Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Hà Tĩnh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

  

02:46 14/12/2021

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Đây là một trong những nội dung, tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số

Để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.


Bưởi Phúc Trạch là sản phẩm đầu tiên trong số các cây ăn quả có múi được Hà Tĩnh chọn lựa để thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ số.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế, tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ, chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Huy Oánh – Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh cho biết: tỉnh Hà Tĩnh xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ thực tế đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới xây dựng Kế hoạch chung để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP, với mục tiêu xây dựng chiến lược chuyển đổi số đồng bộ từ công tác quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, minh bạch dữ liệu… giúp hiện đại hoá công tác quản trị, tăng doanh thu bền vững, giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất.

Ông Trần Huy Oánh cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã chủ động triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ phát triển sản xuất. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh và bước đầu có nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề bước đầu cho việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Chương trình OCOP; góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp

Trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP, tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu về phát triển chính quyền số: Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, chất lượng cung cấp dịch vụ công của ngành nông nghiệp; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.


Nhiều mô hình trồng dưa trong nhà màng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển bằng smartphone (Ảnh: Bá Tân)

Về phát triển kinh tế số, tỉnh Hà Tĩnh tập trung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế Nông nghiệp và Chương trình OCOP; phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tối thiểu 10%, trong Chương trình OCOP đạt 30%; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về công nghệ thông tin.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định nhiệm vụ trong chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế, tổ chức bộ máy; Phát triển hạ tầng số; Phát triển cơ sở dữ liệu số; Phát triển nhân lực chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ số trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành của các chủ thể sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm... Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp.

Song song với việc xây dựng kế hoạch, hiện nay Hà Tĩnh đã triển khai một số mô hình ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng như lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây ăn quả có múi. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh chọn bưởi Phúc Trạch – sản phẩm nổi tiếng của làm đối tượng thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ số, từ đó làm cơ sở để nhân rộng trên cây ăn quả có múi và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Hà Tĩnh lựa chọn đối tượng chuyển đổi số bắt đầu từ cây ăn quả có múi và bưởi Phúc Trạch là đối tượng đầu tiên. Đây là sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao với nhiều tiềm năng, lợi thế đảm bảo sự thành công cho chương trình. Xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Thấu hiểu sự khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của bà con khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mùa thu hoạch đại trà đã dần đến và mùa mưa lũ cũng cận kề, với niềm tin từ thành công trên sàn thương mại điện tử của Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi số và đưa sản phẩm cây ăn quả có múi (bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù) lên sàn thương mại điện tử ngay trong vụ thu hoạch năm 2021”.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn

Sau sản phẩm bưởi Phúc Trạch thì hiện nay, Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Hiện trang đã kết nối 1.611 hộ sản xuất, 278 hợp tác xã/tổ hợp tác.

Nhấn mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành Nông nghiệp đã nhanh chóng nhập cuộc, bắt nhịp chuyển đổi số, nâng tầm giá trị của các loại hàng hóa nông- lâm-thủy sản vào các thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thành công bước đầu đã đưa được bưởi Phúc Trạch, một sản phẩm kinh tế chủ lực của nông dân Hà Tĩnh lên sàn thương mại điện tử. Kết quả này, thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng lực nắm bắt về công nghệ chuyển đổi số của cơ quan chuyên môn khoa học khuyến nông tỉnh, cũng như các ban ngành của Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh tiếp tục dồn lực, thực hiện chuyển đổi số, đưa sản phẩm cam chanh, cam bù và các sản phẩm nông nghiệp khác lên sàn sàn thương mại điện tử. Đồng thời, ngành sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ tự động trong sản xuất, đóng gói sản phẩm và tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng ản phẩm và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Có thể khẳng định rằng, cũng như nhiều ngành nghề khác, thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong tương lai, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số cũng như phải có một lộ trình cụ thể, lâu dài phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện