Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính đã được tỉnh Hà Tĩnh triển khai quyết liệt và đã mang lại những hiệu ứng tích cực, góp phần đẩy nhanh phát triển KTXH trên địa bàn.
Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động góp phần tạo bước đột phá trong cải cách hành chính tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hoài.
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã ứng dụng phần mềm gửi nhận văn bản điện tử, chỉ đạo và điều hành trực tuyến kết hợp với ứng dụng chữ ký số; 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có Cổng thông tin điện tử, 195/262 UBND cấp xã có trang thông tin điện tử; tất cả các sở ban ngành, UBND cấp huyện ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ và cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3,…
Đặc biệt trong năm 2017, sự hình thành Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và Trung tâm hành chính công ở các huyện thị (TX Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Thạch Hà…) gắn với đó là việc ứng dụng đồng bộ phần mềm cung cấp dịch vụ công tới cấp xã và 195/262 xã/phường có Trang thông tin điện tử cung cấp đủ thông tin thiết yếu đã đánh dấu bước chuyển hết sức mạnh mẽ của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của tỉnh.
Nhân viên giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Mạnh Hà
Việc thực hiện hiệu quả các nhóm phần mềm ở trên đã mang lại những lợi ích thiết thực: thông tin nhanh, tiết kiệm việc in ấn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cơ quan nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp. Cụ thể:
100% thủ tục hành chính được triển khai tại Trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa đối với cả 3 cấp, tất cả đều được tổ chức quản lý và vận hành thống nhất qua phần mềm, tại cổng dịch vụ công của tỉnh www.dichvucong.hatinh.gov.vn.
24 danh mục thông tin cần phải công khai theo Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh đã được thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp, giúp minh bạch hầu hết thông tin hoạt động thường xuyên của từng địa phương, đơn vị, góp phần minh bạch hóa nền hành chính và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận, khai thác thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Đăng ký phương tiện xuất nhập khẩu qua phần mềm điện tử tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh tư liệu
Một lợi ích rất rõ là nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các ngành. Ngành Hải Quan đã ứng dụng thành công hệ thống VNACCS/VCIS và Ecustoms5, GTT02… với hơn 94% thủ tục hành chính là dịch vụ công mức độ 3, không chỉ phục vụ khai báo tờ khai, thông quan, thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh trực tuyến mà còn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất nhập cảnh.
Ngành Thuế đã triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng các khâu như quản lý thuế, cấp mã số thuế, quản lý nợ, quản lý hồ sơ, quản lý ấn chỉ, thanh tra, kiểm tra và quản lý cán bộ, tài sản, kế toán chi, xây dựng cơ bản v.vv.. đều được thực hiện trực tuyến, cùng với 03 dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4, đó là dịch vụ Kê khai thuế qua mạng, dịch vụ Nộp thuế điện tử và Hoàn thuế điện tử, đồng thời liên thông cơ chế một cửa với Sở Kế hoạch Đầu tư tạo thuận lợi tối đa cho Người nộp thuế.
Việc gửi và nhận các loại văn bản, giấy mời qua hệ thống thư điện tử đã hạn chế tối đa tình trạng thất lạc, chậm trễ và tiết kiệm thời gian cho nhân viên văn phòng. Ảnh: Anh Hoài
Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thành công Hệ thống thông tin giám định BHYT, liên thông dữ liệu hàng ngày giữa ngành Y tế với cơ quan BHXH; đã có 273/281 cơ sở có liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT với cổng thông tin giao dịch BHYT, phát triển giao dịch BHXH điện tử đến 100% đơn vị sử dụng lao động và có 3100 đơn vị đăng ký thực hiện.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai hệ thống PACS giúp lưu và chuyển hình ảnh (không in phim) giúp tiết kiệm cho người bệnh và quỹ BHYT từ 250-270 triệu/tháng, ứng dụng hệ thống quản lý bệnh án điện tử, hệ thống lấy số xếp hàng tự động liên thông kết quả giữa các khoa phòng khám bệnh,…đã cải thiện rõ rệt sự hài lòng cho bệnh nhân, người nhà khi thăm khám và chữa bệnh.
Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh BVĐK tỉnh kết nối với Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ đọc kết quả trực tuyến về một ca bệnh khó. Ảnh: Biện Nhung
Cùng với đó, các ngành Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Giáo thông vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường,… cũng triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ giúp cải thiện chất lượng phục vụ người dân và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.
Tuy đạt những kết quả có tính đột phá trong năm 2017, nhưng vẫn còn 1 số vấn đề cần quan tâm hơn, đó là số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua dịch vụ công mức độ 3 còn rất hạn chế. Một số danh mục thông tin chưa được cung cấp đầy đủ, thiếu kịp thời. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh còn quá nhỏ, lạc hậu về công nghệ nên chưa đủ điều kiện để tổ chức quản lý tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin toàn tỉnh. Chưa triển khai được hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP) nên các phần mềm, các cơ sở dữ liệu của các ngành còn ứng dụng rời rạc, độc lập nhau, ảnh hưởng đến hiệu suất tổ chức quản lý nhà nước và phục vụ người dân trong toàn tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính về báo chí - xuất bản tại Sở TT-TT.Ảnh: PV
Kỳ vọng trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm hơn trong cơ chế đầu tư, sự tuyên truyền về các dịch vụ công mạnh mẽ, cụ thể hơn và mỗi một cán bộ công chức cũng thực sự hoàn thiện để trở thành công chức điện tử thì việc ứng dụng CNTT TRONG CCHC ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn./.
Phan Tấn Linh
Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh
Add New Comment