Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đột phá trên hành trình phát triển (bài 3):Thúc đẩy giá trị mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh nhà

  

09:42 09/10/2023

Cùng với "trụ cột" chính quyền số, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã và đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh tích cực triển khai, bước đầu đã đạt được những những kết quả khá ấn tượng. Qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giúp người dân tiếp cận và thụ hưởng nhiều tiện ích trong thời đại số.



Chỉ với chiếc điện thoại di động trên tay, ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm (Hương Khê) có thể theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây qua camera giám sát; quản lý hệ thống tưới tiêu tự động hay livestream sản phẩm trên mạng xã hội, tham gia các sàn giao dịch điện tử... “Ứng dụng công nghệ đã giúp chúng tôi tiết kiệm được nhân lực, quản lý sản xuất khoa học hơn và mở rộng kênh tiêu thụ. Nhờ vậy, doanh thu vụ cam cũng tăng dần lên, năm 2022 tăng hơn 10% so với năm 2021” - ông Nhâm chia sẻ.

Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm (Hương Khê) sử dụng điện thoại theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cam.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng tất yếu và được các HTX, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Đặc biệt trong xây dựng NTM, chuyển đổi số đã được hiện thực hóa trong công tác quản lý, thực hiện chương trình NTM, xây dựng các sản phẩm OCOP và hoạt động giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các nền tảng mạng xã hội.

Mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP (hữu cơ, VietGAP) tại xã Tượng Sơn.

Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, Hà Tĩnh đã xây dựng các khu dân cư thông minh, xã thông minh, mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực; hỗ trợ các cơ sở xúc tiến thương mại trên các sàn TMĐT, nhất là bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội”.

Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế số cũng đã được xây dựng, vận hành hiệu quả như: quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; camera giám sát vườn trồng; mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP, VietGAP tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà); hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh; thí điểm xây dựng xã TMĐT tại Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)...”


Trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã xây dựng và vận hành hiệu quả sàn TMĐT của tỉnh https://hatiplaza.com. và https://hatinhtrade.com.vn. đồng thời, liên kết, hướng dẫn, hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh tham gia hoạt động quảng cáo trực tuyến, livestream bán hàng trên các kênh TikTok, Facebook...; liên kết với một số sàn TMĐT lớn trên cả nước như Voso, Postmart, Shopee, Lazada... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.800 gian hàng trên các sàn TMĐT. Tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của DN, hộ kinh doanh Hà Tĩnh trên sàn TMĐT và mạng xã hội năm 2022 đạt gần 250 tỷ đồng (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021); 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 130 tỷ đồng.

Các Tiktoker giúp người dân Hà Tĩnh bán hàng qua mạng xã hội.

Chuyển đổi số còn lan tỏa rộng rãi trong người dân với việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế, DN, chợ, trung tâm thương mại hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ thành thị đến nông thôn đều đã ứng dụng chuyển khoản, thanh toán thẻ, đặc biệt là thanh toán qua quét mã QR... Các ngân hàng triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến đối với nhiều dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, cước internet, viện phí, học phí, chuyển tiền từ thiện, mua sắm trực tuyến...

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp Công ty Cổ phần Lasa (TP Hà Tĩnh)giảm chi phí quản lý, lưu trữ, sử dụng hóa đơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn Hà Tĩnh đã sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT); sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; chương trình hóa đơn may mắn... Chị Nguyễn Thị Cẩm Anh - Kế toán trưởng Công ty cổ phần Lasa (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Áp dụng HĐĐT góp phần giúp công ty giảm chi phí quản lý, lưu trữ, sử dụng hóa đơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy. HĐĐT còn có thể phát hành cho khách hàng ở bất cứ đâu rất thuận lợi trong giao dịch”.


Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Sau gần 1 năm triển khai, đến tháng 6/2023, với việc kích hoạt 870.888 tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) mức độ 2 (đạt hơn 101%), Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản ĐDĐT. Kết quả này không chỉ là yếu tố then chốt trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ mà quan trọng hơn còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cá nhân.


Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Tài khoản ĐDĐT mức độ 2 có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân gắn chip, có giá trị như sổ hộ khẩu điện tử, có giá trị thay thế giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, BHYT...; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; phản ánh kiến nghị về tình hình an ninh trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm... Với những tiện ích như vậy, mong rằng, sau khi cài đặt, kích hoạt, người dân sẽ tích cực sử dụng để phát huy hiệu quả, giá trị của tài khoản và góp phần hình thành công dân số”.

Ngành Y tế Hà Tĩnh tích cực chuyển đổi số.

Bắt nhịp với lộ trình chuyển đổi số, thời gian gần đây, ngành y tế đã triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân; khám chữa bệnh từ xa, quản lý nhà thuốc bằng phần mềm; ứng dụng công nghệ thông tin và liên thông dữ liệu trong thăm khám, điều trị Tele - ICU; hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế (PACS) trong chẩn đoán hình ảnh; ra mắt kênh thông tin Official Account “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh” trên Zalo... nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sử dụng hệ thống PACS để lưu hình, phim chẩn đoán hình ảnh, không in phim.

Chị Phạm Thị Giang (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) - người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Vừa rồi, nhờ sự cấp cứu kịp thời của các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và việc ứng dụng liên thông dữ liệu, hội chẩn từ xa khi thăm khám điều trị với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nên chồng tôi đã vượt qua nguy kịch. Quá trình chuyển tuyến, nhờ liên thông dữ liệu nên việc tiếp nhận, điều trị cũng thuận lợi, nhanh chóng”.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối mạng, bất cứ ai cũng có thể theo dõi được các mốc hình thành và phát triển hơn 190 năm của tỉnh Hà Tĩnh thông qua triển lãm trực tuyến 3D “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” từ địa chỉ trienlam.hatinh.gov.vn". Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện được tiện ích này.


Bên cạnh đó, khi tới một số địa chỉ du lịch, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, du khách có thể có những trải nghiệm tham quan trên nền tảng 3D, ứng dụng thực tế ảo hoặc quét mã QR tìm kiếm thông tin. Các nền tảng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, nhà hàng, khách sạn, homestay... cũng tích cực được cập nhật qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội phục vụ người dùng.

Rõ nét và đồng bộ trong chuyển đổi số trên lĩnh vực xã hội phải nói đến những đổi thay toàn diện của ngành giáo dục. Trong giai đoạn thích ứng với đại dịch COVID-19 (2020-2021), các nền tảng dạy và học trực tuyến được ứng dụng và vận hành rộng rãi, hiệu quả, từ đó tạo nền tảng để ngành tiếp tục mở rộng ứng dụng thi trực tuyến; đào tạo, quản lý giáo viên trực tuyến; quản lý hồ sơ giáo viên và học sinh... Chuyển đổi số đang tiếp tục được cơ sở giáo dục triển khai sâu rộng trong từng sân chơi, cuộc thi, giờ học, góp phần quan trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực xã hội, các cơ quan, đơn vị đang tích cực thực hiện chuyển đổi số gắn với chức năng, nhiệm vụ để phục vụ người dân ngày càng tiện ích hơn: Sở LĐ-TB&XH phối hợp thực hiện Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) người có công với cách mạng; Sở GTVT liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe điện tử phục vụ dịch vụ công cấp đổi giấy phép lái xe; Sở Công thương xây dựng CSDL hội chợ trực tuyến, bản đồ số ngành công thương; BHXH tỉnh kết nối dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ hơn 99,3%); Thư viện tỉnh từng bước số hóa tài liệu, xây dựng dữ liệu sách điện tử; các trung tâm đô thị tại các huyện, thành phố, thị xã lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, trật tự hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm; đầu tư truyền thanh thông minh; số hóa hợp đồng mua bán điện...

Thôn Nam Bắc Thành (Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) là một trong những thôn xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu thông minh.

Đạt được những kết quả ấn tượng nhưng so với các chỉ tiêu đề ra và yêu cầu thực tiễn, chuyển đổi số trong lĩnh vực KT-XH trên địa bàn được đánh giá là chuyển biến vẫn còn chậm và đang đặt ra nhiều thách thức với các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Hiện nay, các dữ liệu thông tin còn khá nghèo, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khai thác của người dùng, các phần mềm tích hợp thiếu tính đồng bộ..., quá trình vận hành chưa thực sự mang đến tiện ích tối ưu; bên cạnh đó, người dùng còn hạn chế nhận thức về chuyển đổi số cũng như kỹ năng thực hành các ứng dụng. Ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số chủ yếu mới được triển khai ở khâu bán hàng, chưa được ứng dụng đồng bộ trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị. Hay trong các lĩnh vực du lịch, dữ liệu được số hóa chủ yếu cung cấp thông tin về điểm đến mà còn thiếu đồng bộ thông tin về hạ tầng, môi trường, các dịch vụ để du khách tìm hiểu, lựa chọn...

Những khó khăn, hạn chế, thách thức trong bước đầu thực hiện chuyển đổi số là điều không thể tránh khỏi và cũng đã được dự báo. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người dân, Hà Tĩnh đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, nỗ lực đảm bảo lộ trình đã đề ra, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh

Bài 1: Nền tảng vững chắc trên hành trình chuyển đổi số ở Hà Tĩnh

Bài 2: Nỗ lực kiến tạo môi trường số trong giao dịch hành chính ở Hà Tĩnh

(Còn nữa)

Theo BHT

Link: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/chuyen-doi-so-nhiem-vu-trong-tam-xuyen-suot-va-dot-pha-tren-hanh-trinh-phat-trien-bai-3-thuc-day-gia-tri-moi-trong-cac-linh-vuc-kinh-te-xa-hoi-tinh-nha/255345.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện