Hình minh họa
Theo Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2023, tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam đã đạt hơn 72% dân số, với 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Với doanh thu ước đạt 20,5 tỷ USD. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới; giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.
Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử tại Hà Tĩnh những năm qua đã có chuyển biến mạnh mẽ; năm 2024, Dự kiến doanh thu từ các hoạt động thương mại điện tử tại Hà Tĩnh đạt khoảng 280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.
Hưởng ứng Tháng tiêu dùng số và Ngày chuyển đổi số quốc gia, Sở Công Thương đã tổ chức chương trình tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh về kinh tế số, kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiktok, Shopee,… thu hút đông đảo người dân tham gia; Xây dựng chuyên đề về "An toàn khi mua bán hàng hóa trong thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt". Quản trị và vận hành sàn Thương mại điện tử của tỉnh, đến nay đã có 539 gian hàng với hơn 682 sản phẩm, thu hút gần 20.000 lượt truy cập/tháng. Hỗ trợ các cơ sở xây dựng các website TMĐT, xây dựng gian hàng trên các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước; xây dựng và tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến thực tế ảo 2D, 3D thu hút trên 30 gian hàng tham gia.
Toàn tỉnh có trên 200 website thương mại điện tử bán hàng; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương nhân tại chợ truyền thồng đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng Qrcode để quyét mã thanh toán; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thu tiền điện đạt 81,93%.
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Chương trình Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số, Sở Công Thương, phát động, tham gia thực hiện, hưởng ứng một số nội dung như sau:
Thứ nhất, phát động Tháng tiêu dùng số, khuyến khích người dân tiếp cận và mua sắm an toàn trên các website thương mại điện tử đã được đăng ký với Bộ Công Thương. Thu hút người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh truy cập và mua sắm sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh. Tích cực hỗ trợ để đưa 100% các cơ sở có sản phẩm OCOP kinh doanh trên các sàn và nền tảng TMĐT.
Thứ hai, kêu gọi các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt; 100% khách hàng thanh toán tiền điện thông qua tài khoản ngân hàng. Cán bộ, công chức và nhân dân truyền thông, chia sẻ video chuyên đề do Sở Công Thương xây dựng với nội dung “An toàn khi mua bán hàng hóa trong thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt”, được đăng tải trên Baohatinh.vn và fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử.
Thứ ba, các cơ sở cung cấp hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử cần minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng tiếp cận và mua sắm hàng hóa chất lượng. Đồng thời, khuyến khích các sàn thương mại điện tử, các ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút thêm nhiều cơ sở, người tiêu dùng tham gia, hưởng ứng.
Thứ tư, kêu gọi người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên nền tảng kinh doanh TMĐT để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.
BBT
Thêm ý kiến góp ý