1. Sản xuất Nông, Lâm nghiệp, thủy sản
1.1 Sản xuất nông nghiệp
*Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng 5/2021 chủ yếu tập trung thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Theo kết quả thăm đồng đánh giá năng suất, sản lượng thu hoạch của các cây trồng cho thấy vụ Đông Xuân năm nay đạt kết quả rất thắng lợi, tăng cả về diện tích và năng suất. Tổng diện tích gieo trồng tăng 1,99% (tăng 1.933 ha) so với cùng kỳ năm trước.. Kết quả cụ thể đối với một số cây trồng chủ lực như sau:
- Cây lúa: Tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh ước đạt 59.478 ha, tăng 0,25% (tăng 151ha) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích gieo cấy lúa tăng như: Lộc Hà 81 ha, Nghi Xuân 58 ha, Thạch Hà 27 ha, thị xã Kỳ Anh 23ha, Can Lộc 15ha; Vũ Quang 14 ha…Nguyên nhân diện tích lúa năm nay tăng là do một số xã có chính sách hỗ trợ 50% tiền công làm đất nhằm khuyến khích người dân không để ruộng bỏ hoang. Mặt khác, một số xã do hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên nhiều diện tích những năm trước trồng lạc nay chuyển sang trồng lúa. Cùng với đó, một số huyện có các vùng sản xuất theo hình thức phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn vì vậy làm cho diện tích tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay bà con nông dân cơ bản đã thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân.
Về cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân năm 2021 chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sử dụng giống ngắn ngày, tăng năng suất, chất lượng để né tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm nay một số giống lúa chất lượng gạo ngon như giống BT09, BQ, Thiên ưu 8, ADI, Bắc Hương 9 đã được UBND một số huyện đưa vào cơ cấu giống chủ lực cho người dân gieo cấy. Tuy nhiên, một số huyện cơ cấu giống lúa chưa tập trung, còn giàn trải nhiều loại giống, những giống lúa truyền thống như Khang dân 18, Khang dân đột biến, VTNA2, TH3-3, RVT, HT1, DT68, ..vv
Năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 ước tính tăng 5,97% (tăng 3,29 tạ/ha), với sản lượng lúa ước tính tăng 6,27% (tăng 20.385 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm nay thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Năng suất lúa đạt cao nhất kể từ trước đến nay. Một số nguyên nhân chính làm cho vụ lúa Đông Xuân năm nay được mùa toàn diện, đó là: (1) Các cấp, các ngành và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất sát đúng với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, bà con nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ trong sản xuất; (2) Đảm bảo các điều kiện sản xuất, trong đó có việc đưa các loại giống lúa có năng suất, chất lượng vào sản xuất như ADI168, Bắc Thịnh, nếp 98...với chất lượng giống đảm bảo; (3) Điều kiện thời tiết thuận lợi, nhất là thời kỳ lúa trổ bông nên hạt thóc chắc nẫy hơn; (4) Vụ lúa Đông Xuân năm nay ít sâu bệnh nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mặc dù cuối vụ có xẩy ra mưa lốc làm một số diện tích lúa đỗ gãy nhưng chỉ cục bộ ở một số địa phương và thiệt hại không lớn; (5) Sau đợt lũ cuối năm 2020, ruộng đồng được bồi đắp lượng phù sa làm cho đất đai màu mỡ hơn. Cùng với đó, do lũ lụt nên chuột giảm mạnh, ít phá hoại lúa hơn so với những năm trước.
- Một số cây hàng năm khác
+ Cây ngô: Diện tích ngô vụ Đông Xuân 2020-2021 ước tính tăng 16,86% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng là do vụ Đông năm 2019 diện tích ngô của huyện Hương Khê gieo trỉa bị hư hỏng không khắc phục được nên diện tích giảm mạnh. Năng suất ngô vụ Đông Xuân năm nay ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do đầu vụ Đông năm nay xẩy ra mưa lũ nên làm chậm lịch thời vụ do vậy năng suất thấp hơn. Mặc dù năng suất ngô giảm nhưng do diện tích tăng nên sản lượng ngô vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
+ Cây khoai lang: So với cùng kỳ năm trước mặc dù năng suất khoai lang có giảm nhưng do diện tích tăng nên sản lượng khoai lang vẫn tăng nhẹ.
+ Cây lạc: Diện tích trồng lạc vụ Đông Xuân năm nay ước giảm 716 ha so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Trong đó: Huyện Vũ Quang giảm 122 ha, Hương Khê giảm 313 ha, Thạch Hà giảm 72 ha, Cẩm Xuyên giảm 76 ha, thị xã Kỳ Anh giảm 76 ha...Nguyên nhân diện tích lạc giảm là do một số xã chủ động được nước tưới nên chuyển diện tích trồng lạc sang trồng lúa hoặc trồng rau cho kinh tế cao hơn. Ngoài ra, trồng lạc mất nhiều công sức và chi phí cao hơn các loại cây trồng khác nên người dân ít canh tác hơn làm cho diện tích lạc giảm. Năng suất lạc ước đạt 26,58 tạ/ha, bằng 105,5% (tăng 1,38 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lạc ước đạt 26.642 tấn, bằng 98,46% (giảm 417 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù năng suất lạc vụ Đông Xuân năm nay tăng hơn so với cùng kỳ nhưng do diện tích giảm nên sản lượng lạc giảm so với cùng kỳ năm trước.
+ Rau các loại: Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 10.754ha, tăng 2,80% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng do vụ Đông Xuân năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên người dân gieo trồng nhiều. Cả diện tích và năng suất rau đều tăng nên sản lượng rau các loại vụ Đông Xuân 2020-2021 tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
- Tình hình sâu bệnh: Vụ Xuân 2021 các đối tượng dịch phát sinh gây hại nhẹ, diễn biến ở mức độ trung bình hoặc thấp hơn vụ Xuân 2020, cụ thể:
+ Trên cây lúa: Bệnh đạo ôn lá cao điểm gây hại từ 15-30/3, diện tích nhiễm 232 ha, nhiễm nặng 4 ha, gây hại chủ yếu trên giống Thái Xuyên 111, Bắc Hương 9, VTNA6, Nếp 87, P6, phân bố trên toàn tỉnh; Bệnh đạo ôn cổ bông tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 10-15%, cục bộ 30-40%, diện tích nhiễm 94,5 ha, nhiễm nặng 17 ha, bệnh phát sinh gây hại trên toàn tỉnh tập trung trên giống ADI 168, Thái Xuyên 111, HN6, NA2, P6, KDĐB…; Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện cục bộ dạng ổ ở Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, huyện Kỳ Anh, mật độ trung bình 300-500 con/m2, nơi cao 700-1000 con/m2, diện tích nhiễm 3 ha; bệnh khô vằn tỷ lệ bệnh trung bình 7-10%, nơi cao 10-20%, diện tích nhiễm 2.511 ha, nhiễm nặng 47 ha, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh; Chuột gây hại tỷ lệ hại trung bình 1-3%, nơi cao 5-7%, diện tích nhiễm 168 ha, nhiễm nặng 3 ha, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh.
+ Cây trồng cạn: Trên cây ngô, sâu keo mùa thu, diện tích nhiễm 47 ha; bệnh đốm lá, diện tích nhiễm 15 ha; bệnh khô vằn, diện tích nhiễm 20 ha, phân bố tại Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Đã tiến hành xử lý thuốc, đến nay cơ bản kiểm soát tốt tình hình.
+ Cây ăn quả: Bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ, diện tích nhiễm 35 ha; câu cấu, diện tích nhiễm 150 ha; sâu vẽ bùa, diện tích nhiễm 135 ha, phân bố tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc.
*Chăn nuôi: Hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 5/2021 vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh xẩy ra đối với trâu, bò, lợn. Cụ thể:
- Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tổng đàn bò giảm 2,52% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, lũy kế tính đến ngày 13/5/2021, dịch bệnh viêm da nổi cục đã làm cho 17.134 con (trâu 55 con và bò 17.079 con) mắc bệnh tại 1.323 thôn, 12.899 hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 2.345 con bị chết (trâu 19 con và bò 2.326 con), gây thiệt hại nặng về kinh tế, gây tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi.
- Tổng đàn lợn ước tính có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Cuối năm 2020, tình hình dịch tả lợn Châu phi dần ổn định, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại bắt đầu thực hiện tái đàn trở lại thì dịch lại tiếp tục bùng phát trở lại vào đầu tháng 3/2021 ở nhiều địa phương trong tỉnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi và khó khăn trong việc thực hiện tái đàn. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thì tính đến ngày 13/5/2021, dịch tả lợn Châu Phi đã làm cho 12.576 con lợn bị chết phải tiêu hủy tại 536 thôn với 3.308 hộ nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đối với đàn gia súc như hiện nay thì hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân bị ảnh hưởng nặng nề, tâm lý lo sợ dịch bệnh và giá cả bất thường nên hiện tại chưa đầu tư tái đàn. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, giá con giống và thức ăn vẫn đang ở mức cao nên chăn nuôi lợn trên địa bàn thời gian tới sẽ vẫn chưa có bước phát triển đột phá, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ.
- Ước tính tổng đàn gia cầm tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn gia cầm tăng chủ yếu ở đàn gà (chiếm 83,2% tổng đàn gia cầm), do chăn nuôi gà phát triển theo hướng trang trại, gia trại nhiều hơn các loại gia cầm khác. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm này thường xuyên và cao hơn các loại thực phẩm gia cầm khác nên người dân đầu tư nhiều hơn. Các loại gia cầm khác như vịt, ngan, ngỗng chim cút hiện nay chưa có các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mới chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên đầu tư thất thường, tuy có tăng nhưng các loại gia cầm này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đàn vì vậy ảnh hưởng không nhiều đến tốc độ phát triển của tổng đàn gia cầm. 6 tháng đầu năm 2021, sản phẩm thịt trâu, bò, lợn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên đã ảnh hưởng đến tâm lý của của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm gia cầm được lựa chọn là thực phẩm thay thế nên lượng cầu hàng hóa tăng đã khuyến khích chăn nuôi gia cầm phát triển sản xuất. Mặt khác, trong khi chăn nuôi gia súc gặp khó khăn thì phát triển chăn nuôi gia cầm là phù hợp, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 13/5/2021, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện và chưa qua 21 ngày trên địa bàn 12 huyện, thành phố, thị xã. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số lợn mắc bệnh chưa qua 21 ngày là 12.639 con/433 thôn/2.992 hộ nuôi, số con chết tiêu hủy là 12.576 con, với trọng lượng 859.799 kg; Dịch bệnh viêm da, nổi cục xuất hiện trên địa bàn tất cả 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày là 9.225 con (36 con trâu và 9.189 con bò)/6.958 hộ/1.122 thôn. Tổng số chết tiêu hủy là 2.345 con (19 con trâu và 2.326 con bò), với trọng lượng 275.988 kg; Dịch LMLM xuất hiện tại 2 thôn ở xã Hương Trạch, số gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày là 56 con (9 con trâu và 47 con bò)/16 hộ. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao và gây thiệt hại cho người chăn nuôi là rất lớn. Vì vậy, các ngành chức năng và người chăn nuôi phải luôn chủ động, tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi và có phương án chủ động đối phó khi dịch bệnh xẩy ra để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
1.2 Lâm nghiệp
Tháng 5/2021, trên địa bàn điều kiện thời tiết có mưa nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp bên cạnh việc khai thác, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng thì người dân vẫn tiến hành trồng cây lâm nghiệp. Cùng với đó, tiến hành thu hoạch các diện tích rừng sản xuất đã đến tuổi khai thác để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất ván ép. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 2.123 ha, tăng 4,63% (tăng 94 ha); Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.857 ngàn cây, tăng 4,74% (tăng 84 ngàn cây); Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 117.864 m3, bằng 110,9% (tăng 11.582 m3); Sản lượng củi khai thác ước đạt 122.770 Ste, giảm 2,25% (giảm 2.828 Ste) so với cùng kỳ năm trước. Kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 chủ yếu tập trung ở các địa phương như: huyện Hương Sơn, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên.
Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 13 vụ phá rừng (giảm 10 vụ) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.
1.3. Thủy sản
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi đang xẩy ra trên địa bàn đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm cho nhu cầu sử dụng các loại thịt bò, lợn giảm mạnh. Trong khi người dân hạn chế sử dụng các loại thịt gia súc thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản tăng mạnh. Kết quả sản xuất thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng ổn định, nhất là hoạt động khai thác biển. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tháng 5/2021 ước tính tăng 654 tấn so với tháng trước và bằng 105,37% (tăng 227 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20.621 tấn, bằng 103,91% (tăng 775 tấn) so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: sản lượng khai thác ước đạt 15.879 tấn, bằng 105,54% (tăng 834 tấn) và sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.742 tấn, bằng 98,77% (giảm 59 tấn) so với cùng kỳ năm 2020.
- Về khai thác thủy hải sản: Tổng sản lượng khai thác chiếm đến 77% tổng sản lượng thủy hải sản 5 tháng đầu năm. Như vậy, khai thác thủy sản có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào kết quả sản xuất thủy sản. Trong đó, sản lượng khai thác biển ước đạt 14.047 tấn, bằng 105,77% (tăng 766 tấn) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 88,5% tổng sản lượng khai thác. Thời tiết đầu năm khá thuận lợi, biển lặng nên ngư dân tích cực ra khơi khai thác. Mặt khác, sản phẩm đánh bắt dễ tiêu thụ cũng là động lực để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Đặc biệt, đội tàu đánh bắt xa bờ đạt sản lượng cao, đánh bắt được nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế như cá ngừ, cá thu, cá chim...
- Về nuôi trồng thủy hải sản: Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua nhìn chung ít biến động. Diện tích nuôi trồng đang có xu hướng dần thu hẹp, nhất là diện tích ao nuôi nhỏ lẻ trong dân. Cùng với việc các đối tượng thả nuôi vẫn chủ yếu là các loại giống truyền thống nên khó để tạo ra sự tăng trưởng lớn về sản lượng nuôi trồng.
- Sản lượng giống thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 289 triệu con, bằng 100,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng cá giống ước đạt 27 triệu con, giảm 8 triệu con; Tôm giống ước đạt 255 triệu con, tăng 1 triệu con so với cùng kỳ năm 2020. Con giống sản xuất trên địa bàn nhìn chung đảm bảo chất lượng. Mặc dù sản lượng con giống sản xuất tăng nhưng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn, nguồn giống nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn phải nhập về từ ngoại tỉnh.
Dịch bệnh gan tuỵ, đốm trắng ở tôm xuất hiện trên diện tích 37,19 ha/13 xã/5 huyện (Cẩm Xuyên, Lộc Hà, huyện Kỳ Anh; thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh). Khi bệnh xảy ra, ngành chức năng và người nuôi đã xác định tác nhân gây bệnh xử lý dập dịch kịp thời bằng hóa chất Chlorine.
2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư
- Hoạt động sản xuất công nghiệp: Ước tính chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5/2021 tăng 2,88% so với tháng trước và tăng 18,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Một số ngành công nghiệp có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước đó là: Ngành khai khoáng tăng 48,76%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,33%. Như vậy, mặc dù chỉ số sản xuất tháng 5/2021 tuy vẫn có tăng hơn so với tháng trước nhưng với mức tăng nhẹ. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cùng với đó, sản lượng điện sản xuất của Công ty thủy điện Hương Sơn cũng giảm hơn so với tháng trước do sự điều chỉnh nhu cầu mua điện của EVN.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt mức tăng khá, các doanh nghiệp nhìn chung hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả hơn so với năm 2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng dồn 5 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 20,34% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 26,32%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,46%, đóng góp 20,96 điểm phần trăm (Đây là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,36%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm; Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,64%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.
- Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước đạt 448 tỷ đồng, tăng 2,51% so với tháng trước, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 345,5 tỷ đồng, tăng 5,29% (tăng 17,4 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 64,51 tỷ đồng, tăng 4,13% (tăng 2.558 triệu đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 37,99 tỷ đồng, bằng 80,93% (giảm 8,9 tỷ đồng) so với tháng trước. Nguyên nhân tăng là do: Tháng 5/2021 công tác giải ngân vốn tăng tiếp tục tăng so với tháng trước. Nguồn vốn tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý là vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh (chiếm 77,12%). Các công trình nông thôn mới như rải thảm nhựa, xây dựng kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hạ tầng các chỉ tiêu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục thi công đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, các công trình sử dụng nguồn vốn ODA như dự án cải thiện cơ sở hạ tầng các vùng lũ ngập Hà Tĩnh, các dự án đường, cầu dân sinh đã được phân bổ, bàn giao vốn để xây dựng kịp thời.
- Dự ước 5 tháng đầu năm 2021: Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1902,94 tỷ đồng, đạt 25,0% kế hoạch năm, tăng 28,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.388,63 tỷ đồng, chiếm 72,97% tổng vốn, tăng 59,40% so với cùng kỳ; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 302,71 tỷ đồng, chiếm 15,91% tổng vốn, giảm 23,48% so với cùng kỳ; Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 211,60 tỷ đồng, chiếm 11,12% tổng vốn, tăng 0,78% so với cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù nguồn vốn được bổ sung kịp thời cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự huy động mọi nguồn lực của các đơn vị thi công, tuy nhiên vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý so vốn kế hoạch đạt thấp (đạt 25,0%). Nguyên ngân do thời gian đầu năm, chủ đầu tư chủ yếu đang thực hiện các công trình vốn chuyển tiếp từ các năm trước. Những dự án mới, hiện các đơn vị đang tập trung cho bước chuẩn bị đầu tư như lập dự án, thiết kế, báo cáo kinh tế kỹ thuật… dẫn đến việc thi công công trình chậm. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân mang tính cố hữu khác như ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu… cũng đã phần nào làm cho công tác giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm chậm.
3. Thương mại, dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2021: Dự ước giảm 0,16% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 6/12 nhóm ngành hàng có chỉ số giảm so với tháng trước: Lương thực, thực phẩm ước tính giảm 4,18%; hàng may mặc ước giảm 5,95%; vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 14,90%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phương tiện) ước giảm 6,25%; nhiên liệu khác ước giảm 1,89%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước giảm 3,35%. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn chưa được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng và giá cả các sản phẩm thịt bò và thịt lợn vẫn đang ở mức rất thấp. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại trên nhiều tỉnh thành và diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; ngoài ra việc hạn chế ra ngoài mua sắm, tiêu dùng của người dân đã làm giảm mức doanh thu các cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm mặt hàng giảm, trong tháng qua đã có 6/12 nhóm ngành hàng có chỉ số tăng so với tháng trước như: Nhóm đồ dùng, dụng cụ gia đình ước tăng 4,28%; gỗ và vật liệu xây dựng ước tăng 3,39%, ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước tăng 8,37% so với tháng trước; xăng, dầu các loại ước tăng 3,54% so với tháng trước; đá quý, kim loại quý ước tăng 1,97% so với tháng trước; hàng hóa khác tăng 8,38% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 19,93% so với cùng kỳ năm trước. Sau hơn một năm bùng phát, dịch bệnh Covid-19 đang dần làm thay đổi thói quen, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng trong tỉnh. Nhìn chung, hoạt động bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên với việc bùng phát và lây lan nhanh dịch Covid-19 chủng mới trong thời gian gần đây và vẫn chưa kiểm soát được, dự kiến hoạt động bán lẻ trên địa bản tỉnh trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 5/2021 giảm 19,8% so với tháng trước, tăng 63,64% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác dự ước giảm 17,44% so với tháng trước và tăng 33,06% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động dịch vụ tháng 5/2021 giảm mạnh so với các tháng đầu năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lây lan rộng trên phạm vi cả nước, đồng thời đầu tháng 5 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 sau thời gian cách ly, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2650 /UBND-VX1 ngày 5/5/2021 về việc tạm dừng một số hoạt động, dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, hạn chế tập trung đông người, tạm dừng tổ chức các sự kiện không quan trọng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage, cắt tóc, gội đầu,..vv phải dừng hoạt động, khiến cho doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trong tháng giảm mạnh.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tăng 50,33% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước tăng 38,42% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động dịch vụ 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh là do cùng kỳ năm trước phải thực hiện giãn cách xã hội nên doanh thu các ngành dịch vụ đạt thấp. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ có những biến động về kết quả sản xuất các ngành dịch vụ theo xu thế giảm khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
- Hoạt động Vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 5/2021 ước giảm 14,01% so tháng trước và tăng 11,70% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước giảm 31,76% so với tháng trước và tăng 19,20% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu vận tải hàng hóa ước tăng 8,79 % so với tháng trước và tăng 4,26 % so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước giảm 0,05% so với tháng trước và tăng 29,85% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi tháng 5/2021 giảm hơn so với tháng trước, chủ yếu do sự giảm mạnh của vận tải hành khách. Nguyên nhân do để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã có chỉ đạo từ ngày 10/5/2021 ngừng các tuyến xe cố định đến và đi các tỉnh có dịch; những tuyến còn hoạt động thì chỉ được phép chở tối đa 50% số khách theo quy định; cùng với đó là tâm lý e ngại khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi nên doanh thu vận tải hành khách giảm mạnh so với tháng trước.
Đối với vận tải hàng hóa, đây là thời điểm hầu hết các công trình xây dựng đi vào hoạt động mạnh, đồng thời cũng là thời điểm nắng nóng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đồ dùng như: Điện tử, điện lạnh, đồ dùng, dụng cụ gia đình, nước giải khát...tăng mạnh nên nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng và đồ dùng gia đình tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu vận tải hàng hóa chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải trong tháng giảm nhẹ so với tháng trước do trong tháng lượng than bốc qua cảng giảm, kéo theo doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ giảm.
Nhìn chung, kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 17,72%). Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ phát triển khá ổn định, các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành đầy đủ các qui định phòng chống dịch, với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động vận tải trên địa bàn trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả vận tải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.
4. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá CPI chung tháng 5 năm 2021 tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,01% so tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn tăng 0,06% so tháng trước, tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 07 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước (đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,23%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; giao thông tăng 0,48%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%). Có 01 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước (hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42%). 03 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước gồm (nhóm thuốc và dịch vụ y tế; Giáo dục; Bưu chính viễn thông).
CPI tháng 5 năm 2021 tăng so với tháng trước do các nguyên nhân chủ yếu: (1) Thời tiết chuyển dần nắng nóng, nhu cầu về điện, nước sinh hoạt, đồ dùng gia đình, dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, thực phẩm tăng. (2) Giá nhiên liệu xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến chỉ số nhóm giao thông và chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác, tác động vào giá bán lẻ chung trên thị trường; (3) Giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao, bao gồm cả sắt thép lẫn xi măng phục vụ xây dựng. Tuy nhiên dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và giá cả các nhóm thực phẩm tiêu dùng, gián tiếp tác động đến hoạt động ăn uống ngoài gia đình đã tác động làm giảm chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,63% so với tháng trước, tăng 11,96% so với cùng tháng năm trước; Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,56% so với tháng trước, giảm 0,04% so với cùng tháng năm trước.
Thị trường giá vàng 9999 trong tháng tăng nhẹ so tháng trước, nhìn chung diễn biến tăng, giảm giá vàng trong tháng với biên độ ổn định. Mức giá trong tháng thời điểm thấp nhất là 5.240 nghìn đồng, cao nhất 5.320 nghìn đồng/chỉ. Giá USD giảm mạnh, mức giá USD tại thời điểm ngày 21/5/2021 là 23.250 đồng/USD.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 2,1%, khu vực nông thôn tăng 1,05%.
Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 6/2021 dự kiến tăng cao hơn so tháng 5/2021. Giá điện, nước sinh hoạt dự kiến tăng mạnh khi thời tiết dự báo nắng nóng kéo dài trong thời gian tới, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Dịch bệnh trên đàn gia súc đang dần ổn định, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thịt lợn, bò đang tăng trở lại kéo theo giá thực phẩm có thể tăng. Cùng với đó, nhu cầu đối với các mặt hàng điện lạnh, dịch vụ bảo dưỡng thiết bị điện lạnh, hàng may mặc, đồ uống, dịch vụ tiêu dùng dự kiến còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Tình hình đời sống dân cư
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, một số hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập và gặp khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cùng sự nổ lực phấn đấu của Nhân dân trong phòng chống dịch nên đời sống của người dân vẫn ổn định. Dự kiến trong thời gian tới tình trạng thiếu đói không xẩy ra.
5.2. Hoạt động y tế
- Tình hình dịch bệnh: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại, có nhiều diễn biến mới và phức tạp. Để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Ngày 5/5/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 2650 /UBND-VX1 về việc tạm dừng một số hoạt động, dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19; Sở Y tế Hà Tĩnh ban hành QĐ số 552 /QĐ- SYT ngày 2/5/2021 về việc kiểm tra, xử phạt việc thực hiện quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Tĩnh. Tính đến ngày 19/5/2021, Hà Tĩnh hiện có 09 ca dương tính, đang được điều trị tại BVĐK cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; chưa có ca bệnh nào tử vong. Lũy kế từ khi có dịch đến nay có 13 ca dương tính, không có ca bệnh tử vong, trong đó có 4 ca đã khỏi và ra viện vào ngày 7/5/2020. Ngoài ra, Hà Tĩnh hiện đang cách ly, theo dõi 15 trường hợp tại cơ sở y tế, cách ly tập trung 349 trường hợp và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 13.931 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên hiện nay đều có sức khỏe ổn định.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Hà Tĩnh đã được cấp 8.950 liều vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca, trong đó: 7.300 liều dành cho nhân viên y tế, ban chỉ đạo và 1.650 liều cho bộ đội, công an. Kết thúc đợt 1 đã tiêm phòng cho 10.007 đối tượng trên tổng số 10.182 đối tượng dự kiến được tiêm, đạt 98,28%. Nguyên nhân số đối tượng được tiêm tăng cao hơn nhiều so với Bộ Y tế cấp là do: Theo quy định mỗi liều tiêm 0,5 ml, một lọ được đóng ước tính cho 10 mũi tiêm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vắc-xin đóng dung lượng thực tế 6ml, để bù trừ sự hao hụt trong quá trình tiêm. Do vậy trong đợt tiêm vừa qua, do không bị hao hụt vắc-xin nên tổng số liều vắc-xin ở Việt Nam nói chung và tại Hà Tĩnh nói riêng đều cao hơn dự kiến. Các đối tượng được tiêm cụ thể như sau: Nhân viên y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch là 7.093 người, đạt 97,16%; lực lượng biên phòng 1.172 người, đạt 97,83%; lực lượng công an 602 người, đạt 114,9%; cán bộ làm việc tại các khu cách ly 84 người, đạt 76,36%; cán bộ làm việc tại cửa khẩu, cảng biển 393 người, đạt 92,69%; cán bộ truyền hình, phóng viên 210 người, đạt 95,02%; Cục Hải quan 89 người, đạt 100%, các lực lượng khác 364 người, đạt 115,18%.
Trong tháng, có 02 ca sốt xuất huyết, 3 ca quai bị, 16 ca lỵ trực trùng, 24 ca lỵ amíp, 310 ca thủy đậu, 1.783 ca mắc bệnh cúm, 5 ca chân tay miệng, tiêu chảy 252 ca, viêm gan vi rút khác 9 ca, các ca bệnh khác không có. Tất cả các bệnh dịch trên đều không tạo thành ổ dịch và không có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ năm trước: Sốt xuất huyết tăng 2 ca, sốt rét giảm 18 ca, quai bị tăng 01 ca, lỵ trực trùng giảm 01 ca, lỵ amip giảm 02 ca, thủy đậu tăng 296 ca, cúm tăng 469 ca.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AID, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AID đối với cá nhân và cộng đồng bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng: Truyền thanh, truyền hình, báo, đài..vv. Trong tháng, Hà Tĩnh chỉ có 3 người nhiễm mới HIV (giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2020), 4 người chuyển thành AIDS (giảm 3 người) và không có người chết vì AIDS (giảm 2 người). Tính chung 5 tháng, có 27 người nhiễm HIV, 23 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn hiệu quả. Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Tĩnh đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, làm 15 ca bị ngộ độc. Ngoài ra, còn 103 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, không có trường hợp tử vong vì ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tăng 01 vụ; số ca ngộ độc đơn lẻ tăng 22 ca (tăng 27,16%), số ca tử vong không đổi. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể làm 27 ca ngộ độc, bên cạnh đó có 564 ca ngộ độc đơn lẻ và ko có người bị tử vong vì ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước, số vụ ngộ độc tăng 2 vụ, tăng 27 ca ngộ độc tập thể, số ca ngộ độc đơn lẻ tăng 112 ca ( tăng 24,78%).
5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Trước thời điểm dịch diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như: Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; các hoạt động tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng nhiều hình thức như: Thông qua hội nghị, diễn đàn, sinh hoạt hội đoàn thể; qua hệ thống panô, áp phích, băng cờ, khẩu hiệu; tuyên truyền lưu động, qua hệ thống truyền thông, báo chí và bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Tuy nhiên từ cuối tháng 4 do dịch diễn biến phức tạp nên tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết vì vậy các hoạt động văn hóa, văn nghệ trầm lắng hơn so với thời điểm trước.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 02 cuộc thanh tra kiểm tra. Qua kiểm tra đã thực hiện nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu Ban quản lý các khu, điểm du lịch tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động lĩnh vực du lịch; đồng thời kiểm tra xử lý các biển hiệu, bảng quảng cáo, băng- rôn không đúng quy định theo Luật quảng cáo trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đã cấp 19 giấy phép, trong đó có 15 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, 01 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao; 02 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 01 giấy phép thuộc lĩnh vực di sản văn hóa.
- Hoạt động thể thao
+ Thể thao quần chúng: Từ cuối tháng 4 tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy các hoạt động luyện tập, thi đấu thể thao tập trung đông người trong thời gian gần đây dừng hẳn, chỉ tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực cho chính bản thân và gia đình nhưng vẫn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
+ Thể thao thành tích cao: Từ ngày 16/4-15/5, Hà Tĩnh giành được 32 huy chương các loại (13 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 12 huy chương đồng), cụ thể: Giải Điền kinh cúp tốc độ thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đạt 20 huy chương các loại (9HCV-3HCB-8HCĐ), giải đua thuyền Rowing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc tại Đà Nẵng dành được 6 huy chương ( 3HCV-2HCB-1HCĐ), Giải vô địch các đội mạnh Vovinam tại Vũng Tàu đạt 2 huy chương (1HCB-1HCĐ), Giải vô địch Muay quốc gia năm 2021 đạt 4 huy chương (1HCV-1HCB-2HCĐ).
5.4. Tai nạn giao thông
Tính từ 15/4/2021 đến 14/5/2021 trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 8 người chết, 6 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng 45 triệu đồng. So với tháng trước số vụ không thay đổi, tăng 2 người chết và tăng 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước: tăng 4 vụ, tăng 01 người chết, tăng 01 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn, do không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường và sử dụng rượu bia khi lái xe.
Như vậy, tính từ 15/12/2020 đến 15/5/2021, Hà Tĩnh xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 32 người và bị thương 20 người. So cùng kỳ năm 2020 giảm 2 vụ, giảm 11 người chết và tăng 3 người bị thương.
5.5. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết khắc nghiệt cùng với mùa nắng nóng kéo dài và liên tục, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công văn số 707/CAT-PCCC ngày 14/4/2021 về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an toàn trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Từ ngày 15/4 đến 14/5/2021 đã xảy ra 4 vụ cháy, làm 1 người bị thương; tổng thiệt hại ước tính là 38 triệu đồng, nguyên nhân: Do chập điện 02 vụ, sơ suất trong sử dụng lửa 01 vụ, 01 vụ do sự cố kỹ thuật. So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ cháy, tăng 1 người bị thương, số người tử vong không đổi. Trong tháng không xảy ra nổ. So với cùng kỳ năm trước không thay đổi.
Tính chung 5 tháng, xẩy ra 13 vụ cháy, nổ làm 2 người chết, 2 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 2,29 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020 số vụ, số người chết không thay đổi, tăng 2 người bị thương.
- Công tác bảo vệ môi trường: Hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được các cấp, các ngành chú trọng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 06/5/2021 về thông tin, tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống. Từ ngày 15/4 đến ngày 14/5/2021, Hà Tĩnh đã phát hiện 21 vụ, đã xử lý 13 vụ, với tổng số tiền xử phạt 254 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ đã phát hiện tăng 12 vụ (tăng 133,33%), số vụ đã xử lý tăng 4 vụ (tăng 44,44%), số tiền xử phạt tăng 210 triệu đồng.
Tính chung 5 tháng đầu năm đã phát hiện 63 vụ vi phạm môi trường (tăng 46 vụ), xử lý 37 vụ (tăng 20 vụ) so với cùng kỳ năm 2020 với số tiền 442,5 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Số liệu kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021
BBT
Thêm ý kiến góp ý