Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Tình hình KTXH Hà Tĩnh tháng 01 năm 2021

  

07:54 29/01/2021

 1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

 1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng 01/2021 chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ Đông 2020 và tiến hành gieo cấy lúa vụ Xuân 2021.

+ Sản xuất vụ Đông 2020


Xác định vụ Đông là vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ và cung cấp thức ăn cho gia súc. Ước tính tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2020 đạt 13.054 ha, bằng 108,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng so với cùng kỳ chủ yếu là do diện tích ngô, còn các loại cây trồng chủ lực khác đều giảm. Nguyên nhân diện tích ngô tăng mạnh so với cùng kỳ do vụ Đông năm 2019 diện tích ngô của huyện Hương Khê gieo trỉa bị hư hỏng không khắc phục được nên diện tích giảm mạnh. Lũ lụt xẩy ra trên địa bàn vào trung tuần tháng 10/2020 đã làm cho năng suất và sản lượng các loại cây trồng năm này sụt giảm so với vụ Đông năm trước (riêng sản lượng ngô tăng do diện tích tăng).

Để kịp thời khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3771/QĐ-UBND ngày 06/11/2020 phân bổ 8.000 kg hạt giống ngô và 5.940 kg hạt giống rau cho các huyện, thành phố, thị xã để phục vụ sản xuất vụ Đông 2020. Nguồn giống được phân bổ đã góp phần giúp bà con nông dân thực hiện việc gieo trỉa khắc phục các diện tích bị thiệt hại do mưa lũ nhằm thực hiện tối đa về diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2020.

+ Sản xuất vụ Xuân 202: Với quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ Xuân 2021 là phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh sản xuất toàn diện trên tất cả các đối tượng cây trồng, phấn đấu đạt diện tích, năng suất, sản lượng. Tính đến ngày 15/01/2021, theo cập nhật sơ bộ từ các đơn vị cung ứng giống, lượng giống cung ứng khoảng 1.652 tấn, tương đương với 27.530 ha diện tích gieo cấy. Trong đó: nguồn giống xuất dự trữ Quốc gia 500 tấn, nguồn từ các đơn vị doanh nghiệp cung ứng 1.152 tấn.

Tiến độ gieo cấy lúa vụ Xuân 2021 tính đến ngày 22/01/2021, tổng diện tích mạ toàn tỉnh là 607 ha, tương ứng với 8.685 ha diện tích lúa cấy, chủ yếu là các giống lúa P6, nếp, HT1 và nhóm giống X. Đã có 13/13 huyện, thành phố, thị xã xuống giống lúa P6, nếp, HT1… với tổng diện tích ước đạt 22.997 ha, trong đó: Diện tích gieo thẳng 22.571 ha, diện tích cấy 426 ha; một số huyện có diện tích gieo, cấy lớn như: Huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung làm đất và vào giống để tiến hành gieo cấy lúa vào cuối tháng 01 và đầu tháng 02/2021.

+ Sâu bệnh, thiệt hại: trong tháng 01/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xẩy ra rét đậm rét hại nên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng vụ Đông 2020. Sâu bệnh chỉ xuất hiện một số sâu cuốn lá, rệp...không gây hại đối với các loại cây trồng.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian qua có những tín hiệu tích cực hơn.


Tổng đàn trâu, bò không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước, có tăng nhưng với mức tăng nhẹ. Đối với chăn nuôi lợn thì sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang dần được khắc phục, tổng đàn lợn tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Đàn lợn chủ yếu phát triển ở các trang trại, gia trại, còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ việc tái đàn vẫn còn gặp khó khăn. Giá lợn hơi trong tháng 01/2021 tăng cao đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các cơ sở chăn nuôi lợn, đây vừa là động lực và cũng là nguồn lực để các cơ sở chăn nuôi tiếp tục phát triển sản xuất. Tổng đàn gia cầm trong thời gian qua phát triển tương đối khá, nhất là đàn gà. Thời gian qua giá lợn hơi tăng cao còn lại các sản phẩm chăn nuôi khác nhìn chung ổn định do nguồn cung tương đối dồi dào. Hiện nay, người chăn nuôi đang tích cực chăm sóc các sản phẩm chăn nuôi để cung ứng phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 15/01/2021 trên địa bàn Hà Tĩnh dịch tả lợn Châu Phi xẩy ra tại 44 hộ/32 thôn/13 xã/7 huyện, thành phố, thị xã (Can Lộc, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Hương Khê, Vũ Quang và Nghi Xuân) với tổng số lợn bị ốm chết, buộc tiêu hủy chưa qua 21 ngày là 248 con, trọng lượng 11.871 kg; Bệnh Viêm da nổi cục với số bò mắc bệnh là 185 con/153 hộ/44 thôn/14 xã/5 huyện, thành phố (Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh), trong đó đã tiến hành tiêu hủy 11 con bò với trọng lượng 2.116 kg.

Trước tình hình rét đậm, rét hại đang xẩy ra, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tính đến ngày 15/1/2021, trên địa bàn tỉnh chưa có gia súc bị chết do rét đậm, rét hại.

1.2. Lâm nghiệp


- Trồng rừng và trồng cây phân tán: Thời tiết thuận lợi cho việc trồng cây nên dự ước diện tích trồng rừng tập trung tháng 01/2021 tăng 2,7% (tăng 13 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là diện tích rừng sản xuất. Diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu ở huyện Hương Sơn 130 ha, huyện Hương Khê 85 ha, huyện Vũ Quang 48 ha, huyện Kỳ Anh 42 ha,...Hiện nay, người dân đang tập trung ươm, chăm sóc cây giống để trồng vụ Xuân năm 2021. Bên cạnh trồng rừng tập trung thì do quỹ đất ngày càng giảm nên lượng cây trồng phân tán cũng đang có xu hướng giảm.

- Khai thác lâm sản: Sản lư¬ợng gỗ khai thác tháng 01/2021 ước tăng 7,05% (tăng 1.087 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ tăng do một số diện tích rừng trồng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cơn bão số 10 năm 2017 nên đến nay đã đủ tuổi để khai thác. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng 01/2021 tập trung chủ yếu ở các địa phương: huyện Hương Khê 10.500 m3, huyện Vũ Quang 5.289 m3, huyện Kỳ Anh 1.500 m3, huyện Thạch Hà 1.200 m3,…Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng giảm nên sản lượng củi khai thác tháng 01/2021 ước tính đạt 25.513 Ste, giảm 2,18% (giảm 569 Ste) so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động lâm nghiệp trong tháng 01/2021 không có nhiều biến động. Một số sản phẩm thu nhặt từ rừng đang có xu hướng giảm dần do nhu cầu tiêu dùng và trữ lượng ngày càng giảm.

- Thiệt hại rừng: Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/01/2021, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra cháy rừng.

 1.3. Thủy sản


 Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2021 nhìn chung ổn định và có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước tăng 1,85% (tăng 71 tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

- Sản lượng thủy hải sản khai thác: Ước tính tháng 01/2021 tăng 2,76% (tăng 81 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 77,16% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01/2021.

+ Sản lượng khai thác biển ước đạt 2.594 tấn, bằng 103,1% (tăng 78 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 86,07% tổng sản lượng khai thác và chiếm 66,41% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01/2021. Sản lượng khai thác cá tăng 58 tấn; tôm giảm 2 tấn; thủy sản khác tăng 22 tấn. Cùng với đội tàu đánh bắt xa bờ thì thời gian qua các loài cá nổi xuất hiện nhiều ở vùng biển gần bờ nên bà con ngư dân đã tận dụng khai thác nguồn lợi hải sản góp phần làm tăng sản lượng khai thác biển.

+ Sản lượng khai thác nội địa ước đạt 420 tấn, bằng 100,72% (tăng 3 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá tăng 3 tấn; sản lượng tôm giảm 2 tấn; sản lượng thuỷ sản khác tăng 2 tấn, sản lượng tăng do chủ yếu khai thác cá tự nhiên ở cửa sông, cửa lạch.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng: Ước tính tháng 01/2021 giảm 1,11% (giảm 10 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,84% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01 năm 2021. Trong đó, sản lượng cá giảm 27 tấn; tôm tăng 11 tấn; thuỷ sản khác tăng 6 tấn. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đang được chăm sóc để xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

- Dịch bệnh: Trong tháng không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.

Dự báo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 2/2021:

Tháng 2/2021 sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tập trung gieo cấy lúa vụ Xuân 2021, trồng rừng vụ Xuân và trồng cây phân tán dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu. Đối với hoạt động thủy sản thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết.

 2. Sản xuất công nghiệp (IIP)


Chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2021 dự ước tăng mạnh so cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp lớn trong tháng 1 năm trước giảm sản lượng sản xuất do tạm ngừng để bảo dưỡng thiết bị…. Đặc biệt là công ty Formosa Hà Tĩnh trong tháng 1 và tháng 2 năm trước tiến hành sữa chữa lớn dây chuyền cán nóng (tháng 1 từ ngày 01 đến 19; tháng 2 dây chuyền trục trặc phải tiến hành sửa chữa 9 ngày). Hiện nay sau những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai trong năm 2020, các doanh nghiệp dần ổn định sản xuất, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 năm 2021 tăng 2,93% so với tháng 12 năm 2020 và tăng 51,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 41,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 67,51%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,06%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2021 dự ước tăng mạnh so cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp lớn trong tháng 1 năm trước giảm sản lượng sản xuất do tạm ngừng để bảo dưỡng thiết bị…. Đặc biệt là công ty Formosa Hà Tĩnh trong tháng 1 và tháng 2 năm trước tiến hành sữa chữa lớn dây chuyền cán nóng (tháng 1 từ ngày 01 đến 19; tháng 2 dây chuyền trục trặc phải tiến hành sửa chữa 9 ngày). Hiện nay sau những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai trong năm 2020, các doanh nghiệp dần ổn định sản xuất, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 năm 2021 tăng 2,93% so với tháng 12 năm 2020 và tăng 51,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 41,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 67,51%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,06%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước


Ước tháng 1/2021 trong 25 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có đến 21 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8 nhóm ngành có mức tăng cao, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: khai thác quặng kim loại tăng 242,52%; Sản xuất kim loại tăng 83,84%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 65,71%; Sản xuất trang phục tăng 54,73%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 39,56%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,62%; Khai khoáng khác tăng 34,74%; Sản xuất đồ uống tăng 33,07%;…


Trong bối cảnh chung của các nhóm ngành công nghiệp có tăng trưởng thì vẫn có 4 nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành như: khai thác, xử lý cung cấp nước giảm 9,93%; Sản xuất phương tiện vận tải giảm 5,87%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,96%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1%.

Nhìn chung tháng 1 năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả hơn nhưng vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá.

Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 2/2021: Sản xuất công nghiệp không có sự tăng trưởng lớn do trùng vào một số ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.

3. Vốn đầu tư


Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2021 ước đạt 374.418 triệu đồng, giảm 23,75% so với tháng trước và chủ yếu giảm ở nguồn vốn cấp huyện. Trong tháng 1/2021 nguồn vốn chưa được giao theo các công trình cụ thể, các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỷ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp trong năm 2020, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2021 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng nên giá trị vốn đầu tư dự tính thực hiện đạt thấp hơn so với tháng trước.

 Năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý giao 7.611.156 triệu đồng, tăng 51,05% so với năm 2020. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước là 622.688 triệu đồng, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 3.279.927 triệu đồng, nguồn vốn ODA là 1.473.095 triệu đồng. Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh được giao 6.124.981 triệu đồng, tăng 84,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu tăng gấp 4,67 lần. Kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện được giao 910.104 triệu đồng, giảm 25,73%, kế hoạch vốn ngân sách cấp xã được giao là 576.071 triệu đồng, tăng 18,8%, nguồn vốn chủ yến thu từ quỹ sử dụng đất.

Dự báo tổng vốn đầu tư do ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 2/2021: Vốn đầu tư thực hiện ước giảm so với tháng trước do các công trình tạm ngừng thi công để nghỉ Tết.

   4. Thương mại dịch vụ


 - Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 01/2021 tăng 2,37% so với tháng trước và tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa chủ yếu tăng ở khu vực ngoài nhà nước, trong đó tăng mạnh nhất là bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị tăng 95,25% so với tháng trước và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2021 ước đạt 4.445.202,6 triệu đồng, tăng 2,37% so với tháng trước và tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị đạt 28.950,0 triệu đồng, tăng 95,25% so với tháng trước và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo nhóm ngành hàng, trong tháng 01/2021 một số nhóm ngành có doanh thu tăng cao so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 9,41%; hàng may mặc tăng 7,51%; đồ dùng, dụng cụ gia đình tăng 6,48%; Vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 11,96%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,18%; Xăng dầu các loại tăng 3,97%; Nhiên liệu khác tăng 3,06%; Đá quý, kim loại quý tăng 5,12%.

 Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 478/KH-UBND ngày 10/12/2020 nhằm thực hiện các giải pháp kiểm soát và ổn định thị trường. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thực hiện chương trình “ Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” ; đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do lũ lụt thời gian qua. Nhìn chung thị trường tiêu dùng hàng hoá tháng 01/2021 sôi động, lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

 - Hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ l¬ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2021 ước tăng 5,53% so với tháng trước, trong đó: L¬ưu trú giảm 1,18%; ăn uống tăng 5,84%; du lịch lữ hành giảm 2,84% so với tháng trước. Như vậy, nguyên nhân do ảnh hưởng lớn nhất từ nhóm ngành ăn uống (chiếm 96,04%); tháng 01/2021 trùng mùa cưới hỏi và dịp cuối năm nên nhu cầu tổ chức tiệc cưới; giao lưu tất niên, tổng kết và ăn uống ngoài gia đình tăng lên. Mặc dù doanh thu du lịch lữ hành và lưu trú có giảm hơn so với tháng trước do yếu tố mùa vụ, thời tiết rét đậm nhưng chiếm tỉ trọng thấp nên nhìn chung hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng so với tháng trước.


Dự kiến hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sang tháng 02/2021 xu hướng tăng cao so với tháng 01/2021 do dịp đầu Xuân lượng khách đến tham quan du lịch một số điểm tâm linh văn hóa của tỉnh tăng.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 01/2021 tăng 4,49% so với tháng trước. Nguyên nhân do là tháng giáp Tết Nguyên đán nên các các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cung ứng dịch vụ như: dịch vụ cho thuê ki-ốt kinh doanh cá thể; dịch vụ vui chơi giải trí; dịch vụ sữa chữa bảo dưỡng đồ dùng gia đình; dịch vụ làm đẹp tăng lên. Bên cạnh đó trong tháng, với tình hình thời tiết rét đậm số người mắc các loại bệnh theo mùa về hô hấp tăng làm doanh thu dịch vụ y tế tăng. Ngoài ra đây là tháng của mùa cưới hỏi và thời tiết ít mưa thuận lợi cho hoạt động dịch vụ trang trí; cho thuê đồ hiếu hỷ và dịch vụ thuê máy móc thiết bị hỗ trợ hoạt động xây dựng cũng tăng lên.

- Hoạt động vận tải: Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tháng 01/2021 tăng 2,32% so với tháng trước và tăng 7,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách tăng 3,63% so với tháng trước và giảm 1,18% so với cùng kỳ năm trước do thời điểm đầu tháng trùng với dịp nghỉ lễ Tết dương lịch nên lượng người đi lại về quê, vui chơi cao tăng. Trong tháng, thời tiết rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nên nhu cầu sử dụng các loại phương tiện công cộng như taxi, xe buýt cũng tăng; vận tải hàng hóa tăng 3,78% so với tháng trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ do xuất phát từ những yếu tố như: cuối năm, mặc dù rét đậm nhưng ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công; cùng với đó là các công trình sửa chữa trong dân tăng cũng là những nguyên nhân khiến nhu cầu vận tải hàng vật liệu xây dựng tăng so tháng trước. Các đơn vị bán buôn đẩy mạnh việc thu mua, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cung ứng ra thị trường dịp Tết nên đã làm tăng nhu cầu vận tải hàng hóa.


Dự báo hoạt động thương mại dịch vụ tháng 02/2021: Hoạt động thương mại dịch vụ sẽ sôi động hơn do là tháng trùng vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng như sử dụng các dịch vụ của người dân sẽ tăng.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

- CPI chung tháng 01 năm 2021 tăng nhẹ 0,28% so với tháng trước, giảm 1,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,31% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 0,93%; Khu vực nông thôn tăng 0,27% so với tháng trước và giảm 1,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính gồm có 07 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,59% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 0,97%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,7% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,59%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,04% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 3,05%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,92%; Giao thông tăng 1,63% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 11,08%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 1,4%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,89% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,6%; 01 nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 3,75% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 4,13% và có 03 nhóm không biến động so với tháng trước gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; Giáo dục; Bưu chính viễn thông.


* Những yếu tố chính tác động đến thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 01/2021 đó là: (1) Yếu tố mùa vụ, thời tiết thay đổi đã tác động khiến nhu cầu và giá cả nhiều nhóm hàng hóa tăng dần vào dịp cuối năm như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, nước sinh hoạt. (2) Giá gas, xăng, dầu các loại được điều chỉnh theo xu hướng thị trường thế giới. (3) Thực hiện Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) và Công văn số 9764/BCT-ĐTĐL ngày 18/12/2020 của Bộ Công thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 2. Điện lực Hà Tĩnh tiến hành giảm giá điện sinh hoạt trong tháng 01/2021 khiến mức giá bình quân giảm mạnh.

- Chỉ số giá vàng tăng 2,61% so với tháng trước, tăng 26,32% so với cùng tháng năm trước; thị trường giá vàng 9999 trong tháng nhìn chung có xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng do giá vàng thế giới tăng cùng với việc giá USD tăng. Giá bán lẻ vàng giảm nhẹ vào giữa tháng và tăng trở lại về cuối tháng. Bình quân tháng 01 giá vàng 9999 khu vực thành thị mức giá 5.546.000 đồng/chỉ; Khu vực nông thôn 5.573.000 đồng/chỉ.

- Giá bán lẻ đô la Mỹ tại thời điểm ngày 21/01/2021 ở mức 23.420 đồng/USD. Do đó chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,65% so với tháng trước, tăng 0,84% so với cùng tháng năm trước.

Dự kiến CPI tháng 02/2021: Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 02/2021 dự kiến sẽ tăng mạnh so tháng 01/2021. Mức giá diễn biến theo hướng tăng mạnh vào thời điểm trước Tết Nguyên đán và giảm dần về cuối tháng. Giá cả nhiều nhóm hàng hóa như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, cước giao thông, vật phẩm văn hóa dự kiến đều tăng giá. Giá điện và nước sinh hoạt cũng dự kiến tăng mạnh khi không còn nhận được hỗ trợ về giá của Chính phủ.

 6. Một số vấn đề xã hội

 6.1. Tình hình thiếu đói

Tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thời tiết rét đậm, rét hại, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự nổ lực phấn đấu của Nhân dân trong phòng chống dịch và thiên tai, cũng như công tác hỗ trợ kịp thời đến người dân; ngoài ra, trong tháng cùng với việc chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông và làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập, nên đời sống dân cư vẫn giữ vững ổn định so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra thiếu đói. Dự kiến trong tháng tới thiếu đói trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra.

 6.2. Hoạt động y tế

- Tình hình dịch bệnh: Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường thắt chặt kiểm soát dịch bệnh tại vùng cửa khẩu; tăng cường tuyên truyền các hoạt động về công tác khám, chữa bệnh, phòng và chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, cộng dồn tổng số bệnh nhân nhiễm Covid -19 là 4 người, tất cả các ca trên đã điều trị khỏi, bệnh nhân cuối cùng được điều trị khỏi bệnh là ngày 7/5/2020. Ngoài ra, còn có 1 người cách ly tại cơ sở y tế (Bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Tĩnh); 1443 người cách ly tại địa điểm tập trung (677 người ở Khu ký túc xá Mitraco; 114 người ở Khu nhà F, công ty FSH; 326 người ở cổng B, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 326 người ở KTX Trường đại học Hà Tĩnh), cộng dồn cách ly tập trung toàn tỉnh là 17.510 người, số hoàn thành cách ly là 15.945 người; hiện có 74 người cách ly và theo dõi tại nhà, cộng dồn toàn tỉnh có 19.825 người.

Tính từ ngày 16/12/2020 đến 15/01/2021 trên địa bàn Hà Tỉnh, có 33 ca mắc bệnh sốt rét, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020; 3 ca mắc bệnh quai bị, giảm 2 ca; 12 ca mắc lỵ trực trùng, giảm 10 ca; 16 ca mắc lỵ a míp, tăng 1 ca; 52 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 38 ca; 2.303 ca mắc bệnh cúm, giảm 701 ca. Tất cả các bệnh dịch trên đều không tạo thành ổ dịch và không có trường hợp nào tử vong.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế người bị lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh về công tác truyền thông thay đổi hành vi, giám sát, tiếp cận bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; đồng thời, tiếp tục triển khai cấp phát thuốc kháng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và cấp phát thuốc cho bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhờ vậy, tính từ 16-15/01/2021 Hà Tĩnh chỉ có 1 người nhiễm mới HIV (giảm 4 người so với cùng kỳ năm 2020), 1 người chuyển thành AIDS (giảm 4 người) và không có người chết vì AIDS.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh ban hành kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 04/01/2021 triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 với mục tiêu đảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

 Tính từ ngày 16/12/2020 đến 15/01/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra vụ ngộ độc thực phẩm, chỉ có 97 người bị ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020) và không có trường hợp nào tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

 6.3. Hoạt động văn hoá, thể thao

- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, Hà Tĩnh chủ yếu tập trung vào công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa như: phát hiện Ấn đồng cổ có niên đại thời kỳ Hậu Lê; tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Lê Huy Tích ở Thị xã Kỳ Anh; tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia mộ và đền thờ Trần Tịnh ở huyện Can Lộc. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh còn tổ chức một số hoạt động văn hóa sôi nổi như: tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ I nhân ngày giỗ Thành Hoàng Làng và chào đón Xuân Tân Sửu ở thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh; tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới 2021 tại Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh; chương trình “Noel san sẻ yêu thương, giao lưu các câu lạc bộ thanh niên tôn giáo” do Hội liên hiệp thanh niên huyện Can Lộc tổ chức.

 - Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa : Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Thanh tra công tác phòng chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ công vụ tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và BQL di tích Nguyễn Du. Trong tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 32 giấy phép, trong đó có 02 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch, 03 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, 27 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.

- Hoạt động thể thao: Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng với nhiều hoạt động như: ngày hội chạy bộ “Tiếp sức cùng đồng đội” với 150 người dân, vận động viên cùng tham gia; giải Quần vợt thành phố Hà Tĩnh mở rộng lần thứ nhất quy tụ 88 đôi vận động viên đến nhiều cơ quan, đơn vị; giải bóng đá nam mở rộng lần thứ 2 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) với mục đích ủng hộ giúp đỡ học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện… Cùng với đó, trong tháng thể thao thành tích cao Hà Tĩnh giành được 01 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 7 huy chương đồng.

6.4. Tình hình an toàn giao thông


Để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ góp phần đảm bảo ANTT, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt là phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân và các lễ hội đầu năm 2021, Công an Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tính từ 15/12/2020 đến 14/01/2021 đã xẩy ra 6 vụ tai nạn giao thông (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2020), tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ làm chết 4 người (giảm 6 người) và làm bị thương 4 người (giảm 2 người). Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.

6.5. Môi trường

- Tình hình cháy nổ: Nhằm hạn chế các vụ cháy, nổ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2021 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giảm thiểu số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra mùa hanh khô năm 2021, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và các sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/01/2021 đã xảy ra 3 vụ cháy, làm 1 người chết, không có người bị thương, tổng thiệt hại ước tính là 150 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết; bao gồm: 2 vụ ở huyện Can Lộc; 1 vụ ở huyện Hương Khê. Nguyên nhân, chủ yếu là do chập điện và sơ xuất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Trong các vụ cháy, vụ xảy ra vào ngày 16/12/2020 thuộc thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc đã làm 1 người chết. Trong tháng không xảy ra vụ nổ.

- Về vi phạm môi trường: Trong tháng, Hà Tĩnh đã phát hiện 14 vụ vi phạm môi trường, tăng 13 vụ so với cùng kỳ 2020. Trong đó: huyện Can Lộc 7 vụ, huyện Thạch Hà 2 vụ, huyện Vũ Quang 5 vụ. Các hình thức vi phạm: Khai thác, vận chuyển đất cát trái phép 12 vụ, không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn kỹ thuật 1 vụ, khai thác khoáng sản trái phép 1 vụ. Hình thức nộp phạt chủ yếu là xử lý hành chính.Trong đó có 2 vụ đã xử lý nộp phạt tổng 95 triệu đồng.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

BBT Cổng TTĐT tỉnh


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện