 2020, đã tổ chức dạy nghề cho 3.603 người, giảm 6.267 người so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: trình độ cao đẳng nghề 35 người, trung cấp nghề 766 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 2.802 người.

 8.5. Hoạt động Y tế

 9 tháng đầu năm 2020, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị ở bệnh viện các tuyến.

- Tình hình dịch bệnh: tính đến ngày 22/9/2020, ở Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19; hiện đang cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế 4 người, cách ly tập trung 287 người. Từ 1/7/2020 đến 22/9/2020, đã theo dõi, cách ly tại nhà 807 người, tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định. Trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện khai báo y tế, điều tra theo dõi, giám sát và cách ly y tế phù hợp đối với các trường hợp từ Đà Nẵng và các địa điểm có dịch trong nước về địa bàn tỉnh trong vòng 14 ngày. Tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh lý nền; khuyến khích khai báo y tế tự nguyện, cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone.

 Ngoài dịch bệnh Covid-19, 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 26 trường hợp sốt xuất huyết, 184 trường hợp sốt rét, 162 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 196 trường hợp mắc lỵ a míp, 39 trường hợp mắc quai bị, 164 trường hợp mắc thủy đậu và 103 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng. Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.

 - Công tác phòng chống HIV/AIDS: nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS được thực hiện như: tổ chức các lớp truyền thông, vận động các đối tượng nghiện chính ma túy, nhiễm HIV tham gia các chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; tổ chức đợt giám sát, đánh giá các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh có 61 trường hợp nhiễm HIV, tăng 17,3%; có 58 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, tăng 16%; có 4 trường hợp chết vì AIDS (bằng cùng kỳ năm 2019).

 - Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện. 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 838 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 33,75% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.

 8.6. Hoạt động văn hóa - thể thao

- Hoạt động văn hóa: do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều vui chơi, giải trí hoạt động du lịch trên địa bànhoạt động văn hóa 9 tháng đầu năm 2020 không sôi động và rất trầm lắng Ngoài các hoạt động văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý”, Hà Tĩnh chủ yếu tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền, xây dựng tin bài, phóng sự Đại hội Đảng; tổ chức treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu...vào các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức lễ tổng kết, trao thưởng vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” (gồm 1 giải đặc biệt, 26 giải nhất, 52 giải khuyến khích) và chọn 20 bài thi xuất sắc gửi tham dự vòng chung kết toàn quốc.

 - Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: 9 tháng đầu năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 6 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với trên 100 cơ sở kinh doanh. Cấp 124 giấy phép, trong đó có 25 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 5 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 82 giấy phép thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở; 7 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao, 5 giấy phép thuộc lĩnh vực còn lại.

 - Hoạt động thể thao: đầu năm, trong không khí “ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý năm 2020” tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo hạn chế tổ chức các hoạt động thể thao có quy mô lớn, chỉ tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số lượng giải đấu thể thao thành tích cao giảm. Kết quả 9 tháng đầu năm 2020, giành được 70 huy chương các loại (gồm 30 HCV, 17 HCB và 23 HCĐ) ở các giải đấu trong nước.

8.7. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tính từ ngày 15/8/2020 đến ngày 14/9/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 14 người, bị thương 7 người. So với tháng trước tăng 7 vụ tai nạn đường bộ, tăng 4 người chết và tăng 5 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 12 vụ, tăng 10 người chết và tăng 2 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông.

Như vây, tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/9/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 101 người và bị thương 44 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 20 vụ tai nạn đường bộ, giảm 2 vụ tai nạn đường sắt, tăng 18 người chết và giảm 7 người bị thương.

 8.8. Môi trường

- Tình hình cháy, nổ: tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 15/9/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 3 vụ cháy (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với tổng giá trị thiệt hại ước tính 3,12 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, xẩy ra 53 vụ cháy, làm 7 người chết và 4 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 7,79 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 14 vụ cháy và 5 vụ nổ, tăng 5 người chết và giảm 4 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

- Công tác bảo vệ môi trường: Tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 15/9/2020, đã phát hiện và xử lý 1 vụ vi phạm môi trường (giảm 24 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 35 triệu đồng. Tính chung 9 tháng năm 2020, đã phát hiện 28 vụ và xử lý 27 vụ vi phạm môi trường (giảm 58 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 178,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép.

BBT Cổng TTĐT tỉnh


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện