4.0 từ khâu quản lý
Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng GD&ĐT nên ngay khi có các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh, Sở GĐ&ĐT đã nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng GD&ĐT
Theo đó, Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-SGDĐT về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025, định hướng năm 2030 và Kế hoạch số 109/KH-SGDĐT về thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. 2 kế hoạch là “kim chỉ nam” cho toàn ngành triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng CNTT vào toàn bộ hoạt động điều hành, quản lý Nhà nước về giáo dục và đổi mới dạy học.
TP Hà Tĩnh là địa bàn trung tâm, số lượng trường học và học sinh lớn nên đặt ra nhiều yêu cầu về công tác quản lý hoạt động dạy và học. Chính vì vậy, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT là yêu cầu mang tính cấp thiết để cơ quan quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Nhờ triển khai từ sớm Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học Tin học - Ngoại ngữ giai đoạn 2008-2013” nên TP Hà Tĩnh có nền tảng hạ tầng CNTT đồng bộ hơn so với các địa phương khác. Điều này giúp phòng và các trường tiếp cận nhanh hơn với quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, tại các trường, hồ sơ quản lý đều là hồ sơ điện tử, các nội dung về kiểm định chất lượng, thi đua - khen thưởng, tài chính - kế toán... đều thực hiện bằng các phần mềm thông minh. Hoạt động chỉ đạo điều hành từ phòng cho đến các trường và ngược lại đều thông qua môi trường mạng, nhờ đó tối đa hồ sơ, thủ tục bằng giấy”.
Hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục ngày càng được đồng bộ.
Không chỉ tại TP Hà Tĩnh mà hiện nay, tất các các phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn tỉnh đều đã từng bước số hóa các hoạt động quản lý, điều hành thông qua hệ thống phần mềm. Thầy Bùi Quang Thành - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Nghi (Thạch Hà) cho biết: “Hiện nay, công tác quản lý của nhà trường đều qua phần mềm VnEdu. Các nội dung như: điểm thi, sổ điểm, học bạ, sổ đầu bài, nhân sự, tài chính... đều triển khai trên môi trường internet. Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu được thông suốt và sâu sát; giáo viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức”.
Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản công tác quản lý, điều hành của ngành theo hướng minh bạch, thông suốt, hiệu quả và công bằng. Hồ sơ công việc được triển khai đồng bộ từ sở xuống các phòng, trường và các đơn vị trực thuộc. 100% văn bản (trừ văn bản bí mật Nhà nước) được triển khai trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo sở và lãnh đạo các trường sử dụng chữ ký số cá nhân. Đặc biệt, các trường đã xây dựng được cơ sở dữ liệu với đầy đủ các thông tin về cán bộ, giáo viên, công tác tuyển sinh... và được kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành để khai thác thông tin một cách liên thông và 2 chiều”.
Dạy và học bằng nhiều tiện ích số
Từ năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chính thức đưa vào sử dụng phòng học thông minh. Phòng học được trang bị bảng tương tác thông minh, máy tính bảng hỗ trợ phần mềm dạy học, hệ thống âm thanh, các trang thiết bị hỗ trợ khác được kết nối đồng bộ hệ thống dữ liệu... Ngoài ra, tất cả lớp học của trường đều được trang bị smart tivi có kết nối internet, tạo điều kiện cho giáo viên khai thác các phần mềm, học liệu điện tử vào bài giảng.
Mô hình phòng học thông minh ngày càng phát huy hiệu quả.
Cô Đinh Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà cho biết: “Phòng học thông minh đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Giáo viên có thể vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học, tăng kỹ năng tương tác đa chiều và phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá sát đúng đối với mỗi học sinh, từ đó có phương pháp phù hợp cho từng em”.
Các bài giảng điện tử được các giáo viên xây dựng tạo sự hứng khởi cho học sinh.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên), việc ứng dụng các phần mềm vào hoạt động chuyên môn đã được triển khai từ khá sớm. Ngoài việc tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến qua hệ thống google meet, công tác kiểm tra, đánh giá cũng được điện tử hóa thông qua các ứng dụng EXAM, google form...
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết: “Việc ứng dụng CNTT vào nâng cao chất lượng dạy và học có sự chuyển biến mạnh mẽ là nhờ cơ sở vật chất của nhà trường khá đồng bộ với hệ thống mạng internet, máy tính, máy chiếu, đi kèm là các phần mềm tiện ích. Đặc biệt, nhà trường có đội ngũ giáo viên trẻ nên rất tâm huyết, đam mê trong việc chuyển đổi số, không ngại khó, ngại đổi mới, đây là thuận lợi mà không phải đơn vị nào cũng có được”.
Theo đánh giá từ Sở GD&ĐT, hiện nay, 100% trường THPT trên địa bàn đều đã triển khai sổ điểm, sổ học bạ bằng điện tử. Các cấp học từ tiểu học đến THPT đều sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và các phần mềm chuyên dụng phục vụ việc soạn bài giảng và mô phỏng các tiết học.
"Thời gian tới, chuyển đổi số tiếp tục sẽ là nội dung được quan tâm hàng đầu của ngành. Trong đó, Sở GD&ĐT sẽ sớm phối hợp xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu ngành; tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên; nhân rộng mô hình phòng học thông minh, thư viện thông minh; tổ chức tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức trực tuyến; thí điểm việc thi trực tuyến bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip..." - Thầy Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/giao-duc/chuyen-doi-so-tao-dot-pha-trong-giao-duc-o-ha-tinh/257483.htm
Thêm ý kiến góp ý