Đẩy mạnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNelD ở Hà Tĩnh
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng CCCD gắn chíp và ứng dụng VNelD để tham gia khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.
Giao Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn thực hiện thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp và ứng dụng VNelD, hoàn thành trước ngày 30/6/2023 và báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh theo báo cáo định kỳ về Đề án 06/CP.
Theo Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), trong giai đoạn 2022 - 2023, phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNelD trên cơ sở mở rộng, tích hợp các thông tin, dịch vụ như: y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử... (điểm b, mục 2, phần II, Đề án 06), Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNelD.
Sau gần 1 năm triển khai, đã có 12.275/13.047 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 94,08%) với 18.541.860 công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Thanh Hóa là địa phương có số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh nhiều nhất với 3.056.707 công dân (chiếm 16,48%). Kiên Giang là địa phương có số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh ít nhất với 33.541 công dân (chiếm 0,18%).
Việc triển khai, thực hiện giải pháp này đã tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
BBT
Thêm ý kiến góp ý