Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Chuyển đổi số hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số, bảo đảm ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, khai thác dữ liệu số trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của các ngành, các cấp; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều loại phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu hàng hóa ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số, phần mềm thông minh, tự động hóa toàn phần hoặc từng phần hoạt động logistics, hoạt động xuất khẩu…
Mục tiêu đến năm 2030: Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp; hoạt động giao dịch giữa các cơ quan của chính quyền, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên mạng. 100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số…
Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đó là:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu đối với quá trình chuyển đổi số; tạo môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi để chuyển đổi số;
- Phát triển cơ sở hạ tầng số và dữ liệu số;
- Phát triển nhân lực chuyển đổi số;
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp;
- Từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh hướng đến xã hội số;
- Bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng;
- Một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số: Hoạt động của cơ quan Đảng, đoàn thể; tài nguyên môi trường; nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; thương mại; giao thông vận tải và logistics; y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch; đô thị thông minh, an ninh trật tự, an toàn giao thông.
BBT
Thêm ý kiến góp ý