TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Tháng 02 năm 2021 tỉnh Hà Tĩnh
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
- Sản xuất vụ Đông 2020: Xác định vụ Đông là vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ và cung cấp thức ăn cho gia súc. Ước tính tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2020 đạt 13.054 ha, bằng 108,49% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là diện tích ngô ước tính tăng mạnh (tăng 988 ha) so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do điều kiện cuối vụ thời tiết tương đối thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, rau các loại được mùa tạo ra nguồn cung dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tăng cao trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Bên cạnh đó do vụ Đông năm 2019 diện tích ngô của huyện Hương Khê gieo trỉa bị hư hỏng không khắc phục được nên diện tích giảm mạnh.
- Sản xuất vụ Xuân 2021: Với các giải pháp về cung cấp giống và phân bón có chất lượng với giá cả hợp lý; Tập trung điều tiết nước đảm bảo phục vụ cày bừa và xuống giống đúng lịch thời vụ; Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời...cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi là những yếu tố tích cực để sản xuất vụ Xuân 2021. Tiến độ sản xuất tính đến ngày 22/02/2021, toàn tỉnh đã gieo cấy được 59.121 ha lúa, đạt 100,1% kế hoạch, trong đó: diện tích lúa cấy là 11.332 ha (chiếm 19,17% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 47.789 ha (chiếm 80,83% tổng diện tích gieo cấy). Cơ cấu giống lúa chủ yếu là nhóm giống P6, nếp, HT1…chiếm trên 97% tổng diện tích gieo cấy. Đến nay hầu hết các địa phương đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Do thời gian qua bà con nông dân đang tập trung gieo cấy lúa nên tiến độ sản xuất các loại cây trồng cạn vụ Xuân tính đến ngày 22/02/2021 vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Tháng 02/2021, trùng vào dịp tết Nguyên đán nên sau Tết cùng với việc chăm sóc diện tích cây đã gieo trồng thì bà con nông dân sẽ tiếp tục sản xuất gieo trỉa các loại cây trồng cạn vụ Xuân 2021 theo kế hoạch và đảm bảo khung lịch thời vụ. Nhìn chung, do thời tiết không có rét đậm, rét hại nên các loại cây trồng vụ Xuân 2021 đã gieo trồng đang phát triển tốt.
1.1.2. Chăn nuôi
Tín hiệu tích cực đối với hoạt động chăn nuôi trong thời gian qua đó là so với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại chăn nuôi lợn đã có những dấu hiệu tốt hơn. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái để đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Với sự duy trì phát triển ổn định của đàn gia cầm, những hướng đi mới trong chăn nuôi bò về giống, về phương thức nuôi nhốt và việc phục hồi được đàn lợn sẽ là cơ sở tạo bước phát triển đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn trong năm 2021.
Tín hiệu tích cực đối với hoạt động chăn nuôi trong thời gian qua đó là so với chăn nuôi nông hộ thì các trang trại chăn nuôi lợn đã có những dấu hiệu tốt hơn. Sau thời gian thu hẹp sản xuất, giảm đàn để thực hiện các giải pháp phòng dịch thì các trang trại chăn nuôi lớn đã vượt qua ngưỡng khó khăn, bảo vệ an toàn đàn lợn nái để đảm bảo điều kiện tái đàn tại chỗ. Với sự duy trì phát triển ổn định của đàn gia cầm, những hướng đi mới trong chăn nuôi bò về giống, về phương thức nuôi nhốt và việc phục hồi được đàn lợn sẽ là cơ sở tạo bước phát triển đối với ngành chăn nuôi trên địa bàn trong năm 2021.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch cúm gia cầm (H5N6), cụ thể:
Đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 13 xã của 5 huyện, thành phố, thị xã (Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh) làm cho 80 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Đến nay, còn 7 xã/2 huyện (Cẩm Xuyên và Nghi Xuân) có các ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày.
Ổ dịch đầu tiên của bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò được phát hiện tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) vào ngày15/12/2020. Lũy kế đến ngày 07/02/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 28 xã/6 huyện, thành phố, thị xã với tổng số gia súc mắc bệnh là 479 con, trong đó có 150 con đã khỏi triệu chứng lâm sàng và 3 xã là Phú Phong, Hương Xuân, Hương Trà (huyện Hương Khê) và phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) đã qua 30 ngày không phát sinh ca bệnh mới. Số gia súc mắc bệnh chết, tiêu hủy là 32 con (huyện Lộc Hà 12 con, huyện Thạch Hà 14 con, huyện Cẩm Xuyên 5 con và thành phố Hà Tĩnh 1 con). Hiện còn 24 xã/5 huyện, thành phố đang có dịch gồm: xã Mai Phụ, Thạch Châu, Phù Lưu, Hộ Độ, Thạch Mỹ, Tân Lộc, thị trấn Lộc Hà, (huyện Lộc Hà), xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Sơn, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), xã Cẩm Mỹ, Cẩm Thịnh, Yên Hòa, Cẩm Hưng, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), xã Thạch Trung, Đồng Môn (thành phố Hà Tĩnh) và phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh).
Dịch cúm gia cầm (H5N6) xảy ra tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) vào ngày 05/02/2021. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 6.570 con. Ngoài ra, tại xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) cũng đã có gần 300 con gia cầm bị ốm chết (đã lấy mẫu lần 1 cho kết quả âm tính với cúm gia cầm), hiện nay cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang tiếp tục giám sát lấy mẫu để xác định nguyên nhân.
Khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại các ổ dịch và phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để theo dõi tình hình dịch bệnh; Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh báo cáo để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Lập các chốt kiểm soát, biển cảnh báo vùng bị dịch để kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào vùng có dịch và thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và các khu vực liên quan để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh; Yêu cầu tiêu hủy kịp thời số gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm (H5N6), lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và số trâu bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục theo quy đinh; Đã triển khai tiêm phòng thí điểm vắc xin viêm da nổi cục ở trâu bò tại 2 huyện (Lộc Hà, Thạch Hà) và trang trại bò sữa Vinamilk cho 4.227 con, đang tiếp tục rà soát tiêm bổ sung. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) với 120.000 liều.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay vẫn đang còn khá nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày. Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi bên cạnh các chính sách nhằm phát triển đàn thì công tác phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục được quan tâm thực hiện để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 02 trùng vào dịp Tết trồng cây Xuân Tân Sửu, toàn tỉnh trồng được 931 nghìn cây, tăng 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do quỹ đất trồng cây của các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng thu hẹp nên số lượng cây trồng phân tán cũng chỉ xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Cùng với trồng cây phân tán thì hoạt động trồng rừng sản xuất vụ Xuân năm 2021 cũng đang được các chủ rừng tích cực triển khai thực hiện. Sản lượng gỗ thường phụ thuộc vào chu kỳ khai thác của rừng sản xuất nên thường thiếu ổn định giữa các tháng, Trong tháng 2/2021 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 14.117 m3, tăng 7,34% so với cùng kỳ, còn sản lượng củi đang có xu thế ngày càng giảm do nhu cầu sử dụng giảm.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/02/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra thiệt hại về rừng.
1.3. Thủy sản
Kết quả sản xuất thủy sản trong tháng 02 cũng như 2 tháng đầu năm 2021 có bước phát triển khá ổn định so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 2/ 2021 tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 963 tấn, tăng 0,42% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác ước đạt 2.764 tấn, tăng 3,56% so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân do thu hoạch sản lượng nuôi trồng phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán Tân Sửu. Cùng với đó, thời tiết tương đối thuận lợi cho các tàu thuyền ra khơi đánh bắt và sản lượng khai thác những chuyến biển đầu năm đạt khá nên ngư dân phấn khởi bám biển khai thác.
Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Theo khung lịch thời vụ, tôm nuôi chính vụ sẽ được xuống giống thả nuôi từ tháng 3/2021.
2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư
- Hoạt động sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 11,25% so với tháng trước do là tháng trùng tết Nguyên đán Tân Sửu các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ít ngày hơn, bên cạnh đó nhu cầu một số mặt hàng giảm làm cho sản lượng khai thác giảm xuống. Tuy nhiên tính chung 2 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,14% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định.
Trong 2 tháng đầu năm 2021 trong 25 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có đến 22 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 7 nhóm ngành có mức tăng cao như: khai thác quặng kim loại tăng 45,79%; Sản xuất kim loại tăng 38,71%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 32,18%; sản xuất đồ uống tăng 29,38%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 27,94%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 23,17%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 21,44%;…
Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 3/2021: sản xuất công nghiệp có sự ổn định trở lại do các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán và tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có sự kiểm soát tốt.
3. Vốn đầu tư:
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 02/2021 giảm 35,09% so với tháng trước. Do tháng 2/2021 trùng dịp tết Nguyên đán thời gian nghỉ lễ kéo dài. Trong đó, nguồn vốn thực hiện từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh và vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu giảm mạnh nhất (41,39%) nguyên nhân do nguồn này chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia huyện, xã như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng.... nhưng hiện nay, các dự án chuyển tiếp chờ giao vốn năm 2021 đang hoàn thiện hồ sơ đáp ứng để tiếp tục thi công, các dự án công trình mới chưa triển khai thực hiện.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý tăng 36,03% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu tăng nguồn vốn cấp tỉnh và cấp xã. Như vậy, tổng vốn đầu tư thực hiện 2 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 02/2021 ước giảm 7,25% so với tháng trước và tăng 21,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị tăng 1,09% so với tháng trước và tăng 72,58% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tết Nguyên đán rơi vào thời điểm giữa tháng, nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa tăng vào trước, trong Tết và giảm mạnh sau Tết. Bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ ngày 27/01 đến nay trên phạm vi toàn quốc đã tác động xấu đến nhu cầu đi lại, mua sắm và các hoạt động sản xuất của nền kinh tế so với thời điểm trước đó. Trong tháng 02/2021, một số nhóm ngành hàng có doanh thu giảm mạnh so với tháng trước như: hàng may mặc giảm 28,19%; đồ dùng, dụng cụ gia đình giảm 3,89%; vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 14,48%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 17,36%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 55,22%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy giảm 13,19% ; phương tiện đi lại giảm 18,71%.
Tính chung, 02 tháng đầu năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa dự tính tăng 11,61% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tháng 2 có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng nhìn chung, hoạt động bán lẻ hàng hóa các tháng đầu năm 2021 có những tín hiệu tích cực và đạt được mức tăng khá hơn so với cùng kỳ năm trước
- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 02/2021 ước tính giảm 4,21% so với tháng trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước giảm 2,64%, dịch vụ ăn uống ước giảm 4,25%, dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch giảm 5,82% so với tháng trước. Nguyên nhân do là tháng trùng dịp Tết âm lịch, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm. Bên cạnh đó do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại vào cuối tháng 01 nên nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đầu năm mới giảm kéo theo doanh thu dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành giảm xuống. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 3,83%), tăng chủ yếu ở ngành dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống.
- Hoạt động dịch vụ khác: doanh thu dịch vụ khác ước tính giảm 0,76% so với tháng trước và tăng 16,29% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các cơ sở kinh doanh cá thể đã ổn định mặt bằng để đi vào kinh doanh làm doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm. Bên cạnh đó trong tháng, các hoạt động xây dựng tạm nghỉ Tết nên dịch vụ thuê máy móc thiết bị hỗ trợ hoạt động xây dựng giảm. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại với khuyến cáo hạn chế tụ tập nơi đông người của chính quyền nên các hoạt động vui chơi giải trí cũng giảm so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Hoạt động vận tải
- Doanh thu vận tải hành khách tăng 6,52% so với tháng trước và tăng 17,36% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng vận chuyển hành khách tăng 4,57% so với tháng trước và tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển tăng 4,6% so với tháng trước, tăng 17,44% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách trong tháng rơi vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán cổ truyền, lượt khách về quê nghỉ Tết và đi lại sau dịp Tết tăng. Cùng với đó, kể từ ngày 28 tháng 01 năm 2021, các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid - 19 người dân có xu hướng đi xe cá nhân nên tốc độ tăng của các hoạt động vận tải hành khách không cao như dịp Tết những năm trước.
- Doanh thu vận tải hàng hóa giảm 4,18% so với tháng trước và tăng 4,91% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận tải dự tính giảm 9,23% so với tháng trước và tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển giảm 15,12% so với tháng trước và tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong tháng nhu cầu vận tải hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất tăng do nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải vật liệu xây dựng giảm xuống do các công trình xây dựng cơ bản tạm ngừng thi công dẫn tới tổng doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa giảm so với tháng trước.
- Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 3,83% so với tháng trước và tăng 61,96% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng do nhu cầu thuê kho lưu trữ và chi phí nhân công không thường xuyên, hoạt động giữ xe, dịch vụ bốc xếp trong dịp nghỉ Tết tăng cao.
Tính chung hai tháng đầu năm 2021 doanh thu vận tải dự tính tăng 10,84% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: vận tải hành khách doanh thu dự tính tăng 6,72%; sản lượng vận chuyển tăng 5,85% và luân chuyển tăng 4,92%; vận tải hàng hóa doanh thu dự tính tăng 3,42%; khối lượng vận chuyển tăng 1,39% và luân chuyển tăng 3,2%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 53,92% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh những tháng đầu năm 2021 đáp ứng được nhu cầu của người dân và có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra thì hoạt động vận tải thời gian tới đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng
CPI tháng 2 năm 2021 tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 1,59% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,29%; khu vực nông thôn tăng 1,58% so với tháng trước và tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính tác động làm tăng CPI tháng 02/2021: Do dịp Tết Nguyên đán rơi vào giữa tháng 02 năm 2021, nhu cầu tiêu dùng và giá cả hàng hóa, dịch vụ trước và trong Tết đều tăng cao, có xu hướng giảm dần sau Tết. (2) Thực hiện Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tháng, điện lực Hà Tĩnh tiếp tục tiến hành giảm giá điện sinh hoạt khoảng 250 triệu đồng nên tác động vào mức giá bình quân của điện sinh hoạt bán lẻ tăng.
Tháng 02/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá ổn định so với tháng trước (nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục); còn lại 9 nhóm hàng hóa đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng hóa tăng mạnh nhất là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,33% và Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,92%.
Chỉ số giá vàng tháng 02/2021 giảm 0,72% so với tháng trước, tăng 23,16% so với cùng tháng năm trước. Thị trường giá vàng 9999 trong tháng tăng giảm không ổn định, phụ thuộc vào sự biến động của giá vàng thế giới. Mức giá trong tháng, thời điểm thấp nhất là 5.420 nghìn đồng/chỉ, cao nhất đạt 5.570 nghìn đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2021 tăng 1,11% so với tháng trước, tăng 1,54% so với cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 22/02/2021 ở mức 23.750 đồng/USD.
Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 3/2021 dự kiến sẽ giảm mạnh so tháng 02/2021. Là do tháng sau tết, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Tình hình đời sống dân cư
- Tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự nổ lực phấn đấu của Nhân dân trong phòng chống dịch nên đời sống của nhân dân ổn định. Tính đến ngày 15/02/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói không xảy ra.
- Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời. 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã chi trả trợ cấp một lần cho 330 người, kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi tháng 01, tháng 02/2021 cho hơn 42.000 người có công, kinh phí hơn 145 tỷ đồng; chi trả trợ cấp trên 62.000 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 25 tỷ đồng.
- Nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021, toàn tỉnh đã trao tặng 201.948 suất quà với tổng số tiền 71.241 triệu đồng trong đó: Quà cho người có công: 97.624 suất quà; hộ nghèo: 20.694 suất quà; tặng quà người cao tuổi: 28.347 suất quà; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: 7.692 suất quà; đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác: 47.591 suất quà, cấp kinh phí 160 triệu đồng để mua 9.405 kg gạo cho 60 hộ (209 khẩu) bản Rào Tre, xã Hương Liên và bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.
- Về tiền lương: chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp, người lao động quan tâm thực hiện; không có doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; không có doanh nghiệp nợ lương người lao động. Mức tiền lương bình quân 1 tháng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước là: 6,7 triệu đồng (giảm gần 1 triệu đồng so với năm 2019), doanh nghiệp FDI là 10,5 triệu đồng (tăng 588.000 đồng so với năm 2020); doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp thuộc các loại hình khác là 4,6 triệu đồng (giảm 483.000 đồng so với năm 2020). Mức thưởng Tết nguyên đán bình quân khối doanh nghiệp do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ là 2,9 triệu đồng; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước bình quân 9,1 triệu đồng; Doanh nghiệp dân doanh bình quân 5,5 triệu đồng; Doanh nghiệp FDI bình quân 5,5 triệu đồng.
5.2. Hoạt động y tế
- Tình hình dịch bệnh: Để chuẩn bị cho người dân được đón Tết Nguyên đán 2021 an lành, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường thắt chặt kiểm soát dịch bệnh tại vùng cửa khẩu; tăng cường tuyên truyền các hoạt động về công tác khám, chữa bệnh, phòng và chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã chuẩn bị 16 cơ sở cách ly, số lượng dự kiến cách ly hơn 5.000 người; trong đó cấp tỉnh có 06 cơ sở với số lượng dự kiến 3.100 người, đáp ứng đủ yêu cầu cách ly trong dịp Tết. Tính đến ngày 19/2/2021 toàn tỉnh có 16 người cách ly tại cơ sở y tế; 87 người cách ly tại địa điểm tập trung, tất cả đều có tình trạng sức khỏe ổn định và đang được theo dõi đúng quy định.
Tính từ ngày 16 /12-15/01/2021 trên địa bàn Hà Tĩnh có 33 ca mắc bệnh sốt rét, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020; 3 ca mắc bệnh quai bị, giảm 2 ca; 12 ca mắc lỵ trực trùng, giảm 10 ca; 16 ca mắc lỵ a míp, tăng 1 ca; 52 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 38 ca; 2.303 ca mắc bệnh cúm, giảm 701 ca. Tất cả các bệnh dịch trên đều không tạo thành ổ dịch và không có trường hợp nào tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh về công tác truyền thông thay đổi hành vi; giám sát, tiếp cận bệnh nhân để vận động họ tham gia điều trị ARV và chương trình điều trị Methadone. Tính từ 16/01-15/02/2021 Hà Tĩnh chỉ có 1 người nhiễm mới HIV (giảm 4 người so với cùng kỳ năm 2020), 01 người chuyển thành AIDS (giảm 4 người) và không có người chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Tính từ ngày 16/12-15/01/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh có 97 người bị ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020) và không có trường hợp nào tử vong. Trong đó trong thời điểm Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 ( từ ngày 10/02-16/02/2021) có 31 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ.
5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Hà Tĩnh dừng các chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021, mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” và các hoạt động văn hóa, thể thao khác trên địa bàn toàn tỉnh. Các lễ hội như: Lễ hội chùa Hương Tích, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác... chỉ thực hiện phần lễ, không thực hiện phần hội.
- Hoạt động thể thao: Từ ngày 27/01/2021 đến nay, các hoạt động thể dục thể thao quần chúng trầm lắng hơn so với trước. Từ ngày 11/12/2020-22/1/2021 đã diễn ra Đại hội Điền kinh - thể thao học sinh do ngành Giáo dục TP Hà Tỉnh tổ chức thu hút với 1.500 lượt VĐV tham gia với 24 đội, 10 môn thi đấu; Đại hội Điền kinh - thể thao học sinh do ngành Giáo dục huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức diễn ra từ ngày 27 - 28/01/2021 thu hút 800 VĐV tham gia; Giải Việt dã 2021 “Tiếp sức cùng đồng đội” do CLB Hà Tĩnh Runners tổ chức sáng ngày 17/01/2021 thu hút 20 đội tham gia thi đấu với gần 150 người dân, vận động viên.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp 14 giấy phép, trong đó có 01 giấy phép thuộc lĩnh vực thể thao; 01 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; 12 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở. Tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, du lịch trước, trong và sau Tết tại một số điểm văn hóa tâm linh như: Đền Củi (Nghi Xuân), Chùa Hương Tích (Can Lộc), Đền Nguyễn Thị Bích Châu (thị xã Kỳ Anh), đền Cả (Hồng Lĩnh), Đền Truông Bát (Thạch Hà), Miếu Ao...
Tổ chức kiểm tra tại 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; lập 20 biên bản kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch; ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 7 triệu đồng.
5.4. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
- Về an ninh, chính trị: Tết Nguyên đán Tân Sửu từ ngày 10/02/2021 (ngày 29 tháng Chạp) đến ngày 16/02/2021 (ngày 05 tháng Giêng) xảy ra 12 vụ, trong đó: Xảy ra 5 vụ phạm pháp hình sự, làm 02 người chết, 02 người bị thương; cố ý gây thương tích 03 vụ; tai nạn khác xảy ra 04 vụ làm 03 người chết, bị thương 01 người. Phát hiện, bắt giữ xử lý 434 vụ, 437 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 135 vụ, 177 đối tượng so với năm 2020); thu hồi 1,2kg pháo và 165 quả pháo các loại; đặc biệt không xảy ra tình trạng nổ mìn, pháo tự chế, không có trường hợp bị thương do đốt pháo nổ.
- Về an toàn giao thông: Tính từ ngày 15/01/2021 đến ngày 14/02/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 8 người và bị thương 1 người (riêng dịp Tết xảy ra 02 vụ, làm chết 02 người giảm 01 vụ, giảm 02 ngời bị thương, số người chết tương đương so với Tết Canh Tý 2020). So với tháng trước tăng 2 vụ, tăng 4 người chết, giảm 3 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 7 vụ, giảm 8 người chết, giảm 5 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.
Như vậy, tính từ 15/12/2020 đến 14/02/2021, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 12 người và bị thương 5 người. So cùng kỳ năm 2020 giảm 8 vụ, giảm 8 người chết và giảm 5 người bị thương.
5.5. Môi trường
- Tình hình cháy nổ: Tính từ ngày 15/01/2021 đến ngày 14/02/2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 3 vụ cháy (riêng dịp Tết xảy ra 1 vụ cháy) làm 1 người chết (tại xóm 11, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê), không có người bị thương, tổng thiệt hại ước tính là 2 tỉ đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết. Trong tháng xảy ra 01 vụ nổ bình ga tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, làm bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương. Nguyên nhân các vụ cháy, nổ chủ yếu là do chập điện.
Tính chung hai tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 7 vụ cháy, nổ làm 2 người chết, 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ; tăng 2 người chết; tăng 1 người bị thương.
- Về vi phạm môi trường: Với mục tiêu cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường. Trong tháng, Hà Tĩnh đã phát hiện 10 vụ vi phạm môi trường, tăng 10 vụ so với cùng kỳ 2020. Trong đó: huyện Can Lộc 1 vụ, huyện Hương Khê 3 vụ, huyện Vũ Quang 6 vụ. Các hình thức vi phạm chủ yếu là khai thác, vận chuyển đất, cát, sỏi trái phép 9 vụ, còn 1 vụ về vi phạm môi trường khác. Hình thức nộp phạt chủ yếu là xử lý hành chính. Trong đó có 7 vụ đã xử lý với số tiền 17,95 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Số liệu kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2021
BBT Cổng TTĐT tỉnh
Thêm ý kiến góp ý