Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Thanh tra ngành TT&TT đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống giám sát online toàn diện

  

01:14 05/07/2022

Ngày 01/7, tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dự và chỉ đạo Hội nghị.


Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật- Bộ Tư pháp; các cán bộ và chuyên viên làm công tác thanh tra chuyên ngành Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị là dịp để những người làm công tác thanh tra trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những tình huống xử lý trong thực tiễn công tác, nắm bắt và cập nhật thêm những kiến thức mới để triển khai trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực Thanh tra, với trọng trách giúp lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần phụng sự Tổ quốc.

Để làm tốt việc này, hoạt động thanh tra phải bắt đầu từ giám sát và giám sát phải rộng khắp, liên tục. Giám sát sớm để phát hiện sớm và cảnh báo trước, tránh những vụ việc đáng tiếc. Muốn vậy thì ngành Thanh tra phải có hệ thống giám sát tốt và sử dụng công nghệ nhiều hơn. Chuyển đổi số sẽ giúp hệ thống giám sát được online và toàn diện. Nếu không có hệ thống này, 5 năm mới tới thanh tra một lần thì không thể nhắc trước xử sau được mà chỉ có thể có sao xử vậy. Và như thế thì không có tính giáo dục nhiều, chống nhiều hơn phòng.

Việc thì càng ngày càng nhiều, người thì càng ngày càng giảm. Vì vậy chúng ta cần chuyển đổi số, tự động hóa một số khâu trong cách làm việc, hệ thống ra một số cái chính để đưa lên môi trường số. Về công nghệ thì có trợ lý ảo giúp việc, cần gì về chuyên môn nghiệp vụ thì hỏi trợ lý ảo. Về tri thức ngành Thanh tra thì làm nhiều quen tay, phải tạo ra các mẫu lấy thông tin để thu thập dữ liệu nhanh hơn. Các tri thức thanh tra phải được chắt lọc hàng năm và đưa vào hệ tri thức ngành. Thanh tra cũng như bất kỳ ngành nào, mỗi năm cần hệ thống hóa lại tri thức mới, tự động hóa, dùng công nghệ hỗ trợ để năng suất lao động mỗi năm tăng ít nhất 10%, chỉ có như vậy mới đáp ứng được nghiệp vụ. Nếu qua 1 năm mà không đưa tri thức học tập được thành tài sản chung cho tất cả thanh tra viên thì năm sau vẫn như năm trước. Năng suất lao động không tăng, nhân viên quá tải và chất lượng công việc sẽ đi xuống từng năm. Nếu chúng ta có hệ thống tri thức ngành tập trung thì giải được bài toán chất lượng thanh tra viên không đồng đều.


 Các đại biểu tham dự hội nghị

Muốn Thanh tra các đơn vị, các Sở làm tốt lên, giỏi lên thì Thanh tra Bộ cần phải lùi lại, làm ít đi, giám sát nhiều hơn, hỗ trợ thúc đẩy nhiều hơn, đào tạo nhiều hơn, cung cấp công cụ tri thức nhiều hơn và chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn. Thanh tra Bộ cần phải nắm nhân sự toàn ngành, chăm lo xây dựng con người, tổ chức tập huấn, đào tạo tập trung qua các nền tảng online và xây dựng các nền tảng số, chuyển đổi số toàn ngành. Thanh tra Bộ phải có khuyến nghị về tổ chức thanh tra tỉnh để gửi cho các địa phương tham khảo để tổ chức cơ bản là tự động. Các số liệu, kết quả thanh tra hàng năm của toàn ngành cũng phải được gửi tới lãnh đạo các tỉnh để tham khảo.- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý: Ngành thanh tra phải góp phần hoàn thiện thể chế. Hệ thống pháp luật của chúng ta đang hình thành, đang phát triển ở giai đoạn đầu và nhiều cái chưa theo kịp cuộc sống. Mỗi lần thanh tra, kiểm tra thì cần xem hệ thống pháp luật khi áp dụng vào cuộc sống thì có tồn tại, bất cập gì không, nếu có thì phải đề xuất sửa đổi thì như vậy mới giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp nhiều người không mắc lỗi, phạm tội.

Thanh tra cần tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội và bám sát theo trọng tâm của Bộ theo từng năm để lập kế hoạch thanh tra. Trong quá trình thanh tra cần nghiêm túc, trách nhiệm. Người làm công tác thanh tra phải "tâm sáng, lòng trong, tay sạch". Xử phạt cần ít nhưng nghiêm minh, có tính giáo dục và răn đe, như vậy ngành Thanh tra mới góp phần cho ngành Thông tin và Truyền thông phát triển bền vững.- Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc luân chuyển trong hoạt động thanh tra cần làm thường xuyên. Đổi mới, tái tạo lại mình nếu làm một vài lần sẽ trở thành nhu cầu tự thân. Những người làm thanh tra phải rất am hiểu nghề và lĩnh vực mình làm thanh tra, chỉ có như vậy mới có lý, có tình, làm cho người được thanh tra tâm phục, khẩu phục và cũng vì thế họ mới thành tâm sửa lỗi, mới biết ơn chúng ta đã chỉ ra cho họ thấy cái sai mà sửa. Muốn phán xét người khác thì phải có đủ chuyên môn và tư cách. Xử phạt phải có tính răn đe.

“Việc tập huấn nghiệp vụ, phổ biến pháp luật hôm nay cũng là để chúng ta hiểu về nghề hơn và để làm thanh tra tốt hơn. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ làm với thanh tra viên mà cần làm nhiều hơn với các đối tượng quản lý vì mục tiêu của chúng ta là các đối tượng quản lý hoạt động đúng pháp luật. Ngành Thanh tra càng phải quan tâm nhiều hơn đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng quản lý và thực hiện nghiêm minh nhất là tại các địa phương.” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.


                                                    Ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời nêu lên một số vấn đề về cơ cấu tổ chức của thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông; một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; kết quả và định hướng công tác thanh tra trong lĩnh vực báo chí, xuất bản… trong thời gian tới.


Bộ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 được tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 30/6-1/7/2022.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên đề: Giới thiệu về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính; Phương pháp tiến hành một cuộc thanh tra; Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức của thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông và các chuyên đề về: Một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; kết quả và định hướng công tác thanh tra trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; giới thiệu hệ thống dữ liệu quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị và Hệ thống cảnh báo sớm đối tượng quản lý./.

 Theo Mic.gov.vn 

Linkgốc:https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/154140/Thanh-tra-nganh-TT-TT-day-manh-chuyen-doi-so--xay-dung-he-thong-giam-sat-online-toan-dien.html


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện